Podcasts by Category

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

RFI Tiếng Việt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

106 - Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, TT Putin dành tiềm lực cho “kinh tế chiến tranh”
0:00 / 0:00
1x
  • 106 - Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, TT Putin dành tiềm lực cho “kinh tế chiến tranh”

    Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, tổng thống Putin dành tiền lực cho“kinh tế chiến tranh” ; Tại sao Nga thắng thế ở Kharkiv ở vùng đông bắc Ukraina ? “Trục Nga - Trung” muốn trở thành một giải pháp thay thế phương Tây ; Tại sao bạo loạn lại bùng phát ở lãnh thổ hải ngoại Pháp Nouvelle-Calédonie ở Thái Bình Dương ? Thảm đỏ Cannes 2024 lại chờ một làn sóng #Metoo mới. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    Đổi chủ ở bộ tham nhũng nhất Nga, TT Putin dành tiềm lực cho “kinh tế chiến tranh”

    Lần đầu tiên kể từ năm 2012, bộ Quốc Phòng Nga có lãnh đạo mới. Ông Sergei Shoigu phải nhường ghế cho kinh tế gia Andrei Beloossov, cựu thủ tướng Nga và cũng là một người trung thành với tổng thống Vladimir Putin. Người giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng lâu nhất lịch sử Nga tạm thời được tổng thống Putin cho “hạ cánh an toàn” sau khi được bổ nhiệm làm thư ký Hội đồng An ninh Nga - một vị trí “rất quan trọng”, theo điện Kremlin.

    Những tai tiếng tham nhũng được phát giác gần đây trong bộ Quốc Phòng càng khiến uy tín của ông Shoigu thêm sụt giảm kể từ vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin, ông chủ tập đoàn bán quân sự Wagner. Cho đến nay, ít nhất hai quan chức cấp cao bị bắt : Thứ trưởng Quốc Phòng phụ trách các dự án xây dựng Timur Ivanov, trợ lý đắc lực của ông Shoigu, bị bắt tháng 04/2024 với cáo buộc nhận hối lộ trong quá trình xử lý các hợp đồng quốc phòng ; Người đứng đầu Tổng cục Nhân sự của bộ Quốc Phòng Nga Yury Kuznetsov bị bắt chỉ một ngày sau khi ông Shoigu được bổ nhiệm chức vụ mới, vì bị nghi ngờ “nhận hối lộ quy mô đặc biệt lớn”.

    Lãnh đạo quân sự“ăn bẫm” trong khi người dân bị huy động cho cuộc chiến được xác định “trường kỳ”, có lẽ chính quyền Matxcơva thấy cần phải chỉnh đốn bộ Quốc Phòng. Và vị trí thư ký Hội đồng An ninh Nga là “lối thoát trong danh dự” cho ông Shoigu, theo nhận định với đài RFI ngày 13/05 của chuyên gia địa-chính trị Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Open Diplomacy :

    “Việc cộng sự đắc lực của nguyên bộ trưởng Quốc Phòng bị bắt cách đây gần hai tuần vì tham nhũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho việc ông Shoigu gần như bị bật khỏi vị trí đó, không hẳn là do tham nhũng vì đó không phải là một tiêu chí trong chính quyền Nga. Nhưng dù sao vào thời điểm này thì mọi nguồn lực đều cần thiết và đều phải được huy động cho nhu cầu của quân đội. Đúng là có ai đó (ông Andrei Beloossov) nổi tiếng chính trực, chí ít là trong mắt chính quyền Nga, cũng có thể là cơ hội để dọn bớt những thành phần tham nhũng. Nhưng cần phải nhắc lại rằng tham nhũng là điều gì đó thuộc về cơ cấu trong cách hoạt động của Kremlin. Không phải vì thế mà tham nhũng sẽ biến mất. Nhưng có thể một số thành phần tham nhũng sẽ bị đưa ra khỏi bộ Quốc Phòng trong những tháng tới”.

    Chiến tranh Ukraina : Tại sao Nga thắng thế ở Kharkiv ?

    Tình hình chiến sự ở Kharkiv, miền đông Ukraina, “vô cùng khó khăn” trước cuộc tấn công bất ngờ của quân Nga từ ngày 10/05. Đích thân tổng thống Volodymyr Zelensky đến thị sát chiến trường ngày 16/05 và họp nội các chiến tranh. Quân Nga tấn công nhiều làng mạc và chiếm được vài trăm km2. Tuy nhiên, tổng thống Zelensky trấn an đã ngăn được “đà tiến” của đối thủ ở một số khu vực trong vùng đông bắc và “vẫn kiểm soát” được tình hình.

    Tại sao Nga lại bất ngờ tấn công vùng Kharkiv ? Trả lời RFI ngày 11/05, trung tá Jérôme de Lespinois, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược so sánh (ISC), phân tích:

    “Đây là một vùng biên giới với Nga, nhất là với vùng Belgorod được coi là giao điểm quân sự quan trọng về mặt hậu cần và cũng là nơi đặt bộ chỉ huy các chiến dịch ở Ukraina. Có lẽ đây không hẳn là một cuộc tấn công có quy mô lớn. Cho nên người ta thắc mắc về mục đích thực sự của Nga”

    Dựa vào dấu hiệu nào để có thể nói đây không phải là một cuộc tấn công lớn ?

    “Dựa vào những phương tiện được huy động. Kharkiv là một vùng đồng bằng nên có thể dễ dàng huy động đông đảo xe bọc thép. Nhưng tôi thấy phía Nga huy động những phương tiện có thể coi là hạng nhẹ. Có lẽ đây là một đợt trinh sát vũ trang nhiều hơn là một cuộc tấn công lớn. Do đó người ta thắc mắc đây có phải là sự khởi đầu của một cuộc tấn công lớn hay không và liệu cuộc tấn công vũ trang này có phải là tìm cách thăm dò hệ thống phòng thủ của Ukraina vốn tương đối yếu trong khu vực hay đó là một kiểu đánh lạc hướng các chiến dịch cho đến giờ vẫn chủ yếu tập trung ở vùng Donbass”.

    Trả lời báo giới ngày 17/05 tại Cáp Nhĩ Tân trong chuyến công du Trung Quốc, tổng thống Nga phủ nhận ý định xâm chiếm Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraina khi phát biểu những dự án như vậy hiện không tồn tại. Tuy nhiên, ông Putin nhắc đến ý định tạo một vùng an toàn, một vùng đệm dọc biên giới do Ukraina liên tục oanh kích các vùng lân cận của Nga.

    “Trục Nga - Trung” Giải pháp thay thế phương Tây ?

    Tổng thống Nga Vladimir Putin chọn Trung Quốc cho chuyến xuất ngoại đầu tiên của nhiệm kỳ thứ 5. Chuyến công du hai ngày 16-17/05/2024 cũng là lần thứ hai ông đến Bắc Kinh trong hơn 6 tháng. Chủ tịch Tập Cận Bình và tổng thống Vladimir Putin ca ngợi mối quan hệ song phương là “một tác nhân ổn định trên trường quốc tế” và sẵn sàng “ủng hộ công bằng và công lý trên thế giới”.

    Trung Quốc và Nga tự coi là một trục mới thay thế cho phương Tây. Trả lời RFI ngày 16/05, nhà nghiên cứu Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc đương đại, Viện Inalco tại Paris, nhận thấy hai nhà lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình gia tăng các cuộc trao đổi từ năm 2022 :

    Điều đáng quan tâm ở đây là chúng ta thấy rằng ông Putin, một lần nữa, ngay sau khi được bầu làm tổng thống thêm nhiệm kỳ mới, đã dành chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc. Đó như trở thành một kiểutruyền thống ngoại giao Nga hướng đến Trung Quốcnhằm mục đích củng cố mối quan hệ Nga-Trung trên mọi lĩnh vực, từ ngoại giao đến kinh tế hay về mặt chiến lược để dần dần xây dựng thế cạnh tranh mới.

    Chuyến công du cũng nhằmgửi một tín hiệu mạnh mẽvề mối quan hệ Nga-Trung bền vững trên mọi mặt đến Hoa Kỳ, nhìn rộng hơn là đến phươngTây,cũng như đến những nước khác, đồng thời cho thấy một mô hình mới, một giải pháp thay thế phương Tây cho các nước đang phát triển. Vì vậy thông qua chuyến công du này còn có một thông điệp rõ ràng gửi đếnmột phần của châu Á, một phần châu Phi và một phần Nam Mvà Trung Cận Đông rằnghiện giờcó một giải pháp thay thếtiếng nói của Washington, của Liên Hiệp châu Âu hay của những chính phủ châu Âutrong các vấn đề thế giới”.

    Nouvelle-Calédonie : Nguồn cội của bạo loạn ?

    Nouvelle-Calédonie (Tân Đảo), vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương, đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kể từ khi bạo loạn bùng nổ trong đêm 13-14/05. Tình hình tạm yên ắng sau khi nhiều biện pháp hạn chế được ban hành như cấm tụ tập, mang vũ khí, bán rượu, cũng như lệnh giới nghiêm. Tuy nhiên, trong đêm 17-18/05, nhiều vụ đập phá, gây rối lại xảy ra ở phía bắc thủ phủ Nouméa.

    Cho đến ngày 18/05, có ít nhất 6 người thiệt mạng, thiệt hại về tài sản ước tình khoảng 200 triệu euro và gây tình trạng khan hiếm thực phẩm. Azerbaidjan, mạng xã hội TikTok… bị cáo buộc là một trong những tác nhân kích động bạo loạn ở Nouvelle-Calédonie. Tại sao bạo loạn lại bùng phát ở vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ?

    Trang Franceinfo ngày 17/05 giải thích nguyên nhân chính là do chính phủ Pháp muốn cải cách Hiến Pháp để mở rộng thành phần cử tri. Thực vậy, Nouvelle-Calédonie là vùng lãnh thổ hải ngoại tự trị, có ba vùng và mỗi vùng có nghị viện và cơ quan hành pháp riêng. Chiếu theo Thỏa thuận Nouméa ngày 05/05/1998, chỉ những người được coi là công dân Nouvelle-Calédonie, được xác định theo những tiêu chí đặc biệt thì mới có thể được đi bầu cử cấp vùng hoặc tham gia các cuộc trưng cầu dân ý liên quan đến địa phương. Ví dụ, những người sống ở Nouvelle-Calédonie từ 1988 đến 1998 hoặc con cái có cha mẹ hoặc một trong hai người có đủ điều kiện trên có thể được hưởng quyền lợi cử tri. 

    Những quy định này bảo đảm quyền đại diện phù hợp cho người bản địa, tức người Kanak, chiếm khoảng 41% dân số Nouvelle-Calédonie. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khoảng 1/5 dân cư ở đây bị loại khỏi quá trình bầu cử : 19,28% dân số vào năm 2023, theo Thượng Viện Pháp, so với 7,46% vào năm 1999. Và bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin nhận định tình hình này “đi ngược lại những nguyên tắc dân chủ và những giá trị của nền Cộng hòa”.

    Ngày 15/05, biện pháp cải cách được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ Viện nhằm cho phép những người sống ở Nouvelle-Calédonie từ ít nhất 10 năm được phép đi bầu cử, như vậy số lượng cử tri sẽ tăng thêm 14,5% (gồm 12.441 người sinh ra ở Nouvelle-Calédonie và 13.400 công dân Pháp), theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp. Tuy nhiên, phe chủ trương độc lập Nouvelle-Calédonie đã kêu gọi biểu tình phản đối vì sợ rằng sẽ bị “lép vế” trong bối cảnh ba cuộc trưng cầu dân ý gần đây về độc lập cho Nouvelle-Calédonie đều thất bại. Tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát và trở nên hỗn loạn như hiện nay.

    Theo giới chuyên gia, Paris và Nouméa cần mở đối thoại, gặp gỡ trực tiếp người dân để tháo gỡ khủng hoảng. Chuyên gia Jean-François Merle, nguyên cố vấn của thủ tướng Rocard năm 1988, cho rằng chính phủ hiện tạo cảm giác thiên vị một bên và giờ cần phải sửa chữa điều đó.

    Pháp : Thảm đỏ Cannes lại chờ một làn sóng#Metoo mới

    Phong trào #Metoo lan rộng đến Liên hoan phim Cannes lần thứ 77 khai mạc tối 14/05/2024 dù trước đó, ông Thierry Frémaux, trưởng đại diện cho LHP Cannes, bày tỏ mong muốn “tổ chức một Festival không có luận chiến”“chỉ chăm chút vào lý do chúng ta ở đây, đó là vì điện ảnh”.

    Rất nhiều “phụ nữ mạnh mẽ” quyết định lên tiếng tố cáo tình trạng lạm dụng, bạo hành tình dục và cưỡng hiếp trong nền nghệ thuật thứ 7 tại Pháp. Một ngày trước lễ khai mạc, đông đảo người biểu tình trước Trung tâm Điện ảnh và Hoạt hình Quốc gia (CNC) ở Paris đòi cách chức chủ tịch Dominique Boutonnat, phải ra tòa vào tháng 06 vì bị cáo buộc xâm hại tình dục con trai nuôi. Trang web của tạp chí Elle đăng lời chứng của 9 nữ nghệ sĩ hoặc học việc vì bị nhà sản xuất Alain Sarde quấy rối, tấn công tình dục hoặc cưỡng hiếp trong giai đoạn đầu sự nghiệp của họ. Trước đó là nữ diễn viên Judith Godrèche cáo buộc đạo diễn Jacques Doillon cưỡng hiếp khi cô 14 tuổi hoặc Isild Le Besco ra cuốn sách về “những năm tháng bịBenoît Jacquotthao túng”

    Chỉ vài giờ trước lễ khai mạc LHP Cannes, gần 150 tên tuổi lớn ký chung một diễn đàn đăng trên nhật báo Le Monde yêu cầu một “luật toàn diện” chống bạo hành tình dục. Anna Mouglalis, một trong số những nghệ sĩ ký chung diễn đàn, giải thích thêm trên đài RFI ngày 14/05 :

    “(…) Một luật toàn diện thực sự có nghĩa là phải nhìn nhận vấn đề của các vụ bạo hành giới và tình dục theo cách này. Đó là một vấn đề đối với tất cả mọi người : cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân trên thế giới và ở Pháp cũng vậy. Những câu chuyện đó không phải là chỉ xảy ra với những người khác. Mục đích của cuộc tập hợp lần này cũng là để đưa những “vụ lớn” khỏi thế cô lập, những vụ việc mà chúng ta đã nghe nói đến trong bảy năm. Người ta vẫn tự hỏi liệu #Metoo có tồn tại ở Pháp hay không, #Metoo tồn tại. Nhưng những tai tiếng như thế bị cô lập hoàn toàn trong các môi trường xã hội-nghề nghiệp… Tập hợp lại lần này là để nói rằng không thể chấp nhận, không thể chịu đựng những chuyện như thế. Cuộc sống của chúng ta không phải là hạ cấp, nỗi đau của chúng ta không phải là thứ yếu và các cuộc đấu tranh của chúng ta cũng tương tự. Ở một đất nước hòa bình, thật đáng ngạc nhiên khi vẫn có rất nhiều tội ác chống lại phụ nữ”.

    Sat, 18 May 2024
  • 105 - Tập Cận Bình đi Pháp: Cuộc tiếp đón gây tranh cãi của Macron và thông điệp từ nước Mỹ

    Chủ tịch Trung Quốc lần đầu trở lại châu Âu kể từ năm 2019, với Pháp là điểm đến đầu tiên. Cuộc tiếp đón ‘‘thân tình’’ của tổng thống Macron, trong đó có chuyến đưa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về thăm quê ngoại ở vùng núi Pyrénées, bị nhiều chỉ trích. Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của lãnh đạo họ Tập ngày 06/05/2024, Mỹ bày tỏ hy vọng Pháp thuyết phục Trung Quốc ngừng hỗ trợ Nga trong cuộc xâm lăng Ukraina.

    Căng thẳng cao độ tại dải Gaza đêm ngày 6/5 rạng sáng ngày 7/5. Dân chúng thành phố Rafah, bị vây hãm, ùa xuống đường ăn mừng chiến tranh chấm dứt, sau khi Hamas chấp nhận ‘‘thỏa thuận ngừng bắn’’, nhưng hy vọng lập tức biến thành tuyệt vọng.  Lễ duyệt binh mừng chiến thắng phát xít 09/05 tại Nga bất ngờ trở thành điểm tham quan ưa thích của dân Trung Quốc, điều khiến không ít người Trung Quốc phẫn nộ. Siêu sao nhạc pop Mỹ,Taylor Swift, chọn Pháp là điểm mở đầu vòng trình diễn châu Âu. 41 nghìn khán giả trong buổi trình diễn đầu tại Paris. Nhiều người căng lều chờ trực ba ngày để có được chỗ tốt. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    Đèo Tourmalet, mũ bê-rê, chăn len, thịt lợn đen….

    Ngày 07/05/2024, tổng thống Pháp đã dành cho lãnh đạo Trung Quốc và người vợ một sự tiếp đón được coi là rất thân tình, với điểm đến là quê hương của bà ngoại, rất gắn bó với tuổi thơ của ông, tại vùng núi Pyrénées, đông nam nước Pháp. Ông Macron mời vợ chồng lãnh đạo họ Tập dùng bữa tại L’Etape du Berger, một quán ăn nhỏ trên núi cao hơn 2.200 mét, do Eric Abadie, một người bạn thân từ thuở nhỏ điều hành, nằm sát ngọn đèo huyền thoại Tourmalet, nổi tiếng với Tour de France, cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp.

    Sau hơn một giờ đi xe lên núi, lãnh đạo Trung Quốc được tiếp đón với đàn sáo cùng vũ điệu truyền thống địa phương. Chăn len Pyrénées, quà tặng thân mẫu chủ tịch Trung Quốc nhân dịp sinh nhật. Áo maillot vàng, với chữ ký của Jonas Vingegaard, tay đua vô địch giải xe đạp vòng quanh nước Pháp năm vừa qua. Mũ bê-rê, rượu Armagnac, vang Madiran lâu đài Montus năm 2008 (năm Bắc Kinh tổ chức Thế Vận Hội), pho mát đỉnh Pic du Midi, jambon thịt lợn đen Bigorre: tất cả đều là đặc sản quê hương của Emmanuel Macron.

    Lãnh đạo hai bên bỏ cà-vạt. Chủ tịch Trung Quốc hứa giới thiệu jambon Pyrénées với người Trung Quốc. Không khí đầm ấm như thể trong gia đình : Thật khó tin trong bối cảnh công chúng không xa lạ với thế đối đầu ngày càng trở nên trầm trọng giữa phương Tây và Trung Quốc, từ an ninh, chính trị cho đến kinh tế, nhân quyền. Chỉ hôm trước, trong ngày đầu tiên chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Pháp cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong buổi đối thoại ba bên tại phủ tổng thống Pháp, đã chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc xuất hàng hóa tràn ngập châu Âu.

    Đọc thêm : Ukraina và thương mại : Pháp không ảo tưởng khi tiếp Tập Cận Bình

    Rất nhiều tiếng nói chỉ trích tổng thống Pháp cả tin mắc bẫy Trung Quốc, hoặc bị ru ngủ trong ảo tưởng về nước Pháp. Ông Macron bị lên án đã tiếp tục sai lầm quá khứ, khi từng tiếp đón tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần với mức thân mật ít nhiều tương tự, với kết quả như đã biết. Chế độ Putin rõ ràng đã chà đạp luật pháp quốc tế với cuộc xâm lăng một nước có chủ quyền, và ngay trước cuộc xâm lăng, lãnh đạo Trung - Nga đã khẳng định ‘‘tình hữu nghị không bờ bến’’, mối quan hệ càng trở nên mật thiết sau hơn hai năm chiến tranh. Ngược lại, không ít người cho rằng lối ngoại giao hữu nghị nói trên của tổng thống Pháp, kể cả với quốc gia đối thủ, là điều không thể thiếu, nếu muốn tìm ra một giải pháp chấm dứt chiến tranh.

    Mỹ: ‘‘Không ai có khả năng thuyết phục Bắc Kinh hơn TT Macron…’’

    Theo một số nhà quan sát, một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, đó là Bắc Kinh cam kết sẽ kiểm soát chặt việc xuất sang Nga các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ (dual-use), tức vừa có thể dùng trong dân dụng, vừa cho quân sự, như tuyên bố của tổng thống Macron trong cuộc họp báo chung với chủ tịch Trung Quốc. Phía Trung Quốc không bác bỏ. Vấn đề kiểm soát các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ Trung Quốc xuất sang Nga cũng là chủ đề trọng tâm chuyến công du Bắc Kinh của ngoại trưởng Mỹ hồi tháng trước. Tuy nhiên, hai bên Trung Mỹ đã không tìm được tiếng nói chung. Để gây áp lực, Wahington cân nhắc các biện pháp trừng phạt mạnh, như ngăn chặn các ngân hàng Trung Quốc tiếp cận với đồng đô la, nếu ‘‘con đường ngoại giao thất bại’’.

    Đọc thêm : Trung Quốc giúp Nga phá vỡ chiến dịch phản công 2023 của Ukraina như thế nào?

    Khác hẳn với đánh giá của nhiều người, các vận động ngoại giao của ông Macron với chủ tịch Trung Quốc hoàn toàn không phải chỉ là sáng kiến cá nhân của nguyên thủ Pháp. Ít ngày trước khi Tập Cận Bình đến Paris, thứ trưởng thứ nhất bộ Ngoại Giao Mỹ tới Pháp. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ban Pháp ngữ đài RFI, phát vào buổi sáng ngày 06/05, ngày đầu tiên của chuyến công du, ông Kurt Campbell đặc biệt nhấn mạnh khả năng tác động của tổng thống Pháp đến lãnh đạo Trung Quốc trong vấn đề này:

    ‘‘Những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều nỗ lực đáng kể và có phối hợp để cung cấp phương tiện cho Nga, để tái xây dựng các lực lượng quân sự Nga, đang được sử dụng hàng ngày để phá hủy Ukraina. Hậu thuẫn của Trung Quốc đối với tổ hợp quân sự công nghiệp Nga khiến xung đột kéo dài. Chúng tôi đã cung cấp cho Pháp nhiều thông tin cụ thể về các hậu thuẫn này. Chúng tôi nhận thấy Trung Quốc là bên cung cấp hàng đầu các phương tiện quân sự cho Nga. Tôi không nghĩ rằng có nhà lãnh đạo nào lại có được khả năng thuyết phục mạnh mẽ hơn là tổng thống Macron về các quan ngại này. Chúng tôi tin tưởng là tổng thống Macron không tránh né các lo ngại rất rõ ràng của chúng tôi về điều mà Trung Quốc đang làm tại Ukraina, một vấn đề hệ trọng đối với tất cả chúng ta. Chúng tôi ủng hộ tất cả những gì có thể mang lại hiệu quả trong việc chuyển đến Bắc Kinh thông điệp như vậy, trên bình diện quan hệ đa phương.’’

    Áp lực trừng phạt song hành với đối thoại – hợp tác : Ảo tưởng hay con đường duy nhất khả thi ?

    Chuyến đi Trung Quốc của Macron cách nay một năm (tháng 4/2023) đã diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ tìm cách nối lại đối thoại cấp cao với Trung Quốc sau biến cố ‘‘khinh khí cầu’’. Ngay trước chuyến công du của Macron lần đó, phía Mỹ cũng đã ngỏ ý muốn Pháp tác động Trung Quốc để sớm chấm dứt chiến tranh Ukraina. Đối thoại thượng đỉnh Washington – Bắc Kinh chỉ được mở lại nửa năm sau với cuộc gặp Biden – Tập tại San Francisco. Một năm sau Nga vẫn tiếp tục cuộc xâm lăng trong lúc Trung Quốc bị cáo buộc hậu thuẫn mạnh hơn cho chế độ Putin.

    Đọc thêm : Tổng thống Pháp đi Trung Quốc: Tín hiệu hoà dịu từ Phương Tây

    Cam kết kiểm soát các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’, mà tổng thống Pháp khẳng định đã nhận được từ Tập Cận Bình, liệu có khả năng thực thi? Hay đây chỉ là hành động câu giờ để né trừng phạt Mỹ trong khi chờ đợi kết quả cuộc bầu cử Mỹ tháng 11?... Cam kết miệng của lãnh đạo Trung Quốc về kiểm soát việc xuất sang Nga các phương tiện ‘‘lưỡng dụng’’ có thể coi là một ‘‘bước đột phá với châu Âu’’ (breakthrough for Europe) có lợi cho một giải pháp hòa bình cho chiến tranh tại Ukraina, như ghi nhận của báo mạng Hồng Kông South China Morning Post ?

    Theo một số nhà quan sát, tổng thống Macron có thể đang tiếp nối con đường trước đây của cố tổng thống de Gaulle, quốc gia phương Tây đầu tiên ‘‘thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc’’, với chủ trương, công nhận Nhà nước Trung Quốc ‘‘hoàn toàn không có nghĩa là ủng hộ chế độ cộng sản Trung Quốc, mà chỉ là thừa nhận một thực tại’’, nhưng với những thách thức chưa từng có. Trong một thế giới đang có nguy cơ rơi vào xung đột không khoan nhượng giữa các khối quốc gia, việc duy trì các kênh đối thoại cởi mở phải chăng vẫn là cơ hội giúp nhân loại giảm bớt đối đầu (về ý thức hệ), để cùng đối mặt với hàng loạt khủng hoảng trầm trọng chung khó có lối ra, trong đó có cuộc đại khủng hoảng khí hậu, môi trường ?

    Đàm phán Israel - Hamas: Vì sao Rafah từ hân hoan chuyển sang tuyệt vọng ?

    Cuộc chiến tranh của Israel chống tổ chức Hamas tại Gaza, để trả đũa vụ thảm sát trên đất Israel ngày 07/10/2024, đã kéo dài 8 tháng. Song song với cuộc chiến trên thực địa là một trận chiến ngoại giao căng thẳng. Do áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền Israel chấp nhận đàm phán tìm một thỏa thuận ngừng bắn, không tấn công thành phố cực nam Rafah, nơi tị nạn của khoảng 1,5 triệu dân, nhưng trên thực tế chính phủ Netanyahu không từ bỏ mục tiêu tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa Hamas và Israel là ‘‘cuộc đối thoại giữa những người điếc’’.

    Ngày 06/05 vừa qua đáng được ghi nhận như một thời điểm đặc biệt, khi người dân Rafah ùa xuống đường phố, vui mừng chào đón ngày kết thúc chiến tranh, nhưng niềm vui của họ sớm bị dập tắt. Tường trình của đặc phái viên Sami Boukhelifah gửi về từ Jerusalem :

    ‘‘Tối hôm qua tại Rafah, tràn ngập cảnh tượng dân chúng vui sướng. Trong một khoảng khắc ngăn ngủi, người dân đã ăn mừng chiến tranh kết thúc. Bởi ‘‘trái bóng’’ đã từng ở bên sân Palestine. Sau nhiều tháng thương lượng, Israel rút cục đã đưa ra một đề xuất ngừng bắn nghiêm túc cách nay ít ngày. Hồi tuần trước Hoa Kỳ đã cổ vũ tổ chức vũ trang Palestne chấp thuận đề xuất ‘‘hào phóng’’ của Israel. Tối hôm qua, thứ Hai mùng 06/05, Hamas đã chấp thuận. Nhưng Israel nói không. Tại dải Gaza, dân chúng hoàn toàn mất phương hướng.

    Mohamed, một cư dân Rafah, cho biết : ‘‘Một làn sóng hy vọng đã tràn ngập đường phố. Người ta nói với nhau, chính Israel đã đưa ra dự thảo thỏa thuận ngừng bắn này. Như vậy chỉ còn thiếu sự chấp thuận của Hamas. Hamas đã đồng ý. Nhưng rồi thay vì đình chiến, bom đạn lại dữ dội hơn ở phía đông Rafah. Oanh kích bừa bãi, không ngừng nghỉ’’.

    Dân chúng tại Gaza không còn biết đâu mà lần. Tại Israel cũng vậy, nơi người dân nóng lòng chờ đợi thỏa thuận ngừng bắn này, đồng nghĩa với việc trả tự do cho các con tin. Tối hôm qua trên đường phố Jerusalem, người dân biểu tình tự phát. Trong số những người tham gia, có người thân các nạn nhân, và không chỉ có họ. Một đám đông nổi giận chống lại thủ tướng Benyamin Netanyahou bác bỏ hưu chiến. Lewis, một công dân Israel, phẫn nộ: ‘‘Chúng tôi phản đối chính phủ Netanyahu. Chúng tôi tin rằng chính phủ này không có năng lực, họ chỉ mang lại máu và chết chóc. Chúng tôi có mặt ở đây tối nay để nhắc lại rằng tiếp tục chiến tranh không thể giúp các con tin trở về. 35.000 người Gaza đã chết. 35.000 cái chết phí hoài. Một cuộc chiến trả thù không phải là một cuộc chiến tranh. Đó là tội ác chiến tranh’’.

    Ngay từ đầu, chính phủ Israel đã đặt ra nhiệm vụ: tiêu diệt tổ chức Hamas. Đối với chính phủ Netanyahou, mục tiêu này quan trọng hơn việc giải phóng con tin. Như vậy họ đã chôn vùi hy vọng ngừng bắn. Chiến tranh tiếp tục bước sang tháng thứ tám.’’

    Liệu cộng đồng quốc tế, người dân Israel và các quốc gia liên quan có đủ sức ngăn lại cuộc chiến một mất một còn thảm khốc tại cực nam Gaza ? Hay lực lượng Hamas không tránh khỏi số phận tiêu vong và phe của thủ tướng Netanyhu rút cục sẽ bị lật đổ, như dự đoán của cựu bộ trưởng Israel Yossi Beilin, nhà đàm phán Thỏa thuận Oslo 1993 về hai nhà nước Do Thái và Palestine cùng tồn tại ? (thỏa thuận tan vỡ sau khi thủ tướng Israel kiêm bộ trưởng Quốc Phòng Yitzhak Rabinc bị phe cực hữu sát hại năm 1995).

    Đi xem duyệt binh Nga: Dân Trung Quốc người phấn chấn, kẻ phẫn nộ

    Tham quan lễ duyệt binh mừng chiến thắng chống phát xít của Nga, được tổ chức ngày 09/05, đột ngột trở thành mốt mới với cư dân miền đông bắc Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc, hoạt động này gây phẫn nộ với một bộ phận dân mạng. Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

    ‘‘Trong bối cảnh kinh tế giảm tốc, hoạt động tham quan giá rẻ đang thu hút nhiều du khách Trung Quốc. ‘‘Lễ duyệt binh lớn mừng chiến thắng’’ ở thành phố Nga Vladivostok, cách biên giới Trung Quốc khoảng 100 cây số, là một trong các điểm đến như vậy. Từ vài ngày nay, các hãng du lịch rầm rộ quảng cáo cho vẻ đẹp của quân đội Nga và phong cảnh Siberi.

    Trên trang mạng ‘‘Tiểu Hồng Thư’’ (tên vốn dùng để cuốn tuyển tập Mao Trạch Đông bỏ túi – Mao tuyển), bà Wang ở thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin), đông bắc Trung Quốc, nhân viên của một công ty lữ hành, cho biết: ‘‘Để tham gia vào cuộc duyệt binh ở Vladivostok, chúng tôi đề nghị với quý vị một chuyến đi 4 ngày, từ ngày 7 đến ngày mùng 8/5. Đoàn gồm 40 người. Người tham gia chỉ cần mang theo hộ chiếu có hiệu lực hơn 6 tháng.’’

    Các chuyến xe buýt đi Vladivostok đều kín người, theo các công ty du lịch mà chúng tôi liên lạc. Chương trình bao gồm tham quan kiến trúc tân cổ điển của thành phố cảng Nga, khám phá các đặc sản ẩm thực địa phương và tiếp xúc với vũ khí và phương tiện quân sự Nga. Đối với An, một kỹ sư thường đi xem duyệt binh, đây là một dịp may vô cùng hiếm có. 

    Anh nói: ‘‘ Tôi cảm thấy rất phấn chấn và vui sướng, bởi đây là lần đầu tiên được xem cận cảnh một cuộc duyệt binh. Chúng tôi được phép chụp ảnh thoải mái. Chúng tôi cũng được đến rất gần các vũ khí và phương tiện. Điều này không thể có tại Trung Quốc. Tôi rất thích chuyến đi này. Ở đây tôi không hề bị kỳ thị, những người Nga mà tôi gặp đều dễ thương.’’

    Nhiều người vui sướng, nhưng ngược lại, cũng có nhiều tiếng nói chỉ trích. Trong giới yêu nước trên mạng và say mê lĩnh vực quân sự ở Trung Quốc, nhiều người coi sự hiện diện của quân nhân Nga tại vùng Siberi là một nỗi ô nhục. Họ nhắc lại các thỏa ước bất bình đẳng, mà nhà Thanh ký kết nửa sau thế kỷ 19, nhượng lại cho nước Nga Sa hoàng gần 400.000 cây số vuông’’.

    Vẫn theo phóng viên Stéphane Lagarde, số người phẫn nộ nói trên không thể nói là đa số trong xã hội Trung Quốc, nhưng quan điểm ngờ vực Nga của họ được thể hiện rõ. Để chuẩn bị công luận cho chuyến công du dự kiến từ nay đến cuối tháng của lãnh đạo Nga Putin, Alekxandr Duguin – từng được coi là một kiến trúc sư của tư tưởng đế quốc Nga – đã mở một tài khoản bằng tiếng Trung trên mạng Trung Quốc Weibo hồi tuần trước. Ngay lập tức, có thể ghi nhận nhiều tiếng nói lên án Alekxandr Duguin với các lời lẽ như : ‘‘Hồ Baikan là của chúng tôi !’’, ‘‘Hãy trả lại lãnh thổ bị chiếm đóng!’’, ‘‘Tại sao ngươi muốn phần lãnh thổ phía bắc Trung Quốc thành vùng ảnh hưởng Nga?’’, hay ‘‘Ukraina muôn năm !’’.

    Taylor Swift đến Pháp: Nữ hoàng nhạc pop và ‘‘đại họa khí hậu’’

    Ngày thứ Năm 09/05, 41 nghìn người hâm mộ tham dự buổi trình diễn đầu tiên của siêu sao ca  nhạc người Mỹ Taylor Swift tại sân vận động trong nhà La Défense Arena, ngoại ô Paris. Trong buổi biểu diễn đầu tiên, Taylor Swift – ngôi sao nhạc pop số một thế giới hiện tại - đã diễn suốt 3 giờ 20 phút không nghỉ. Trong buổi diễn đặc biệt này, nữ ca sĩ 34 tuổi đã đưa khán giả trở lại với toàn bộ các tác phẩm chính làm nên sự nghiệp của cô, kể từ album đầu tay ‘‘Taylor Swift’’ 2006.

    Đọc thêm : Taylor Swift - Khi công chúa nhạc pop trưởng thành

    Vì sao Taylor Swift được yêu quý? Sau đây là chia sẻ của một số người hâm mộ với RFI Pháp ngữ: ‘‘Tôi thích cách viết lời ca khúc của cô ấy, âm nhạc của cô ấy, giọng nói của cô ấy…’’,‘‘tôi lớn lên với âm nhạc của cô ấy, cô ấy có nhiều bài hát về trải nghiệm của phụ nữ….’’, ‘‘năm nay tôi có hai lần nghe lại các ca khúc cũ của cô ấy, tôi chợt nhận ra, đấy đúng là tình cảnh của tôi hiện tại. Tôi thấy thật là kỳ diệu! Cô ấy có khoảng 300 bài hát, thực sự là có thể nói được hết thảy mọi thứ…’', ‘‘cô ấy cứ như thể một người bạn, viết những thông điệp riêng cho ta, để giúp ta giữ vững tinh thần vào một thời điểm khó khăn của cuộc đời. Thật không thể tin nổi!’’

     

    Taylor Swift được 110 triệu người theo dõi hàng tháng trên mạng Spotify. Với tài sản hơn 1,1 tỉ đô la chỉ nhờ ca nhạc, cô được coi là nghệ sĩ thành công nhất về mặt tài chính. Tuy nhiên, nữ hoàng nhạc pop này cũng liên tục bị lên án là người tàn phá môi trường - khí hậu, nêu gương xấu, đặc biệt với việc thường xuyên sử dụng máy bay riêng, tạo rất nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trước khi nữ ca sĩ trình diễn tại Pháp, RFI có bài nhận định về chủ đề ‘‘Phải chăng Taylor Swift là một đại họa cho khí hậu ?’’ nhấn mạnh đến mức độ tàn phá khí hậu ghê gớm của vòng trình diễn vòng quanh thế giới Eras Tour của ca sĩ. Trong giới tranh đấu môi trường, nhiều người gọi cô là ‘‘kẻ tội đồ’’.

    Đọc thêm : ‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’: Bệnh tình Trái đất trầm trọng hơn trong năm 2022

    Tuy nhiên, giới quan sát cũng ghi nhận Taylor Swift không phải không hiểu rằng biến đổi khí hậu là ‘‘một thực tại khủng khiếp’’ mà giới trẻ phải đối mặt (trả lời phỏng vấn về ca khúc Only the Young/Chỉ có Tuổi Trẻ, 2020).  Một số người mong ước ca sĩ và nhà sáng tác nổi tiếng này cho ra đời những ca khúc lay động lòng người về khí hậu. Tại Mỹ, đông đảo giới trẻ và phụ nữ - lực lượng khán giả chủ yếu của cô – thiết tha với vấn đề khí hậu. Một cuộc thăm dò cho thấy giới trẻ quan tâm đến khí hậu có nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu vào tháng 11/2024. Lá phiếu của họ, tiếng nói của Taylor Swift ắt hẳn sẽ có nhiều ý nghĩa với cuộc bầu cử không chỉ hệ trọng với nước Mỹ, mà cả nhân loại, nơi đối đầu giữa một bên là ứng cử viên phủ nhận thực tại biến đổi khí hậu (Donald Trump) và bên kia là người đã đưa nước Mỹ trở lại với Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015 (Joe Biden). Trong thời điểm sống còn với nhân loại hiện nay, cổ nhân có câu ''hồi đầu thị ngạn'', quay đầu là thấy bờ.

    Sun, 12 May 2024
  • 104 - Chiến tranh Gaza: Nghề báo và rủi ro đối mặt với tử thần

    Đưa tin về chiến sự ở Gaza và nguy cơ đối mặt với tử thần của các nhà báo ; Ireland thực hiện chiến dịch « dọn dẹp di dân », trong bối cảnh Anh Quốc trục xuất người xin tị nạn sang Rwanda ; Phong trào sinh viên biểu tình phản đối chiến tranh Gaza từ Mỹ lan sang các trường đại học ở Pháp ; Đợt nắng nóng kỷ lục ở Đông Nam Á và châu Á. Đó là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.

    Về thời sự Trung Đông, Israel và Hamas vẫn chưa đạt được thỏa thuận đình chiến. Thứ Sáu, Ủy ban điều phối hoạt động nhân đạo của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế Giới đã lên tiếng cảnh báo về cuộc tấn công của quân đội Israel vào Rafah, miền nam dải Gaza, cho rằng cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể biến thành vụ« thảm sát thường dân », cho dù nhà nước Do Thái đã hứa thực hiện kế hoạch sơ tán. Sau hơn 6 tháng chiến tranh, tại Gaza, gần 2 triệu người Palestine bị mắc kẹt, đối mặt với nạn đói, nhiều người bị mất nhà mất cửa vì các cuộc tấn công của Israel. Nhiều thành phố chỉ còn là đống đổ nát.

    Chiến tranh ở Gaza cũng là cuộc chiến « đẫm máu » đối với các nhà báo. Theo nghiệp đoàn báo chí Palestine, hơn 130 nhà báo và nhân viên của các hãng truyền thông đã bỏ mạng tải dải đất này. Một số thiệt mạng khi đang tác nghiệp, một số khác thì bỏ mạng ngay tại nhà, trong các trận oanh kích của Israel. Hôm 03/05, nhân ngày Tự Do Báo Chí Thế Giới, thông tín viên RFI Sami Boukhelifa ở Jerusalem đã phỏng vấn hai nhà báo đang tác nghiệp tại Gaza :

    « Ngay từ ban đầu, nhà báo Shorouq Ayla giải thích : « Xin lỗi vì những tiếng vù vù của các drone. Các drone bay rất thấp vào hôm nay, và có thể sẽ rất khó nghe điện thoại ». Ayla đưa tin từ Rafah, miền nam dải Gaza. Cô đã mất chồng, cũng là một nhà báo,vào năm ngoái trong một vụ tấn công của Israel. Cô giải thích : « Tại sao tôi tiếp tục làm việc này ư ? Đối với tôi đó là một nghĩa vụ.

    Đúng là có nhiều nhà báo đã bỏ mạng tại Gaza, tôi nhận thức được rủi ro đó. Nhưng tôi quyết định không đưa tin cấp thời, tức là không đưa tin ngay khi có chuyện. Bởi vì điều này có thể khiến tôi gặp nguy hiểm. Tôi không lo sợ cho mạng sống của tôi, mà tôi lo cho con gái tôi, đã mất cha, nếu mất cả mẹ thì sao.

    Nhưng khi là nhà báo, chúng tôi sống với một bia nhắm bắn đeo trên lưng. Có nhiều người thậm chí còn từ chối nói chuyện, bởi vì chúng tôi mang theo máy ghi âm và máy ghi hình và điều này có thể khiến họ gặp nguy hiểm.

    Để tránh điều này, tôi chọn làm phim tài liệu. Tôi không đưa tin về các vụ đánh bom, mà về những câu chuyện sau các vụ đánh bom đó ».

    Tại miền bắc dải Gaza, Said Kilani vốn là phóng viên hình ảnh, nhưng nay không còn làm việc này nữa. Anh nói : « Dẫu sao thì tôi vẫn là một nhà báo. Tôi đã bị bắt và sau đó được quân đội Israel thả ra, họ đã phá hủy các thiết bị của tôi. Con trai tôi cũng đã bỏ mạng trong cuộc chiến này, nhà tôi thì đã bị san bằng. Tôi là một người tỵ nạn, sống ở những trung tâm tiếp đón tỵ nạn khác nhau. »

    Phần lớn các đồng nghiệp của Said hiện đang ở miền bắc Gaza cũng đã từ bỏ việc đưa tin về cuộc chiến. Thay vào đó, họ muốn kể những câu chuyện thường nhật của những người dân bị mắc kẹt tại đây, thiếu nước uống, thực phẩm.

    Ireland «dọn dẹp » di dân

    Về thời sự châu Âu, trước nguy cơ bị trục xuất khỏi Anh sang châu Phi sau khi Luân Đôn ban hành luật Rwanda, nhiều người không giấy tờ đã tìm cách rời khỏi Anh, chạy sang Ireland, nước láng giềng gần nhất. Trong tuần vừa qua, hôm 01/05, Ireland đã di dời 200 người xin tị nạn dựng lều ở trung tâm thủ đô Dublin từ nhiều tháng qua.

    Từ Dublin, thông tín viên RFI cho biết thêm thông tin :

    “Các rào chắn và cảnh sát chặn con đường trước Cơ quan bảo hộ quốc tế. Tại đây, Pirsami, một người từ Thổ Nhĩ Kỳ, sống dưới căn lều được dựng lên trên vỉa hè từ gần một năm qua. Ông cho biết : “Không có nơi nào mà chúng tôi cảm thấy an toàn, không có nơi nào để chúng tôi có thể bắt đầu cuộc sống. Luật Rwanda một luật mang tính phân biệt chủng tộc, gửi chúng tôi đến một lục địa khác mà không hỏi ý kiến của tôi, buộc tôi phải đi. Xin tị nạn không phải là một tội. Tôi sợ chính phủ, những gì đang xảy ra ở đây chính là do quyết định của chính phủ.

    Theo chính quyền Ireland, 90 % những người đến nước này trong thời gian gần đây không có giấy tờ hợp lệ, qua biên giới giữa Bắc Ireland và Anh.

    Gary Daly là luật sư và ủng hộ việc tiếp nhận người nhập cư. Anh cho biết : “Chúng tôi dự trù sẽ có nhiều hơn những người đang ở Anh nhưng phải rời đi vì sợ bị đưa đến Rwanda. Gần đây một phán quyết của Tòa Án Công Lý Tối cao ở Ireland coi Anh Quốc là một ‘quốc gia nguy hiểm’ để gửi trả lại người xin tị nạn do luật Rwanda. Điều này sẽ khiến chính phủ Ireland rơi vào thế khó xử.

    Thủ tướng Ireland Simon Harris muốn thông qua khẩn cấp một luật để gửi trả lại di dân cho Anh Quốc.”

    Biểu tình, văn hóa của Pháp?

    Về thời sự nước Pháp, trong tuần vừa qua, các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Gaza tại một số trường đại học ở Pháp, với những cuộc đụng độ bạo lực, vẫn tiếp diễn từ hơn một tuần qua. Hôm 03/05, ban lãnh đạo trường Sciences Po Paris đã quyết định đóng cửa nhiều cơ sở của trường, vì các sinh viên tiếp tục chiếm đóng trường. Một số sinh viên đã quyết định bắt đầu tuyệt thực để ủng hộ các nạn nhân người Palestine ở Gaza, do các cuộc tấn công từ Israel. Lực lượng cảnh sát đã được huy động trong cùng ngày để giải tán những sinh viên này.

    Không chỉ riêng trường Sciences Po ở Paris mà cuộc biểu tình phản đối chiến tranh cũng lan rộng sang các chi nhánh của trường khoa học chính trị ở Lille, Strasbourg, và Lyon. Hay tại trường đại học Sorbonne ở Paris, chiều thứ Năm, khoảng 300 sinh viên đã tập trung, dựng khoảng 20 lều trong khuôn viên của trường. Tuy nhiên, họ cũng đã bị lực lượng an ninh buộc phải di dời.

    Bà Anne Muxel, giám đốc nghiên cứu về xã hội học và khoa học chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chính trị của Sciences Po, trả lời RFI Pháp ngữ cho rằng những năm vừa qua có rất nhiều phong trào biểu tình nổ ra tại Pháp, bởi vì “biểu tình là một văn hóa phản kháng chính trị, khá là rõ rệt ở Pháp, và đã giành được tính chính danh trong công luận. Đối với những người trẻ, những sinh viên, về mặt truyền thống, họ thường có xu hướng biểu tình trên đường phố, hay chiếm đóng một số địa điểm. Hình thức biểu tình bằng việc chiếm đóng, tức là trụ lại ở một nơi nào đấy cho đến khi nào đạt được mục đích, đạt được thỏa thuận. Hình thức này không mới mà đã có từ nhiều năm qua, ở châu Âu, ví dụ như phong trào Indignados ở Tây Ban Nha, hay phong trào Nuit debout ở Paris cách nay vài năm”.

    Đông Nam Á: Nắng nóng kỷ lục lộ rõ cách biệt giàu nghèo

    Về thời tiết, trong tuần vừa qua, nhiều quốc gia khu vực Đông Á và Đông Nam Á đã phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. Hôm 01/05, Cơ quan khí tượng của Hồng Kông cho biết tháng Tư vừa qua là tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất được ghi nhận từ 140 năm qua tại đặc khu này.Tại các nước như Miến Điện, Bangladesh, Philippines, Ấn Độ hay Việt Nam, nhiệt độ nhiều nơi trên 40 độ C. Nhiều nước đã phải đóng cửa trường học. Nắng nóng khiến những người cao tuổi, những người dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng nhiều nhất.

    Đợt nóng kỷ lục này cũng làm nổi bật những bất bình đẳng, cách biệt giàu nghèo, những người không có điều kiện để được ngồi mát trong phòng điều hòa, những lao động phải làm việc ngoài trời.

    Từ thủ đô của Thái Lan, thông tín viên Carol Isoux ghi nhận qua phóng sự:

    « Tại chợ Ánh trăng - « Lumière de la lune », gần sông Chap Praya ở Bangkok. Cô Nichapat có một sạp hàng rau. Từ nhiều ngày qua, thời tiết nóng bức, vốn quen thuộc vào mùa này, trở nên không thể chịu được, khiến công việc của cô khó khăn hơn, đe dọa đến thu nhập của cô và gia đình. Cô nói : « Trời nóng quá, chúng tôi chưa bao giờ thấy nóng như vậy. Nhiệt độ lên đến 42, 43, 44 độ C ở Bangkok và các tỉnh khác. Thật không thể tin được ! Rau mà tôi bán héo nhanh hơn, nên tôi cố tưới nước lên, nhưng chỉ làm hỏng rau, và thế là tôi mất tiền ».

    Trời nóng ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những người sức khỏe yếu, những người cao tuổi, những người mắc bệnh nan y và những người nghèo nhất, không có máy điều hòa làm mát và phải ở ngoài trời hàng giờ. Đó là những người bán hàng rong, tài xế xe máy. Tại các vùng nông thôn, trời nóng bức và khô hạn đe dọa đến vụ mùa và thu nhập của nông dân. Còn tại các thành phố, tiêu thụ điện tăng kỷ lục do dùng điều hòa không khí, tuy giúp những người thuộc tầng lớp trung lưu tiện nghi hơn, dễ thở hơn, nhưng lại khiến nhiệt độ bên ngoài tăng cao. »

    Theo một báo cáo vào năm 2019 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE), được AFP trích dẫn, chỉ 15 % các hộ gia đình ở Đông Nam Á có hệ thống điều hòa không khí. Tuy nhiên, khi nhiệt độ ngày càng tăng cao, và thu nhập của người dân cũng tăng, thì số lượng máy điều hòa cũng sẽ tăng lên, từ 40 triệu chiếc vào năm 2017, lên đến 300 triệu chiếc vào năm 2024.

    Chưa kể đến việc tiêu thụ điện, theo AIE, điều hòa không khí còn là nguyên nhân thải ra khoảng một tỷ tấn CO2 mỗi năm, trong tổng số 37 tỷ trên toàn thế giới. Thế nhưng, sử dụng điều hòa làm mát lại là cách tốt nhất để bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất khỏi nắng nóng.

    Trước nhu cầu dùng điều hòa tăng vọt, hàng chục quốc gia đã ký một cam kết của Liên Hiệp Quốc về điều hòa không khí toàn cầu, cải thiện hiệu quả của máy điều hòa và giảm lượng khí thải. Một số nước như Nhật Bản đã khuyến khích nhân viên văn phòng cởi cà vạt và áo khoác, để nhiệt độ có thể duy trì ở mức 28 độ C.

    Sat, 04 May 2024
  • 103 - Các đảng cực hữu châu Âu, công cụ giúp Trung Quốc thao túng khối 27 nước ?

    Mỹ thông qua gói viện trợ 61 tỉ đô la giúp Ukraina chống xâm lược Nga. Nửa năm bế tắc tại Hạ Viện dường như đã được khai thông, đặc biệt sau chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện đến tư dinh cựu tổng thống Donald Trump. Phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên tại nhiều đại học lớn của Mỹ trong bối cảnh Israel tuyên bố chuẩn bị tiến đánh thành phố cực nam Gaza, nơi nương náu của khoảng 1,5 triệu dân tị nạn chiến tranh, bất chấp nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

    Một người Đức gốc Hoa, ‘‘trợ lý’’ của lãnh đạo đảng cực hữu Đức AfD, nghị viên Châu Âu, ‘‘bị bắt quả tang’’ chuyển giao tài liệu nội bộ của Nghị Viện cho tình báo Trung Quốc. Vẫn về quan hệ châu Âu – Trung Quốc, nhưng liên quan đến kinh tế, hôm 23/04/2024 vừa qua, Nghị Viện Châu Âu thông qua đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm do ‘‘lao động cưỡng bức’’, mang lại 236 tỉ đô la trên phạm vi toàn cầu, vớI hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động tại Trung Quốc là một tâm điểm của đạo luật. Hôm sau, ngày 24/04, Liên Âu lần đầu tiên quyết định điều tra về chính sách của Bắc Kinh ngăn cản doanh nghiệp châu Âu tham gia ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc, cụ thể là trong lĩnh vực thiết bị y tế, dược phẩm.

    Ngoài một số sự kiện chính trong tuần trên đây, Tạp chí Thế giới Đó đây xin giới thiệu bộ phim ‘‘Civil War’’ (hay Nội Chiến) của đạo diễn Anh Alex Garland, vừa ra rạp tại Pháp. Bộ phim viễn tưởng ‘‘Nội Chiến’’ - nói về ‘‘tương lai gần’’ của siêu cường số một thế giới - đặt xã hội Mỹ đối diện với những đối kháng nội bộ trầm trọng, có thể dẫn đến chiến tranh huynh đệ tương tàn.

    ‘‘Trợ lý’’ gốc Hoa của lãnh đạo AfD lộ mặt: Chấn động chính trường châu Âu

    Cho đến nay, đảng cực hữu Đức AfD (Alternative fur Deutschland – tạm dịch là Vì Một Nước Đức Khác), đứng thứ hai về tỉ lệ được lòng dân tại Đức, đã thường xuyên bị cáo buộc nhận tiền của Trung Quốc. Chính trị gia cực hữu Maximilian Krah, lãnh đạo đảng AfD, đã nằm trong tầm ngắm của an ninh Đức từ nhiều năm. Tuy nhiên, việc công dân Đức gốc Hoa Quách Kiến (Guo Jian), 43 tuổi, ‘‘cánh tay phải’’ của nhân vật số một của đảng, bị bắt ngày 23/04 với cáo buộc gián điệp, đã vén lộ mức độ thao túng nghiêm trọng hơn rất nhiều.

    Đọc thêm : Nghị Viện Châu Âu thông qua nghị quyết chống « can thiệp của nước ngoài »

    Ngay sau vụ bắt giữ, lãnh đạo đảng Krah buộc phải lui về tuyến sau, tránh tiếp xúc với cử tri, vì lo sợ uy tín của đảng AfD bị chôn vùi cùng với bê bối này. Trong lúc Bắc Kinh lên án ‘‘vu cáo’’ nhằm phá hoại quan hệ Trung Quốc – Châu Âu, đông đảo nghị viên châu Âu kêu gọi tư pháp đưa ra kết luận sớm, nhằm giúp cử tri có đủ thông tin để bầu chọn đúng đảng, đúng người.

    Đặc phái viên Daniel Vallot tường trình từ Strasbourg :

    ‘‘Viên trợ lý nghị viên này từng là cộng sự của một trong những nhân vật nặng ký của đảng cực hữu Đức AfD, và có thể ông ta đã chuyển cho các cơ quan tình báo Trung Quốc các thông tin liên quan đến những thỏa thuận trong nội bộ Nghị Viện Châu Âu. Theo nghị viên châu Âu thuộc đảng Xanh Terry Reintke, cần khẩn cấp mở điều tra về các vụ tham nhũng và can thiệp nội bộ này.

    Bà nói: ‘‘Chúng ta biết là kiểu điều tra này đôi khi đòi hỏi nhiều thời gian, nhưng đối với chúng tôi, điều quan trọng là các công dân châu Âu biết rõ trước khi bỏ phiếu: liệu có tham nhũng hay không, có các can thiệp bên ngoài vào hoạt động của Nghị Viện Châu Âu hay không, từ phía Trung Quốc, hoặc từ phía Nga ? Tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền của Nghị Viện Châu Âu cộng tác với chính quyền các nước liên quan để đưa ra một kết luận về vụ việc này một cách mau chóng nhất, tốt nhất là ngay trước các cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.

    Vụ can thiệp vào nội bộ châu Âu mới nhất này diễn ra chỉ ít tuần sau khi tư pháp Bỉ mở điều tra về các vụ hối lộ và can thiệp nội bộ, lần này liên quan đến Nga. Một lần nữa vẫn lại là các nghị viên châu Âu cực hữu.’’

     

    Nga như ‘‘bão tố’’…, Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’...

    Hành tung của Quách Kiến gây nghi ngờ từ ít lâu nay. Tháng 10/2023, trang mạng t-onlinenói đến một nhân vật ‘‘gần gũi’’ với lãnh đạo đảng AfD, chỉ đạo một mạng lưới vận động hậu trường phục vụ quyền lợi của Trung Quốc ngay tại văn phòng của đảng này ở Nghị Viện Châu Âu. Theo thông báo chính thức của cơ quan công tố Đức, ‘‘Q. Kiến làm việc cho tình báo Trung Quốc. Vào tháng 1/2024, bị cáo đã nhiều lần chuyển (cho Bắc Kinh) các thông tin về các đàm phán và quyết định của Nghị Viện Châu Âu. Ngoài ra, người này còn thu thập thông tin về các nhà đối lập Trung Quốc ở Đức’’.

    Chính quyền Đức gần đây dự báo khả năng can thiệp ghê gớm của Trung Quốc. Theo ông Thomas Haldenwang, giám đốc Cơ quan Liên bang bảo vệ Hiến pháp, đối với Đức, can thiệp của Nga có thể ví như ‘‘cơn bão tố’’, còn tác động của Trung Quốc như ‘‘biến đổi khí hậu’’, tức thầm lặng, trầm trọng và lâu bền hơn rất nhiều (phát biểu năm 2022).

    Nhà Trung Quốc học Mareike Ohlberg (thuộc Quỹ Marshall), chuyên gia về các hoạt động gây ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhấn mạnh đến mục tiêu của Trung Quốc là tấn công vào ‘‘các điểm yếu của nền dân chủ phương Tây’’, thông qua các đảng phái như AfD. Chỉ ra ‘‘các điểm yếu’’ không nhằm mục đích cải thiện, mà để đả phá. Lãnh đạo đảng AfD cũng trở thành cái loa biện minh cho chế độ Bắc Kinh, khi khẳng định các cáo buộc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ chỉ là ‘‘chuyện bịa đặt nhằm gây sợ hãi’’.

    Cực hữu châu Âu và độc tài "cộng sản": Đồng thanh tương ứng

    Theo quan điểm chính trị truyền thống châu Âu, cộng sản là cánh tả. Hợp tác giữa cộng sản và cực hữu là điều không tưởng. Nhưng ngược lại, theo giới chuyên gia, với nhiều đảng phái cánh hữu, nhất là cực hữu châu Âu, chế độ mang danh ‘‘cộng sản’’ của Trung Quốc lại rất gần gũi. Theo chuyên gia về chế độ Trung Quốc Katjia Drinhausen, viện tư vấn tư nhân Mercator Institute for Chinese Studies, có trụ sở ở Berlin, điều khiến nhiều lãnh đạo đảng cực hữu AfD của Đức bị chinh phục bởi chế độ ‘‘cộng sản’’ Trung Quốc là việc ‘‘đặt lợi ích kinh tế lên trên hết’’, ‘‘quan điểm dân tộc chủ nghĩa cứng rắn’’, ‘‘quyền lực tập trung’’, ''chống tự do tư tưởng cá nhân''.

    Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế số một của Đức. Quan điểm của đảng AfD, qua lờinghị viên Peter Felser, một giới chức cao cấp của đảng, là quan hệ Đức – Trung phải ‘‘lấy kinh tế và lợi ích quốc gia làm đầu’’, đừng nói chuyện ‘‘đạo lý’’, chuyện ‘‘ý thức hệ chính trị’’. Theo chuyên gia Katjia Drinhausen, chế độ Bắc Kinh tìm cách gây dựng quan hệ với nhiều chính đảng tại Đức, tại châu Âu. Đảng cực hữu AfD đang lớn mạnh nhanh chóng, có thể trở thành đảng cầm quyền, đặt cược vào AfD là rất có lợi.  Truyền thông Pháp cũng ghi nhận việc Bắc Kinh vun trồng quan hệ với đảng cực hữu Pháp Tập hợp Dân tộc (RN) từ nhiều năm nay. Nghị viên châu Âu Hervé Juvin, từng là trợ thủ đắc lực của lãnh đạo đảng RN Marine Le Pen, coi Trung Quốc là ‘‘xứ sở của nhân quyền’’ và ‘‘đứng đầu thế giới về bảo vệ môi trường’’.

    Hàng loạt điều tra: ‘‘Lao động cưỡng bức’’, ‘‘trợ giá sản phẩm’’, ‘‘ngăn cản tiếp cận thị trường’’…

    Sau một thời gian dài lưỡng lự, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định mở một loạt điều tra nhắm vào các ‘‘cạnh tranh bất chính’’ của Trung Quốc trên thị trường châu Âu trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe ô tô điện... Trong tuần qua, Bruxelles lần đầu tiên mở điều tra, kể từ khi Liên Âu xác lập các quy định trong lĩnh vực này từ năm 2022, về cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn doanh nghiệp châu Âu tiếp cận ‘‘các dự án công’’ tại Trung Quốc.

    Theo ủy viên châu Âu phụ trách thương mại, Valdis Dombrovskis, Ủy Ban Châu Âu nghi ngờ Bắc Kinh tạo các rào cản, khiến doanh nghiệp châu Âu không thể tham gia đấu thầu các dự án công của Trung Quốc về thiết bị y tế, do chính sách ‘‘mua tại Trung Quốc’’. Mức độ kỳ thị đối xử đạt tới mức mà doanh nghiệp châu Âu gần như không có điều kiện tham gia thị trường này, trong lúc việc đấu thầu các dự án công của Liên Âu mở cửa đến 95% cho các cạnh tranh quốc tế. Để trả đũa, Bruxelles có thể ‘‘cấm cửa hoàn toàn’’ doanh nghiệp Trung Quốc tham gia lĩnh vực này tại châu Âu.

    Cũng trong tuần qua, ngày 23/04, Nghị Viện Châu Âu, với đa số áp đảo (555 phiếu thuận, 6 chống, 45 vắng mặt), cũng đã thông qua một đạo luật cho phép Bruxelles điều tra về các sản phẩm, do ‘‘người lao động bị cưỡng bức’’ làm ra, với ít nhất 27,6 triệu nạn nhân trên thế giới, với hơn 3,3 triệu trẻ em, trong đó có hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc.

    Cùng ngày, Ủy Ban Châu Âu cho biết nhiều cuộc khám xét bất ngờ đã được tiến hành tại các văn phòng của một doanh nghiệp sản xuất và bán ‘‘các phương tiện bảo vệ an ninh’’ trong khuôn khổ điều tra về trợ giá. Bruxelles không cho biết địa điểm cụ thể, nhưng Phòng Thương mại Trung Quốc ở châu Âu lên án các cuộc khám xét ‘‘không thể biện minh’’ tại Hà Lan và Ba Lan nhắm vào một doanh nghiệp Trung Quốc.  

    Phong trào sinh viên Mỹ chống chiến tranh tại Gaza 

    Từ nhiều ngày nay, tại Hoa Kỳ, phong trào phản đối chiến tranh ở Gaza bùng lên trở lại tại nhiều trường đại học hàng đầu như tại đại học Havard, các đại học ở Los Angeles, Boston hay Austin, Texas. Để bày tỏ thái độ phản kháng sinh viên nhiều nơi đã chiếm lĩnh khuôn viên đại học, tương tự như phong trào ‘‘Occupy Wall Street’’, chiếm lĩnh thủ phủ tài chính của nước Mỹ hay phong trào ‘‘Nuit Debout’’ ở Pháp. Chủ tịch Hạ Viện Mike Johnson đe dọa yêu cầu Vệ binh  Quốc gia can thiệp giải tán.

    Phóng sự ngày 24/04 của thông tín viên Loubna Anaki gửi về từ đại học Columbia, New York, một trung tâm của phong trào:

    ‘‘Đại học Columbia đồng lõa với diệt chủng’’, các sinh viên trường đại học nổi tiếng của thành phố New York hô vang. Các sinh viên này chống lại cuộc chiến tranh tại Gaza, và yêu cầu đình chỉ các chương trình trao đổi giữa Đại học Columbia với Israel.

    Để tiếng nói của họ được chú ý, các sinh viên quyết định chiếm lĩnh khuôn viên đại học cả ngày lẫn đêm. Một nữ sinh viên giải thích : ‘‘Chúng tôi đã thử bằng mọi cách, biểu tình, thương lượng, đối thoại với ban giám hiệu. Nhưng tất cả đều vô ích. Chúng tôi bắt buộc phải làm mạnh hơn để họ lắng nghe chúng tôi và đáp ứng các đòi hỏi của chúng tôi.’’

    Các sinh viên càng phẫn nộ hơn khi ban giám hiệu đã yêu cầu cảnh sát New York can thiệp để giải tán khuôn viên đại học hồi tuần trước. Khoảng một trăm sinh viên đã bị bắt đêm hôm đó. Một nữ sinh viên khác kể lại : ‘‘Họ đã dùng vũ lực, họ xâm nhập khuôn viên đại học với vũ khí. Chúng tôi hoàn toàn không cảm thấy được an toàn.’’

    Việc cảnh sát can thiệp cũng đã bị một bộ phận lớn giảng viên của trường lên án. Khoảng 400 người đã đến đây, trong lễ phục truyền thống của giảng viên đại học, để chính thức bày tỏ sự ủng hộ các sinh viên của mình.

    Các giảng viên kêu gọi lãnh đạo Đại học Columbia từ chức. Về phần mình, ban giám hiệu viện ra nội quy của trường cũng như các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ để biện minh cho quyết định yêu cầu cảnh sát can thiệp. Các cáo buộc ‘‘bài Do Thái’’ của ban lãnh đạo nhà trường đã bị các tổ chức sinh viên, trong đó có nhiều hiệp hội sinh viên người Do Thái, bác bỏ’’.

    Vì sao Trump ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

    Ngày 20/04/2024 sẽ được ghi nhận như là một thời điểm có ý nghĩa lịch sử đối với nước Mỹ, đang lưỡng lự giữa việc khép mình vào ‘‘chủ nghĩa biệt lập’’ Nước Mỹ Trên Hết (Americain first), hay tiếp tục đảm nhiệm vai trò hàng đầu trong khối ‘‘các nước dân chủ’’ trong cuộc đối đầu với các đế chế độc tài. Hạ Viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua khoản viện trợ 61 tỉ đô la cho Ukraina, sau nửa năm bế tắc kéo dài, do thái độ bất hợp tác của các dân biểu Cộng Hòa trung thành với cựu tổng thống Donald Trump. Vì sao rút cục ông Trump đã chấp nhận ngả theo phe ủng hộ viện trợ cho Ukraina ?

    Thoạt tiên, quyết định này có thể coi là một thất bại của Trump. Tuy nhiên, dù coi đây là một thất bại của cá nhân ông Trump hay không, một điểm chung được nhiều người ghi nhận, đó là ông Trump buộc phải đưa ra quyết định này để tránh cho đảng Cộng Hòa bị chia rẽ tột độ, thậm chí bị tan vỡ, bởi một bộ phận đông đảo nghị sĩ Cộng Hòa, tại Hạ Viện và Thượng Viện ủng hộ viện trợ Ukraina.

    Theo chuyên gia về lịch sử Mỹ đương đại Olivier Burtin, Đại học Picardie (Pháp), ‘‘Trump hiện đang sa lầy trong vụ xét xử tại New York (vụ xét xử hình sự đầu tiên nhắm vào một cựu tổng thống Mỹ, với cáo buộc che giấu chứng từ các khoản tiền đổi lấy sự im lặng của một nữ diễn viên khiêu dâm về các quan hệ tình ái với bị cáo), khiến ông ta không có thời gian vận động tranh cử…, hoàn toàn không muốn có thêm một cuộc chiến huynh đệ tương tàn mới trong nội bộ đảng Cộng Hòa, sau vụ phế truất chủ tịch Hạ Viện tiền nhiệm thuộc đảng Cộng Hòa hồi năm ngoái’’.

    Sử gia Oliver Burtin nhấn mạnh, với quyết định này trong hiện tại Trump vẫn khẳng định ‘‘tiếp tục là lãnh đạo của đảng Cộng Hòa’’. Ủng hộ viện trợ Ukraina cũng là một thủ đoạn tranh cử của Trump trong bối cảnh tỉ lệ được lòng dân so với đối thủ Joe Biden hiện đang ngang ngửa, 50/50. Để có cơ hội dành chiến thắng, Trump phải thu hút sự ủng hộ của các cử tri độc lập, mà đa số trong số này ủng hộ viện trợ Ukraina, theo chuyên gia Serge Jaumain, Đại học Tự do Bruxelles. Mà nếu Hoa Kỳ không viện trợ tiếp cho Ukraina trong năm nay, có nhiều nguy cơ Kiev sẽ thua trận Một thất bại như vậy có thể để lại hậu quả lớn cho cá nhân cựu tổng thống và đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.

    Ám ảnh nội chiến: ''Civil War'' lay động cử tri Mỹ ít tháng trước bầu cử

    Nếu như với không ít người Mỹ, cảnh chiến tranh, hỗn loạn tại Ukraina, tại Gaza, tại Haiti… là chuyện quá xa xôi, thì với đạo diễn bộ phim Civil War vừa ra mắt, chiến tranh là tương lai nhãn tiền ngay trong lòng nước Mỹ. Trong bộ phim viễn tưởng của đạo diễn Alex Garland, nội chiến bùng nổ sau khi tổng thống quyết định tại vị thêm nhiệm kỳ thứ ba bất chấp Hiến pháp. Cùng nhiều bang khác của nước Mỹ, Texas và California quyết định liên minh chống lại chính quyền liên bang. Bộ phim viễn tưởng của Alex Garland gợi lên hình ảnh của chính nước Mỹ hiện tại, ít tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, với nhiều khả năng cựu tổng thống Donald Trump – người cổ vũ cho cuộc tấn công nhà Quốc Hội Mỹ năm 2021 để đảo ngược kết quả bầu cử - trở lại nắm quyền.

     

    Phim Nội chiến đang thu hút nhiều khán giả nhất trong tuần qua tại Bắc Mỹ. Với The Economist, điều này ắt không lạ. Theo một điều tra năm 2022 được tuần báo Anh dẫn lại, có đến 40% dân Mỹ cho rằng trong thập niên tới, có nhiều khả năng một cuộc nội chiến thứ hai sẽ bùng nổ tại Mỹ.

    Đối với báo Pháp Les Echos, những ai xem Civil War không thể không nhớ đến hình ảnh ‘‘đám đông giận dữ và cuồng loạn vì thù hận’’ tấn công Quốc Hội Mỹ, và ‘‘nhà điện ảnh người Anh chỉ mở rộng’’ tầm mức của vụ tấn công nhà Quốc Hội Mỹ ngày 06/01/2021, với 5 người thiệt mạng, ‘‘sang một quy mô lớn hơn rất nhiều’’, ‘‘cứ như thể cái ngày mùa đông gây bàng hoàng cách nay hơn ba năm là dấu hiệu báo trước cho một đại cuồng phong tàn khốc chưa từng có’’.

    Civil War cũng là một bộ phim vinh danh nghề phóng viên. Các nhân vật chính trong phim là nhà báo chiến trường, hết mình cho hai sứ mạng, ‘‘truyền thông tin đến công chúng đương thời và là chứng nhân giúp cho hậu thế’’, và như vậy, khi ‘‘chìm sâu trong nỗi tuyệt vọng của hiện tại, các nhà báo cũng đồng thời chuẩn bị cho tương lai’’. Trong Nội Chiến, ‘‘thế giới sụp đổ một cách kinh hoàng, nhưng cũng chính từ tro bụi mà nẩy mầm một thế hệ mới, với ánh bình minh le lói của tái thiết và hy vọng tương lai’’. Khán giả coi phim ắt sẽ thấm thía hơn về ý nghĩa của lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ đầu tháng 11/2024.

    Theo truyền thông Mỹ, phiên thảo luận đầu tiên của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 25/04, về yêu cầu truy tố hình sự cựu tổng thống, của công tố viên đặc biệt Jack Smith, do vai trò của Donald Trump trong vụ bạo loạn tại Quốc Hội Mỹ, để ngỏ khả năng phiên tòa sẽ chỉ diễn ra sau cuộc bầu cử. Nếu tái đắc cử, Trump có khả năng ra lệnh cho bộ Tư Pháp đình chỉ vụ án, hoặc nếu bị kết án, tổng thống ‘‘sẽ có thể tự ân xá’’. Thẩm phán Tòa án Tối cao, Ketanji Brown Jackson, đặt câu hỏi : ‘‘Nếu không bị đe dọa truy tố hình sự, điều gì sẽ cản được tổng thống làm bất cứ điều gì ông muốn… và biến văn phòng tổng thống thành căn cứ địa cho các hành động tội phạm tại quốc gia này ?’’

    Sat, 27 Apr 2024
  • 102 - Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?

    Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ? ; Bị hạ oanh tạc cơ Tupolev 22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraina ; Tăng trưởng quý 1 của Trung Quốc tăng nhưng cường quốc châu Á vẫn hụt hơi ; Ứng viên tổng thống Mỹ Donal Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa ; 50.000 người Ấn Độ hàng ngày vẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm. Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

    Trả đũa Iran : Israel nhắm đến cơ sở hạt nhân ?

    Israel khẳng định đã “chốt” kế hoạch trả đũa Iran sau vụ huy động hơn 300 tên lửa và drone tấn công Nhà nước Do Thái. Ngày 19/04/2024, nhiều vụ nổ đã xảy ra ở Ispahan, miền trung Iran, nơi có cơ sở hạt nhân Natanz. Theo cơ quan thông tấn Iran Tasnim, cơ sở “hoàn toàn an toàn”. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) xác nhận “không có bất kỳ thiệt hại nào” tại các khu hạt nhân, đồng thời kêu gọi kiềm chế.

    Một số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng các vụ nổ là đòn trả đũa của Israel, nhưng được tiến hành trực tiếp từ lãnh thổ Iran. Tấn công vào các cơ sở hạt nhân ở Iran là một trong ba khả năng trả đũa của Israel được giới chuyên gia nêu lên trước đó vì Nhà nước Do Thái không muốn Iran có bom nguyên tử.

    Tính đến cuối tháng 02/2024, khối lượng uranium được Iran làm giàu đã cao gấp 27 lần mức cho phép, được ấn định trong thỏa thuận Vienna (JCPOA) năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Kể từ khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Iran tiếp tục chương trình làm giàu uranium. Trả lời đài RFI ngày 19/04, nhà nghiên cứu Heloïse Fayet, Viện Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho biết :

    “Chương trình hạt nhân của Iran nằm giữa hai điểm, không hẳn là quân sự nhưng cũng không hoàn toàn là dân sự. Nhưng có thể nói rằng Iran là“Quốc gia ở ngưỡng” hạt nhân, có nghĩa là nếu có một quyết định chính trị được ban hành về phát triển vũ khí hạt nhân, họ có năng lực công nghệ để tiến hành.

    Nhìn chung, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Iran hoặc của Liên Hiệp Châu Âu đối với việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga... đều thiếu hiệu quả, theo nhận định của nhà nghiên cứu Heloïse Fayet :

    “Iran bị Mỹ trừng phạt về chương trình hạt nhân, còn châu Âu nhắm vào việc Iran xuất khẩu vũ khí cho Nga vì Teheran bán drone cho Matxcơva và có thể là cả tên lửa đạn đạo. Vì vậy nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã bị nhắm đến. Tuy nhiên, có thể thấy là các biện pháp trừng phạt không phải quá hiệu quả vì Iran tiếp tục làm giàu uranium, tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và drone. Những biện pháp trừng phạt không gây hậu quả cho chính phủ Iran, cũng như cho Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo vì thị trường “chợ đen” và khả năng lách các biện pháp trừng phạt vẫn rất lớn. Vụ tấn công của Iran nhắm vào Israel ngày 13/04 là bằng chứng rõ nhất cho thấy những chiến lược gây sức ép tối đa do ông Donald Trump áp đặt, hiện giờ vẫn được tiếp tục phần nào, không đem lại hiệu quả”.

    Bị bắn hạ oanh tạc cơ Tu-22, Nga mất một lá bài để oanh kích ồ ạt Ukraina

    Một phi công của Nga bị thiệt mạng khi oanh tạc cơ Tupolev 22M3 bị rơi. Ngày 19/04, Matxcơva và Kiev đưa ra hai phát biểu khác nhau. Nga cho là do “sự cố kỹ thuật” còn Ukraina khẳng định chiến đấu cơ Nga đã bị bắn hạ. Oanh tạc cơ Tu-22M3 mang tên lửa tầm xa là thủ phạm các vụ bắn phá thành phố, làng mạc Ukraina.

    Trả lời đài RFI ngày 19/04, chuyên gia về địa-chính trị Ulrich Bounat, nhà nghiên cứu liên kết tại Open Diplomacy, nhận định đây là một thắng lợi mang ý nghĩa biểu tượng cho Ukraina :

    Bắn hạ loại chiến đấu cơ này, dù gì đó cũng chỉ là một trong số khoảng 40 chiến đấu cơ loại này, nhưng đúng, đó là loại máy bay đã được Nga sử dụng để thả bom, như vụ xảy ra sáng nay (19/04), trong đó có những loại bom rất lớn, rồi mang theo tên lửa Kh-22, ban đầu là tên lửa chống hạm nặng đến 1 tấn. Nhưng chính những tên lửa này lại được Nga sử dụng tấn công thành phố Dnipro và nhà ga xe lửa vào sáng nay (19/04). Nếu Ukraina bắt đầu bắn hạ được chiến đấu cơ Tu-22 mang được bom đạn cỡ lớn, việc đó buộc Nga phải xem lại cách oanh kích, như sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, drone... Nhưng tôi cho rằng thiệt hại này khiến Nga mất đi một lá bài trong chiến dịch oanh kích ồ ạt các thành phố và công trình hạ tầng của Ukraina.

    TrungQuốc : Tăng trưởng quý I tăng nhưng cường quốcchâu Á vẫnhụt hơi

    Tăng trưởng quý I/2024 của Trung Quốc khả quan hơn dự báo, tăng 5,3% so với mức “khoảng 5%”. Tuy nhiên, ngày 16/04, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo nguy cơ “hụt hơi” trong quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc do cuộc khủng hoảng nhà ở và tiếp tục duy dự báo tăng trưởng ở mức 4,6% trong năm 2024, thấp hơn so với mục tiêu được Bắc Kinh đề ra “khoảng 5%”. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thần kỳ mà Trung Quốc đạt được trong những thập niên gần đây, trừ giai đoạn Covid-19.

    Trả lời đài RFI ngày 16/04, chuyên gia Marc Julienne, giám đốc Trung tâm châu Á, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Pháp - IFRI, cho rằng “nền kinh tế Trung Quốc rất đánglongại”.

    “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở trongtìnhthế đánglongại. Nền kinh tế Trung Quốc dựa vào hai trụ cột rất quan trọng từ 30 năm nay. Trụ cột thứ nhất là sản xuất công nghiệp, gia công và xuất khẩu. Trụ cột thứ hai là bất động sản. Từng chiếm đến 1/4 GDP của Trung Quốc, ngành bất động sản hiện chững lại hoàn toàn. Cònvềvấn đề xuất khẩu, do nhu cầu thế giới giảm, hàng xuất khẩu của Trung Quốc cũng bị chậm lại đáng kể trong những năm gần đây.

    Lĩnh vực kinh tế cũng bị trì trệ. Chúng tôi thấy có sự thoái vốn đầu tư vào Trung Quốc trong quý III/2023. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc lần đầu tiên bị âm sau khoảng 30 năm bởi vì môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã xấu đi từ vài năm nay và xu hướng này vẫn tiếp tục trong khi không thấy bất kỳ cải cách nào có thể thu hút các công ty nước ngoài đến đầu tư vào Trung Quốc”.

    Mỹ : Trump không bị bỏ rơi dù phải hầu tòa

    Đúng cao điểm vận động tranh cử, ông Donald Trump phải ra hầu tòa từ ngày 15/04. Ông Trump là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với tố tụng hình sự. Vụ “Stormy Daniels”, được đặt theo tên của nữ diễn viên khiêu dâm mà cựu tổng thống bị cáo buộc đã mua chuộc im lặng của bà cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, sau đó ngụy trang số tiền thành chi phí tranh cử. Ứng viên đảng Cộng Hòa coi đây là phiên tòa chính trị nhằm ngăn cản ông trở lại Nhà Trắng.

    Vụ kiện chưa chắc đã ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử và sự ủng hộ của những cử tri truyền thống của nhà tỉ phú. Trả lời đài RFI ngày 15/04, chuyên gia về Hoa Kỳ Romual Sciora, nhà nghiên cứu cộng tác tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược - IRIS, giải thích :

    “Chúng ta có thể thấy một số thành viên Hội thánh Phúc âm sẽ hơi bị sốc chẳng hạn hoặc bớt nhiệt tình với ông Trump khi kết thúc phiên tòa này, bất luận kết quả thế nào. Nhưng chúng ta đừng quên rằng đối với các phong trào truyền giáo Phúc âm, ông Trump thực sự là người được Chúa chọn và do đó phải tha thứ cho những lỗi lầm của ông vì ông là sứ giả của Chúa để khôi phục nước Mỹ trở lại sự vĩ đại ban đầu. Cho nên, theo tôi, kết quả của vụ Stormy Daniels sẽ không gây tác động về cuộc bầu cử tháng 11 đến nhữngthành phầncử tri này”.

    Ấn Độ : 50.000 ngườihàng ngàyvẫn trầm mình trong dòng sông Hằng ô nhiễm

    Từ ngày 19/04, gần một tỷ cử tri Ấn Độ đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội và ông Narendra Modi có thể sẽ tiếp tục giữ thêm một nhiệm kỳ thủ tướng. Nhưng lời hứa làm sạch dòng sông Hằng (Ganges) linh thiên được đưa ra từ đợt tranh cử lần trước vẫn chưa được thực hiện. Năm 2018, nước sông bị ô nhiễm cao gấp 3.000 lần ngưỡng tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới.

    Hàng ngày, chừng 3 tỉ lít nước thải đổ thẳng ra dòng sông vẫn có khoảng 50.000 người xuống tắm, theo ghi nhận trong phóng sự ngày 17/04 của đặc phái viên RFI Cléa Broadhurst tại Benares (Varanasi), bang Uttar Pradesh, cứ địa quan trọng của thủ tướng Narendra Modi :

    “Tẩy uế dòng sông Hằng là lời hứa từ lâu của ông Narendra Modi. Nhưng hiện giờ, tiến sĩVishwambhar Nath Mishra, Viện Công nghệ Benares, cho rằng hiện trạng dòng sông còn kinh khủng hơn cách đây 10 năm. Ông phẫn nộ : “Nhiều người xuống tắm vì kính trọng. Một số khác thì uống nước sông chứa đầy phân. Chị thấy chấp nhận được không ? Việc này dẫn đến các bệnh về da, dịch tả, tiêu chảy”.

    Theo ông, vẫn có thể tẩy rửa được dòng sông nếu thực sự triển khai mọi phương tiện, nguồn lực được dành cho việc này : “Cần phải chặn nguồn xả nước xú uế ra sông, tiếp theo là chuyển hướng chảy trước khi nước ra sông và xử lý nước thải cho đến khi có thể tái sử dụng. Họ đã không triển khai đúng quy trình hệ thống này”.

    Đối với một số đông người vẫn quen đến tắm hàng ngày, như Prateek, họ không quan tâm đến mức độ sạch của nước sông Hằng. Ông nói : “Đối với chúng tôi, không cần biết nước có sạch hay không. Chúng tôi tôn thờ sông Hằng, như một người mẹ. Tắm trong dòng nước thánh là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Chúng tôi vẫn tắm và không sợ gì cả”.

    Hàng ngày có khoảng 50.000 người đến ngụp lặn trong dòng sông linh thiêng nhất Ấn Độ”.

    Sat, 20 Apr 2024
Show More Episodes