Podcasts by Category

Tạp chí thể thao

Tạp chí thể thao

RFI Tiếng Việt

Những sự kiện thể thao nổi bật trong tuần

147 - Vatican cũng chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa hè 2024
0:00 / 0:00
1x
  • 147 - Vatican cũng chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa hè 2024

    Trong khi các vận động viên của 206 quốc gia và vùng lãnh thổ đang tích cực luyện tập cho các cuộc tranh tài tại Paris vào mùa hè sắp đến, thì Vatican, quốc gia nhỏ bé nhất thế giới cũng đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội mùa hè. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nhìn thấy những vận động viên của quốc gia này diễu hành trên sông Seine trong ngày khai mạc hay tranh tài dưới lá cờ vàng-trắng.

    Vậy đâu là những công tác chuẩn bị cho Olympic của Vatican hay Giáo Hội Công Giáo? Linh Mục Phạm Hoàng Dũng, từ Liège, Bỉ, giải thích. 

    --------- ****** ---------

    Từ Thế Vận Hội thời Cổ Đại

    Khi nhắc đến các cuộc tranh tài thể thao như Olympic, chúng ta mường tượng ra ngay những vận động viên cơ bắp khoẻ mạnh với sức mạnh vô địch trên các đấu trường. Các cuộc đấu phô trương sức mạnh này rất phổ biến trong Đế Quốc La Mã trải dài khắp vùng Địa Trung Hải. Ở thời kỳ đầu của Giáo Hội, khi những ki-tô hữu Do Thái di cư đến các vùng lãnh thổ của Đế Quốc La Mã, nhất là tại Roma, họ mang theo tôn giáo của mình. Tuy nhiên, họ lại bị bách hại bởi nhà cầm quyền vì lý do tôn giáo. Một trong những cách hành hình các ki-tô hữu là cho vào đấu với thú dữ trong các đấu trường, như Colosseo ở Roma, bên cạnh các võ sĩ giác đấu chuyên nghiệp.

    Vì thế, ở thời Cổ Đại, người ki-tô hữu tuyệt đối chống lại các cuộc đấu sức mạnh này, không chỉ vì lý do bạo lực, chết chóc mà còn là nơi họ bị lộ thân phận Do Thái ki-tô giáo của mình. Nên biết ở đây là những người đàn ông Do Thái ki-tô hữu giữ luật cắt bì (tức là cắt bao qui đầu) thế nên khi trút bỏ y phục để thi đấu thì vết sẹo trên cơ thể tố cáo việc thực hành tôn giáo. Do đó, để được thi đấu hay rộng hơn là để hội nhập và thăng tiến trong xã hội La Mã, nhiều tín hữu đã bỏ đạo hay che giấu đi gốc tích ki-tô hữu của mình. Đó là lý do vì sao Giáo hội ở thời kỳ đầu chống lại các cuộc tranh tài thể thao này.

    Đến Thế Vận Hội thời hiện đại

    Sau tái hiện thành công Thế Vận Hội Athens (1896), hai phiên bản Paris (1900) và Saint Louis (Hoa Kỳ, 1904) lại thiếu tiếng vang và bị lấn át bởi các sự kiện khác, Pierre De Coubertin đã nghĩ đến một thế vận hội tiếp theo được tổ chức trên các di tích của nền văn minh Hy Lạp – La Mã. Thủ đô với Đấu trường Colosseo, Trường đua Circo Massimo, các thánh đường cổ kính sẽ là kịch bản được chuẩn bị để thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

    Vì vậy, vào năm 1905, Pierre De Coubertin đã đến Ý và nhận được sự ủng hộ từ chính phủ thủ tướng Ernesto Nathan. Hơn nữa, vị nam tước người Pháp này cũng đã chạy đến tìm sự ủng hộ của đức giáo hoàng Pio X, một người hâm mộ thể thao. Khi còn nhỏ, một ngày, ngài đi bộ 15 cây số để đến trường. Ngài cũng thường tham gia vào các hoạt động thể thao và tập thể dục dụng cụ. Có thể xem ngài như trường hợp ngoại lệ trong truyền thống thể thao của Vatican.

    Pierre de Coubertin đã đặt niềm tin vào sự ủng hộ của vị giáo hoàng yêu chuộng thể thao và Toà Thánh cho việc chuẩn bị thế vận hội Roma 1908. Ông cũng tìm kiếm sự ủng hộ của ngoại trưởng Tây Ban Nha, Rafael Merry del Val, một người yêu chuộng và luyện tập thể thao. Nhưng kế hoạch của ông đã bị thủ tướng Giovanni Giolitti bác bỏ với lý do chi phí quá tốn kém. Vì nước Ý lúc đó còn nghèo nên không thể mua các thứ xa xỉ cho các cuộc tranh tài thể thao và cho công việc chuẩn bị. Số tiền bỏ ra đó cần thiết hơn cho việc hiện đại hoá đất nước chứ không phải để cho một vài vận động viên đi thi đấu.

    Thế đó, nam tước De Coubertin viết trong Hồi ký của mình “tấm màn đã kín đáo buông xuống dòng sông Teveres, để rồi được kéo lên bên dòng sông Theme”. Kỳ thế vận hội Luân Đôn 1908 chứng kiến bi kịch của vận động viên marathon người Ý, Dorando Pietri ngã gục chỉ cách đích đến vài mét !

    Từ “tinh thần Olympic” trên phim

    Mùa hè 2012, khi Thế vận hội sắp diễn ra ở Luân Đôn, truyền hình Ý đã giới thiệu bộ phim “100 metri dal Paradiso - 100m từ Thiên Đường” tối ngày 11 tháng Năm. Đây là một bộ phim hài, đạo diễn Raffaelle Verzillo lấy hứng khởi từ vị giáo hoàng và các tu sĩ chơi thể thao như Đức Gioan Phaolo II, tu sĩ Thorvald, một đô vật, hay nữ tu Adele, vận động viên đẩy tạ hay Lucas Lanthaler, một thành viên của đội vệ binh Thụy Sĩ, đồng thời cũng là một vận động viên bộ môn 10 môn phối hợp. Bộ phim đã được sự đồng ý của Tòa Thánh và Hội đồng Giám Mục Ý.

    Tuy là phim hài nhưng bộ phim đã nói lên được tinh thần thể thao đầy tính cạnh tranh mà con người đặt ra cho chính mình, nhưng chứa đựng trong thể thao một hành vi tâm linh sâu sắc. Điều đó đòi hỏi sự chăm sóc mục vụ từ Giáo hội. Mặt khác, trí tưởng tượng của đạo diễn Verzillo cho các vận động viên Vatican thi đấu dưới màu sắc vàng-trắng của quốc kỳ Vatican như một sự tiên báo cho sự tham gia của Tòa Thánh vào phong trào Thế Vận thế giới.

    Đến hiện thực

    Ngày 01/01/2019, đội điền kinh Vatican – Athletica Vaticana được thành lập. Năm tháng sau, đội thể thao này đã tham gia vào cuộc tranh tài thể thao của các nước nhỏ ở Montenegro.

    Tại Đại hội thể thao của các nước nhỏ lần thứ 18 này có chín quốc gia tham dự với điều kiện dân số ít hơn 1 triệu người. Đội điền kinh Vatican tham dự với tư cách là “quan sát viên”. Trưởng đoàn Vatican, Đức ông Melchor Sánchez de Toca cho biết: “đây là bước đi nhỏ bé đầu tiên để tiến đến việc tham gia đầy đủ của các vận động viên Vatican trong các cuộc tranh tài thể thao nơi họ đem đến một thông điệp cụ thể về tình bằng hữu, tình huynh đệ và lòng trung thành để khơi lại những giá trị đích thực nhất của thể thao”.

    Đội điền kinh này đã và đang hoàn thiện những mối quan hệ với Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) và Châu Âu (EAF). “Đội này không được thành lập chỉ để chạy mà trên hết là để tạo ra sự đoàn kết và cầu nối văn hoá giữa các dân tộc”, Đức ông Sánchez Toca nhấn mạnh. Không phải ngẫu nhiên mà Athletica Vaticana là một phần của dự án thuộc Hội Đồng Giáo hoàng về văn hoá. Mục tiêu chính “là ủng hộ các cuộc thi đấu có giá trị biểu tượng cao”.

    Ai sẽ khoác áo đấu cho Vatican ?

    Liệu sẽ có hàng loạt các vận động viên được nhập tịch Vatican như từng thấy ở nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế ? Hay các vận động viên công giáo trên khắp thế giới xin thi đấu cho màu cờ sắc áo của Giáo Hội Công Giáo ?

    Thực sự, không thiếu những tu sĩ hay giáo sĩ có khả năng tranh tài thể thao, như giám mục địa phận Oran, Algerie, Jean Paul Vesco, một người Pháp, từng chạy marathon New York với thành tích 2 giờ 50 phút. Hay nữ tu Dòng Đa Minh Marie-Theo chuyên chạy cự ly trung bình. Hay Gianluca Palazzi một nhân viên Vatican, 45 tuổi, là một vận động viên Paralympic về bắn súng, ném đĩa và ném búa.

    Nếu một ngày nào đó có đoàn vận động viên Vatican, thì chắc chắn cô bé Sara Vargetto, mắc căn bệnh thoái hoá thần kinh và Benedetta Mattei với hội chứng Down sẽ tham gia vào Paralympic. Vì hiện họ đang luyện tập chạy với cựu tiền đạo của AC Milano và tuyển quốc gia Ý, El Shaarawy. 

    Không chỉ có những VĐV khuyết tật mà cả những VĐV bình thường, và không phải là người theo công giáo. Đó là trường hợp của Jallow Buba, người Gambia và Ansu Cisse, người Senegal. “Buba và Cisse, cả hai đều là người Hồi Giáo. Họ đều là vận động viên rất khỏe nhưng trước khi gia nhập Athletica Vaticana họ chưa từng chạy. Việc đưa họ vào đội không phải là một lựa chọn cho việc tranh tài, nhưng việc họ tham gia là một phần của chương trình hòa nhập thông qua thể thao mà Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi mời gọi việc chào đón ngày càng nhiều người di cư trẻ, đặc biệt thuộc các tôn giáo ngoài ki-tô giáo.” Các VĐV của Athletica Vatican đang mang trong mình tinh thần ki-tô giáo để theo đuổi tinh thần Olympic.

    Liệu có mâu thuẫn không ?

    Năm 1986, khi giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra ở Mexico, cuốn sáchSeek the Things Above – Tìm kiếm những điều ở thượng giới tập hợp những bài viết của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, lúc đó còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, về thể thao, bóng đá và thế vận hội.

    Bóng đá và thế vận hội, không có sự kiện nào khác trên trái đất có thể có tác động sâu rộng như vậy, điều đó cho thấy sự kiện thể thao này chạm đến yếu tố nguyên thủy nào đó của nhân loại và người ta tự hỏi tất cả sức mạnh này của các cuộc tranh tài (games) dựa trên điều gì. Người bi quan sẽ nói rằng nó giống như La Mã Cổ Đại. Khẩu hiệu : Panem et Circens – Bánh mỳ và Xiếc. Do đó, bánh mỳ và trò chơi giác đấu sẽ là những nội dung quan trọng của một xã hội suy đồi không có mục tiêu cao cả để phấn đấu. Ở đây, nên biết là Xiếc không theo nghĩa hiện nay mà là những trò chơi giác đấu chết người. Sức hấp dẫn của trò chơi giác đấu có tầm quan trọng tương tự như bánh mỳ là gì?

    Yêu cầu về bánh mỳ và trò chơi trên thực tế là biểu hiện của mong muốn về một cuộc sống thiên đường, một cuộc sống no đủ không lo lắng và một sự tự do thoả mãn. Bởi vì đây chính là ý nghĩa cuối cùng của trò chơi: một hành động hoàn toàn tự do, không mục đích và không ràng buộc, đồng thời thu hút và chiếm lĩnh mọi sức mạnh của con người. Theo nghĩa này, trò chơi sẽ là một kiểu cố gắng quay trở lại Thiên đường: thoát khỏi sự nghiêm ngặt nô lệ của cuộc sống hàng ngày và nhu cầu kiếm miếng cơm manh áo, để trải nghiệm sự nghiêm túc tự do của những gì không bắt buộc.

    Trò chơi giác đấu thời cổ hay bóng đá thể thao thời hiện đại buộc con người phải áp đặt kỷ luật cho bản thân để đạt được khả năng tự làm chủ thông qua rèn luyện. Hơn nữa, nó dạy người ta sự hoà hợp có kỷ luật: với tư cách là một trò chơi đồng đội, nó buộc mỗi cá nhân phải hoà nhập vào đồng đội. Sự thành công hay thất bại của mỗi cá nhân nằm trong sự thành công và thất bại của tập thể. Và nó còn dạy về một sự cạnh tranh lành mạnh, trong đó quy tắc chung mà mỗi người phải tuân theo vẫn là yếu tố ràng buộc và thống nhất với phía đối lập.

    Theo J. Ratzinger, con người không chỉ sống bằng bánh mỳ, thế giới bánh mỳ chỉ là khúc dạo đầu cho nhân loại đích thực, thế giới của tự do. Tự do được nuôi dưỡng bằng các quy tắc, bằng kỷ luật, mà nó dạy ta sự hoà hợp và cạnh tranh trung thành, độc lập trước sự thành công bên ngoài và tính độc đoán, và do đó trở nên tự do đích thực.

    Mối tương quan giữa thể thao và đời sống tâm linh

    Từ ngày 16-18/05/2024, một sự kiện được tổ chức nhằm xem xét mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và thể theo qua lăng kính tâm linh (spirituel) và nhân học (anthropologique). Đây là một Hội nghị quốc tế có chủ đề “Mettere la vita in gioco - Đặt sự sống vào tình thế nguy hiểm” được Bộ Văn Hoá và Giáo Dục Vatican kết hợp với Đại sứ Pháp bên cạnh Toà Thánh đồng tổ chức tại Viện Văn Hoá Pháp tại Roma. Hội nghị sẽ quy tụ khoảng 200 người tham dự, bao gồm đại diện của Toà Thánh, vận động viên, những nhà quản lý thể thao, nhà báo, học giả, những đại diện mục vụ từ các giáo phận của Châu Âu và các triết gia.

    Trong bối cảnh chiến tranh đang chia cắt thế giới hiện nay, tinh thần Olympic trước hết là thông điệp hoà bình, và sự cam kết của Giáo hội, cũng như của nước Pháp, là điều cần thiết. Vai trò của Giáo hội trong việc thúc đẩy tinh thần Olympic đã được nhiều người biết đến” Florence Mangin, đại sứ Pháp bên cạnh Toà Thánh cho biết trong cuộc họp báo giới thiệu hội nghị.

    Phía Toà Thánh, Đức hồng y José Tolentino de Mendonça, Bộ trưởng Bộ Văn Hoá và Giáo Dục, cho biết: “Thoạt nhìn, một hội nghị về thể thao do Bộ Văn Hoá và Giáo Dục Vatican tổ chức có vẻ hơi khác thường. Nhưng theo Đức Phanxicô, ngài đã so sánh thể thao với sự thánh thiện, thì chúng ta nhận ra có nhiều điểm kết nối sự hiện hữu giữa thể thao và đời sống tâm linh.

    Hội nghị sẽ xem xét các môn thể thao ngày nay để “hiểu tại sao thể thao lại được ưa chuộng”,cũng như “xác định những rủi ro của thể thao” và “đánh giá mức độ phù hợp của thể thao trong việc xây dựng một xã hội huynh đệ, bao dung và công bằng hơn”.

     “Về cơ bản, hai câu hỏi muốn trả lời tại hội nghị: Thể thao có ý nghĩa gì với Giáo Hội ? Giáo Hội phải nói gì về Thể Thao?”Hồng Y Mendonça nói, “Nếu nhìn lịch sử thể thao song song với lịch sử của Giáo Hội, đã có nhiều thời điểm trong đó thể thao là nguồn cảm hứng và là ẩn dụ cho đời sống của các ki-tô hữu, hay chính ki-tô giáo đã làm phong phú thể thao bằng tầm nhìn nhân văn của mình”.

    Hội nghị kết thúc bằng “Cuộc đua tiếp sức của tinh thần liên đới” được tổ chức tại trường đua Circo Massimo mang tính biểu tượng của Roma vào lúc 4 giờ chiều thứ bảy ngày 18/05/2024.

    Như vậy, tháng Bảy tới tại Paris, chúng ta sẽ không thấy được những vận động viên của Tòa Thánh thi đấu dưới màu cờ vàng-trắng. Nhưng tinh thần Olympic, sẽ luôn được Toà Thánh đề cao “vận động viên đích thực của Chúa”. Nghĩa là phải làm sao để thể thao trở thành nơi gặp gỡ giữa con người và tình huynh đệ giữa các dân tộc !

    RFI Tiếng Việt xin cảm ơn LM. Phạm Hoàng Dũng đã tham gia chương trình.

    Sun, 26 May 2024
  • 146 - Thành tích thể thao qua các kỳ Thế vận hội

    Chỉ còn hơn hai tháng nữa Thế vận hội mùa hè Paris 2024 sẽ khai mạc. Olympic hiện đại, ban đầu là sân chơi nghiệp dư, nay đã trở thành đấu trường chuyên nghiệp hóa, nơi so tài đỉnh cao của thể thao. Tất cả các quốc gia thành viên của Ủy ban Olympic Quốc tế đều mong muốn được góp mặt ở đấu trường Olympic. Thành tích ở đấu trường Olympic là thước đo phát triển trình độ thể thao, là hình ảnh, thể hiện tiềm năng sức mạnh của mỗi quốc gia.

    Cùng với chuyên gia Trần văn Mui, chúng ta nhìn lại thành tích thể thao của các quốc gia trong lịch sử phong trào Olympic hiện đại do bá tước người Pháp Pierre de Coubertin khởi xướng từ năm 1896.

    Sun, 19 May 2024
  • 145 - Các cúp bóng đá Châu Âu : Các đại diện Pháp gục ngã trước ngưỡng cửa chung kết

    Trong tuần người hâm mộ bóng đá được chứng kiến những trận cầu bán kết đỉnh cao của 2 giải Cúp châu Âu, Champions League và Europa League. Mùa giải 2023/2024 năm nay, làng bóng Pháp- Ligue 1- với đại diện Paris Saint-Germain ở Champions League và Olympique de Marseille lại một lần nữa bị loại khỏi trận chung kết.

    Thứ Ba (07/05), trên sân nhà, Paris Saint-Germain, đầy đủ tài năng nhưng quá thiếu chính xác, một lần nữa bị Borussia Dortmund đánh bại (1-0) và bị loại ở bán kết Champions League. Hai ngày sau đại diện cuối cùng của làng bóng Pháp Olympique de Marseille, hoàn toàn bị Atalanta Bergamo đại diện của làng bóng Ý áp đảo và đánh bại (3-0), trước thềm trận chung kết Europa League ở Dublin.

    Loạt trận bán kết lượt về ở hai giải Cúp lớn nhất Châu Âu đã công hiến cho người hâm mộ những trận cầu đỉnh cao thực sự cả trong sân cỏ cũng như những cuộc đấu trí của các nhà cầm quân lão luyện bên ngoài sân.

    Chúng ta cùng với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui trở lại với loạt trận lượt về của Champions League. Trước hết với nỗi thất vọng của câu lạc bộ của thủ đô Paris, PSG đã chuẩn bị tất cả những gì tốt nhất về nhân lực và tinh thần để tới trận chung kết trên sân Wembley vào ngày 01/06 tới, nhưng họ chỉ thiếu có bàn thắng. Có thể nói gì về thất bại của Paris Saint-Germain?

    Sun, 12 May 2024
  • 144 - Bóng đá Việt Nam tiếp tục chọn huấn luyện viên ngoại theo xu thế khu vực

    Cuối cùng bóng đá Việt Nam đã tìm được nhà cầm quân mới sau hợp đồng dở dang vì thất bại với huấn luyện viên Pháp Philippe Troussier. Vẫn lại là một huấn luyện viên nước ngoài, ông Kim Sang Sik đến từ Hàn Quốc, đồng hương của ông thầy nổi tiếng nhất trong giới hâm mộ bóng đá Việt Nam cho đến lúc này, Park Hang Seo.

    Hôm 03/05, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông báo đã quyết định chọn ông Kim Sang Sik cho vị trí huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam và đội tuyển U23 Quốc gia Việt Nam. Bản hợp đồng có thời hạn 2 năm, tính từ đầu tháng 5 này. Lễ ký chính thức và ra mắt tân huấn luyện viên trưởng các đội tuyển quốc gia nam của Việt Nam sẽ được tổ chức vào ngày 06/05.

    Như vậy là đến ông Kim Hang Sik, bóng đá Việt nam đã qua tay 11 ông thầy ngoại, với các quốc tịch từ Âu sang Nam Mỹ đến Á. Tuy nhiên, trình độ cũng như thành tích của đội tuyển quốc gia không được cải thiện là bao nhiêu. Với các thầy ngoại, bóng đá Việt Nam mới chỉ có được 2 chức vô địch Đông Nam Á - AFF Cup, đội tuyển trẻ thi đấu lúc lên lúc xuống không có sự ổn định.

    Việc chọn một vị thuyền trưởng cho bóng đá Việt Nam đang được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn cũng như người hâm mộ bóng đá Việt Nam và cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi như : Các huấn luyện ngoại có thực sự là nhân tố quyết định nâng tầm cho bóng đá Việt Nam ? Tại sao không thể tìm được một ông thầy nội, những người hiểu bóng đá nước nhà hơn ai hết ?

    Tham gia chương trình với chúng ta hôm nay, chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui cho rằng nhìn bề ngoài, việc chọn một huấn luyện viên ngoại là chạy theo xu thế đang khá phổ biến ở khu vực. Ông Mui nhận xét :

    Sun, 05 May 2024
  • 143 - U23 Châu Á Qatar 2024: Đông Nam Á nổi lên với hiện tượng Indonesia

    Vòng tứ kết giải U23 châu Á Qatar 2024- AFC U23 Asian Cup 2024, đã khép lại và xác định được hai cặp tứ kết : Indonesia gặp Uzbekistan, Nhật Bản gặp Irak. Đại diện Đông Nam Á Indonesia lập kỳ tích lần đầu dự vòng chung kết U23 và vào thẳng tới bán kết. Trong khi đó, U23 Việt Nam đã đạt mục tiêu vào đến tứ kết nhưng phải dừng bước trước U23 Irak với tỷ số thua tối thiểu mặc dù đã nỗ lực hết sức vượt lên chính mình.

    Vòng chung kết bóng đá nam U23 Châu Á năm nay rơi vào đúng kỳ Olympic mùa hè, đồng thời cũng là giải đấu để giành vé đi dự Thế vận hội Paris 2024 vào tháng 7 tới đây. Các đội tuyển trẻ của châu lục đến Qatar lần này đều nhắm tới mục tiêu giành tấm vé dự Olympic và vì thế đã chuẩn bị kỹ càng, thi đấu với quyết tâm rất cao. 

    Cùng với chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui chúng ta trở lại với những trận cầu mang giấc mơ Olympic đang diễn ra tại Qatar.

    Sun, 28 Apr 2024
Show More Episodes