Nach Genre filtern

Tạp chí Việt Nam

Tạp chí Việt Nam

RFI Tiếng Việt

Những vấn đề, sự kiện đang được dư luận quan tâm ở Việt Nam

198 - Thành công của tuyến đường sắt đô thị 3 Hà Nội mở đường cho những dự án khác với Pháp ?
0:00 / 0:00
1x
  • 198 - Thành công của tuyến đường sắt đô thị 3 Hà Nội mở đường cho những dự án khác với Pháp ?

    Người dân ở Hà Nội có thêm tuyến đường sắt đô thị thứ hai trong hành trình "Giao thông nhanh cho tương lai xanh". Lễ vận hành thương mại tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao được tổ chức ngày 09/11/2024 sau ba tháng mở cửa đón khách. Là dự án mang tính biểu tượng cho quan hệ Việt - Pháp, tuyến số 3 được hai bên kỳ vọng tăng cường hợp tác song phương trong những dự án tương lai về phát triển đô thị bền vững và chuyển đổi năng lượng phát thải thấp.

    Tuyến đường sắt đô thị 3 Nhổn - ga Hà Nội : Biểu tượng cho hợp tác Việt - Pháp

    Thành công của đoạn trên cao cũng « chứng tỏ năng lực của toàn thể đội ngũ Pháp - Việt Nam trong việc triển khai tốt các dự án hạ tầng đầy tham vọng của lĩnh vực vận tải đường sắt », theo nhận định của đại sứ Olivier Brochet khi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt :

    « Tuyến đường sắt đô thị số 3 thực sự là một dự án biểu tượng cho sự hợp tác Pháp-Việt vì dự án đã được khởi công từ cách đây khá lâu và đó cũng là một dự án phức tạp cần chút thời gian để hoàn thành. Việc tuyến đường được đưa vào hoạt động vào tháng 08/2024 đã được mọi người trông đợi. Chúng tôi rất vui. Trước tiên vì đây là một thành công lớn về kỹ thuật. Tuyến đường hoạt động rất tốt, chỉ trong một tháng đã có gần 1 triệu người ở Hà Nội sử dụng tàu điện. Có thể thấy là tuyến đường sắt này đã tìm được vị trí của mình. Đây là điểm đầu tiên cần phải nêu bật và chúng tôi rất vui.

    Tiếp theo là những mục tiêu. Phát triển bền vững giao thông đô thị là một thách thức đối với tất cả các thành phố lớn, dĩ nhiên là đối với cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Việt Nam muốn phát triển những loại hình giao thông đô thị một cách năng động trong những năm tới. Còn chúng tôi mong muốn làm việc với chính phủ Việt Nam bởi vì trước hết, giao thông đô thị bền vững là điều rất quan trọng cho người dân, giúp cải thiện điều kiện lưu thông, điều kiện sống hàng ngày bằng cách giảm thời gian di chuyển cho họ. Việc này cũng quan trọng đối với thành phố bởi vì đây là cách giảm ô nhiễm, giảm tắc đường. Chúng ta thấy ở Hà Nội, tình hình thường xuyên ở ngưỡng ranh giới, nhất là về mặt ô nhiễm đô thị vẫn còn rất nghiêm trọng.

    Tiếp theo, tuyến tàu điện còn có vai trò quan trọng vì làm giảm khí phát thải CO2 trong giao thông vận tải. Đây là một thách thức cơ bản trong cuộc chiến chống tình trạng trái đất nóng lên. Các phương tiện giao thông, trên quy mô thế giới, chiếm gần 25% lượng khí phát thải. Trên khắp mọi nơi, người ta tìm cách làm giảm lượng khí này và cách tốt nhất là phát triển giao thông đô thị hiệu quả, hiện đại. Chúng tôi rất vui được giải quyết những thách thức này với chính phủ Việt Nam và chính quyền thành phố Hà Nội ».

    Không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông

    Ngay trong 5 ngày đầu khai thác thương mại (08-12/08), tuyến số 3 đã phá kỷ lục lượt khách trải nghiệm tuyến 2A Cát Linh - Hà Đông, thu hút gần 300.000 lượt khách, trong đó chỉ riêng ngày 11/08 có đến 100.000 lượt, gần gấp đôi con số 58.000 lượt trong ngày 01/05/2023 của tuyến 2A. Không chỉ giữ chức năng phương tiện giao thông công cộng, tuyến số 3 được đối tác Pháp muốn biến thành không gian thư giãn, sinh hoạt chung cho hành khách mà không nhàm chán, tẻ nhạt với việc đưa nghệ thuật vào các công trình giao thông. Đây cũng là một thế mạnh của Pháp và được triển khai rộng rãi trong hệ thống tàu điện ngầm Paris-Ile de France.

    Lần đầu tiên, một tác phẩm nghệ thuật công cộng được đặt tại nhà ga đường sắt đô thị. Tác phẩm Năm giờ sáng, Hà Nội thức giấc - Il est cinq heures, Hanoï s’éveille (lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng Pháp Il est cinq heures, Paris s’éveille), được Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tài trợ thông qua quỹ Metis và tặng thành phố Hà Nội, được đặt tại ga Cầu Giấy, đúng lễ vận hành thương mại đoạn trên cao và đặt biển khánh thành. Tác phẩm muốn truyền tải cùng lúc nhiều thông điệp về khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, nhận thức về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, bảo tồn di sản văn hóa… Trong hành trình này, phía Pháp đã vận dụng rất nhiều công nghệ cao, hiện đại để tuyến số 3 xanh và bền vững, theo giải thích của đại sứ Olivier Brochet :

    « Cam kết của Pháp trong quá trình xây dựng tuyến đường số 3, trước tiên là thông qua việc tài trợ bởi vì gần 50 triệu euro ngânsách đã được huy động từ kho bạc Pháp hoặc từ Cơ quan Phát triển Pháp AFD. Nhưng cam kết của Pháp còn được thể hiện qua việc huy động tinh hoa của công nghệ Pháp về giao thông đường sắt đô thị. Có thể thấy rất nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ Pháp, như Alstom, Colas Rail, Systra - một công ty kỹ thuật tổng hợp, RATP Smart Systems…

    Tất cả những doanh nghiệp lớn của Pháp đều có kinh nghiệm dày dặn tại Pháp. Điều này được thấy trong kỳ Thế Vận Hội, các phương tiện giao thông đô thị đã đóng vai trò chủ đạo trong thành công của đại hội thể thao này. Những doanh nghiệp đó cũng được huy động trong dự án xây dựng mạng lưới Paris Express, hiện là dự án lớn nhất về giao thông đô thị ở châu Âu cho đến hiện nay. Người ta cũng thấy những doanh nghiệp lớn này của Pháp trong tất cả các dự án tàu điện trên thế giới, như ở Cairo (Ai Cập), ở Medellín (Colombia), ở Rabat (Maroc)… Và tất cả đều đang phục vụ tại Hà Nội và dĩ nhiên chúng tôi mong muốn phát triển thêm trong những dự án mới mà chính phủ Việt Nam dự kiến tiến hành trong những năm tới ».

    Triển vọng hợp tác mới về giao thông vận tải

    Dự án khởi công năm 2009, theo kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ và dự kiến hoàn thành năm 2027, riêng đoạn trên cao đã được khai thác thương mại từ tháng 08/2024. Tổng vốn đầu tư cũng bị tăng gấp đôi, từ hơn 18.000 tỉ đồng lên gần 36.000 tỉ đồng. Liệu những điểm này có trở thành một trở ngại trong khi Pháp cho biết sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong những dự án trong tương lai ? Trả lời thắc mắc của RFI Tiếng Việt, đại sứ Olivier Brochet giải thích :

    « Những dự án lớn này đều là những dự án vô cùng phức tạp ở khắp mọi nơi, phức tạp về mặt công nghệ, phức tạp trong việc triển khai công trường bởi vì cần phải xây dựng những công trường quy mô lớn ở một thành phố mà cuộc sống vẫn tiếp diễn theo nhịp độ thông thường, phức tạp về mặt cơ chế, thực hiện các quy định mới của Nhà nước thiết lập các hệ thống này.

    Vì tất cả những lý dotích tụ nàydẫn đến những chậm trễ. Và tất cả các tuyến đường sắt đã được xây dựng đều bị chậm. Tuyến số 1 ở đây chẳng hạn cũng bị khởi công muộn. Tuyếnmới ở thành phố Hồ Chí Minh, được hợp tác xây dựng với Nhật Bản, cũng bị trễ. Đây là việc bình thường vì cần phải có thời gian học tập. Điều quan trọng hiện nay là có thể sử dụng quãng thời gian học tập đó để tiết kiệm thời gian sau này, qua việc đã có những tác nhân hiểu rõ vấn đề, hiểu những trông đợi, nhu cầu của mỗi bên để có thể có những dự án tiến triển nhanh hơn, sớm mang lại kết quả và đến lúc đó sẽ cho phép làm chủ chi phí tốt hơn.

    Chính vì thế mà chúng tôi đã đề xuất với chính phủ Việt Nam là bắt đầu suy nghĩ luôn đến việc kéo dài tuyến số 3. Có nghĩa là không phải công trình ngầm đã được khởi công và đang tiến triển mà ngay từ bây giờ, nên bắt đầu chuẩn bị cho việc kéo dài tuyến. Bởi vì nếu dự tính sớm thì sẽ giúp triển khai công việc tiếp theo sau khi hoàn thành công trình ngầm và như vậy sẽ tránh được các chi phí bổ sung liên quan đến việc giải thể các công ty tham gia xây dựng tuyến số 3 ».

    Trong chuyến công du Pháp của chủ tịch nước Việt Nam kiêm tổng bí thư Tô Lâm từ ngày 03-07/10/2024, hai nước bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải hướng tới giảm phát thải carbon thông qua « Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Giao thông Vận tải ». Theo bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, « đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam hết sức quan tâm nhằm thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) và COP26 (phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050) trong lĩnh vực giao thông vận tải ».

    Thực ra, theo trang Facebook Thông tin Chính phủ ngày 07/10, Việt Nam và Pháp đã phối hợp hoàn thành một số dự án trong lĩnh vực đường sắt, như hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Hà Nội - Vinh do tập đoàn Alstom và đối tác Việt Nam triển khai ; dự án Cải tạo và nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai do Ngân hàng Phát triển châu Á và Pháp đồng tài trợ.

    Ngoài dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và cơ quan AFD nghiên cứu cung cấp « Hỗ trợ kỹ thuật lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cải tạo, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng », có xét đến tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng được xây dựng mới trong tương lai. Báo Chính phủ ngày 04/11 cho biết Cục Đường sắt Việt Nam (trực thuộc bộ Giao thông Vận tải) đã trình hồ sơ Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đi qua 10 tỉnh/thành phố.

    Cơ quan AFD, hiện là nhà tài trợ song phương lớn nhất khu vực châu Âu của Việt Nam, cũng được kêu gọi tiếp tục trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các dự án đường sắt tại Việt Nam thời gian tới. Ông Philippe Orliange, giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, khẳng định AFD sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đường sắt cao tốc, lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam đang đặc biệt quan tâm, mong muốn thực hiện trong thời gian tới.

    Liệu thành công của tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội tiếp thêm sức bật cho những dự án mới ? Dù sao, theo bản ghi nhớ ký tại Paris, Việt Nam và Pháp dự định hợp tác trong các lĩnh vực đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa ; tạo thuận lợi cho chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải, tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đây cũng là những lĩnh vực hợp tác truyền thống và rất năng động giữa hai nước từ nhiều năm qua.

    Mon, 18 Nov 2024
  • 197 - Chiến thắng của Donald Trump sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Mỹ-Việt

    Chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày 05/11/2024 sẽ có tác động đến toàn thế giới, đặc biệt là đến châu Âu.

    Tại châu Á, trong khi một số đồng minh thân cận của Mỹ như Hàn Quốc hay Nhật Bản lo ngại khi thấy ông Trump trở lại Nhà Trắng, thì Việt Nam không sợ sẽ có những thay đổi lớn trong quan hệ với Hoa Kỳ, nếu có chăng thì đó là trong lĩnh vực thương mại, bởi lẽ chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai cũng sẽ thi hành một chính sách mang tính bảo hộ mậu dịch đối với tất cả các nước, kể cả với Việt Nam. 

    Trong phần tạp chí hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Vũ Xuân Khang, hiện là học giả thỉnh giảng (visiting scholar) về quan hệ quốc tế tại đại học Boston College, Hoa Kỳ.

    RFI:Với việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng, liệu chính sách châu Á của ông có sẽ tương tự như trong nhiệm kỳ đầu ?

    Vũ Xuân Khang:Điều này còn phải trông chờ rất nhiều vào thành viên nội các của ông Trump trong tương lai, nhất là hai vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ngoại trưởng. Tuy vậy, nhiệm kỳ 1 của Trump cho thấy là ông vẫn muốn duy trì hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhưng rõ ràng ông Trump sẽ theo một cách khác với các tổng thống trước. Ông luôn mong muốn các nước đồng minh Châu Á phải mạnh tay chi tiêu quốc phòng hơn và ký kết các hiệp định thương mại có lợi cho Mỹ nhiều hơn, do ông là một tổng thống ưu tiên lợi ích nước Mỹ trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn.

    Ông Trump có thể giảm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á hoặc khu vực Châu Á nói chung khi nào các nước Châu Á không đáp ứng được yêu cầu của ông Trump, thứ nhất cắt giảm thâm hụt thương mại và thứ hai là đóng góp nhiều hơn vào việc bảo vệ an ninh khu vực, tăng chi phí quốc phòng để giảm gánh nặng cho Mỹ trong việc bảo vệ các nước đồng minh.

    Các nước Châu Á trong thời gian tới sẽ cố gắng xoa dịu ông bằng cách mua hàng của Mỹ hay đầu tư nhiều hơn vào các doanh nghiệp Mỹ trên đất Mỹ nhằm giúp cho ông Trump gây được tiếng vang đối với cử tri trong nước, chứng tỏ là ông đã thực hiện được lời hứa Buy american, Hire american ( Mua hàng của Mỹ và Thuê nhân công Mỹ ).

    RFI: Riêng đối với Việt Nam, từ nhiệm kỳ của Trump đến nhiệm kỳ của Biden, quan hệ Việt-Mỹ đã tiến triển như thế nào ? Có sự cách biệt nào đó hay có sự tiếp nối giữa hai nhiệm kỳ tổng thống?

    Vũ Xuân Khang: Việt Nam may mắn là một trong những nước có được sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ, do đó dù tổng thống là Cộng Hòa hay Dân Chủ, quan hệ Việt-Mỹ cũng sẽ có sự phát triển trong thời gian tới.

    Quan hệ Việt-Mỹ đã có những bước tiến lớn từ năm 2017 đến nay cả dưới thời ông Trump nhiệm kỳ đầu tiên lẫn nhiệm kỳ Biden. Trong thời gian 7 năm qua, lần đầu tiên đã có một tàu sân bay Mỹ ghé cảng của Việt Nam vào năm 2018 và Mỹ vẫn tiếp tục chuyển giao các tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam, như một cam kết với an ninh của khu vực và đặc biệt đối với Biển Đông.

    Dưới thời Biden, Việt Nam và Mỹ cũng đã nâng cấp quan hệ nhảy vọt lên thành đối tác chiến lược toàn diện và quan trọng nhất là Mỹ đã không trừng phạt Việt Nam sau khi cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Trump 1. Mặc dù vào tháng 8 năm nay, Mỹ đã không cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường để giúp hàng hóa Việt Nam nhập vào Mỹ với giá rẻ hơn, nhưng hai nước sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề này. 

    Có thể thấy là quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, khác với quan hệ với các đồng minh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, sẽ tiếp tục phát triển bình thường và ổn định.

    RFI: Trump đã từng nắm giữ chức tổng thống và đã từng sang thăm Việt Nam. Có lẽ là với chính quyền Trump nhiệm kỳ thứ hai, giới lãnh đạo Việt Nam không mấy xa lạ với phong cách lãnh đạo của ông? Họ có thể dễ dàng thích ứng với những chính sách mới mà ông sẽ thi hành đối với Việt Nam? Với chính quyền Trump 2, chắc là họ cũng sẽ tiếp tục áp dụng chính sách ngoại giao "cây tre"?

    Vũ Xuân Khang:Đúng là như vậy. Từ giai đoạn 1990 đến nay, ngoại giao "cây tre" vẫn là hòn đá tảng của ngoại giao Việt Nam và Hà Nội sẽ không thay đổi chính sách này chỉ vì một tổng thống Mỹ nhậm chức. Điểm mạnh của ngoại giao "cây tre" là Hà Nội không đặt hết trứng vào một giỏ, nên cho dù ai đắc cử tổng thống Mỹ, chính sách ngoại giao của Việt Nam với Mỹ cũng sẽ không thay đổi.

    Bài học này là Việt Nam học từ giai đoạn Việt Nam liên minh với Liên Xô vào những năm 1970-1980. Việt Nam đã đặt niềm tin vào lãnh đạo Liên Xô Leonid Brejnev, nhưng khi có thay đổi lãnh đạo,ông Mikhail Gorbatchov lên nắm quyền 1985, thì rõ ràng là chính sách đối ngoại của Việt Nam bị phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đối ngoại của lãnh tụ Liên Xô. Do đó, khi ông Gorbatchov hòa hoãn với Trung Quốc, thì Việt Nam cũng đã bắt buộc thi hành chính sách hòa hoãn với Trung Quốc và rút quân khỏi Cam Bốt, do sức ép của Liên Xô. 

    Chính bài học này khiến Việt Nam phải cẩn thận hơn khi hành xử với các đối tác ngoại giao lớn. Chính sách ngoại giao "cây tre" sẽ giúp Việt Nam tập trung nhiều hơn vào việc phát triển quan hệ Việt - Mỹ nói chung, chứ không phải với một lãnh đạo nhất định nào cả. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn sẽ tập trung phát triển trao đổi kinh tế và công nghệ và hạn chế trao đổi quốc phòng với Mỹ do áp lực từ ngày xưa từ phía Trung Quốc đối với Việt Nam. 

    Một ví dụ rất lớn: Mặc dù đã rất bất ngờ khi ông Trump thắng cử vào năm 2016, Việt Nam đã rất nhanh chóng tiếp cận với chính quyền Trump. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Trump tiếp đón tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Trong dịp đó, Mỹ và Việt Nam có các trao đổi về thương mại cũng như quốc phòng. Chỉ vài ngày trước cuộc gặp diễn ra, Mỹ đã chuyển giao 1 tàu tuần tra cho Cảnh sát biển Việt Nam như một cam kết là Mỹ vẫn có lợi ích ở khu vực Đông Nam Á.

    Chính quyền Việt Nam sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận ông Trump, do Việt Nam đã không tỏ ra ủng hộ bên nào hơn bên nào trong bầu cử tổng thống Mỹ, khác với các đồng minh Châu Á khác khi họ ủng hộ ứng cử viên Dân chủ Kamala Harris. Việc Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ cũng sẽ giúp Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn và không bị bó buộc vào một chính sách đối với một ứng cử viên.

    RFI: Có thể Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và có thể giúp Hoa Kỳ kềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhưng liệu có nguy cơ là ông Trump, với chủ trương America First( Nước Mỹ trước hết ), sẽ thi hành một chính sách thương mại mang tính bảo hộ mậu dịch nhiều hơn và điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến Việt Nam, nhất là vì Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam?

    Vũ Xuân Khang: Trump từ lâu đã tuyên bố cần phải giảm thâm hụt thương mại trong quan hệ với Việt Nam. Với tư cách là một tổng thống xuất thân từ giới kinh doanh và đặt ưu tiên là mọi người phải mua hàng của Mỹ và thuê nhân công Mỹ, ông Trump hiển nhiên không thích nước Mỹ bị Việt Nam "lợi dụng" về thương mại, theo cách nhìn của ông Trump.

    Có khả năng cao là ông Trump sẽ ép Việt Nam mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn, thuê nhiều nhân công của Mỹ hơn và mở rộng các nhà máy ở Mỹ hơn, như tập đoàn Vinfast đã làm trong thời gian qua. Đây sẽ là cách ông Trump gây áp lực lên Việt Nam để làm giảm thâm hụt thương mại. Có thể yếu tố này, chứ không phải yếu tố Trung Quốc, sẽ quyết định sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ trong những năm tới.

    Việt Nam cũng sẽ cần phải khôn khéo tránh các đòn trừng phạt thương mại của Mỹ, như cáo buộc thao túng tiền tệ, đồng thời nên chọn mua những mặt hàng của Mỹ nhằm phát triển công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo, vì rõ ràng Mỹ vẫn là một nước có nền công nghiệp và công nghệ phát triển rất mạnh. Việt Nam cũng sẽ có lợi rất nhiều nếu như có thể chọn mua của Mỹ những thứ mà những nước khác không thể cung cấp cho Việt Nam. Đây cũng là một trọng tâm phát triển quan hệ Việt-Mỹ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện ký kết vào năm ngoái, khi Việt Nam đặt nặng việc phát triển công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trong những năm tới.

    Mon, 11 Nov 2024
  • 196 - Việt Nam xem xét việc khởi động lại các dự án phát triển điện hạt nhân

    Để bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn thực hiện được cam kết về chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đang muốn quay trở lại với các dự án điện hạt nhân đã bị bỏ dở trước đây.

    Vào giữa tháng 9 vừa qua, chính phủ Hà Nội đã giao cho bộ Công Thương nghiên cứu việc phát triển điện hạt nhân của các nước,“để đề xuất phát triển loại năng lượng này tại Việt Nam trong thời gian tới”. Trên cơ sở đó, chính phủ “sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”.

    Trên thế giới hiện nay, nhiều nước đang quay lại điện hạt nhân để chống biến đổi khí hậu vì hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2. 

    Vào năm 2009, Quốc Hội Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuân, với tổng cộng 4 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 4.000 MW. Các hợp đồng được giao cho tập đoàn Nhật Bản Japan Atomic Power Co và tập đoàn Nga Rosatom thực hiện, với tổng chi phí khoảng 8,9 tỷ đô la.

    Nhưng một phần do những quan ngại từ tai nạn hạt nhân Fukushima năm 2011 và một phần do khó khăn về ngân sách vào thời gian đó, dự án này đã dừng lại vào năm 2016 theo quyết định trong Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc Hội. Đến năm 2022, khi giám sát về việc thực hiện nghị quyết này của Quốc Hội, Ủy ban Kinh tế đã đề xuất nên xem xét phát triển năng lượng hạt nhân “trên cơ sở đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng”.

    Nay nhu cầu phát triển điện hạt nhân càng trở nên cấp thiết do Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại trong chiến lược phát triển các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió ngoài khơi và khí đốt thiên nhiên, do các vấn đề về quy định và giá cả.

    Trả lời RFI Việt ngữ ngày 27/09/2024, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, cũng cho rằng đã đến lúc phải xem xét trở lại khả năng phát triển điện hạt nhân:

    “Trong bối cảnh chung , rõ ràng là khi kiểm tra lại các phương án, chúng ta có thể xem xét trở lại vấn đề hạt nhân, vì năng lượng này có thể đóng góp phần lớn và tạo thêm bức tranh chung, tức là tiến đến thực hiện cho được cam kết netzero cũng như các phương án điện khác.

    Trước đây chúng ta gác việc ấy lại, nhưng bây giờ thấy cần thiết phải xem xét, nhưng đấy chỉ mới là xem xét thôi, chứ còn điện hạt nhân thì có nhiều loại lắm, vấn đề là xem xét loại nào. 

    Bây giờ tình trạng chung các nước đều như thế cả, cho nên nước nào cũng sẽ xem xét phát triển điện hạt nhân, nhưng mỗi nước có một điều kiện riêng. Khi xem xét Việt Nam cũng phải dựa trên điều kiện của Việt Nam để đề ra những phương án cụ thể, chứ thực chất là các loại năng lượng tái tạo vẫn tốt, nhưng bao giờ cũng có những khó khăn”.

    Thật ra, theo hãng tin Anh Reuters, từ nhiều năm qua, Việt Nam đã vẫn tiếp tục thăm dò khả năng phát triển điện hạt nhân và đã thảo luận với những nước như Nga, Hàn Quốc và Canada về việc hỗ trợ phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. 

    Việc phát triển điện hạt nhân hiện không được đề cập trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030 ( Quy hoạch điện VIII ), nhưng trong báo cáo gửi các bộ ngành đề nghị góp ý cho dự thảo sửa quy hoạch này, bộ Công Thương có nhắc đến phát triển các nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SMR) ở Việt Nam.

    Theo Bộ này, các lò phản ứng module nhỏ có công suất khoảng 300 MW mỗi tổ máy, bằng một phần ba công suất của các lò truyền thống. Các nhà máy này sản xuất lượng điện có hàm lượng carbon thấp, thời gian xây dựng ngắn (khoảng 24-36 tháng). 

    Giáo sư Phạm Duy Hiển cũng đồng tình với việc phát triển các lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ phù hợp với điều kiện của Việt Nam:

    “Bây giờ nếu nói trở lại điện hạt nhân, ý kiến dứt khoát của tôi là không dùng điện hạt nhân như trước đây đã từng dự định làm ở Phan Rang theo mô hình các nhà máy thế hệ 3+, dùng công nghệ của Nga và của Nhật, rất là tốn kém, giải pháp về an toàn thì rất tốt, nhưng không cần thiết. Ví dụ như họ tính là nhà lò kiên cố đến mức mà máy bay có rơi thẳng xuống thì không sao cả. Để làm gì? Xác suất mà máy bay rơi xuống rơi xuống nhà  lò thì cực kỳ thấp. Công nghệ đó có thể thích hợp với các nước tiên tiến. Bây giờ các nước đó xây những lò phản ứng cùng một lúc có thể cho ra hàng ngàn MW.

    Còn bây giờ theo điện hạt nhân thì phải theo option mới, mà một trong những option  đó là lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Lò phản ứng này rất thích hợp vì không đòi hỏi nhiều về cơ sở hạ tầng về pháp lý, về xây dựng…, nhưng công suất tối đa chỉ 100, 200 MW, nên tất nhiên là phải cần nhiều lò.”

    Nhưng giáo sư Phạm Duy Hiển nhấn mạnh, hiện trên thế giới chưa có lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ nào sẵn sàng để được thương mại hóa:

    "Nước nào cũng nói như vậy nhưng đâu đã có ai bán lò công suất thấp với giá tương đối phải chăng. Bộ Công Thương nếu có trình dự án cho Bộ Chính trị thì cũng để đấy, vì phải có thêm thời gian nghiên cứu và cũng chờ cho đến khi nào các lò công suất thấp đó được thương mại hóa, chắc chắn là phải sau năm 2030".

    Nếu quyết định trở lại với các dự án phát triển điện hạt nhân, Việt Nam sẽ có thể trông chờ vào sự trợ giúp của nước nào? Trước mắt, có vẻ như Nga đang chiếm ưu thế trong số các đối tác tương lai của Việt Nam. 

    Theo báo chí trong nước, trong chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Nga Vladimir Putin ở Việt Nam vào tháng 6/2024, hai bên đã khẳng định"phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là lĩnh vực hứa hẹn trong mở rộng hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga."

    Nhân dịp đó, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) và Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về lộ trình thực hiện Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Dự án này bao gồm lò phản ứng hạt nhân với công suất 10 MW sẽ được xây dựng tại thành phố Long Khánh (Đồng Nai).

    Thật ra thì ba nhiệm vụ quan trọng của lò phản ứng tại Long Khánh chỉ là sản xuất đồng vị phóng xạ, dược chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư; chiếu xạ silic tạo vật liệu bán dẫn; triển khai các nghiên cứu về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ. Nhưng đây được coi là cơ sở để "giúp nâng cao tiềm lực năng lượng nguyên tử cho Việt Nam trong giai đoạn tới", theo đánh giá của chính phủ Việt Nam. 

    Hàn Quốc, một trong những quốc gia cũng có thế mạnh về năng lượng nguyên tử, cũng đã tỏ vẻ rất quan tâm đến khả năng phát triển loại năng lượng này ở Việt Nam. Theo báo chí trong nước, khi hội kiến chủ tịch nước Tô Lâm ngày 02/08, đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam bày tỏ mong muốn của Seoul tăng cường hợp tác với Hà Nội trong việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. 

    Trước đó, Công ty Thủy điện và Điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) thuộc Công ty Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) ngày 22/6/2023 tại Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực điện nguyên tử và lò phản ứng module nhỏ (SMR).

    Việc phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam như đã nói ở trên phải cần nhiều năm, cho nên trước mắt, do nhu cầu tiêu thụ điện năng ngày càng lớn, Việt Nam phải cố gắng tiết kiệm điện, điều mà giáo sư Phạm Duy Hiển đã kêu gọi từ lâu:

    "Tôi thấy rất mừng là nước đã nhận ra rằng mức tiêu thụ điện năng của mình là quá cao so với nhiều nước khác. Do đó ngay cả EVN ( Tập đoàn Điện lực Việt Nam ) cũng đã đề nghị nhà nước phải có một chính sách tiết kiệm điện một cách triệt để, thậm chí  đề ra mục tiêu là hàng năm phải tiết kiệm 2% điện năng. Đấy là một chủ trương rất tích cực, góp phần vào mục tiêu chung, chứ không chỉ có việc phát triển các năng lượng tái tạo và những vấn đề khác."

    Mon, 28 Oct 2024
  • 195 - Nâng cấp đối tác chiến lược toàn diện với Pháp, chủ tịch Tô Lâm muốn thể hiện năng lực ngoại giao, ổn định chính trị Việt Nam

    Trong chuyến thăm chính thức Pháp, tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã hội đàm với tổng thống Emmanuel Macron tại điện Élysée, Paris hôm 07/10/2024. Hai bên quyết định nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong quan hệ lịch sử song phương. Thắt chặt quan hệ với một nước xuất khẩu vũ khí lớn ở châu Âu có tác động đến khả năng quốc phòng của Việt Nam hay không ? Cột mốc ngoại giao do ông Tô Lâm đặt ra, phải chăng giúp vị tổng bí thư vủng cố quyền lực, đặc biệt là về ngoại giao ?

    Pháp, nước đầu tiên tại châu Âu, vừa trở thành thành viên thứ 8 trong câu lạc bộ các nước có quan hệ cấp cao nhất trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, sau Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) Hàn Quốc (2022), Hoa Kỳ (2023), Nhật Bản (2023), Úc (2024).

    Việc thắt chặt quan hệ giữa hai nước sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ năm của Việt Nam. Trao đổi thương mại song phương tăng 42 % trong hơn một thập kỷ qua, đạt 4,8 tỷ đô la vào năm 2023. Pháp cũng đã đầu tư vào gần 700 dự án tại Việt Nam, và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 16 tại Việt Nam.

    Nhà nghiên cứu Zachary M. Abuza, tại đại học National College War , Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng Việt Nam coi phát triển kinh tế là “ưu tiên” . Ông giải thích : “Nếu nhìn vào các đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam đã thiết lập, tất cả đều là các đối tác kinh tế lớn. Đây luôn là tôn chỉ của Việt Nam trong chính sách ngoại giao. Hà Nội đang nổ lực để trở thành một nước phát triển, hoặc ít nhất là trong nhóm nước có thu nhập cao từ nay đến 2045. Do vậy, nâng cấp quan hệ với Pháp là một lựa chọn quan trọng cho Việt Nam, có thể đơn giản là vì những di sản thuộc địa, dù xấu hay tốt. Paris có một trang sử dài với Hà Nội. và Việt Nam đã đấu tranh trong nhiều năm để giành lại độc lập từ Pháp. Do vậy, tôi nghĩ rằng, về mặt biểu tượng, đó là điều quan trọng để Pháp trở thành nước châu Âu đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan hệ này”.

    Sự tiếp nối "hợp lý"

    Về phần mình, Laurent Gédéon, giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, cho rằng việc nâng cấp quan hệ thể hiện sự tiếp nối “hợp lý” phát triển hợp tác giữa hai bên từ hơn chục năm qua, (sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2013). Cột mốc ngoại giao mới này còn được đánh dấu trong khuôn khổ mang tính biểu tượng cao của hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ 19, lần đầu tiên ở Pháp sau 33 năm.

    Trong cuộc gặp nguyên thủ Pháp tại điện Élysée, tổng bí thư đảng Cộng Sản, chủ tịch nước Tô Lâm đã kêu gọi ông Emmanuel Macron dùng ảnh hưởng để sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU, và để gỡ bỏ“thẻ vàng” mà Ủy Ban Châu Âu áp đặt đối với các sản phẩm thủy hải sản của Việt Nam. 

    Nhìn từ Paris, tăng cường quan hệ giữa hai nước cũng sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư Pháp và thâm nhập thị trường Việt Nam cũng như di dời một số hoạt động công nghiệp.

    Ngoài việc thúc đẩy lợi ích kinh tế, theo nhà nghiên cứu Gédéon, cả Hà Nội và Paris đều muốn đưa “vấn đề Trung Quốc” vào trong chiến lược ngoại giao của mình. Với tư cách là thành viên của các tổ chức khu vực, và có một số ảnh hưởng nhất định tại ASEAN, Việt Nam được xem cửa ngõ quan trọng để Paris tìm cách tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập cân bằng trong khu vực với Trung Quốc và có lợi cho Pháp.

    Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông

    Tuyên bố chung ngày 7/10/2024 khẳng định : ‘Hai bên cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông cũng như tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Cả hai bên kiên quyết phản đối mọi hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế; và tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, tự do hàng hải và hàng không, không bị cản trở, cũng như quyền tự do đi lại ở Biển Đông…”

    Nhà nghiên cứu Gédéon cho rằng : “Việt Nam cũng trông cậy vào ủng hộ của Pháp về lập trường đối với Biển Đông… Điều đáng chú ý trong tuyên bố chung ngày 07/10 là việc Pháp nhắc đến việc hỗ trợ nguồn lực quân sự cho Hà Nội, đặc biệt là lực lượng cảnh sát biển. Và điều này, phù hợp với mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường năng lực làm chủ, kiểm soát không gian biển, trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc. Trong trường hợp này, Pháp không xuất hiện với tư cách đơn thuần là nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam, nhất là những loại vũ khí có thể đe dọa trực tiếp Trung Quốc nếu xảy ra xung đột - hiện vẫn là giả thuyết. Tuy nhiên, khía cạnh quân sự lại không được làm quá nổi bật, tôi cho rằng là để không “xúc phạm” Trung Quốc. Theo tôi,  Pháp có mối quan tâm về việc liệu Việt Nam có đủ phương tiện để tự vệ, và khả năng đối phó với xâm lược quân sự nếu cần thiết. Trung Quốc cũng đang lưu ý đến điều này. Nhưng phải nhắc lại rằng Việt Nam cũng duy trì quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, trong đó có hợp tác quân sự, bất chấp những sóng gió giữa hai bên”.

    Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, giảm dần phụ thuộc vào Nga, đối tác lịch sử của Hà Nội do lo ngại trước những tác động từ cuộc chiến ở Ukraina, chưa kể nhiều loại vũ khí từ Nga có thể lỗi thời, hoặc việc chuyển giao công nghệ phức tạp, vì cần biết tiếng Nga hoặc đến đào tạo tại Nga.

    Đọc thêm : Nga nướng vũ khí ở Ukraina, Việt Nam lo nguồn cung thiếu hụt

    Đối với Pháp, theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và Paris nhận thấy nhu cầu của Việt Nam, cần thêm “tàu chiến, các loại chiến đấu cơ thế hệ mới, chẳng hạn như các máy bay Rafale.” Hơn nữa, nhà phân tích quân sự tại Natinal War College cho rằng “có thể Pháp sẽ dám mạnh tay hơn”, so với các nhà sản xuất từ các nước khác, quan tâm đến các hợp tác sản xuất, hoặc chuyển giao công nghệ cho Hà Nội. Việt Nam cũng tăng cường khả năng tự chủ vũ khí, sản xuất một số thiết bị quân sự. Tập đoàn Viettel của quân đôi Việt Nam, được cho là đã phát triển các hệ thống thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, ra đa, các thiết bị chỉ huy điều khiển,...

    Những nỗ lực quân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong việc tăng cường quan hệ với Pháp, được nhìn từ Trung Quốc như thế nào. Chuyên gia về quân sự Zachary Abuza giải thích : “Dĩ nhiên là Bắc Kinh sẽ bất mãn trước bất cứ nỗ lực hiện đại hoá quân sự của Hà Nội, nhưng Trung Quốc chỉ có thể tự đổ lỗi cho các hành động gây hấn của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, bất cứ hợp tác nào giữa Việt Nam với Pháp đều ít mang tính đe dọa cho Trung Quốc hơn là với Mỹ. Điều mà các chiến lược gia Trung Quốc quan ngại là các loại vũ khí bất đối đối xứng (asymetric weapons), như tàu chống tên lửa hay các hệ thông không người lái (mà Việt Nam có thể sản xuất).

    “Củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình”

    Một điều đáng chú ý khác trong chuyến thăm của ông Tô Lâm đến Pháp vừa qua, đó là “chưa bao giờ lãnh đạo Việt giữ đồng thời cả hai vị trí”, vừa là chủ tịch nước và tổng bí thư đảng Cộng Sản, mà thường chỉ giữ một chức vụ. (Ví dụ, trường hợp của Lê Khả Phiêu, giữ tổng Bí thư đảng Cộng Sản vào năm 2000; Trần Đức Lương, chủ tịch nước năm 2002, Nông Đức Mạnh - tổng bí thư đảng Cộng Sản vào năm 2005; Cuối cùng là Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư vào tháng 3 năm 2018, trước khi trở thành chủ tịch nước vào tháng 10 năm 2018.)

    Giảng viên tại đại học sư phạm Lyon, Laurent Gédéon cho rằng việc nắm giữ cả hai chức vụ quan trọng, khi thực hiện các chuyến công du nước ngoài, giúp ông Tô Lâm “củng cố tính chính danh trong hành động và lời nói của mình”. Ông nói thêm : “Tôi cho rằng các chuyến thăm chính thức cùng những chuyến công du khác của ông Tô Lâm, có nhiều mục đích, trong đó muốn chứng tỏ rằng Việt Nam đã lật sang trang mới sau một thời kỳ hỗn loạn chính trị, (2 chủ tịch nước đã từ chức trong vòng hai năm, 2023-2024). Những biến động này đã tác động lớn đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, nảy sinh các câu hỏi về sự ổn định của chế độ chính trị. Chuyến thăm này như là một câu trả lời, khẳng định rằng thời kỳ bất ổn đã ở phía sau, cũng như tái khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

    Theo tôi, chuyến thăm của ông Tô Lâm tại Pháp, cũng không hề đặt vai trò tổng bí thư làm nền. Tổng bí thư cũng đã gặp bí thư quốc gia đảng Cộng Sản Pháp, Fabien Roussel, khẳng định rằng cuộc gặp là cơ hội để tăng cường tình hữu nghị, đoàn kết giữa đảng Cộng Sản Việt Nam và đảng Cộng Sản Pháp mà ông nhấn mạnh đến Hồ Chí Minh - một trong những thành viên sáng lập. Như vậy, có thể thấy rằng ông Tô Lâm không tách rời hai chức vụ của mình mà trái lại, lần lượt khẳng định vai trò của từng vị trí, tùy theo người đối thoại và bối cảnh”

    Công du nước ngoài để thể hiện năng lực ngoại giao

    Chuyến thăm Pháp của ông Tô Lâm nằm trong hành trình công du hơn 10 ngày, với các chặng dừng tại Mông Cổ và Ireland. Kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước vào ngày 22.05, chức vụ mang tính nghi thức trong “Tứ trụ” ở Việt Nam, ông Tô Lâm, đã thực hiện nhiều chuyến công du nước ngoài mang tính truyền thống của Việt Nam, trước tiên là sang Lào, Cam Bốt, thể hiện mức độ chú trọng của Việt Nam về mặt ngoại giao với các đối tác láng giềng, mà Hà Nội có quan hệ mật thiết.

    Đến ngày 3 tháng 8 vừa qua, với 100% phiếu ủng hộ, chủ tịch nước Tô Lâm đã được Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản, khóa 13 bầu làm tổng bí thư nhiệm kỳ 2021-2026. Vài tuần sau khi nắm giữ đồng thời hai chức vụ quan trọng, ông Tô Lâm tiếp tục các chuyến thăm nước ngoài, sang Trung Quốc thăm cấp Nhà nước, gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Không lâu sau đó, tổng bí thư, chủ tịch nước tiếp tục lên đường, sang Mỹ, dự cuộc họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, có cuộc hội đàm với tổng thống Joe Biden bên lề sự kiện này. Và gần đây nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland và dự hội nghị thượng đỉnh của khối Pháp ngữ, đồng thời thăm chính thức Pháp.

    Trước khi trở thành nhân vật quyền lực trong tứ trụ, ông Tô Lâm, với kinh nghiệm chính trường chủ yếu là ở trong nước, muốn thể hiện năng lực ngoại giao của mình qua các chuyến công du này. Theo nhà nghiên cứ Zachary Abuza, những nơi mà ông Tô Lâm đến, đều cho thấy rõ chính sách ngoại giao của Việt Nam, và Hà Nội vẫn luôn cố gửi tín hiệu đến Bắc Kinh, để khẳng định lập trường “trung lập, không liên minh”, và đều không trực tiếp nhắm vào Bắc Kinh.

    “Trung Quốc luôn chỉ tay cảnh báo giới lãnh đạo Việt Nam phải có chính sách đối ngoại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, ông Tô Lâm có lý do để thăm cấp Nhà nước đến Cuba, sau chuyến đi đến Hoa Kỳ, ngoài lý do lịch sử và một số hoài niệm về cách mạng (Cộng Sản). Trong khi, nếu xét về kinh tế, thì chuyến đi đến Cuba hoàn toàn vô nghĩa, lãng phí thời gian, bởi ông Tô Lâm đáng lẽ ra có thể đến ve vãn đầu tư nước ngoài từ Canada hoặc châu Âu, hoặc dành nhiều thời gian hơn ở Hoa Kỳ. Hay chuyến thăm tới Ireland, một trung tâm công nghệ cao ở Châu Âu, và dù không phải là một quốc gia lớn, nhưng ưu đãi thuế quan của nước này khiến Ireland trở thành một trung tâm đầu tư rất quan trọng ở Châu Âu, và cũng có những trường đại học tuyệt vời, mà Việt Nam muốn tăng cường trao đổi giáo dục”.

    Theo nhà nghiên cứu Zachary Abuza, ông Tâm Lô có vẻ rất muốn giữ hai chức vụ cùng lúc, như trường hợp của chủ tịch Tập Cận Bình ở Trung Quốc, vừa là lãnh đạo Cộng Sản, vừa là chủ tịch nước. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cho rằng “có những lo ngại” về việc ông Tô Lâm đang vi phạm quy tắc “do tập thể lãnh đạo”, quyền lực tối cao được “chia sẻ trong Tứ trụ”.

    Và chiều 21/10, trong ngày họp đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc Hội Việt Nam đã bầu ông Lương Cường, ủy viên bộ Chính Trị, thường trực ban Bí thư, giữ chức chủ tịch nước, nhiệm kỳ 2021-2026.

    Mon, 21 Oct 2024
  • 194 - Trung Quốc biến Việt Nam thành lá bài quan trọng trong Con đường tơ lụa mới

    Việt Nam muốn Trung Quốc hỗ trợ trợ xây dựng đường sắt ở miền bắc để kết nối sáng kiến "Hai hành lang, Một vành đai" với "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc. Theo ông Hùng Ba, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hệ thống đường sắt này "sẽ kết nối Việt Nam với các nước châu Âu - Tây Á qua tuyến đường sắt liên vận. Việt Nam sẽ thành cửa ngõ để Trung Quốc kết nối với các nước ASEAN, đồng thời là đầu mối quan trọng kết nối ASEAN với châu Âu và Trung Á".

    Sáng kiến « Hai hành lang, Một vành đai », được Việt Nam và Trung Quốc thông qua năm 2004, là cụm từ gọi tắt của hành lang « Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng » và hành lang « Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng » và « Vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ ». Sau nhiều năm cân nhắc bên phía Việt Nam, vấn đề hợp tác đường sắt được nhấn mạnh trong Điều 7 Tuyên bố chung ngày 20/08/2024, nhân chuyến công du Trung Quốc của tổng bí thư-chủ tịch nước Tô Lâm.

    Việt Nam được lợi ích gì từ những dự án này ? Vai trò của Việt Nam trong kế hoạch Vanh đai và Con đường của Trung Quốc ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp.


    RFI: Việt Nam dự kiến nhiều kế hoạch hiện đại hóa hệ thống đường sắt từ lâu. Vào tháng 04/2024, sau khi thông báo ý định trên, Việt Nam đã kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ trong khi dường như Việt Nam đã lưỡng lự trong thời gian dài. Tại sao lại chọn thời điểm này ? Và tại sao lại là Trung Quốc ?

    Laurent Gédéon : Dường như Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ kinh tế với Việt Nam thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng để xây dựng thiện chí và niềm tin song phương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Bắc Kinh trong bối cảnh mất lòng tin dai dẳng do các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

    Chúng ta thấy mong muốn hòa dịu và xích lại gần nhau giữa hai nước từ nhiều năm nay, được thể hiện rõ qua các chuyến thăm của nhiều quan chức cấp cao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm chính thức Việt Nam vào ngày 12 và 13/12/2023 theo lời mời của người đồng cấp Việt Nam lúc bấy giờ là tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm này, ông Tập đã nêu một dự án xây dựng đường sắt liên doanh có thể nằm trong khuôn khổ Sáng kiến ​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

    Đọc thêm :Thăm Trung Quốc, lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt giữa hai nước

    Sau đó, chủ đề này đã được thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 24 đến 27/06/2024. Ông cho biết Việt Nam có kế hoạch xây dựng 3 tuyến đường sắt nối Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cụ thể là ba tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ; Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

    Cuối cùng, chuyến thăm Bắc Kinh của tổng bí thư chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm vào ngày 19-20/08/2024 đã cho phép Trung Quốc và Việt Nam ký kết 14 thỏa thuận, nhằm tăng cường thương mại và kết nối biên giới, đặc biệt là kế hoạch đường sắt. Nhân dịp này, ông Tập Cận Bình khẳng định Việt Nam là « ưu tiên » trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Ông cũng cam kết mở rộng Sáng kiến ​Vành đai và Con đường bằng cách thúc đẩy xây dựng đường sắt, đường cao tốc và hải cảng.

    Tất cả những công bố và quyết định này đều nhất quán với Quy hoạch tổng thể đến năm 2050 với mục tiêu là kết nối mạng lưới đường sắt Việt Nam với tuyến đường sắt xuyên Á thông qua Trung Quốc và với mạng lưới đường sắt ASEAN thông qua Lào và Cam Bốt. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, hai tuyến đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2030 và sẽ nối các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc với các cảng trọng điểm Hải Phòng và Hà Nội.

    Cho nên theo tôi, có lẽ bối cảnh chung hiện nay được đánh dấu bởi nhiều yếu tố : mong muốn phát triển đường sắt của Việt Nam, nguồn vốn dồi dào và sẵn có bên phía Trung Quốc và cuối cùng là mong muốn của Trung Quốc giảm bớt căng thẳng với nước láng giềng phương Nam vào lúc căng thẳng có xu hướng gia tăng ở eo biển Đài Loan và biển Hoa Đông. Tất cả những yếu tố này giải thích cho động lực phát triển hiện nay trong hợp tác Việt - Trung.

    RFI : Người ta thường nói đến rủi ro hoặc« bẫy nợ »khi nhắc đến các khoản vay từ Trung Quốc. Vậy Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với những tác động như thế nào nếu nhận hỗ trợ từ Trung Quốc ? Liệu có thể có nguy cơ nào đó phụ thuộc vào Trung Quốc ?

    Laurent Gédéon :Trong chuyến đi Trung Quốc vào tháng 06/2024, thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết chính phủ Việt Nam sẽ yêu cầu các cơ quan nghiên cứu soạn thảo một hiệp định liên chính phủ về việc triển khai ba tuyến đường sắt, trong đó nhấn mạnh đến « các khoản vay ưu đãi » từ Trung Quốc, « chuyển giao công nghệ và đào tạo nhânlực » để Việt Nam có thể tự phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

    Cũng cần lưu ý rằng bối cảnh hiện tại khá thuận lợi cho Việt Nam. Việc chuỗi cung ứng Mỹ và phương Tây rời khỏi Trung Quốc và tái tổ chức hoạt động, trong đó có Việt Nam, cũng đã buộc Trung Quốc phải tổ chức lại các mạng lưới chuỗi cung ứng sản xuất hướng sang Việt Nam.

    Đọc thêm : Việt Nam gia tăng sử dụng đường sắt Trung Quốc xuất hàng sang châu Âu

    Nhưng cũng cần phải cảnh giác vì Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là thép, nhựa và linh kiện điện tử thiết yếu để sản xuất thành phẩm. Động lực kinh tế đã làm gia tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc và lên đến 50 tỷ đô la vào năm 2023, tăng gần 50% trong 5 năm qua. Do đó, sự hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu về cơ bản là nhờ vào hàng nhập khẩu Trung Quốc và bị phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Rõ ràng, sự phụ thuộc này, nếu đi kèm với khoản nợ đáng kể với Trung Quốc liên quan đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường sắt, có thể gây ra rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam, kể cả « bẫy nợ ».

    Tuy nhiên, chúng ta có thể lưu ý rằng bẫy nợ cho đến nay vẫn gây nhiều tác động đến các quốc gia nhỏ hơn Việt Nam, như Sri Lanka hay Montenegro. Tương tự, cần phải nhớ rằng lợi ích đầu tiên của một chủ nợ, kể cả đó là một Nhà nước, là phải thu hồi vốn cùng với lợi nhuận, hơn là thấy « con nợ » chìm sâu trong vòng xoáy nợ nần. Dù sao vẫn phải luôn cảnh giác vì một Việt Nam yếu kém và phụ thuộc về tài chính có thể trở thành một lá bài về địa-chính trị cho Trung Quốc.

    RFI :Ngược lại, đâu là những lợi ích mà Việt Nam có thể được hưởng từ những chương trình đầu tư này ?

    Laurent Gédéon :Nhờ kết nối, vận tải hàng hóa và du lịch được cải thiện, Việt Nam có thể thu được nhiều lợi ích từ những khoản đầu tư này, cả về kinh tế lẫn chính trị :

    Trước hết, nhờ tăng cường kết nối, Việt Nam sẽ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương với các nước láng giềng ASEAN cũng như với Trung Quốc. Số lượng container được vận chuyển mỗi năm bằng đường sắt về nguyên tắc sẽ tăng lên, song song đó là giảm chi phí về hậu cần.

    Tiếp theo, ngành du lịch cũng sẽ được hưởng lợi nhiều nhờ sự gia tăng kết nối đường sắt này. Ngoài ra, sức hấp dẫn sẽ được tăng cường do tiết kiệm được đáng kể thời gian nhờ các mạng lưới đường sắt mới. Ví dụ, một chuyến tàu chở hàng từ Thành Đô hiện giờ mất khoảng bảy ngày để đến Hà Nội. Trước đây, hàng hóa từ Trùng Khánh về Việt Nam mất trung bình 20 ngày do phải đi đường biển qua Thượng Hải.

    Đọc thêm :Bắc Kinh và Hà Nội xem xét nâng cấp tuyến đường sắt xuyên qua vùng giàu đất hiếm của Việt Nam

    Cuối cùng, một tuyến đường sắt từ Trung Quốc xuyên qua Việt Nam có thể sẽ nâng tầm quan trọng của Việt Nam hơn về mặt chiến lược đối với Bắc Kinh và nâng cao vị thế của Hà Nội nếu nhìn từ góc độ Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc để Việt Nam là đối tác thân thiết trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc, cũng như cạnh tranh Mỹ - Trung.

    Về mặt thực tiễn, các tuyến đường sắt được quy hoạch sẽ tích hợp mạng lưới của Việt Nam vào mạng lưới đường sắt xuyên Á, hiện có ba tuyến : tuyến ở giữa đi từ Côn Minh đến Lào và Bangkok ; tuyến phía tây đi qua Miến Điện và Thái Lan ; tuyến phía đông dự kiến đi qua Việt Nam, Cam Bốt và Thái Lan và kéo dài xuống phía nam tới Malaysia và Singapore.

    Cũng cần lưu ý rằng tuyến tàu chở hàng Trùng Khánh - Hà Nội hiện đã kết nối Việt Nam vào hành lang thương mại quốc tế đường bộ-đường biển mới International Land-Sea Trade Corridor (ILSTC). Xin nhắc lại rằng đây là hành lang thương mại và hậu cần có trung tâm hoạt động ở Trùng Khánh và kết nối với 190 cảng ở 90 quốc gia. ILSTC là một trong số nhiều hành lang thương mại trong Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

    Ngoài ra, còn phải nói đến tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Lào đang được nghiên cứu, theo dự kiến sẽ được kết nối với tuyến đường sắt hiện có giữa Trung Quốc và Lào. Dự án này sẽ giúp Lào tiếp cận với lĩnh vực hàng hải và sẽ tạo ra các luồng trao đổi kinh tế có lợi cho Việt Nam.

    RFI : Liệu thông qua những tuyến đường này có thể coi là Việt Nam tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc không ?

    Laurent Gédéon :Trước tiên cần lưu ý rằng xét về mặt địa lý, Việt Nam nằm ở cực đông của tất cả các tuyến đường và điều này khiến Việt Nam phần nào nằm bên rìa so với những nước khác. Việt Nam chỉ có thể được đưa vào dự án Con đường Tơ lụa mới thông qua hai tuyến : đường biển và hành lang Đông Dương. Liên quan đến Con đường Tơ lụa trên biển, Việt Nam nằm ngoài dự án này vì chỉ có cảng Hải Phòng nằm trên tuyến đường dự tính ban đầu. Cho nên, khả năng lớn nhất để Việt Nam hội nhập vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) là thông qua các tuyến trên đất liền.

    Về mặt chính thức, Tuyên bố chung về Tăng cường Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc và Xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai được công bố vào ngày 20/08, nhân chuyến thăm của Tô Lâm tới Bắc Kinh, nhấn mạnh đến việc « Hai bên nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện hiệu quả kế hoạch hợp tác gắn sáng kiến ​​Việt Nam « Hai hành lang, một vành đai » với sáng kiến « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc ; đẩy mạnh « kết nối cứng » về đường sắt, đường cao tốc và cơ sở hạ tầng biên giới ; […] ; Trung Quốc cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc phát triển quy hoạch các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn ». Do đó, việc đưa Việt Nam vào hệ thống, đặc biệt là những con đường tơ lụa mới trên đất liền, có lẽ là điều hiển nhiên.

    Đọc thêm : Việt Nam-Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”

    Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý đến một yếu tố mang tính chiến lược hơn và rất được Trung Quốc quan tâm trong kế hoạch này. Chúng ta thấy rằng tuyến Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng cũng kết nối cảng Phòng Thành Cảng ở vùng duyên hải Quảng Tây. Trong khi cảng này nằm gần dự án kênh đào Bình Lục (Pinglu). Kênh này được dự kiến kết nối Nam Ninh, thủ phủ khu tự trị Quảng Tây, với vịnh Bắc Bộ. Thông qua tuyến đường này, hàng hóa có thể từ eo biển Malacca đi bằng đường biển vào Quảng Tây, rồi từ đó được chuyển vào sâu trong lục địa Trung Quốc, tránh đi qua eo biển Đài Loan.

    Rõ ràng lợi ích của dự án này là rất lớn, ở cấp độ chiến lược bởi vì trong trường hợp xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, Trung Quốc vẫn có thể vận chuyển thực phẩm và nguyên liệu thô qua kênh đào này, ngay cả khi toàn bộ tuyến đường Biển Đông, từ Hồng Kông đến Hoàng Hải, bị ngăn chặn. Với giả thuyết như vậy, chúng hiểu rằng Bắc Kinh cần phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để những luồng vận tải này không bị gián đoạn.

    RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (École normale supérieure de Lyon), Pháp.

    Mon, 14 Oct 2024
Weitere Folgen anzeigen

Andere Regierung und Organisationen Podcasts