Podcasts by Category

Tạp chí tiêu điểm

Tạp chí tiêu điểm

RFI Tiếng Việt

Thời sự quốc tế nổi bật qua lăng kính của RFI

127 - Châu Mỹ Latinh : Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại « sân sau » của Mỹ
0:00 / 0:00
1x
  • 127 - Châu Mỹ Latinh : Ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại « sân sau » của Mỹ

    Vào lúc Hoa Kỳ cùng các đồng minh nỗ lực kềm hãm Trung Quốc ở châu Á, tại Nam Mỹ, Bắc Kinh tăng tốc đầu tư để mở rộng ảnh hưởng. Việc chủ tịch Tập Cận Bình ngày 14/11/2024 khánh thành cảng biển Chancay ở Pêru, trị giá hàng tỷ đô là một ví dụ điển hình, khẳng định thế ngày càng mạnh của Bắc Kinh ngay tại « sân sau » của Washington.

    Terminal Portuasrios Chancay (TPCH), do đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đồng nhiệm Pêru Dina Boluarte khánh thành bên lề thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, sẽ là cảng biển dân sự - quân sự đầu tiên của Trung Quốc tại Nam Mỹ.

    Theo trang Intelligence Online (24/05/2022), cơ sở hạ tầng này đã ra đời là nhờ vào mối liên kết đặc quyền mà Cosco Shippings Ports của Trung Quốc thiết lập với bộ Quốc Phòng ở Lima. Cựu Tư lệnh Hải quân, tướng Gonzalo Rios Polastri, đô đốc Carlos Tejada Mera và Jason Guillén, trước đây là người đứng đầu bộ phận hậu cần của Hải quân Pêru, là những trụ cột của chi nhánh Cosco ở Chancay. Họ đều làm việc dưới sự điều hành của He Bo (Derek), phó tổng giám đốc chi nhánh Cosco ở Pêru.

    Cảng Chancay: Biểu tượng cho sức mạnh ảnh hưởng Trung Quốc

    Cảng biển khổng lồ do tập đoàn Cosco Shippings Ports, chiếm đến 60% cổ phần, đầu tư đến 3,6 tỷ đô la. Nằm cách thủ đô Lima gần 80 km về phía bắc và được xây dựng trên một diện tích rộng hơn 140 ha, một khi hoàn thành, cảng biển nước sâu Chancay (gần 18 mét) sẽ có đến 15 kè cảng và có thể tiếp nhận các loại tầu hàng lớn nhất thế giới, có khả năng vận chuyển đến 24 ngàn container.

    Với cơ sở hàng hải này, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nam Mỹ cũng sẽ được rút ngắn từ hơn 30 ngày xuống còn khoảng hơn 20 ngày. Theo nhận định từ Marc Lanteigne, chuyên gia về Trung Quốc, trường đại học Bắc Cực ở Na Uy, được France 24 trích dẫn, có được cảng nước sâu nói trên « tầu thuyền Trung Quốc không phải quá cảnh tại một cảng ở Bắc Mỹ hay ở Mexicô khi băng qua Thái Bình Dương đến vùng Nam Mỹ », nhất là trong trường hợp căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, tầu thuyền của Trung Quốc có nguy cơ không được ghé cảng Rio Grande của Mỹ.

    Đối với nhiều nhà quan sát, qua sự kiện này, Bắc Kinh đã chứng tỏ với các nước trong vùng « khả năng và mong muốn của Trung Quốc đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn tại châu Mỹ Latinh », khu vực theo truyền thống được xem như là « sân sau » của Mỹ. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Emmanuel Veron, Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông INALCO, giảng viên tại trường Hải quân Pháp, trên đài RFI giải thích, sau châu Phi, châu Mỹ Latinh được xem như vùng lãnh thổ chinh phục sau cùng của Trung Quốc.

    « Châu Mỹ Latinh đã nằm trong lịch trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ nhiều năm qua. Sách Trắng đối ngoại của Trung Quốc đề cập đến khu vực này trong những năm 2007, 2008, 2009. Kể từ giai đoạn đó, có một sự chính thức hóa, chuẩn hóa chính sách đối ngoại đối với châu Mỹ Latinh.

    Nếu nhìn vào các chi tiết, rõ ràng, bất chấp chính sách đối ngoại Big Stick của tổng thống Roosevelt có từ cách nay hơn một thế kỷ, tất cả các nước châu Mỹ Latinh, sân sau của Mỹ, ngày nay đều nằm dưới ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở mọi cấp độ, từ công nghệ, nhập khẩu, xuất khẩu nguyên liệu thô, đặc biệt là các loại nguyên liệu chiến lược như khoáng sản, đậu nành và các nguồn thực phẩm ».

    Nơi nào Hoa Kỳ thoái lui, nơi ấy Trung Quốc lấp chỗ trống

    Các dữ liệu từ Ủy ban Kinh tế cho Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê thuộc Liên Hiệp Quốc cho thấy, trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và các nước trong vùng đã tăng gấp 35 lần từ năm 2002 để đạt khoảng 500 tỷ đô la vào năm 2022, đến mức Bắc Kinh nay đã qua mặt Washington trở thành đối tác kinh tế hàng đầu tại chín quốc gia, trong đó có Brazil, Achentina và Perou. Trao đổi thương mại này có thể sẽ đạt mức 700 tỷ đô là vào năm 2035 theo như dự phóng từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới được Le Monde (30/06/2023) trích dẫn.

    Các chính sách đầu tư ồ ạt, chiến lược ngoại giao cho vay, cùng với lập trường tôn trọng chủ quyền và « không can thiệp » trong nền ngoại giao Trung Quốc, đã hội tụ với những lợi ích kinh tế và chính trị của nhiều lãnh đạo thuộc « cánh tả mới » ở Nam Mỹ, tạo thuận lợi cho Trung Quốc dần lấn sâu vào khu vực.

    Theo một báo cáo của tổ chức tư vấn Đối thoại Liên lục địa châu Mỹ, trụ sở ở Washington, trong giai đoạn từ 2005 – 2022, các khoản vay mà Trung Quốc cấp cho các nước trong vùng đã tăng từ 7 triệu đô la lên thành 136 tỷ. Bà Margaret Myers, giám đốc chương trình châu Á và châu Mỹ Latinh, nhận định, « những khoản vay ồ ạt đó đã góp phần củng cố vị thế của các doanh nghiệp Trung Quốc tại châu lục, mở cho họ cánh cửa thị trường và danh tiếng của họ trên trường quốc tế. »

    Sự trỗi dậy ngoạn mục của Trung Quốc ở châu Mỹ Latinh còn được giải thích bởi việc Hoa Kỳ ngày càng giảm các cam kết với khu vực. Hai chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Alvaro Mendez và Gaspard Estrada, trong một bài phân tích cho đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Paris năm 2023, được France 24 dẫn lại, đã ghi nhận số lần ông Tập Cận Bình đến thăm các nước châu Mỹ Latinh còn « cao hơn cả số những chuyến thăm của các tổng thống Mỹ Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden gộp lại ».

    Pêru: Đầu ra, đầu vào lý tưởng cho hàng xuất – nhập khẩu Trung Quốc

    Vì sao Trung Quốc đầu tư vào cảng Chancay của Peru ? Theo truyền thống, Trung Quốc ban đầu chỉ quan tâm đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ dầu hỏa của Venezuela, đậu nành của Brazil, Achentina, cho đến các mỏ đồng tại Pêru. Cùng với thời gian, các nhu cầu của Trung Quốc cũng thay đổi. « Tam giác vàng » lithium – Achentina, Chilê và Bolivia – kể từ giờ đặc biệt thu hút sự chú ý của Trung Quốc. Là quốc gia xuất khẩu hàng đầu chất lithium tinh chế và để giữ vững vị thế này, Trung Quốc cần đến châu Mỹ Latinh nhằm bảo đảm nguồn cung thiết yếu.

    Theo Emmanuel Veron, với việc đầu tư vào cảng biển Chancay, Trung Quốc đang định hình lại bản đồ diện mạo hàng hải ở châu Mỹ Latinh. « Sau khi đã hoạt động ở bờ Đại Tây Dương của Brazil cũng như châu Mỹ Latinh, Trung Quốc tấn công vào phía bờ Thái Bình Dương của khu vực khi xem Peru như là một cửa ngõ chủ chốt ». Nam Mỹ không chỉ là nguồn cung nguyên nhiên liệu chiến lược, mà còn là đầu ra thay thế cho hàng hóa Trung Quốc vào thời điểm nước này đang gặp khó khăn do dư thừa sản xuất.

    Nhìn từ góc độ này, cảng Chancay có thể đóng một vai trò chủ chốt : Bằng cách giảm thời gian vận chuyển, cảng nước sâu này cho phép hạ giá thành, và bán hàng hóa « Made in China » rẻ hơn tại châu lục, nhất là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Theo giới quan sát, có ba mặt hàng mà Trung Quốc đang nỗ lực tài trợ cho xuất khẩu do bị dư thừa sản xuất : Ô tô điện, các loại bình điện và pin năng lượng mặt trời.  

    Tuy nhiên, ông Emmanuel Veron cảnh báo, cùng với dòng thác hàng hóa Trung Quốc, châu Mỹ Latinh có nguy cơ đối mặt với nạn buôn lậu, buôn người và buôn thuốc phiện:

    « Trên thực tế, đó không chỉ do mối quan hệ thương mại và chiến lược Mỹ - Trung tiếp tục tồi tệ, mà còn vì những khó khăn ngày càng rõ từ phía châu Âu đối với Trung Quốc, vào lúc châu Âu chuẩn bị tốt hơn để đối phó với việc Trung Quốc bán phá giá và trợ cấp xuất khẩu.

    Do vậy, Trung Quốc cố gắng tìm kiếm nhiều thị trường mới, nhiều đầu ra khác và do vậy nhắm đến việc tái tổ chức các chuỗi giá trị, các chuỗi xuất khẩu của mình, và do vậy, các cơ sở hàng hải với đầu vào, đầu ra chính là cảng biển. Tuy nhiên, kèm với việc vận chuyển, buôn bán hàng hóa hợp pháp được hải quan giám sát, là nguy cơ gia tăng các hoạt động buôn bán bất hợp pháp trong những năm sắp tới.

    Bằng chứng cụ thể là các tổ chức có liên hệ với các nhóm mafia lớn, các tổ chức tội phạm Trung Quốc tại châu Mỹ Latinh đã tăng mạnh trong các lĩnh vực xuất – nhập khẩu thuốc phiện, buôn người hay nhiều sản phẩm bất hợp pháp khác. »

    Châu Mỹ Latinh và Biển Đông – Hai sân sau, hai cuộc chiến

    Trước những tiến triển này, Hoa Kỳ gần như tỏ ra bất lực. Washington đã không cản trở được nhiều nước trong vùng cắt đứt quan hệ với Đài Loan để « bắt tay » với Trung Quốc. Các chính sách cấm vận, trừng phạt chống Cuba, Venezuela và Nicaragua, gợi nhắc đến học thuyết Monroe, đưa ra vào thế kỷ XIX, theo đó, Hoa Kỳ tự cho quyền làm « cảnh sát » ở khu vực, làm sống lại những hồi ức đau thương về những cuộc can thiệp quân sự của Mỹ, thúc đẩy những nước này rơi vào vòng tay Trung Quốc.

    Ngoài việc mất lòng tin của các nước trong khu vực, đối mặt với các rủi ro về kinh tế, Hoa Kỳ còn có nguy cơ phải đối phó với sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong vùng. Hồi tháng 7/2024, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, dựa vào các hình ảnh vệ tinh, cho rằng Trung Quốc đang có các hoạt động gián điệp ở Cuba. Truyền thông Mỹ năm 2023 còn loan tin Cuba và Trung Quốc đã có một thỏa thuận về việc thiết lập một căn cứ do thám để Trung Quốc thu thập các dữ liệu từ Mỹ. Nghiên cứu của CSIS khẳng định Bắc Kinh có đến 4 cơ sở quân sự tại Cuba.

    Hơn nữa, Trung Quốc còn sở hữu nhiều trạm thu vệ tinh trên mặt đất tại châu Mỹ Latinh, mà nhiều chuyên gia nghi ngờ được sử dụng cho hoạt động dọ thám. Một đài quan sát không gian ở miền nam Achentina là do quân đội Trung Quốc quản lý. Chính quyền Buenos Aires khẳng định các hoạt động của đài chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực dân sự, nhưng nội dung thỏa thuận mà Achentina ký kết với Trung Quốc năm 2014 đã được giữ bí mật. Một nhà ngoại giao châu Âu, xin ẩn danh, giải thích : « Một điều khoản dường như quy định rằng Achentina chỉ có thể sử dụng đài quan sát này 10% thời gian. Đó là một sự nhượng thổ không hơn không kém ! »

    Le Monde ngày 30/06/2023 cho biết, cùng với việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, Trung Quốc cũng tăng cường thắt chặt hơn và đa dạng hóa quan hệ quân sự với các nước Châu Mỹ Latinh, được thiết lập từ những năm 1990. Binh sĩ các nước châu Mỹ Latinh được gởi đến đào tạo ở trường đại học quốc phòng Trung Quốc. Khu vực này tuy mua rất ít vũ khí Trung Quốc, nhưng ông khổng lồ châu Á này đang tìm cách chen chân vào thị trường châu Mỹ Latinh. Bắc Kinh đã từng hối thúc Buenos Aires trang bị tiêm kích JF-17 Thunder, do Trung Quốc và Pakistan sản xuất, hay mua nhiều loại xe bọc thép khác, nhưng bất thành, do vấp phải sự cản trở từ Mỹ.

    Hoa Kỳ tiếp tục các hoạt động quân sự và tình báo tại khu vực gần với đối thủ châu Á của mình. Chiến đấu cơ Mỹ bay trên không phận Biển Đông và thực thi giám sát điện tử, trong khi tầu chiến Mỹ qua lại ở eo biển Đài Loan. Washington bán vũ khí cho Đài Bắc và cử các chuyên viên quân sự đến đảo. Chẳng phải Bắc Kinh cũng đang làm điều tương tự ngay trên chính sân nhà của Washington tại châu Mỹ Latinh ?

    Thu, 14 Nov 2024
  • 126 - Lập trường của chính quyền Trump nhiệm kỳ 2 về Ukraina và Đài Loan

    Cựu tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bỏ phiếu ngày 05/11/2024, trở thành tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ. Trở lại Nhà Trắng, Donald Trump sẽ xử lý thế nào các cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện nay, từ Ukraina, Cận Đông cho đến Đài Loan ? Donald Trump có thể sẽ bỏ rơi một số đồng minh, hay buộc họ phải « trả phí » để có sự hậu thuẫn từ Mỹ ?

    Nguyên nhân thất bại của Kamala Harris

    Theo kết quả kiểm phiếu được AP cập nhật đến sáng 07/11/2024, lúc 11 giờ, giờ Paris, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump đã có được sự ủng hộ của 295 đại cử tri, bỏ xa đối thủ đảng Dân Chủ, phó tổng thống sắp mãn nhiệm Kamala Harris, chỉ được 226 phiếu.

    Trả lời RFI Tiếng Việt, nhà báo Phạm Trần từ Washington trước hết nhận định về kết quả cuộc bỏ phiếu :

    Nhà báo Phạm Trần : « Kết quả không có gì ngạc nhiên. Thứ nhất, khi tranh cử, Kamala Harris đã được nhiều nữ cử tri hưởng ứng và hứa bỏ phiếu cho bà. Thứ hai là những người di dân, thiểu số. Bởi vì bà Harris là người gốc di dân, thiểu số, rồi lại là người da mầu. Đây là những yếu tố có thể hội đủ số phiếu cử tri.

    Nhưng ngược lại, bà Harris không có được lá phiếu ủng hộ của giới trẻ và đàn ông của nước Mỹ. Những người này đã dồn phiếu cho ông Trump. Trong khi đó giới nữ da trắng, một phần ủng hộ bà Harris nhưng phần lớn vẫn nghiêng về phía đảng Cộng Hòa. Do vậy ông Trump đã có nhiều lợi điểm thắng thế trong cuộc bỏ phiếu vừa qua. »

    Theo hãng tin Reuters, bất chấp những hứa hẹn bảo vệ việc làm cho giới công nhân công đoàn, bà Kamala Harris đã không nhận được sự ủng hộ của Hiệp hội Nghiệp đoàn IBT (International Brotherhood of Teamsters), vốn ủng hộ nhiệt tình đảng Dân Chủ từ năm 1996. Giới lãnh đạo nghiệp đoàn nêu rõ một trong những thất bại của chiến dịch vận động tranh cử của Kamala Harris : Bà không có khả năng thuyết phục tầng lớp cử tri công nhân, vốn dĩ lo lắng về tình trạng lạm phát và tình hình kinh tế.

    Nhưng không chỉ có thế. Theo quan sát nhà báo Phạm Trần, những người bỏ phiếu cho Donald Trump còn ủng hộ ý kiến « Make America Great Again » mà nhà tỷ phú Mỹ không ngừng hô hào từ suốt 8 năm qua.

    Nhà báo Phạm Trần : « Trong chương trình tranh cử, Kamala Harris tuyên bố, thứ nhất, sẽ có các biện pháp hạ giá tất cả các loại nhu yếu phẩm. Thứ hai là giảm thuế. Điểm thứ ba là sẽ nghiên cứu một chính sách di dân. Cuộc bầu cử vừa qua đúng là có những vấn đề về kinh tế, có vấn đề di dân, nhưng thêm vào đó, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy là người dân Mỹ cũng quan tâm đến vấn đề dân chủ, vấn đề sức mạnh của đất nước, và do vậy, những thành phần cử tri đó đã nghiêng về phía ông Trump.

    Kinh nghiệm từ cuộc bầu cử năm 2016, năm ông Trump đắc cử lần đầu, cho thấy ông ấy có chính sách quốc phòng mạnh, có chính sách kinh tế mạnh và muốn bảo vệ quyền lợi của người dân Mỹ, thay vì phân phối tài nguyên của nước Mỹ để cho các nước khác có thể nhờ vào đó làm giàu, ví dụ như Trung Quốc, đối với ông Trump, quốc gia có cùng chung đường lối về vấn đề kinh tế hay phát triển, hay mậu dịch. Do vậy, người dân Mỹ ủng hộ chính sách này. Nếu nói là bảo thủ thì hơi quá đáng, nhưng thực sự người dân Mỹ ủng hộ ý kiến phải làm cho nước Mỹ cường thịnh trước đã, rồi mới lo đến các nước khác. »

    Ukraina : Viễn cảnh bị bỏ rơi hay bị ép nhượng thổ

    Về đối ngoại, trong quá trình vận động tranh cử, Donald Trump từng tuyên bố, « sẽ chấm dứt tất cả các cuộc khủng hoảng quốc tế mà chính quyền hiện tại đã tạo ra, kể cả cuộc chiến tranh khủng khiếp giữa Nga và Ukraina, có lẽ sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi là tổng thống ». Nhà tỷ phú Mỹ khẳng định rằng ông có khả năng chấm dứt các xung đột trên thế giới chỉ bằng « một cú điện thoại ».

    Trong suốt thời gian vận động tranh cử, Donald Trump không ngừng đả kích sự hậu thuẫn quân sự và tài chính mạnh mẽ mà chính quyền Biden dành cho Ukraina, tính đến hôm nay đã lên đến 85 tỷ euro, theo thống kê từ Viện Kiel của Đức.

    Kiev toát mồ hôi hột khi người đứng liên danh với Donald Trump, J.D. Vance, hồi tháng Chín năm nay, trong một podcast đăng trên Youtube có tựa đề « Shawn Ryan Show » mô tả việc hình thành một vùng « phi quân sự hóa » trên lãnh thổ Ukraina dọc theo đường chiến tuyến, « sẽ được củng cố mạnh mẽ để Nga không thể xâm chiếm Ukraina ». Theo Franceinfo, điều này cũng có thể được hiểu là « hãy để cho Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ đã chiếm được, vào thời điểm đề xuất đàm phán ».

    Ngoài ra, đoạn video của ông Vance khẳng định kế hoạch « hòa bình » của ông Trump còn bao gồm cả việc cấm Ukraina gia nhập NATO hoặc các « thể chế đồng minh khác », theo như yêu cầu từ Vladimir Putin. Và đi xa hơn nữa là Mỹ sẽ đình chỉ hoặc ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự. Về hồ sơ này, nhà báo Phạm Trần giải thích thêm :

    Nhà báo Phạm Trần : « Đây là điều đáng quan tâm. Khi tranh cử, Donald Trump đã nói rõ là nếu đắc cử, ông sẽ không tiếp tục viện trợ vũ khí, đạn dược cho Ukraina nữa. Ông nói rằng nước Mỹ không có quyền lợi gì ở Ukraina. Đây là điểm khiến nhiều thành phần ở nước Mỹ, đặc biệt là các nghị sĩ, dân biểu Quốc Hội, nhất là bên phía đảng Dân Chủ, không hài lòng. Bởi vì, dù sao đi nữa, Hoa Kỳ cũng đứng đầu thế giới tự do, đi đầu về bảo vệ nhân quyền và sức mạnh của châu Âu.

    Nếu Donald Trump bỏ rơi Ukraina, thì châu Âu rất lo ngại, bởi vì bên cạnh Ukraina là Ba Lan và nhiều nước khác nữa có nguy cơ bị tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục xua quân chiếm đóng. Và nếu Mỹ không can thiệp, Mỹ không muốn bảo vệ, thì tình hình thế giới sẽ biến loạn và có nhiều nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khác ở châu Âu nói riêng và toàn thế giới nói chung.

    Điều đáng quan tâm là liệu ông Trump có thi hành những cam kết trong cuộc vận động tranh cử hay không ? Hay là ông ấy sẽ phải nhượng bộ ? Tôi tin rằng trong trường hợp của Ukraina và về tình hình an ninh của châu Âu cũng như là an ninh ở Trung Đông, các nước châu Phi, thì ông Trump không có khả năng để vượt qua quyền hạn của Quốc Hội, vượt qua ý muốn của người dân, để mà bỏ rơi Ukraina, bởi vì an ninh của châu Âu cũng là an ninh của nước Mỹ. »

    Đài Loan phải trả phí bảo vệ cho Mỹ ?

    Tại châu Á, các nước đồng minh cũng phập phồng lo âu. Mọi cặp mắt đổ dồn vào Đài Loan. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump đã làm cho mối quan hệ giữa Washington và Đài Bắc thêm gần gũi, trước sự thất vọng của Bắc Kinh, vốn dĩ xem Đài Loan là một phần lãnh thổ. Franceinfo nhắc lại, vào năm 2017, ngay khi vừa nhậm chức, Donald Trump đã có cuộc nói chuyện với tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Thái Anh Văn. Cử chỉ chưa từng có này đã gây ra sự cố ngoại giao với Trung Quốc.

    Kể từ đó, Hoa Kỳ là « đồng minh hùng mạnh nhất và là bên cung cấp vũ khí chính » cho hòn đảo. Washington tuyên bố chính sách « mơ hồ chiến lược » : Không công nhận Đài Loan, cũng không ủng hộ ý tưởng độc lập chính thức và phản đối bất kỳ hình thức thống nhất nào bằng vũ lực. Trong năm 2024, Hoa Kỳ còn thông qua gói hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Loan.

    Nhưng các phát biểu của Donald Trump khi tranh cử khiến giới quan sát dự đoán có sự thay đổi về quan điểm, vì ông cho rằng « Đài Loan nên trả tiền để Mỹ bảo vệ họ ». Quan hệ Mỹ - Trung dưới nhiệm kỳ hai của Donald Trump sẽ ra sao ? Tình hình eo biển Đài Loan sẽ diễn tiến như thế nào ? Nhà báo Phạm Trần đưa ra một số nhận định :

    Nhà báo Phạm Trần : « Theo kinh nghiệm nhiệm kỳ đầu tiên, Donald Trump rất cứng rắn với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ví dụ như hàng giả hay như việc Trung Quốc trợ giá để đánh bại hàng hóa của Mỹ. Nhưng về mặt chính trị, Donald Trump vẫn giữ các mối liên lạc chặt chẽ với chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng và các lãnh đạo khác của Trung Quốc nói chung.

    Về vấn đề an ninh châu Á – Thái Bình Dương, lập trường của ông Trump tuy cứng rắn, nhưng ông có những mối quan hệ khá đặc biệt với Bắc Triều Tiên và với Nga. Điều đáng quan tâm ở đây là vai trò của Mỹ trong khu vực : Liệu nước Mỹ của Donald Trump có bảo vệ Đài Loan khi Trung Quốc tấn công hòn đảo này? Đây là điều chưa ai có thể biết được.

    Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử các đời tổng thống Mỹ cho thấy eo biển Đài Loan vẫn do Hoa Kỳ tuần dương hàng ngày và có hạm đội số 7 tại vùng châu Á – Thái Bình Dương luôn giám sát, bảo vệ đảo Đài Loan. Tất cả tầu bè đi lại hay các hạm đội Trung Quốc đi qua eo biển để xuống vùng Biển Đông đều được lực lượng hải quân Hoa Kỳ theo dõi.

    Quả thật, chuyện tương lai không ai biết được sẽ diễn ra như thế nào, và có thể gây nguy hiểm cho tình hình an ninh châu Á – Thái Bình Dương hay không ? Nhưng ông Donald Trump hay bất cứ một vị tổng thống nào cũng phải đặt quyền lợi của nước Mỹ, quyền lợi các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, lên hàng đầu.

    Thế nên, nỗi lo ông Trump bắt tay với Trung Quốc để cho nước này tự do hoành hành, tự do chiếm các biển đảo của các nước ở vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với vùng Biển Đông, tôi không tin là sẽ xảy ra ! »

    Báo Pháp Le Figaro ngày 06/11/2024, cho biết trong đêm ngày bỏ phiếu 05/11, lực lượng Không gian Mỹ đã cho bắn thử một tên lửa đạn đạo liên lục địa « Minuteman III », có thể mang đầu đạn hạt nhân từ căn cứ Vendenberg ở bờ Tây Thái Bình Dương nước Mỹ. Vì sao Hoa Kỳ lại chọn đúng ngày bầu cử để thử nghiệm vũ khí là điều khiến giới quan sát thắc mắc.

    Tờ báo Pháp thiên hữu này nhắc lại cuộc thử nghiệm này diễn ra trong bối cảnh Nga vừa xem xét lại học thuyết hạt nhân (26/09/2024), Bắc Triều Tiên cách nay vài ngày bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM, cũng như căng thẳng gia tăng nghiêm trọng giữa hai cường quốc hạt nhân tại Trung Đông là Israel và Iran. Một lời cảnh cáo ngầm cho các đối thủ lớn của Mỹ và đồng minh của Mỹ chăng ?

    RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần từ Washington.

    Thu, 07 Nov 2024
  • 125 - Trump hay Harris: Châu Á vẫn là « rường cột » chính sách đối ngoại của Mỹ

    Ngày 05/11/2024, cử tri Mỹ phải phân định ai sẽ là tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ : Ứng viên đảng Dân chủ Kamala Harris hay Donald Trump, ứng viên đảng Cộng Hòa, hiện đang bám gót trong các cuộc thăm dò. Tuy nhiên, bất kể ai là người chiến thắng, Bắc Kinh vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Washington. Và trong cuộc đọ sức « dài hơi » này, Đông Nam Á sẽ giữ một vai trò quan trọng.

    Nếu như thế giới, đặc biệt là châu Âu, NATO và Ukraina hồi hộp trông đợi kết quả bầu cử, và nhiều nước hy vọng tránh được sự trở lại với sự « xáo động » và tính chất bất định, đánh dấu nhiệm kỳ Donald Trump, thì tại Trung Quốc, giới lãnh đạo dường như đang chuẩn bị tiếp tục đương đầu các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, bất kể ai là người thắng cử.

    Tính liên tục của chính sách đối ngoại Mỹ

    Bởi vì, tại Washington, có một sự đồng thuận lưỡng đảng, xem Trung Quốc là mối đe dọa cho thế thống trị của Hoa Kỳ và do vậy, cả hai ứng viên, Kamala Harris hay Donald Trump, đều hòa theo xu hướng chống Trung Quốc trong chính giới Mỹ, đã hứa hẹn cứng rắn hơn với Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai trên thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ.

    Mục tiêu đặt ra cho cả hai ứng viên, là Hoa Kỳ phải « giành chiến thắng » trong điều mà họ xem như là một cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường. Theo nhiều nhà quan sát, tương lai thế giới trong nhiều thập niên sắp tới sẽ do quan hệ Mỹ - Trung, mối quan hệ quốc tế quan trọng nhất, định đoạt.

    Nicole Gnesotto, phó chủ tịch Viện Jacques Delors, tại hội thảo mang chủ đề « Hoa Kỳ : Lại bị chao đảo ? », trong khuôn khổ Ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024 (27-28/09/2024) do Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS tổ chức, nhận định, tính chất liên tục trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung, là một trong nét đặc trưng của nền ngoại giao Mỹ trong những thập niên gần đây.

    « Năm 2011, Barack Obama là người đầu tiên nói đến xoay trục sang châu Á, người đầu tiên mang đến một ý nghĩa chiến lược cho mối bận tâm hàng đầu về Trung Quốc của Mỹ. Rồi Donald Trump đã mang đến một sắc thái thương mại cho mối ưu tiên hàng đầu này, điểm khởi đầu cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chống nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc. Tiếp đến, Joe Biden đã biến mối đe dọa này theo chiều hướng công nghệ, với các sắc lệnh được đưa ra năm 2023, cấm các nhà công nghiệp Mỹ chuyển giao hay hợp tác với ngành công nghiệp Trung Quốc trên nhiều hồ sơ nhậy cảm.

    Nhưng tất cả những đời tổng thống này, bất kể là Obama, Trump hay Biden, còn có thêm chút sắc thái ý thức hệ, nghĩa là, một cuộc đấu tranh lớn giữa một bên là các nền dân chủ và bên kia là các chế độ chuyên chế độc tài. Do vậy, dù là Trump hay Harris có thắng cử đi chăng nữa, nỗi ám ảnh mối đe dọa Trung Quốc vẫn sẽ là một trong các điểm quan trọng, thậm chí là những rường cột cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Đây sẽ là một vấn đề cho châu Âu. »

    Châu Á – Ưu tiên số một, châu Âu – vùng ngoại vi

    Kể từ giờ, Trung Quốc được chính giới Mỹ nhất trí phải đối xử như như là địch thủ, đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ. Những biện pháp chính quyền Trump đưa ra để chống Trung Quốc đã được người kế nhiệm Biden duy trì, từ việc áp thuế nhập khẩu, kiểm soát chuyển giao công nghệ cao, cho đến các biện pháp trừng phạt vi phạm nhân quyền nhắm vào Bắc Kinh.

    Theo nhiều chuyên gia được AFP trích dẫn, Bắc Kinh không trông đợi một sự đảo hướng nào từ phía Donald Trump lẫn Kamala Harris. Kinh tế gia Adam Slater tại Oxford Economics, trong một ghi chú, cảnh báo rằng, « việc tăng cường chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch sau cuộc bầu cử Mỹ có nguy cơ dẫn đến việc tái cơ cấu lớn nền thương mại toàn cầu. Chính sách thuế quan của Donald Trump có khả năng làm suy giảm trao đổi thương mại Trung – Mỹ đến 70% và có thể gây ra sự biến mất hoặc tái định hướng hàng trăm tỷ đô la trao đổi thương mại. »

    Nhìn chung châu Á vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu cả trên bình diện thương mại lẫn về mặt chiến lược trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong buổi hội thảo ở Nantes, cựu đại sứ Pháp ở Washington và Tel Aviv, ông Gerard Araud, lưu ý rằng, Hoa Kỳ đang « rón rén » rời khỏi châu Âu và Ukraina là một rào cản, làm Mỹ bị phân tán khỏi điều cốt lõi.

    « Đối với Hoa Kỳ, điều cốt lõi được tóm gọn trong ba từ : Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc. Người Mỹ cho rằng châu Á mới là nơi mang đến tăng trưởng. Khi châu Âu có mức tăng trưởng 2% họ đã hô hào phấn khởi, nhưng khi Trung Quốc đạt 5% thì họ nói rằng Trung Quốc gặp khủng hoảng.

    Tuy nhiên, đối với nhiều người Mỹ, có một thực tế hiển nhiên là tương lai thế giới sẽ được định đoạt trong quãng không gian nằm giữa New Delhi và Los Angeles. Đối với họ, châu Âu đang dần trở thành một vùng ngoại vi của thế giới. Hoa Kỳ rất thực dụng, cuộc chiến xâm lược Ukraina tuy khiến họ phải bận tâm, nhưng như đã nói, Mỹ không ủng hộ và không sẵn sàng tham chiến tại Ukraina ».

    Vây hãm và Đối thoại

    Trong bối cảnh có sự dịch chuyển kinh tế và địa chính trị sang châu Á, Hoa Kỳ dưới thời Biden đã thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược. Cuộc đối đầu trực diện hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc gợi nhắc lại thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, đọ sức giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong những năm 1980, 1990. Hai siêu cường tương lai của thế giới có sẽ xác định một mô hình sống chung ? Hay hai đại cường sẽ lao vào một cuộc chiến đầy rủi ro ?

    Cựu đại sứ Pháp ở Mỹ Gerard Araud lưu ý rằng trong lĩnh vực địa chính trị, khi phải đối diện với kiểu đối đầu như hiện nay, người ta luôn nói đến hai vế : Ngăn chặn và Đối thoại. Chính quyền Biden cho đến lúc này đã phần nào thành công trong việc kềm hãm khi thiết lập nhiều mối quan hệ đồng minh với nhiều nước trong khu vực như Bộ Tứ - QUAD quy tụ bốn nước Úc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, hay liên minh quân sự AUKUS Anh, Úc, Mỹ,…

    « Rồi còn có thỏa thuận đối tác chiến lược giữa Mỹ và Philippines, giữa Mỹ và Việt Nam. Khi tổng thống Mỹ mời đồng nhiệm Hàn Quốc và thủ tướng Nhật Bản đến Camp David, trong nhãn quan Trung Quốc, cử chỉ này có một ý nghĩa to lớn. Nếu nhìn từ Bắc Kinh, quý vị sẽ thấy rõ ở phía đối diện hình thành một chuỗi quan hệ đồng minh và liên minh chống Trung Quốc một cách rõ ràng và rất mạnh mẽ.

    Trong vụ rắc rối tầu ngầm Úc, với Pháp chỉ là viên đạn lạc, là nạn nhân liên đới. Đối với Mỹ, đây là cách thức để cung cấp cho Úc các phương tiện để có thể tiếp cận bờ biển Trung Quốc bằng tầu ngầm hạt nhân trong khi những loại tầu ngầm cổ điển không thể có được tầm với đó. Rõ ràng là Mỹ đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc. Cho nên thật dễ hiểu vì sao Trung Quốc phải tăng ngân sách quốc phòng ».

    Cũng theo ông Gerard Araud, vế thứ hai – cuộc « Đối thoại chính trị » chỉ mới bắt đầu. Nền ngoại giao Mỹ vốn dĩ kín tiếng, nhưng các cuộc tiếp xúc bí mật đã được tiến hành giữa Jack Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và người đồng cấp Trung Quốc. Mục tiêu là để hai nước xác định các lằn ranh đỏ nhằm tránh những tính toán sai lầm:

    « Lằn ranh đỏ lớn, tính toán sai lầm lớn có thể xảy ra là Đài Loan. Đối với Trung Quốc, Đài Loan là lằn ranh đỏ tuyệt đối. Trung Quốc biết rõ là chiến tranh sẽ là một thảm họa, nhưng họ cũng sẽ không để Đài Loan giành độc lập bằng bất cứ giá nào. Nhưng đồng thời họ không nên đánh giá sai lầm quyết tâm của Mỹ. Nhưng tôi có lẽ sẽ kết luận bằng câu trả lời rằng nếu Trump được hỏi"ông nghĩ gì về Đài Loan ?"Câu trả lời duy nhất của ông ấy là"Đài Loan là đối thủ cạnh tranh với ngành công nghiệp Mỹ". Nếu tôi là Bắc Kinh, tôi sẽ nghĩ đèn đỏ đã trở thành đèn mầu cam ! »

    Đông Nam Á, Biển Đông – Sự đồng thuận của lưỡng đảng

    Đây cũng chính là điều khiến nhiều lãnh đạo châu Á lo lắng. Với chủ trương « Nước Mỹ trên hết », « Donald Trump nếu tái đắc cử sẽ có một cách tiếp cận địa chính trị thế giới hoàn toàn không nhất quán giữa các khu vực, tùy thuộc vào những lợi ích do chính ông xác định và thường bị nhầm lẫn với lợi ích của các công ty của Trump », theo như nhận định của Marie - Cecile Naves, chuyên gia về Mỹ, giám đốc nghiên cứu tại IRIS.

    Bầu cử Mỹ diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng mạnh mẽ do những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Tầm nhìn về quan hệ quốc tế mang tính « giao dịch » của Donald Trump cũng như sự kín kẽ của bà Kamala Harris về chính sách đối ngoại làm dấy lên nhiều nghi vấn về những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh và đối tác trong vùng Đông Nam Á, khu vực mà Mỹ cũng rất muốn tranh thủ trong cuộc cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, theo nhận định từ nhiều nhà quan sát.

    Tuy nhiên, theo Andrew Scobell, chuyên gia về Trung Quốc, Viện Hòa Bình Mỹ,được South China Morning Post trích dẫn, « quan điểm đồng thuận lưỡng đảng ở Washington là Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn nhiều ở Biển Đông và Hoa Kỳ phải chống lại các hành động khiêu khích của Trung Quốc, ủng hộ các đồng minh và đối tác ở vùng biển Đông Nam Á ».

    Đối với Andreyka Natalegawa, cộng tác viên cho Chương  trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ đóng một vai trò quan trọng. Do vậy, « bất kể ai thắng cử tháng 11 này, chính quyền tiếp theo phải đối mặt với một số ưu tiên rõ ràng trong năm tới: củng cố mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng, quản lý căng thẳng ở Biển Đông và đưa ra kế hoạch kinh tế tích cực cho khu vực. »

    Nhìn chung, giới quan sát hầu hết có chung một nhận định, sẽ chẳng có nhiều khác biệt trong chính sách đối ngoại giữa Kamala Harris và Donald Trump. Có khác chăng là phương thức thực hiện, giữa « một chính quyền Harris sử dụng con dao mổ » và « một chính quyền Donald Trump dùng búa tạ », như hình ảnh ví von của nhà nghiên cứu Thibault Denamiel, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, Washington với hãng tin Pháp AFP.

    Thu, 31 Oct 2024
  • 124 - Bán đảo Triều Tiên: Liên minh quân sự Nga - Triều đe dọa an ninh Hàn Quốc ?

    Ngày 23/10/2024, lần đầu tiên, Hoa Kỳ và NATO đưa ra các bằng chứng khẳng định sự hiện diện của « nhiều ngàn » binh sĩ Bắc Triều Tiên tại Nga, có thể đóng một vai trò trong cuộc chiến tại Ukraina. Quyết định của Bình Nhưỡng  gởi quân đến mặt trận Ukraina đã củng cố hơn nữa liên minh quân sự với Matxcơva. Điều này có nguy cơ làm thay đổi cán cân an ninh trên bán đảo Triều Tiên.  

    Theo Washington, Bình Nhưỡng đã cho di chuyển « ít nhất 3.000 quân đến phía đông nước Nga trong khoảng thời gian đầu tháng 10 đến trung tuần tháng 10/2024 ». Tuyên bố này của Mỹ và NATO xác nhận các cáo buộc của Ukraina và Hàn Quốc vài ngày trước đó, cho rằng Bắc Triều Tiên đã gởi hơn 10 ngàn binh sĩ, trong đó có khoảng 1.500 thành viên lực lượng đặc nhiệm đang được huấn luyện ở miền đông nước Nga để chiến đấu tại Ukraina.

    Nga – Triều: Mối thâm giao lịch sử

    Theo nhận định của nhà sử học Pierre Rigoulot, chuyên gia về Bắc Triều Tiên và các chế độ Cộng sản, với kênh truyền hình Pháp LCI (22/10/2024), quyết định gởi hơn một chục ngàn quân đến Nga là điều khả dĩ, hoàn toàn nằm trong lô-gic và khả năng của Bình Nhưỡng: « Quân đội Bắc Triều Tiên có quân số đông thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ. Và do vậy, Bắc Triều Tiên có thể cung cấp 12 ngàn quân đến chiến đấu bên cạnh quân đội Nga mà không gặp rắc rối gì. »

    Nhà sử học người Pháp này còn lưu ý thêm tuy Bắc Triều Tiên vẫn có đến 40% dân số trong tình trạng đói kém, theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc FAO, nhưng về mặt chất lượng, các binh sĩ Bắc Triều Tiên được đào tạo rất bài bản. « Bắc Triều Tiên có một hệ thống đào tạo, phục vụ quân đội là 8 năm đối với phụ nữ và 10 năm đối với nam giới. Do vậy, họ không những có quân số đông, mà còn có cả những quân nhân được đào tạo một cách cuồng nhiệt »

    Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng gởi quân ra nước ngoài. Trong quá khứ, Bắc Triều Tiên từng gởi các « cố vấn » quân sự đến nhiều nước châu Phi để huấn luyện binh sĩ chiến đấu. Nhìn chung đó chỉ là các chuyên viên đào tạo, hiếm khi tham gia chiến đấu. Riêng một ngoại lệ là Bắc Triều Tiên đã gởi phi công đến hỗ trợ không quân Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

    Theo nhiều nhà quan sát, quyết định lần này gởi hơn một chục ngàn quân đến hỗ trợ cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga là một điều chưa từng có. Dù vậy, nhà địa lý học Valérie Gelézeau, Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales, tại Paris, trên đài truyền hình Thụy Sĩ RTS trước hết nhắc lại Nga và Bắc Triều Tiên đã có mối thâm giao lịch sử :

    « Đầu tiên, nếu chúng ta xem xét sự việc trong trung và dài hạn, mối quan hệ này là lâu đời, một phần truyền thống của Bắc Triều Tiên. Liên Xô từng là một nước anh em, góp phần vào việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa Bắc Triều Tiên thông qua việc hỗ trợ quân sự và chuyên viên. Liên Xô cũng từng là một nền tảng cho mô hình nhà nước Bắc Triều Tiên.

    Hơn nữa, Liên Xô là quốc gia anh em trao đổi cho mối quan hệ kinh tế trong một thời gian dài cho đến tận những năm đầu thập niên 1990. Điều thứ hai là việc nối lại quan hệ với Nga còn là một phần trong chiến lược rất đặc trưng của Bắc Triều Tiên, trong mối bang giao với hai nước láng giềng bạn bè khổng lồ. Bình Nhưỡng thực hiện chiến lược này rất tốt bằng cách xích lại gần với Matxcơva khi mối quan hệ với Bắc Kinh hơi bị lạnh nhạt hay ngược lại. »

    Đổi nhân lực lấy kỹ nghệ vũ khí

    Sau gần 32 tháng giao tranh khốc liệt và chưa cho thấy một triển vọng hòa bình, nguy cơ leo thang xung đột giữa Nga và Ukraina gia tăng thêm một nấc vào lúc Nghị Viện Nga ngày 24/10/2024 đã nhất trí phê chuẩn « Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện » đã được ký kết với Bắc Triều Tiên vào ngày 19/06/2024, thúc đẩy thắt chặt liên minh quân sự giữa hai nước.

    Điều khoản 4 của hiệp ước này dự trù một sự « hỗ trợ quân sự ngay lập tức ». Theo nhà nghiên cứu Hong Min, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, « thỏa thuận thiết lập một cơ cấu trong đó, sự can thiệp hoặc hỗ trợ quân sự từ Nga sẽ tự động được thực hiện nếu Bắc Triều Tiên bị tấn công hoặc nếu nước này gặp khủng hoảng ».

    Giới chức Hàn Quốc lo rằng, đổi lấy sự hậu thuẫn về nhân lực, Nga có thể sẽ cung cấp cho Bắc Triều Tiên các công nghệ vũ khí tinh vi giúp phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trên kênh truyền hình LCI, nhà sử học Pierre Rigoulot nhận định đây là những lý do gây lo lắng, « bởi vì chính phủ Bắc Triều Tiên rõ ràng có được một lợi thế về mặt công nghệ. Gần đây, Nga đã cung cấp một số dữ liệu công nghệ trong lĩnh vực hạt nhân liên quan đến kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn, rồi trong lĩnh vực tên lửa, cũng như một cách cơ bản trong lĩnh vực lương thực ».

    AFP ngày 19/10/2024 nhắc lại, về mặt kỹ thuật, hai miền Nam, Bắc Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Cuộc chiến Triều Tiên  (1950-1953) chỉ dẫn đến một hiệp định đình chiến mà chưa có Hiệp ước Hòa bình. Trong khi lãnh đạo Bắc Triều Tiên tăng tốc xây dựng kho vũ khí hạt nhân, Seoul lại không có vũ khí nguyên tử, và Hàn Quốc vẫn được đặt dưới « ô hạt nhân » của Mỹ.

    Việc Washington và Seoul thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn đã khiến Bình Nhưỡng có những phản ứng mạnh mẽ. Bằng cách gởi quân đến Nga, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng tăng cường hơn nữa năng lực răn đe quân sự và củng cố liên minh với Nga, tạo một thế đối trọng với thỏa thuận quốc phòng giữa Mỹ và Hàn Quốc. Theo ông Hong Min, điều này có nguy cơ dẫn đến một « sự thay đổi đáng kể » cho an ninh bán đảo Triều Tiên.

    Liên minh Nga – Trung – Triều

    Theo trang South China Morning Post (22/10/2024), điều khiến chính quyền Hàn Quốc thực sự quan tâm, đó là liên minh an ninh ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, bên cạnh mối quan hệ đối tác « vô bờ bến » giữa Bắc Kinh và Matxcơva. Ông Jaewoo Choo, giáo sư ngành Trung Quốc học, trường đại học Kyung Hee, cho biết, « cùng với việc tái lập mối quan hệ đồng minh truyền thống trong năm nay giữa Bắc Triều Tiên và Nga, các mối liên kết đồng minh giữa ba nước này đã gián tiếp được kết nối ».

    Cũng theo giáo sư Choo, sẽ là « bất cẩn » khi cho rằng quan hệ Trung – Triều đang lạnh giá. Trên thực tế, Bắc Kinh do phải tập trung bình ổn quan hệ với Washington vào lúc tăng trưởng kinh tế bị suy yếu, « âm thầm hài lòng về việc Nga, bằng cách vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chống Bắc Triều Tiên, đã thay thế Trung Quốc hỗ trợ kinh tế cho nước này, bởi một lẽ đơn giản là Bắc Kinh đang bị Washington giám sát chặt chẽ. » Ông Choo cho rằng, quan hệ Trung – Triều rồi sẽ lại được thắt chặt, một khi bầu cử Mỹ kết thúc.

    Nhưng giới quan sát cũng đánh giá rằng Bắc Kinh – nguồn hậu thuẫn ngoại giao chính và là chiếc phao kinh tế cho Bình Nhưỡng – rất có thể cũng sẽ không hưởng được lợi gì nhiều trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ. Tại Trung Quốc, một số nhà quan sát lo ngại bán đảo Triều Tiên có nguy cơ trở thành một « ngòi nổ nguy hiểm nhất » cho quan hệ Mỹ - Trung.

    Với kho vũ khí hạt nhân ngày càng lớn của Bình Nhưỡng, nhiều đồn thổi về tình trạng sức khỏe suy yếu của Kim Jong Un và bí ẩn xung quanh tiến trình kế thừa quyền lực, cùng với những thất vọng trong việc không có được sự nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Thì Ân Hoằng (Shi Yinhong), giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế trường đại học Nhân dân ở Bắc Kinh e ngại rằng lãnh đạo họ Kim có thể có những quyết định liều lĩnh.

    Đông Á, mặt trận ủy nhiệm thứ ba sắp tới ?

    Trước những phát biểu và hành động ngày càng hung hăng, ngạo mạn của Bắc Triều Tiên, hợp tác quân sự Nga – Triều được thắt chặt làm dấy lên nỗi lo, « Đông Á có nguy cơ trở thành chiến trường kế tiếp trong năm sắp tới, sau các cuộc chiến tranh ở Ukraina và Trung Đông. Tôi thật sự lo lắng rằng thế giới bên ngoài không hoàn toàn hiểu được tính chất phức tạp của tình hình, đang trên đà biến thành cuộc đối đầu quan trọng nhất và nguy hiểm nhất từ sau Đệ Nhị Thế Chiến ».Cũng theo ông Thì Ân Hoằng, « cùng với việc tiếp tục cuộc chiến tại Ukraina, Nga rất có thể sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc mở một mặt trận thứ ba tại Đông Á, trong mục tiêu phân tán Mỹ và các đồng minh. »

    Vị chuyên gia Trung Quốc này tự hỏi « liệu Bắc Triều Tiên có hiểu rằng họ đang là phương sách cuối cùng cho ông Putin? », trước khi đưa ra kết luận « có nhiều rủi ro là vào lúc tình hình ở Trung Đông trở nên không trụ được nữa, ông Putin vào một thời điểm nào đó, có thể quyết định mở một mặt trận mới ở Đông Á bằng cách khuyến khích Kim Jong Un gieo rắc hỗn loạn. Những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay có nguy cơ chuyển thành một cuộc xung đột vũ trang, với việc các đại cường cố gắng lợi dụng căng thẳng liên Triều để tiến hành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm » !

    Đây có lẽ là kịch bản mà Hàn Quốc muốn tránh khi liên tục gióng chuông báo động về sự hiện diện quân sự của Bắc Triều Tiên tại Nga, cho dù đại sứ Nga tại Seoul khẳng định « hợp tác quân sự Nga – Triều không đe dọa an ninh Hàn Quốc » !

    Thu, 24 Oct 2024
  • 123 - BRICS : Công cụ đàm phán hay khối thống nhất chống bá quyền phương Tây ?

    Từ ngày 22-24/10/2024, tổng thống Nga Vladimir Putin đón nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ hơn 30 nước đến dự thượng đỉnh nhóm BRICS diễn ra tại Kazan, Nga. Thuyết phục các nước xây dựng một hệ thống thanh toán quốc tế mới nhằm chấm dứt sự thống trị của đồng đô la là một trong những chủ đề trọng tâm của Matxcơva. Nhưng việc mở rộng số thành viên của nhóm có nguy cơ cản trở tham vọng này của Nga vì những lợi ích riêng của từng nước.

    Ra đời năm 2009 với năm nước thành viên ban đầu là Brazil, Nga (Russia), Ấn Độ (India), Trung Quốc (China) và Nam Phi (South Africa), BRICS đã được mở rộng thành BRICS+ khi tiếp nhận thêm năm thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Ả Rập Xê Út, sau kỳ thượng đỉnh lần thứ 15 diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cho đến hiện tại Ả Rập Xê Út vẫn chưa xác nhận có đến dự hội nghị BRICS hay không.

    Ba đòi hỏi của BRICS

    Phát biểu trước giới báo chí hôm thứ Năm 10/10/2024, cố vấn ngoại giao của điện Kremlin Iouri Ouchakov cho biết 32 trong số 38 nước được mời sẽ đến dự thượng đỉnh BRICS, trong số này có sự hiện diện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và 24 nguyên thủ quốc gia như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Iran Massoud Pezeshkian, hay như tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, gần đây chính thức đề nghị xin gia nhập nhóm.

    Cũng theo ông Ouchakov, « tên BRICS giống với từ "brick" trong tiếng Anh. Và nhóm BRICS đang xây từng viên gạch, một cây cầu hướng đến một trật tự thế giới công bằng hơn », khi nhấn mạnh đến tính chất « đa phương » của nhóm, tập hợp các nước « phương Nam và phương Đông », để làm đối trọng chống thế bá quyền của phương Tây, nhất là Mỹ.

    Tại hội thảo « BRICS+ : Những nước mới trỗi dậy tấn công thế giới ? » do đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI chủ trì, trong khuôn khổ Ngày hội Địa Chính Trị*, diễn ra ngày 28/09/2024, tại Nantes (phía tây nước Pháp), chuyên gia Christophe Ventura, giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), chuyên trách về chương trình Châu Mỹ Latinh, trước hết nhắc lại, chống thế thống trị của phương Tây là một trong số nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự hình thành của nhóm BRICS.

    « Ban đầu, yêu cầu của họ là đòi cải tổ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sao cho các định chế tài chính quốc tế phản ảnh tốt hơn hoặc có tính đến vai trò tiềm tàng của những nước này trong nền kinh tế thế giới. Một đòi hỏi chưa bao giờ hoặc rất ít được IMF quan tâm đến. Đó là động cơ thứ nhất.

    Điểm thứ hai có liên quan đến Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Đây là một cuộc tranh luận lớn. Một số nước mới trỗi dậy yêu cầu có một vị trí để Hội Đồng này không chỉ đơn giản phản ảnh thế cân bằng được duy trì sau hội nghị Yalta, khi chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến và Chiến tranh Lạnh, mà còn cả thế giới của thế kỷ XXI (…)

    Điều thứ ba, tuy không hẳn là một yêu sách, nhưng cũng nên đề cập đến, đó là việc nhiều nước trong nhóm này như Trung Quốc, Nga, Iran có chung một điểm là đang phải chịu lệnh trừng phạt bằng cách này hay cách khác từ Mỹ. »

    BRICS+ và những nỗi lo của phương Tây

    Hội nghị cấp cao BRICS lần thứ 16 tại thành phố ở Kazan diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến xâm lược Ukraina do Nga tiến hành kéo dài hơn hai năm rưỡi qua và Nga đang hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Theo Reuters, sự kiện được Matxcơva thể hiện như là một bằng chứng cho thấy nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập Nga đã thất bại, đồng thời kêu gọi sự hợp tác giữa các nước nhằm cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu, chấm dứt thế thống trị của đồng đô la Mỹ.

    Một tài liệu do bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương Nga soạn thảo, phân phát cho các nhà báo trước hội nghị, đề xuất một hệ thống thanh toán mới dựa trên mạng lưới các ngân hàng thương mại được liên kết với nhau thông qua các ngân hàng trung ương của nhóm BRICS. Hệ thống này sẽ sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ và chuyển tiền quy ước kỹ thuật số (digital tokens) được hỗ trợ bởi đồng tiền quốc gia. Ngược lại, điều này sẽ cho phép đồng nội tệ các quốc gia đó được trao đổi dễ dàng và an toàn hơn, bỏ qua nhu cầu giao dịch bằng đô la.

    Theo chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura tại hội thảo của RFI, đây chính là điều khiến phe phương Tây – mà ông gọi là Cộng đồng lợi ích chiến lược – lấy làm quan ngại.

    « Rõ ràng phương Tây lo lắng là BRICS – hiện chỉ là một câu lạc bộ không chính thức, một kiểu khuôn khổ ngoại giao – trở thành hạt nhân của một liên minh các nước ương ngạnh, chống lại các lợi ích thực sự của cộng đồng lợi ích chiến lược, bất kể đó là những hồ sơ địa chính trị như cuộc chiến của Israel ở dải Gaza và giờ là tại Liban, hay như vấn đề tiền tệ.

    Điều mà phương Tây lo ngại với BRICS, là việc đòi xem xét lại nguyên tắc về thế bá quyền của đồng đô la trong hệ thống tài chính – kinh tế quốc tế. Bởi vì, đây chính là điều mà BRICS đang thực hiện, đang chuẩn bị, không hẳn là một đồng tiền chung mà là các hệ thống thanh toán cho phép các nước thành viên có thể tránh sử dụng các giao dịch bằng đô la.

    Bởi vì có nhiều nước trong nhóm bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, sử dụng đồng đô la để trừng phạt họ. Do vậy, họ đang thiết lập các hệ thống thanh toán nằm ngoài hệ thống do Mỹ thống trị và thiết lập một rổ tiền tệ để trao đổi bằng đồng nội tệ và hiện nay là bằng vàng thay cho đô la.

    Đối với Washington, đây thực sự là một mối đe dọa, không hẳn mang tính sinh tồn, nhưng là một hiểm họa chính trị đe dọa một trong hai trụ cột chính cho thế bá quyền của Mỹ trên thế giới : Đó là đế chế tài chính và quân sự ».

    Nỗ lực của Nga : Thay thế IMF

    Tài liệu của Nga cáo buộc các định chế tài chính quốc tế hiện nay như IMF chẳng hạn phục vụ các lợi ích của các nước phương Tây, và cho rằng những tổ chức này « phải được cải tổ để phục vụ tốt hơn nền kinh tế toàn cầu đang phát triển ».

    Bộ trưởng Tài Chính Nga Anton Siluanov, hồi tuần trước, kêu gọi các nước thành viên BRICS hình thành một giải pháp thay thế cho IMF. Trong số các sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, Nga còn đề xuất tạo nền tảng « BRICS Clear » để giải quyết các giao dịch chứng khoán, hay như một phương pháp xếp hạng chung nhưng không đề xuất thành lập cơ quan xếp hạng chung BRICS.

    Với những sáng kiến này, liệu rằng các nước phương Nam có thể bỏ qua IMF hay không ? Christophe Ventura khẳng định là « Không », do việc nhiều nước trên thế giới vẫn còn nhiều khoản nợ quan trọng với định chế. Theo ông, những gì các nước thành viên nhóm BRICS cũng như là những nước muốn tham gia BRICS, phần lớn là các nước phương Nam, đòi hỏi trước tiên là vấn đề hạn ngạch trong IMF và muốn có một quyền biểu quyết phản ảnh rõ tầm mức kinh tế của đất nước hiện nay, cho phép những nước này có một sự linh hoạt trong các hoạt động vay và trả nợ trên các thị trường tài chính thế giới.

    Matxcơva xem việc hình thành một cơ chế thanh toán quốc tế mới được cho là cách tốt nhất để giải quyết những khó khăn ngày càng lớn trong các hoạt động thanh toán thương mại, ngay cả với các quốc gia thân thiện như Trung Quốc. Nhiều ngân hàng địa phương của Bắc Kinh lo ngại có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ. Nhưng Nga cũng nhìn nhận rằng việc tạo ra một hệ thống như vậy tuy khả thi nhưng đòi hỏi nhiều thời gian. Việc mở rộng đáng kể số lượng thành viên BRICS hồi cuối năm 2023 sẽ khiến khả năng đạt đồng thuận trong nhóm thêm phần khó khăn.

    Theo Reuters, dấu hiệu cho thấy Matxcơva sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy thông qua các đề xuất của mình, là hầu hết các thành viên nhóm BRICS chỉ cử các quan chức cấp thấp hơn, chứ không phải là các bộ trưởng tài chính hay thống đốc ngân hàng trung ương đến dự cuộc họp trù bị hồi tuần trước. Đối với nhiều nhà quan sát, điều này còn cho thấy có những hạn chế cố hữu trong lòng nhóm BRICS.

    BRICS+ : Diễn đàn để đối thoại với phương Tây ?

    Nhà nghiên cứu Burak Elmalı, Trung tâm Nghiên cứu Thế giới TRT, trụ sở tại Istanbul, trên trang Responsible Statecraft của Mỹ cho rằng, sự phát triển của nhóm dường như đã « chạm ngưỡng ». Càng mở rộng liên minh « các giải pháp thay thế », càng phơi bày những lợi ích khác biệt của các thành viên. Nga và Trung Quốc phản đối mạnh mẽ trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng thiếu một loạt các giá trị gắn kết đằng sau lập trường này.

    Về điểm này, bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, Anh Quốc và Nga, trong cuộc hội thảo về BRICS của RFI tại Nantes, có lưu ý rằng, « các nước phương Nam tuy phản đối thế thống trị của Mỹ, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ sẽ thực sự đấu tranh chống Mỹ », do lập trường đa liên kết của nhiều nước thành viên khác trong nhóm, đi đầu là Ấn Độ, vốn dĩ duy trì một đường lối đối ngoại kết hợp giữa sự linh hoạt ngoại giao và chủ nghĩa cơ hội, theo như nhận định của cựu nhà báo RFI, Olivier Da Lage, hiện cộng tác với Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, cơ quan tổ chức ngày hội Địa Chính Trị Nantes 2024.

    Do vậy, theo đánh giá từ chuyên gia về châu Mỹ Latinh, Christophe Ventura, BRICS có nhiều khả năng là một công cụ để các nước phương Nam, các nước mới trỗi dậy đàm phán với các nước phương Tây, để chia sẻ và đa dạng hóa quyền lực trong hệ thống do chính phương Tây lập ra khi có tính đến những lợi ích của những nước này.

    Cũng theo ông Ventura, tuy Trung Quốc và Nga ngày càng thắt chặt hợp tác trong nhiều lĩnh vực, kể cả quốc phòng để đối phó Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng sẽ chẳng được lợi gì khi Hoa Kỳ nhanh chóng bị sụp đổ do cả hai nước phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau trong nhiều vấn đề.

    « Mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng trong dài hạn khả năng vượt qua Mỹ một cách không thể tránh khỏi và do vậy, BRICS có thể được sử dụng cho mục đích này. Nhưng chúng ta cũng thấy là Ấn Độ có chính sách đa liên kết ; Brazil thì muốn nói chuyện với tất cả mọi người – theo như cách nói của tổng thống Lula, nghĩa là họ thảo luận họ giao dịch, họ có quan điểm chính trị, địa chính trị trên thực tế phù hợp với việc khẳng định các lợi ích quốc gia của mình.

    Thế nên, tôi nghĩ là đến thời điểm hiện tại, BRICS minh họa cho một thực tế là tất cả các quốc gia thành viên đều ở trong hình thức gọi là "tư duy giao dịch".

    Nhưng điều đang xảy ra là tất cả các định dạng công cụ BRICS này trên thực tế đều là những công cụ cho phép mỗi quốc gia, theo logic đa dạng hóa các liên minh của mình, khẳng định hoặc tái khẳng định lợi ích quốc gia của mình để lợi ích quốc gia sau này có trọng lượng hơn theo một cách nào đó trong trật tự quốc tế đang gặp khủng hoảng.

    BRICS, theo quan điểm này, hoặc là một công cụ đàm phán, hoặc nếu sự cân bằng quyền lực bị suy giảm trong một thế giới ngày càng xung đột và hiếu chiến, trong trường hợp này, BRICS có thể trở thành một khối tập trung hơn để chống lại quyền bá chủ một cách hiệu quả. Theo ý tôi, điều đó hiện chưa được xác định rõ ràng ».

    Thu, 17 Oct 2024
Show More Episodes