Nach Genre filtern
- 137 - Chính giới Nga dè dặt về khả năng Trump chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ
Tuần qua, chủ đề thời sự thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế nhất là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 với kết quả là ông Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ứng viên của đảng Cộng Hòa, tái đắc cử. Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tiếng Việt tuần này tập trung vào phản ứng của chính quyền Đài Bắc, Bắc Kinh, Matxcơva và Vacxava về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Đài Loan : Chính giới mong quan hệ với Mỹổn định, doanh nghiệp tính đến các phương án dự phòng
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức là một trong những chính trị gia quốc tế sớm chúc mừng ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của nước Mỹ trong tuần qua. Đài Bắc mong đợi quan hệ chính trị với Hoa Kỳ ổn định dưới thời tổng thống Donald Trump, nhưng giới doanh nghiệp phải tính đến các phương án dự phòng cho sự bất ổn.
Từ Đài Bắc, ngày 07/11 thông tín viên Nguyễn Giang gửi về bài tường trình :
« Đăng lời chúc trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hy vọng quan hệ Mỹ-Đài tiếp tục là “quan hệ đối tác dựa trên quyền lợi chung, giá trị cùng chia sẻ, tạo nền tảng cho ổn định trong khu vực”.
Sang ngày thứ Tư (06/11), giờ Đài Loan, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền ở Đài Loan, bà Hàn Oánh, cũng thay mặt đảng này chúc mừng ông Trump thắng cử. Tuy thế, đảng Dân Tiến cũng cảm ơn tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, và phó tổng thống Kamala Harris đã thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài thời gian qua.
Bà Hàn Oánh nhấn mạnh rằng sự ủng hộ cho Đài Loan đến từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ và điều đó sẽ không vì bầu cử mà thay đổi.
"Đài Loan và Hoa Kỳ chia sẻ niềm tin vào các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền và có quyền lợi chung trong việc duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy kinh tế thịnh vượng”, văn phòng đảng Dân Tiến cho biết.
Cùng thời gian, hai đảng đối lập Đài Loan cũng chúc mừng ông Trump. Chẳng hạn, chủ tịch Quốc Dân Đảng, Chu Lập Luân (Eric Chu), hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục như nhiệm kỳ trước của ông (2016-2020) là làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột, và hỗ trợ hòa bình, ổn định.
Thế nhưng, ngay khi có tin ông Trump sẽ thắng cử, các doanh nghiệp Đài Loan đã phải đánh giá các rủi ro có thể tới từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung tăng độ nóng tới đây, nếu ông Trump thực hiện các lời hứa tranh cử là đánh thuế nhập khẩu rất cao vào hàng hóa Trung Quốc.
Chẳng hạn công ty Advantech Co., Ltd., chuyên về tự động hóa phục vụ ngành chế xuất, nói họ đã có cơ sở tại Mỹ, nhưng có thể cần xem xét chấp nhận dán nhãn hàng là “Sản xuất tại Hoa Kỳ” (Made in the USA), chứ không chỉ ghi là “Sản xuất tại Đài Loan, lắp ráp ở Mỹ”. Thậm chí, các nhà máy của họ ở Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản đang làm ăn tốt nhưng có thể cần phải chuyển sang Mỹ hoặc Mexico, theo trang CNA ở Đài Loan.
Một công ty khác của Đài Loan là Catcher Technology thì đã tuyên bố mở nhà máy ở Thái Lan. Trước đó, công ty Wistron NeWeb Corporation chuyên làm linh kiện cho Starlinks của tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ nhiệt thành cho ông Trump, nói họ đã chuyển thêm sản xuất sang Việt Nam.
Cùng lúc, nhiều công ty công nghệ Đài Loan tin rằng bám sát thị trường Mỹ sẽ đem lại cho họ cơ hội lớn vì các chính sách của đảng Cộng Hòa thời Trump sẽ tạo điều kiện tốt cho dòng vốn di chuyển.
Cổ phiếu của đại tập đoàn bán dẫn Đài Loan, TSMC, đã tăng giá cùng cổ phiếu công nghệ Mỹ ngay sau khi có tin Trump thắng cử.
Bám chặt vào Hoa Kỳ cả về chính trị và kinh tế là cách Đài Loan duy trì vị thế của mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà các quyết định sắp tới của tổng thống Donald Trump có thể gây gián đoạn mậu dịch với Trung Quốc.
Và để làm vậy, doanh nghiệp Đài Loan sẽ chấp nhận giá thành sản xuất tại Mỹ, chi phí vận tải tăng, thậm chí nếu cần họ sẽ phải bỏ thị trường Trung Quốc, để tồn tại và phát triển thời Trump ».
Donald Trump thắng cử, động lực thúc đẩy Bắc Kinh phát triển kinh tế mạnh hơn
Theo Lynn Song, kinh tế gia của ngân hàng ING, được AFP trích dẫn ngày 08/11, dường như kỳ họp Quốc Hội của Trung Quốc ban đầu dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, đã bị dời lại đến tuần diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ 2024 để các nhà ra quyết sách có thể kịp thời phản ứng nếu ông Donald Trump tái đắc cử.
Kinh tế gia của ngân hàng ING nhận định nếu ứng viên đảng Cộng Hòa Mỹ thắng cử, Bắc Kinh rất có thể phải có một kế hoạch thúc đẩy kinh tế lớn hơn.
Qi Wang của công ty UOB Kay Hian Wealth Management thì cho rằng việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng « không hẳn là một điều xấu đối với Trung Quốc, vì có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kích thích lớn hơn ».
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm về phản ứng của Trung Quốc trước thắng lợi của Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 :
« Mối quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là lợi ích chung của hai nước và đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế.Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, lịch sử đã cho thấy rằng Bắc Kinh và Washington sẽ thua nếu đối đầu trực tiếp.
Do đó, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đôi bên tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác theo hướng cùng có lợi. Theo ông, đối thoại là điều thiết yếu để giải quyết những bất đồng giữa hai cường quốc.
Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể thay đổi quan hệ Trung - Mỹ vốn đã căng thẳng do các chủ đề như Đài Loan, thương mại, nhân quyền cũng như sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có khả năng tác động đến 500 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu.
Các chính sách này có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc, hiện giờ đang dễ bị tổn thương.Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã chuẩn bị tốt hơn. Một kế hoạch thúc đẩy kinh tế quy mô lớn, dự kiến được công bố sau kỳ họp Quốc Hội hiện đang diễn ra, có thể thể hiện nhiều tham vọng hơn dự kiến do tác động của kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ».
Giới bình luận Nga dè dặt trước lời hứa của Donald Trump chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ
Cũng như lãnh đạo Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngay từ trước khi chủ nhân điện Kremlin đưa ra tuyên bố nói trên, ông Donald Trump cũng đã khẳng định « hai bên sẽ nói chuyện với nhau ».
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng viên đảng Cộng Hòa đã tuyên bố nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ khiến chiến tranh Ukraina chấm dứt chỉ trong vòng 20 giờ, làm dấy lên nhiều lo ngại cho những ai ủng hộ Ukraina, nhất là vì ông Trump được cho là vẫn duy trì các cuộc điện đàm với tổng thống Nga Putin sau khi ông đã rời Nhà Trắng hồi năm 2020, thậm chí cả sau khi Putin điều quân xâm lược Ukraina.
Vậy chính giới Nga tỏ thái độ thế nào khi Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trở lại Nhà Trắng trên cương vị tổng thống thứ 47 của Mỹ ?
Từ Matxcơva, thông tín viên Hoàng Dung gửi về bài tường trình :
Donald Trump đắc cử, công luận Ba Lan chờ đợi chính sách trên thực tế của tân chính quyền Mỹ
Ba Lan, một nước chống chính quyền Nga của Putin mạnh mẽ, và ủng hộ cuộc chiến của Ukraina chống quân Nga xâm lăng, những ngày qua cũng hồi hộp ngóng kết quả bầu cử Mỹ bởi chính sách của chính quyền mới của Mỹ sẽ tác động nhiều đến NATO, hay châu Âu, nhưng trên hết là về chiến tranh Ukraina ngay sát cạnh Ba Lan, trong khi Vacxava luôn cảnh giác với chính quyền Putin.
Từ Vacxava, nhà hoạt động nhân quyền độc lập Tôn Vân Anh cho biết thêm :
Sat, 09 Nov 2024 - 136 - Bầu cử Mỹ: Đa số cử tri gốc Việt theo Cộng Hòa, nhưng thế hệ trẻ bầu Dân Chủ
Một khảo sát năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 51% cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký có xu hướng nghiêng về đảng Cộng Hòa, trong khi 42% nghiêng về đảng Dân Chủ. Người Mỹ gốc Việt là nhóm cử tri duy nhất của Người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (AAPI) nghiêng về đảng Cộng Hòa. Họ cũng tích cực tham gia chính trị: 91% cử tri người Mỹ gốc Việt dự kiến đi bỏ phiếu trong năm nay, theo Khảo sát cử tri AAPI năm 2024.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày mai, 05/11/2024, cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung cũng vẫn thiên về đảng Cộng Hòa hơn là Dân Chủ, cho nên số người ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đông đảo hơn số người sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris. Tuy nhiên, thế hệ trẻ, những người sinh trưởng ở Mỹ thì đa số ủng hộ Dân Chủ.
Để biết thêm về lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, xin mời quý vị nghe tường trình của thông tín viên Hoàng Trọng Thụy từ Orange County, bang California.
RFI:Xin chào anh Hoàng Trọng Thụy. Trước hết xin anh cho biết là trước cuộc bầu cử năm nay, tranh cãi giữa phe chống và phe ủng hộ Trump có gay gắt như cách đây 4 năm khi ông Trump thất cử?
Hoàng Trọng Thụy:Thực ra chuyện tranh cãi giữa phe chống và ủng hộ Trump đã khởi sự từ 2016 kể từ thời điểm ông Trump chính thức được đại hội đảng Cộng Hòa đề cử để giành Tòa Bạch Ốc với bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Đến khi ông Biden chính thức ra tranh cử và được đại hội đảng Dân Chủ đề bạt năm 2020, thì cuộc tranh luận giữa hai phe tiếp tục diễn ra, bao gồm dư luận cử tri Mỹ gốc Việt, mặc dù không gay gắt như thời kỳ 2016.
Riêng trong năm nay, cử tri Mỹ tiếp tục bị phân hóa. Khi tôi dùng chữ cử tri Mỹ thì cũng bao gồm luôn cử tri Mỹ gốc Việt. Đã có biểu tình giữa hai phe ủng hộ Dân Chủ và Cộng Hòa trên đường Bolsa, ngay trong lòng cộng đồng người Việt tại Quận Cam, mặc dù họ biểu tình để ủng hộ ứng viên Mỹ gốc Việt và một ứng viên Mỹ gốc Hàn, nhưng cũng đồng thời là hai phe đại diện cho thành phần ủng hộ và chống ông Trump.
Có một điểm nổi bật trong cuộc bầu cử năm nay là Kamala Harris lên thay thế ông Biden. Bà là người phụ nữ gốc da màu. Riêng trong cộng đồng người Việt, văn hóa trọng nam khinh nữ còn tồn đọng, thể hiện rõ nét qua những tuyên bố của những người ủng hộ đảng Cộng Hòa nói chung và phe ủng hộ ông Trump nói riêng. Tôi có nói chuyện với những người nhận họ là cử tri ghi danh đảng Cộng Hòa, họ nói họ không phải là người của MAGA( Make America Great Again - khẩu hiệu của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump ), không bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng họ không chấp nhận tổng thống là phụ nữ và người gốc da màu, nói thẳng với những chữ kỳ thị như gốc da đen. Họ nhắc lại việc bỏ phiếu cho bà Harris cũng không khác gì lá phiếu bỏ cho ông Obama.
RFI: Nhìn chung thì số người ủng hộ Trump trong cộng đồng người Việt vẫn đông đảo hay không ? Vì sao những người đó vẫn theo Trump, tuy rằng ông đã có nhiều tai tiếng, thậm chí cách đây gần 4 năm đã kích động những người ủng hộ ông tấn công vào Đồi Capitol, tức là vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ?
Hoàng Trọng Thụy:Điều này dễ hiểu, một khi đã mê ai rồi thì khó mà giảm bớt sự mê mệt, nhất là nhiều người tôn thờ ông Trump, chưa kể là những người Việt ủng hộ ông Trump vẫn còn cay cú sau sự thất cử của ông năm 2020. Một số người không chấp nhận kết quả bầu cử năm 2020, giờ đây họ càng ủng hộ ông Trump hơn để lấy lại vị thế từng bị mất.
Có thể nói, chưa khi nào cộng đồng người Việt lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho một ứng viên Đảng Cộng Hòa như vậy, không chỉ ở quận Cam, California, mà tại hầu hết các tiểu bang có đông cộng đồng người Việt cư ngụ. Tôi đi nhiều tiểu bang, hầu hết đều gặp những cử tri ghi danh theo Đảng Cộng Hòa, và đa số đều bỏ phiếu cho ông Trump. Họ cho biết tin tưởng ông Trump là người chống Trung Cộng thực sự, là người thực sự đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại và là người thực sự chống chủ nghĩa xã hội và là người chống di dân bất hợp pháp. Còn phía Dân Chủ thì bị xem chỉ là thành phần ủng hộ xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phá thai, ủng hộ di dân bất hợp pháp… v.v... Sự ủng hộ Trump được thể hiện ngay cả trong thành phần người Việt hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách xã hội mà Đảng Dân Chủ đã thông qua, từ bảo hiểm Obama cho đến các phúc lợi xã hội.
RFI: Cuộc bầu cử năm nay không chỉ bầu tân tổng thống mà nhiều nơi cử tri còn bỏ phiếu bầu dân biểu Hạ Viện và Thượng Viện. Cuộc bầu cử Quốc Hội này cũng quan trọng không kém bầu cử tổng thống. Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt tham gia tranh cử, tham gia các hoạt động chính trị và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ. Cộng đồng người Việt năm nay có một số người ra tranh cử vào Quốc Hội liên bang. Trong cuộc đua này, phe Dân Chủ và phe Cộng Hòa lôi kéo cử tri người Việt như thế nào ?
Hoàng Trọng Thụy:Lá phiếu của người Việt sống tại các tiểu bang thực sự không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống, lý do là họ đều sống ở những tiểu bang một là đa số theo Dân Chủ, thí dụ như California, hoặc đa số theo Cộng Hòa, như Texas, hoặc Virginia hoặc Florida. Tại California năm nay có cuộc đua ghế dân biểu liên bang được xem là quan trọng nhất xưa nay trong địa hạt số 45, lại là nơi tập trung người Việt đông đảo nhất, giữa hai ứng viên Derek Trần, đại diện đảng Dân Chủ và đương kim dân biểu liên bang, bà Michelle Steel, đảng Cộng Hòa.
Riêng ông Derek Trần đã mời được cựu tổng thống Bill Clinton ghé thăm cộng đồng và kêu gọi cộng đồng người Việt bỏ phiếu cho ông. Bà Michelle Steel lại không thấy có nhân vật nổi tiếng nào của đảng Cộng Hòa ghé thăm ủng hộ. Bà đang gặp phải khó khăn liên quan đến một vụ biển thủ công quỹ và hối lộ của cựu giám sát viên Andrew Đỗ, người của đảng Cộng Hòa. Bà là người bạn và cũng là người từng giữ ghế giám sát viên quận Cam chung với ông Andrew Đỗ. Cử tri Việt Nam theo đảng Cộng Hòa hiện đang đứng ở ngã ba đường, vì không biết có nên bỏ phiếu cho người Việt Derek Trần, bỏ qua yếu tố đảng phái, hay vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho bà Michelle Steel, nhưng lại có mối liên hệ trong quá khứ với người của đảng Cộng Hòa đang hầu tòa về tội hối lộ.
Còn tại tiểu bang Virginia, cũng có một ứng viên gốc Việt là ông Hùng Cao, đại diện Đảng Cộng Hòa để giành ghế thượng nghị sĩ tiểu bang. Nếu thắng cử, ông sẽ trở thành nhân vật gốc Việt cao cấp nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong lịch sử. Đích thân ông Trump đã ghé thăm cộng đồng người Việt ở Virginia để kêu gọi ủng hộ ông Hùng Cao. Cộng đồng người Việt tại đây đa số cũng đang ủng hộ ông.
RFI: Hoa Kỳ là nơi có cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất. Thế hệ ban đầu là những người sang Mỹ tị nạn sau năm 1975. Tiếp đến là những đợt định cư khác. Tính từ thời điểm 1975 thì đến nay đã gần 50 năm rồi. Ngoài những thế hệ đầu tiên, còn có thế trẻ sinh trưởng bên Mỹ. Có sự khác biệt nào giữa lá phiếu của thế hệ trẻ đó và thế hệ bố mẹ di tản từ Việt Nam ?
Hoàng Trọng Thụy: Có một điểm chung trong cộng đồng người Việt tại Mỹ khi nói đến vấn đề bầu cử: người Việt tị nạn Cộng Sản từ năm 1975 và theo sau là các cuộc di dân theo diện HO ( Humanitarian Operation - chương trình định cư dành cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng bị đi học tập cải tạo ) hay những người từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đa số ủng hộ đảng Cộng Hòa, vì thế các vị trí dân cử theo đảng Cộng Hòa, từ California cho đến Texas, Virginia, khi ra tranh cử đối đầu với người của đảng Dân Chủ thì họ đều thắng, đa số với số phiếu bầu áp đảo từ cộng đồng Người Việt.
Riêng cuộc bầu cử năm nay tại địa hạt 45 mà tôi có nhắc đến khi nãy sẽ là một thử thách lớn cho ứng viên Dân Chủ Derek Trần. Ông năm nay 43 tuổi và là con của một gia đình người Việt tị nạn. Tương tự như nhiều người trẻ sinh trưởng ở Mỹ, Derek Trần có đầu óc phóng khoáng và tự do hơn và vì thế theo lập trường của đảng Dân Chủ. Đây cũng là khuynh hướng đã hiện hữu từ thập niên qua, nhất là từ lúc kỹ nghệ Internet phát triển và ngày càng làm thay đổi quan điểm và lá phiếu của những người trẻ.
Gần đây nhất có thể nói đến là thế hệ Swifty, đến từ số khán giả trẻ tuổi ái mộ nữ danh ca Taylor Swift. Cô luôn ủng hộ các ứng viên tổng thống Dân Chủ. Tôi có hỏi một số thành phần trẻ gốc Việt, họ nói tiếng Việt không sành, nhưng đa số đều ủng hộ đảng Dân Chủ, một số cũng không đồng quan điểm của bố mẹ họ, những người di tản từ Việt Nam theo diện tị nạn hay HO
Mon, 04 Nov 2024 - 135 - « Make America Great Again », nỗi hoài niệm khôn nguôi một thời hoàng kim của Mỹ
Khẩu hiệu vận động tranh cử « Make America Great Again » - « Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », đã đồng hành cùng Donald Trump từ 8 năm qua. Nếu như khẩu hiệu này đã trở thành một phần không thể tách rời hoạt động chính trị của nhà tỷ phú Mỹ, thì chính Ronald Reagan là người sử dụng câu « thần chú » này lần đầu tiên vào năm 1980. Dấu hiệu này cho thấy, nỗi tiếc nuối một thời huy hoàng của nước Mỹ đã có từ 40 năm trước.
Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1980, Ronald Reagan đã dùng đến một khẩu hiệu tương tự « Let’s make America Great again ». Động từ« Make » ở đây nên diễn giải theo nghĩa nào : « Chúng ta hãy làm » hay là « Hãy trả lại » cho nước Mỹ sự vĩ đại, vẫn còn là điều tranh cãi, theo chuyên gia về nước Mỹ, nhà báo Alexandre Mendel trên tạp chí Conflit.
Ba mươi năm huy hoàng
Một điều chắc chắn là, ngay từ thời điểm đó, nước Mỹ đã tiếc nuối một thời hoàng kim. Nhưng thời nào mới được ? Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn huy hoàng trong lịch sử kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp nhưng không một thời kỳ nào để lại dấu ấn có thể sánh bằng thời kỳ hậu chiến tranh thế giới.
Nỗi hoài niệm này phảng phất trong nhiều ca khúc Mỹ nổi tiếng. Bruce Springsteen trong album bán chạy nhất « Born in the USA » phát hành năm 1984, đã quay trở về với Những ngày huy hoàng « Glory Days » thời thơ ấu. Đối với The Boss, biệt danh của Bruce Springsteen, sinh năm 1949, không lâu sau khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, đó cũng là « Những ngày hạnh phúc – Happy Days » (1974 -1984) như tựa đề một bộ phim truyền hình nhiều tập cùng thời kỳ, nhớ về Ba mươi năm huy hoàng của nước Mỹ.
Đây là quãng thời gian kinh tế Mỹ sau chiến tranh đã đạt đến đỉnh cao nhờ động lực của nền công nghiệp quân sự, cũng như là thế mạnh thương mại và khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Mỹ. Hàng hóa sản xuất tại Mỹ như quần jean, kẹo cao su, nước uống Coca-cola, bắt đầu chinh phục thế giới.
Trả lời trang Conflit (ngày 08/02/2020), nhà báo song tịch Pháp – Mỹ, Gérald Olivier, từng khẳng định khẩu hiệu « Make America Great Again » của Donald Trump chẳng khác gì một nỗi hoài niệm sâu sắc về một nước Mỹ thịnh vượng và hùng cường đã qua.
« Donald Trump sinh năm 1946, bước sang tuổi 20 vào năm 1966 và do vậy, đã trải qua tuổi thanh xuân trong một thời kỳ mà nước Mỹ rất thịnh vượng. Đó là thời đại của Elvis Presley, thời kỳ dòng nhạc rock’n’roll, đánh dấu sự giải phóng của tuổi trẻ sôi nổi, tràn đầy năng lượng, những người mong muốn và có thể tận hưởng cuộc sống.
Vào thời kỳ đó, bạn vào đại học năm 18 tuổi, ra trường lúc 22 tuổi, rồi một công ty thuê bạn mà không cần gởi sơ yếu lý lịch, bạn có được một mức lương cho phép mua được một căn nhà sau 6 tháng. Chẳng phải lo lắng cho tương lai bởi vì tiền bạc không phải là một vấn đề. Vào cuối những năm 1960, chúng ta bước vào giai đoạn dư thừa sản xuất và khủng hoảng văn hóa.
Donald Trump đã chứng kiến tầm ảnh hưởng và sự phong phú của nước Mỹ, và Hoa Kỳ từng là một quốc gia có khả năng áp đặt luật lệ của mình. Hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, ở đó, các cường quốc thuộc địa cũ là Pháp và Anh đã có ý định chiếm giữ kênh đào Suez. Nhưng tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã chấm dứt điều đó. »
« The day the music died »
Bài hát Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger năm 1978 có lẽ đã phảng phất chút nuối tiếc về một thời kỳ huy hoàng đó, chí ít là trong âm nhạc. Trong ca từ, Bob Seger cho rằng âm nhạc thời đó đã đánh mất linh hồn so với nền âm nhạc của những người tiên phong trong những năm 1950, 1960.
Tuy nhiên, biểu tượng thật sự cho sự thay đổi thời đại là bi kịch tai nạn máy bay, cướp đi sinh mạng của ca sĩ Buddy Holly tháng 2/1959 sau một buổi trình diễn tại Clear Lake, bang Iowa. Đối với Don McLean, cái chết của một trong số những thần tượng âm nhạc của ông lúc thuở niên thiếu chẳng khác gì « The day the music died », tạm dịch là « Ngày mà âm nhạc đã chết ».
« The day the music died », câu hát nổi tiếng này nằm trong ca khúc American Pie, một kiệt tác âm nhạc của Don McLean năm 1971 có thể được xem như là một bức tranh âm nhạc về một nước Mỹ não nùng, một hồi ký về một giấc mơ tan vỡ.
Theo Julien Grosset, đồng tác giả tập sách « Rock'n'road trip : Les Etats-Unis en 1000 chansons de l'Alabama au Wyoming », Don McLean tóm tắt thành công trong vòng 8 phút những sự kiện quan trọng ở đất nước, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, từ sự lạc quan thoải mái của thời kỳ hậu chiến cho đến những phong trào xã hội vào cuối những năm 1960.
Trong chương trình « Chiến dịch bầu cử Mỹ 2024 qua âm nhạc », đài RFI, Julien Grosset giải thích :
« Đối với người thanh niên Don McLean, đó là một thế giới đang sụp đổ. Hồi kết cho một thời đại: Thời đại Glory Days của Bruce Springsteen, thời đại Happy Days của Richie và Fonzie, thời đại Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger. Với cái chết của Buddy Holly, biểu tượng cho chiếc cầu nối giữa rock’n’roll và nhạc pop sắp đến, một nước Mỹ nào đó, da trắng và truyền thống, đã khép lại một cách biểu tượng một thập niên mà ở đó nước Mỹ đã từng là "vĩ đại", trước khi chuyển qua thời kỳ phản văn hóa, các cuộc ám sát chính trị, các cuộc bạo động sắc tộc và sự trở lại của chiến tranh mà ở đây là Việt Nam trong những năm 1960 ».
Tháng 9/2024, phim tiểu sử « Reagan » đã ra mắt khán giả Mỹ. Bất chấp nhiều chỉ trích từ giới phê bình, bộ phim tiểu sử của đạo diễn Sean McNamara ngay từ week-end đầu tiên đã thu về 10 triệu đô la. Theo nhà nghiên cứu về Mỹ, Alexandre Mendel, thành công ngoài sự mong đợi của bộ phim, một lần nữa, minh chứng nỗi hoài niệm về một nước Mỹ đã biến mất. Niềm nhung nhớ về sự vĩ đại của nước Mỹ mạnh mẽ đến nỗi đảng Cộng Hòa cũng tổ chức các buổi chiếu phim cho các thành viên của mình. Cứ như là chính bản thân đảng cũng đang hoài niệm !
Sat, 02 Nov 2024 - 134 - Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông
Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông ; Nam Phi được lợi gì với BRICS mở rộng ? Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ? Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet ; Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela ; Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp. Trên đây là một số chủ đề trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông
Thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) trở thành diễn đàn kêu gọi hòa bình và mở đàm phán ở Ukraina và Cận Đông. Mọi đề xuất đều được tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước gây chiến ở Ukraina, đón nhận “một cách tích cực”, nhưng với một điều kiện được ông nêu trong buổi họp báo ngày 24/10/2024, “đàm phán dựa trên thực tế” chiến trường, nơi Nga chiếm 20% lãnh thổ Ukraina.
Nước gây chiến ở Ukraina còn cố trở thành trung gian giải quyết xung đột Trung Đông. Moussa Abou Marzouk, cố vấn và nhà đàm phán của Hamas đóng tại Qatar, đến Matxcơva ngày 23/10 để thảo luận với quan chức Nga về “chấm dứtcác cuộc xâm lược vàchiến tranh ở Gaza và trong vùng” cũng như nỗ lực của Matxcơva để thống nhất “các phe phái Palestine”. Còn tổng thống Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu tại cuộc họp BRICS mở rộng, đã mạnh mẽ lên án Israel.
Đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Kazan :
“Những lời kêu gọi hòa bình không ngừng được đưa ra tại diễn đàn thượng đỉnh Kazan. Tuyên bố chung nhắc đến rất nhiều cuộc xung đột nhưng các nước thành viên BRICS lại dành những lời kêu gọi cấp bách nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhân danh chính quyền Palestine, ứng viên gia nhập nhóm BRICS từ ngày 27/08, ông Mahmoud Abbas đã đưa ra lời kêu gọi, theo lời dịch của Nga như sau :
“Thời điểm đã tới, chúng ta phải chấm dứt bạo lực, bất công và sự bành trướng hoạt động xâm lược của Israel. Israel phải chấm dứt hiện diện bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ Palestine và Đông Jerusalem. Nếu không thực hiện như vậy, chúng ta phải sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại họ. Chúng ta cũng phải làm việc và hợp tác với Liên Hiệp Quốc, với các bên quan tâm đến hội nghị quốc tế vì hòa bình. Vì vậy, chúng tôi cũng trông đợi vào sự ủng hộ của BRICS. Nhóm này có ảnh hưởng thực sự trên trường quốc tế và có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh”.
Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres vẫn giữ vững lập trường của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động thù nghịch ở dải Gaza và một nền hòa bình công bằng ở Ukraina”.
Nam Phi được lợi gì với BRICS ?
BRICS trở thành câu lạc bộ hấp dẫn cho các nước phương Nam. Là nước đầu tiên được 4 thành viên sáng lập (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) kết nạp, Nam Phi được hưởng lợi như nào từ năm 2010 ? Thông tín viên Claire Bargelès tại Pretoria giải thích :
“Theo quan điểm của chính phủ Nam Phi, diễn đàn BRICS tạo thêm một nền tảng lựa chọn để yêu cầu một trật tự thế giới mới, công bằng hơn. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng muốn thấy trao đổi thương mại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc là thành viên của nhóm này.
Ông phát biểu : “Chúng tôi có một lĩnh vực tài chính hiện đại, cơ sở hạ tầng hạng nhất và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên khác của BRICS tham gia vào sự phát triển tăng trưởng ở Nam Phi cũng như ở phần còn lại của Châu Phi”.
Tuy nhiên, cho đến nay, chủ yếu là trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc tăng lên đáng kể, như nhận định của nhà nghiên cứu Arina Muresan tại Viện Đối thoại Toàn cầu (IGD) : “Thương mại với Nga và Brazil ít nhiều bị đình trệ và với Ấn Độ thì tăng nhẹ nhưng rất ít so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, xét về những đóng góp hữu hình, về những gì BRICS mang lại cho Nam Phi, chúng ta mới chỉ thu được những lợi ích nhỏ. Nhưng xét về những đóng góp mang tính biểu tượng hơn, đất nước đã được chú ý trên trường quốc tế. Có thể coi chủ yếu nhờ vào việc Nam Phi tham gia BRICS.
Pretoria cũng có thể hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của BRICS kể từ khi thành lập vào năm 2014”.
Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc?
Ngày 20/10, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, 73 tuổi, đã chính thức nhậm chức tổng thống Indonesia, quốc gia có 280 triệu dân với đa số là người Hồi Giáo. Thắng lợi bầu cử với số phiếu 58,6% của ông Prabowo xác lập tính gia tộc, “truyền ngôi” trong chính trị Indonesia.
Thông tín viên Nguyễn Giang tường trình từ Đài Bắc :
“Để lập được một liên minh có sức nặng ra tranh cử, ông Prabowo đã có cú lựa chọn ngoạn mục là nhận ông Gibran Raka, con trai của tổng thống từ nhiệm Joko Widodo (tức Jokowi) làm ứng viên phó tổng thống.
Tòa Hiến Pháp Indonesia năm ngoái đã hạ tuổi cần thiết để một chính trị gia có thể ra tranh cử phó tổng thống từ 40 xuống 36, giúp cho Gibran đạt tiêu chuẩn. Chánh án phiên tòa, ông Anwar Usman là em rể của tổng thống Jokowi. Bản thân ông Prabowo là con rể của cố tổng thống, nhà độc tài Suharto trước 1989 và nữ chủ tịch Quốc Hội, Puan Maharani, là con gái nữ cựu tổng thống Megawati và là cháu ngoại cố tổng thống Sukarno.
Điều gây ra lo ngại về di sản “dân chủ thụt lùi” sau 10 năm ông Jokowi cầm quyền còn là xu thế để cho quân đội quay trở lại nắm các chức vụ dân sự và việc nhà nước kiểm soát báo chí mạnh hơn.
Chính phủ Indonesia đã phục hồi một số luật cũ từ năm 1945 và thời kỳ “Kỷ cương Mới” (New Order) dưới quyền ông Suharto, để cho phép chừng 400 tướng tá được biệt phái sang nắm các chức vụ dân sự gồm cả ngành tòa án. Mới nhất đây, chức tân bộ trưởng ngoại giao được trao cho ông Sugiono, một cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Kopassus khét tiếng.
Một luật khác có hiệu lực từ 2026 hạn chế quyền của bất cứ ai chỉ trích Nhà nước và một luật về truyền thông đang được thảo luận dự kiến sẽ cấm nhà báo mở các phóng sự điều tra.
Trước khi nhậm chức, ông Prabowo đã sang Matxcơva thăm ông Putin và chọn Nga như một chân của kiềng ba chân, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.Những năm tới Jakarta sẽ ưu tiên quan hệ với các nước lớn, có sức mạnh tài chính hoặc quân sự, chứ không còn giữ vị thế đàn anh trong ASEAN để nâng đỡ các nước nhỏ và yếu như Indonesia đã làm trong Phong trào Không liên kết sau Thế Chiến II”.
Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet
Trung Quốc muốn làm trong sáng ngôn ngữ trên mạng xã hội, kể cả những ẩn ý, từ mượn để lách kiểm duyệt. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hợp tác với bộ Giáo Dục, thông báo triển khai một chiến dịch đặc biệt mang tên “Làm rõ và quản lý việc sử dụng ngôn ngữ trực tuyến”.
Thông tín viên Cléa Broadhust tường trình từ Bắc Kinh :
“Chiến dịch khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan Thoại chính xác và hạn chế sự phổ biến các phương ngữ và tiếng lóng trên internet, bị coi là có hại cho các chuẩn mực ngôn ngữ. Chiến dịch nhằm mục đích giảm sử dụng cách chơi chữ và những cụm từ mới thường được sử dụng để tránh kiểm duyệt.
Ví dụ : chế độ độc tài, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng trở thành “chủ nghĩa tập trung dân chủ”, việc cắt giảm tài trợ là “kinh tế và hiệu quả”, thất nghiệp trở thành “việc làm linh hoạt” và khủng hoảng chính trị là “những bước ngoặt thăm dò”.
Quy chế này chủ yếu là nhằm tìm cách ngăn chặn việc phổ biến các thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, liên quan đến những chỉ trích chính phủ, chủ nghĩa xét lại lịch sử hoặc các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông và nhân quyền.
Chiến dịch này cũng nhắm đến thanh niên, có nhiều khả năng sử dụng tiếng lóng trực tuyến hơn, điều mà chính phủ coi là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Mục tiêu là tạo ra một môi trường trực tuyến “tích cực” và “lành mạnh” hơn.
Các nền tảng như WeChat, Weibo và Douyin phải giám sát và lọc nội dung để đảm bảo tuân thủ các quy tắc ngôn ngữ này… Và các cơ quan chức năng được khuyến khích tập trung vào việc làm sạch thông tin ngôn ngữ bị coi là bất thường và thiếu văn minh, đồng thời thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ cải chính”.
Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela
Hàng năm, Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov nhằm vinh danh những cá nhân, các tổ chức và nhóm đã có những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Giải thưởng được thông báo ngày 25/10/2024 đã dành vinh danh hai nhà đối lập Venezuela Maria Corina Machado và Edmundo Gonzalez Urrutia vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Đặc phái viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Strasbourg :
“Khi chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola thông báo chính thức tên của những người đoạt giải, tất cả nghị sĩ trong hội trường đứng dậy vỗ tay. Maria Corina Machado là thủ lĩnh của các lực lượng dân chủ Venezuela và Edmundo Gonzalez Urrutia, ứng viên đối lập với Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 06 vừa qua. Ông được Liên Hiệp Châu Âu coi là giành chiến thắng, cho nên ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Bà Roberta Metsola phát biểu giải thưởng này ghi công “Một cuộc đấu tranh dũng cảm nhằm tái lập tự do và dân chủ ở Venezuela”. Đây cũng là giây phút hân hoan đối với nghị sĩ châu Âu người Bồ Đào Nha Sebastiao Bugalho, thuộc đảng Nhân dân Châu Âu và là một trong những người cổ vũ cho việc hai nhà đối lập Venezuela ra tranh cử tổng thống.
Ông phát biểu : “Một ứng viên đã thắng trong cuộc bầu cử này, đó là Edmundo Gonzalez. Ở đây(Nghị Viện Châu Âu), người ta đã nói như vậy vào tháng trước khi bỏ phiếu một nghị quyết. Ông ấy đã phải rời bỏ đất nướcvì bị chế độ độc tài truy đuổi. Vì vậy chúng ta nợ Edmundo Gonzalez giải thưởng này và hơn hết chúng ta nợ giải thưởng này với tất cả những người dân Venezuelađã dũng cảm ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu”.
Lễ trao giải sẽ diễn ra vào thứ Tư 18/12 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ở Strasbourg”.
Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp
Công Đảng Anh bị kéo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi bị nhóm hỗ trợ tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang là thế lực “can thiệp nước ngoài trắng trợn”. Đảng cầm quyền ở Anh bị cáo buộc đang cố gắng hỗ trợ bất hợp pháp cho ứng viên đảng Dân Chủ Mỹ. Ngày 23/10, chính phủ Anh bác bỏ cáo buộc này.
Thông tín viên RFI Emeline Vin tại Luân Đôn giải thích :
“Ban đầu là thông báo (đã bị xóa) trên mạng xã hội LinkedIn từ người đứng đầu hoạt động của Công Đảng : “Có khoảng một trăm nhân viên Công Đảng sẽ đến Hoa Kỳ, vẫn còn 10 chỗ để vận động ở Bắc Carolina. Chúng tôi lo chỗ ở, hãy liên hệ : Công Đảng vì Kamala”. Trong đơn khiếu nại của mình, Donald Trump cũng đề cập đến “mối liên hệ chặt chẽ” giữa Công Đảng và chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris, đối thủ cạnh tranh chính của ông.
Những lời cáo buộc được đưa ra khi thủ tướng Keir Starmer đang công du tới quần đảo Samoa... Bộ trưởng Môi Trường Steve Reed là người đã phải giảm thiểu vấn đề trong các chương trình sáng thứ Tư (23/10).
Ông cho biết : “Các công dân, cá nhân được tự do làm những gì họ muốn với thời gian và tiền bạc của họ. Không có gì lạ khi thấy các nhà hoạt động của một đảng ở nước này đi vận động cho một đảng “anh em” ở nước khác. Điều đó nói lên rằng, không có hoạt động nào trong đó được chính Công Đảng tổ chức hoặc tài trợ : đó là những sáng kiến cá nhân, như vẫn được phép làm thế”.
Thủ tướng Anh đã gặp ông Donald Trump vào tháng 9, hai người được cho là đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Luân Đôn bảo đảm rằng “mối quan hệ đặc biệt” gắn kết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, bất kể là ai kế nhiệm Joe Biden”.
Sat, 26 Oct 2024 - 133 - Quan hệ giữa Trump và Putin được hé lộ trong cuốn sách điều tra của nhà báo Mỹ
Trong bối cảnh châu Âu muốn siết chặt chính sách nhập cư, nhiều người Maroc, vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào khối 27 nước. Tại Cisjordanie, lực lượng chiếm đóng Israel chặt phá cây oliu của người Palestine bất chấp mùa thu hoạch. Vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Donald Trump và Vladimir Putin được hé lộ trong một cuốn sách. Giải Nobel Văn Học của nữ nhà văn Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Tại Hoa Kỳ, chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, một cuốn sách của nhà báo điều tra Bob Woodward, ra mắt công chúng hôm 15/10 vừa qua đã thu hút sự chú ý của công luận.
Từng là tác giả tiết lộ vụ bê bối chính trị Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức, nhà báo Bob Woodward lần này hé lộ những mối quan hệ của tổng thống Donald Trump và Joe Biden với các lãnh đạo nước ngoài, trong cuốn sách với tựa đề« War » - « Chiến tranh ». Đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa ông Trump và nguyên thủ Nga, Vladimir Putin.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
« Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp hành tinh. Các nhân viên y tế bỏ mạng trong bệnh viện. Lúc đó vẫn chưa có vac-xin và có rất ít xét nghiệm để phát hiện bệnh, ngay cả tại Mỹ.
Là chủ nhân Nhà Trắng thời điểm đó, Donald Trump đã gửi các thiết bị xét nghiệm Covid trực tiếp cho đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin. Trong cuốn sách, nhà báo Bob Woodward cũng trích dẫn một cộng sự của Donald Trump để xác nhận rằng ông Trump có liên hệ trực tiếp với Vladmir Putin sau khi rời Nhà Trắng. Theo nguồn tin này, có ít nhất 7 cuộc điện đàm giữa hai bên từ năm 2021. Kể từ khi thông tin này được tung ra, Donald Trump và đội ngũ của ông đã lên án, coi đó là bịa đặt và gây nghi ngờ danh tiếng của Bob Woodward.
Ban vận động tranh cử của bà Harris, đối thủ của Donald Trump, thì coi những thông tin này có thể khiến ứng viên đảng Cộng Hòa không đủ tư cách để làm tổng thống. Phe Dân Chủ cũng bị những tiết lộ của nhà báo Bob Woodward, ảnh hưởng đến danh tiếng, đặc biệt là liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng Gaza của Joe Biden và mối quan hệ phức tạp với Benjamin Netanyahu. Cuốn sách xác nhận những thông tin bị rò rỉ trên báo chí cách nay nhiều tháng về việc tổng thống Hoa Kỳ lăng nhục thủ tướng Israel. Nhà Trắng không chính thức bác bỏ thông tin này nhưng nói về một mối quan hệ trung thực và thẳng thắn trước đây».
Tại Cisjordanie, cây oliu bị chặt phá ngay trước vụ thu hoạch
Trong tuần vừa qua, cuộc chiến tại Trung Đông vẫn là chủ đề khiến công luận quốc tế quan tâm. Israel tiếp tục thực hiện các cuộc oanh kích thường nhật vào nhiều khu vực tại Gaza, từ bắc chí nam, và vừa tuyên bố đã triệt hạ được thủ lĩnh của Hamas Yahya Sinouar vào hôm qua, 17/10/2024. Đồng thời Israel cũng bị cáo buộc áp dụng chiến lược « bỏ đói », để « giảm dân số Gaza » khi ngăn chặn hàng viện trợ đến dải dất với hơn 2 triệu người Palestine.
Tại vùng Cisjordanie (Bờ Tây) vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng, vụ thu hoạch quả oliu đã bắt đầu từ khoảng đầu, giữa tháng 10. Đây là thời điểm quan trọng đối với người Palestine, bởi đây là kế sinh nhai của 80 000 đến 100 000 hộ gia đình. Thế nhưng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel, Nhà nước Do Thái đã thắt chặt các biện pháp an ninh đối với người Palestine tại khu vực này. Từ thành phố Qusra, thông tín viên Nicolas Feldmann cho biết thêm thông tin :
« Ẩn sau các tán cây oliu, ông Ali đập mạnh vào các cành cây để quả oliu rụng xuống một tấm bạt lớn được dải trên đất. Ông cho biết : « Đây là những cây oliu của chúng tôi, là biểu tượng của Palestine, năm nào chúng tôi cũng đến đây. Mùa vụ năm nay khá ổn vì chúng tôi được làm việc trên đất của chúng tôi ».
Tuy nhiên, có một khu vực mà những người Palestine không thể tiếp cận được nữa. Một người Palestine khác, ông Abdel Azim Wadi chỉ cho chúng tôi về phía một trong những mảnh đất của ông ấy, gần với nơi chiếm đóng Mighdalim do Israel dựng lên. Ông Addel không thể đến đó nữa, vì theo ông ‘những kẻ chiếm đóng sẽ đến và đánh đập ông’. Các cây oliu đã bị chặt phá cách nay vài ngày.
Ông nói : « Hãy nhìn xem, trong video này, họ đã cắt các cây oliu của chúng tôi. Tổng cộng là 107 cây oliu của tôi và của hàng xóm. Những người định cư Do Thái muốn chiếm đất của chúng tôi. Trước ngày 07/10, chúng tôi đến đây khi chúng tôi buồn, chúng tôi cảm thấy được yên lòng ở đây, nhưng hiện giờ chúng tôi đến cùng với nỗi sợ hãi.
Tại khu vực này, Israel cũng áp đặt các hạn chế di chuyển. Theo văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kể từ ngày 07/10/2023, một nửa số nông dân Palestine không thể thu hoạch oliu.
Một nông dân cho biết : « Chúng tôi lo lắng trước hết là vì không biết khi nào có thể kết thúc vụ thu hoạch, chúng tôi cũng không biết liệu có bán được quả oliu hay không. Họ đã ngừng cấp giấy phép lao động đến Israel, các nhân viên của chính quyền Palestine không có lương. Tôi không thể tính trước được tương lai sẽ ra sao, cuộc sống của chúng tôi hiện rất khổ sở ».
Theo Abdel Azim, không còn hy vọng gì đối với việc giáo dục con cái hay thấy chúng lập gia đình, mà chỉ mong các con ông có thể sống sót.
Nhiều người Maroc vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu
Về thời sự châu Âu, các lãnh đạo châu Âu đã họp tại Bruxelles trong hai ngày, 17-18/10/2024, với trọng tâm là vấn đề nhập cư. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Hội Đồng Châu Âu đã kêu gọi ‘có hành động cụ thể để tạo điều kiện, gia tăng và đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp’ ra khỏi Liên Âu, đồng thời kêu gọi Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đưa ra luật mới để thắt chặt chính sách nhập cư vào khối.
Đối với công dân tại nhiều nước, đặc biệt là từ các nước châu Phi như Maroc, việc xin visa hợp lệ vào Schengen vốn đã khó, nay càng khó hơn. Từ Casablanca, thông tín viên François Hume-Ferkatadji cho biết thêm thông tin :
« Ahmed năm nay 14 tuổi. Sau khi tan học tại một ngôi trường ở Tanger, cậu thường đến một trung tâm văn hóa ở khu phố và tham gia diễn kịch. Từ nhiều năm qua, cậu đã chuẩn bị cho hành trình đến Tây Ban Nha hoặc Pháp.
Cậu nói : « Tôi thực sự muốn rời đi, vì muốn phát triển, muốn cải thiện bản thân, muốn học… mà muốn làm những điều này ở Maroc thực sự là phức tạp vì trình độ không tốt. Tôi sẽ học tốt hơn ở đó, có nhiều cơ hội việc làm hơn. »
Có hàng ngàn người trẻ muốn làm điều tương tự như Ahmed ở Maroc. Nhưng không phải ai cũng xin được visa để du học, hay làm việc hoặc du lịch ở châu Âu. Maroc là nước thứ hai trên thế giới có nhiều hồ sơ xin visa đến Pháp bị từ chối nhiều nhất. Do vậy, một số đã tìm cách đến Pháp bằng con đường bất hợp pháp.
Một cư dân ở Fnideq, thành phố miền bắc đất nước, cho biết đã chứng kiến vào tháng trước cảnh người dân cố gắng vượt biên từ Maroc đến vùng Ceuta của Tây Ban Nha. Hơn 3000 thanh niên Maroc đã cố gắng đến vùng lãnh thổ này của châu Âu. Ông nói : ‘Tôi hiểu là những người trẻ này thấy cuộc sống ở đây quá khó khó khăn cho họ, không có khả năng để học tập tốt hay kiếm sống một cách đúng nghĩa. Ở đây, họ gặp rất nhiều khó khăn. Con trai tôi cũng đã vượt biên bất hợp pháp và hiện đang ở Madrid, Tây Ban Nha’.
Vào năm 2021, Pháp đã quyết định giảm một nửa số visa cấp cho người Maroc, và điều này đã dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Paris đã quyết định bãi bỏ quyết định này một năm sau đó. »
Giải Nobel văn học của Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách tại Hàn Quốc
Nhìn sang châu Á, giải Nobel Văn Học được trao cho Han Kang, nhà văn người Hàn Quốc Han Kang vào tuần trước. Một tuần sau, hiệu ứng« Han Kang » vẫn lan rộng tại thủ đô Hàn Quốc, các khách hàng chen chúc nhau trong các hiệu sách, tìm đọc Han Kang. Doanh số của một số chuỗi hiệu sách đã tăng mạnh.
Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti cho biết tình hình cụ thể :
« Tại một hiệu sách lớn ở trung tâm thủ đô Seoul, các khách hàng tập trung trước những tấm áp phích in hình nhà văn Han Kang. Một ngày sau khi giải Nobel Văn Học được thông báo, chuỗi hiệu sách lớn của Hàn Quốc đã bán ra hơn 100 000 ấn phẩm, gồm nhiều tác phẩm khác nhau của nhà văn Kang. Đối với những khách hàng mua sách, đây là dịp để khám phá những câu văn đầu tiên của bà. Một người phụ nữ cho biết : « Em trai tôi đã đọc sách của bà và nói rằng rất thú vị. Tôi cũng biết nhiều hơn nhờ theo dõi tin tức, do đó, tôi rất tò mò và đã đến đây để mua sách của bà ».
Một nữ khách hàng khác thì giải thích : « Tôi nghe tin bà nhận được giải Nobel Văn Học. Tôi không biết nhiều về bà nhưng tôi thích cách mà bà ấy diễn giải và suy nghĩ, có vẻ rất hay, do đó tôi thấy quan tâm và đến đây ».
Không chỉ trong các hiệu sách, người ta cũng có thể cảm nhận được thành công của Han Kang ngay cả ở bên . Mỗi ngày, những người qua đường dừng lại và chụp ảnh ngôi nhà hay hiệu sách nhỏ của bà, giống như trường hợp của người hướng dẫn viên du lịch này cho các du khách Úc.
« Trước đó, tôi không biết đây là hiệu sách của nhà văn Han Kang, tôi phát hiện ra khi xem tin tức trên truyền hình, khi thấy bà nhận được giải Nobel. Tôi đi ngang qua và dừng lại chụp ảnh ». Một người đàn ông khác thì nói : « Vậy là Han Kang đã thắng giải Nobel Văn Học và cũng quản lý hiệu sách này, bà làm việc ở đây, trong hiệu sách nhỏ này ».
Thành công của Han Kang đã tạo một đòn bẩy cho lĩnh vực sách đang gặp khó khăn tại Hàn Quốc. Theo một khảo sát gần đây, cứ 10 người Hàn Quốc thì 6 người không đọc một cuốn sách nào trong năm ».
Sáng tạo nghệ thuật về sơn mài để gắn kết với di sản truyền thống
Trong tuần này, Hội chợ Nghệ thuật châu Á Asia Fair Now, diễn ra tại Paris, thủ đô Pháp trong tuần này, từ ngày 17-20/10, với sự hiện diện của nhiều phòng trưng bày nghệ thuật Á Đông, giới thiệu với công chúng tại Paris tác phẩm của các nghệ sĩ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, hay Việt Nam.
Được mở ra từ năm 2015, sự kiện này được xem là chiếc cầu nối nghệ thuật Đông – Tây. Nghệ sĩ Phi Phi Oanh, người Mỹ gốc Việt, được biết đến với những sáng tạo về sơn mài, cũng có mặt tại đây. Các tác phẩm của cô không chỉ được trưng bày tại hội chợ mà một tác phẩm tên gọi « áo giáp » trong số này, đã được đưa về trưng bày tại không gian triển lãm bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi.
Dấn thân vào con đường nghệ thuật từ năm 14 tuổi, Phi Phi Oanh bắt đầu với tranh sơn dầu, nhưng dần quan tâm đến sơn mài sau khi theo học tại một trường ở Paris. Vào năm 2004, cô đã nhận được một học bổng từ Fulbright Grant, tài trợ cho các nghiên cứu về tranh sơn mài tại Hà Nội. Kể từ đó, kỹ nghệ truyền thống này trở thành nguồn sáng tạo nghệ thuật của mình. Trả lời RFI Tiếng Việt, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt giải thích :
« Tôi thấy trong sơn mài có nhiều con đường để đi, chưa khám phá ra, vì mình hay suy nghĩ một chiều về lịch sử sơn mài. Tôi nghĩ rằng có một lý thuyết về sơn mài chưa được viết ra, do đó tôi muốn làm tác phẩm, có thể mở ra con đường đó. Thật ra, tôi làm theo bản năng. Tác phẩm của mình ở trong không gian đương đại đầy thử thách và mở rộng không bị gò bó trong ý tưởng truyền thống. Mình có thể thử thách truyền thống đó, hoặc đặt câu hỏi ngược lại.
Khi bắt đầu làm một tác phẩm, tôi không nghĩ về chủ đề, và thường bắt đầu một câu hỏi, tùy môi trường mà tôi đang làm việc, hoặc tùy triển lãm mà tôi sẽ có cách làm riêng khác nhau, ví dụ như trong triển lãm này, khi giám tuyển mời tôi làm một tác phẩm liên quan đến triển lãm về 3 họa sĩ Việt, sống và làm việc tại Paris. Khi tôi xem tranh, tôi thấy các họa sĩ vẽ nhiều về phụ nữ Việt Nam, nên tôi tranh thủ làm một tác phẩm về phụ nữ.
Về Hà Nội lần đầu tiên, làm việc với vật liệu sơn mài thì tôi thấy nó có sức thu hút rất riêng. Nó giống như một cái « practice » của tương lai, trong tương lai sẽ càng ngày có nhiều người, nhiều văn hóa khác nhau, các kỹ nghệ truyền thống có thể giữ quan hệ với một nơi nào đấy, nó nối mình với một địa điểm nào đấy, hay một cột mốc thời gian, địa lý, kéo mình về nơi đó.»
Theo nữ nghệ sĩ, làm việc với những vật liệu truyền thống và kỹ nghệ xa xưa, giúp kết nối với di sản, với cội nguồn của cô và điều thú vị trong nghệ thuật là có thể cho phép « thể hiện tính cá nhân, cho phép thử nghiệm và sáng tạo ». « Tôi không chỉ học mà còn tham gia vào truyền thống đó », cô khẳng định.
Sat, 19 Oct 2024 - 132 - Biển Đông gây « xung đột » ngay cả trong cách đặt tên
Cuộc họp thượng đỉnh của khối ASEAN với trọng tâm là Biển Đông, dấy lên câu hỏi có nên thống nhất cách gọi tên cho vùng biển tranh chấp ; Thế bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Liban ; Cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu, trên đây là những chủ đề chính trong mục tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Trong tuần vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 44 và 45 cũng như các thượng đỉnh ASEAN với các đối tác đã diễn ra tại Vientiane, Lào, quy tụ nhiều lãnh đạo trong khu vực và các đối tác quốc tế với trọng tâm về khủng hoảng ở Miến Điện và đặc biệt là căng thẳng tại Biển Đông.
Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra gần đây giữa tàu cá Trung Quốc với tàu cá của Việt Nam và Philippines. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng biển chiến lược, gây tranh chấp với nhiều nước thuộc ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia.
Một điểm đáng nói là vùng biển giàu tài nguyên này, được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, phản ánh mối liên hệ, đa dạng về lịch sử, văn hóa và địa chính trị của khu vực, theo nhận định của The Diplomat.
Biển Đông, Biển Tây, hay Nam Hải...
Việt Nam gọi là Biển Đông, nhấn mạnh đến những di sản về hàng hải, coi vùng biển này là một tuyến đường huyết mạnh cho trao đổi thương mại và văn hóa. Cách gọi của Việt Nam cũng gợi lên những thách thức yêu sách của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền lịch sử của Việt Nam có từ nhiều thế kỷ trước, bao gồm cả giai đoạn Bắc thuộc. Trong nhiều thế kỷ, vùng biển này được gọi là biển Champa, như một cách để công nhận sử kiểm soát của đế chế Champa ở miền trung Việt Nam và các khu vực quan trọng của miền đông Cam Bốt và Lào từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 15.
Nếu như Trung Quốc gọi vùng biển này là Nam Hải, để nhấn mạnh đến vị trí địa lý, nằm ở phía nam Trung Quốc, thì trong tiếng Anh, biển Đông được đặt tên là “South China Sea”. Đối với phương tây,“South China Sea” – “biển phía Nam Trung Quốc”phản ánh quan điểm lấy châu Âu làm trung tâm, bắt nguồn từ thời thực dân, thể hiện mối quan tâm với việc mở rộng giao thương với Trung Quốc, được coi là một đối tác thương mại lớn.
Philippines thì gọi là “biển Tây” được khởi nguồn từ động lực chính trị vào năm 2012, trước sự xâm nhập ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Sử dụng tên này cho thấy nỗ lực của Philippines trước những thách thức chủ quyền, và khẳng định lợi ích của mình trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Với cùng lý do, vào năm 2017, chính phủ Indonesia cũng đã công bố một bản đồ chính thức mới đổi tên một phần biển Đông nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình thành "Laut Natuna Utara" hay Biển Bắc Natuna. Sáng kiến này xuất hiện sau nhiều lần tàu thuyền Trung Quốc xâm nhập. Việc đổi tên này làm nổi bật mối quan tâm của Indonesia về quyền và chủ quyền của mình đối với EEZ xung quanh quần đảo Natuna.
Giáo sư Edmund Lin, giảng viên tại Viện nghiên cứu giáo dục quốc gia, thuộc Nanyang Technological University (Singapore), cho rằng “trước các tranh chấp hiện nay tại vùng biển tranh chấp mang nhiều tên gọi, chúng ta nên cân nhắc tìm ra một cái tên thay thế, thống nhất, để hợp tác và hiểu rõ hơn về khu vực này”. Nhà nghiên cứu đề xuất đặt ra một tên mới là “Biển Đông Nam Á”, một cái tên được công nhận vị trí địa lý và lợi ích chung, nhấn mạnh đến sự hợp tác hơn là cạnh tranh, làm nổi bật sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực, cũng như sự phụ thuộc lẫn nhau.
“Một cái tên thể hiện tính bao hàm hơn” có thể thúc đẩy đối thoại và giảm căng thẳng, và có thể làm nền tảng cho các sáng kiến hợp tác giải quyết các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, quyền đánh bắt và khai thác, cũng như an toàn và an ninh hàng hải.
Sự bất lực của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liban
Về thời sự tại Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Liban vẫn rất căng thẳng, hai binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Liban (FINUL) đã bị thương do cuộc tấn công của Nhà nước Do Thái nhắm vào trụ sở tại Naqoura, miền nam Liban. Vụ việc đã khiến nhiều lãnh đạo phương Tây phẫn nộ.
Kể từ ngày 30/09, khi Israel mở chiến dịch tấn công lvào Liban, lực lượng Mũ Nồi Xanh, với nhiệm vụ giám sát việc chấm dứt chiến sự, bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo cho thường dân, đã ngừng các hoạt động tuần tra. Họ chỉ có thể quan sát tình hình chiến sự giữa Hezbollah và Israel từ căn cứ quân sự.
Được thành lập vào năm 1978, có nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ nghị quyết 1701 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tạo một vùng đệm giữa Israel và Liban. Lực lượng này hiện gồm 10 000 quân nhân, đến từ 50 quốc gia, cũng giúp hỗ trợ Nhà nước Liban khôi phục quyền lực ở miền nam nước này, chủ yếu do Hezbollah kiểm soát.
Tuy nhiên nhiệm vụ này hoàn toàn không khả thi. Thứ nhất là không bên nào tôn trọng nghị quyết 1701. Thứ hai, theo giáo viên lịch sử Guillaume Lasconjarias, tại đại học Paris Sorbonne của Pháp, trả lời Nouvel Obs, “lực lượng này chỉ có quyền tự vệ. Nếu không phải là mục tiêu tấn công trực tiếp, thì họ buộc phải chờ đợi tại căn cứ và quan sát”.
Nhà nghiên cứu về quân sự nói thêm “có một hình thức không phải là thiếu kiên quyết, mà đúng hơn là đạo đức giả từ phía các cường quốc... Họ muốn lực lượng này hiện diện tại một khu vực nhiều căng thẳng. Nếu lực lượng này không được triển khai thì tình hình có thể xấu đi, nhưng họ ở đó mà không được cấp phương tiện. Họ hiện diện ở đó, quan sát các hoạt động khác nhau, nhưng lại bị ngăn cản bởi cả Israel và Hezbollah và không có khả năng hành động. Đây là một loại « bất lực » trong quyền lực ».
Bầu cử Hoa Kỳ tác động đến cuộc chiến ở Ukraina
Những diễn biến chính trị của Hoa Kỳ ảnh hưởng trực tiếp tới các viện trợ cho Ukraina. Trong tuần vừa qua, vắng mặt tổng thống Mỹ Joe Biden, cuộc họp Ramstein, quy tụ khoảng 50 lãnh đạo ủng hộ Kiev, dự trù được tổ chức tại Đức trong tuần này đã bị hoãn lại vô thời hạn. Không tiếp cận được với Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina đành phải tiếp tục chuyến công du châu Âu để tìm kiếm viện trợ từ các đồng minh Anh, Pháp, Đức.
Vào tháng 9, trong chuyến công du tới Hoa Kỳ, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã trình bày kế hoạch chiến thắng Nga trước Quốc Hội Mỹ. Thế nhưng chuyến thăm này đã bị Donald Trump và phe Cộng Hòa mạnh mẽ chỉ trích, chính quyền Biden cũng không đánh giá cao kế hoạch của ông Zelensky, theo nhận định của The Economist. Hiện, “không ai trong chính phủ của Biden tin rằng Ukraina có thể chiếm lại bằng biện pháp quân sự những vùng lãnh thổ đã đánh mất”.
Sắp tới, cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ tạo ra những bước ngoặt nào cho cuộc chiến chống Nga ở Ukraina ? Theo The Economist, viễn cảnh tiến đến hòa bình cho Ukraina khá xa vời vì cả hai ứng viên Kamala Harris và Donald Trump, đều không có chiến lược rõ ràng đối với hòa bình cho Ukraina. Ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris khẳng định ủng hộ Kiev và tiếp tục tìm kiếm viện trợ quân sự, nhưng chưa chắc đã kiểm soát được Quốc Hội. Ông Trump thì rỏ ra thiếu nhất quán, mơ hồ, hứa hẹn chấm dứt chiến tranh, thúc giục Nga và Ukraina ngồi vào bàn đám phán.
The Economist đưa ra các kịch bản khác nhau. Nếu đảng Dân Chủ giành lại đa số tại Hạ Viện, hiện do phe Cộng Hòa nắm giữ, cũng như giữ được chức tổng thống thì viện trợ cho Ukraina sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Còn nếu ông Trump đắc cử, thì có điều không chắc là liệu ông sẽ trao quyền cho những người theo “chủ nghĩa quốc tế”, hay “chủ nghĩa bảo hộ”. Lời hứa của ông Trump về việc nhanh chóng kết thúc chiến tranh là “không thể tin được”.
Valerii Chalyi, cựu đại sứ Ukraina tại Mỹ trả lời trang RBC Ukraina giải thích : “Tương quan chính trị tại Quốc Hội Hoa Kỳ trên thực tế quan trọng hơn tên của tân tổng thống. Ví dụ, giữa việc Donald Trump nắm quyền kiểm soát cả Thượng và Hạ viện, và việc ông Trump chỉ kiểm soát Thượng Viện là hai chuyện khác nhau. Tương tự, nếu Kamala Harris không kiểm soát được Hạ Viện thì sẽ thiếu đòn bẩy về tài chính. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào ngày 05/11, đó là một ngày rất quan trọng với chúng tôi. Có vẻ như mọi người đều tin rằng, giải pháp chấm dứt chiến tranh với Nga sẽ được đưa ra sau đó, vào năm sau, và có thể thành hiện thực… Trên thực tế, Ukraina sẽ phải làm việc với bất kỳ ai được người dân Mỹ bầu ra, và chúng tôi cần có sự chuẩn bị… Tôi không nghĩ rằng nếu ứng viên của đảng Dân Chủ thắng thì sẽ dễ dàng hơn, bởi những người trong đội ngũ của Kamala Harris không hề dễ làm việc cùng. Tôi đã làm việc với họ, và hầu hết không muốn hỗ trợ Ukraina các loại vũ khí sát thương.”
Thăm dò được The Economist trích dẫn, cho thấy hơn một nửa người dân Ukraina chấp nhận mất Donbass và bán đảo Crimée để đổi lấy chủ quyền đối với các khu vực bị chiếm đóng là Zaporijjia và Kherson. Khoảng 38% người Ukraina cho biết sẵn sàng chấp nhận ranh giới lãnh thổ hiện tại, nếu được kết nạp vào Liên Hiệp Châu Âu và nhận được tài trợ để tái thiết. Con số này tăng lên 47% nếu Ukraina được chào đón vào NATO - đây có lẽ là câu hỏi nhạy cảm nhất đối với vị tổng thống tiếp theo.
Cuộc so găng thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu
Kể từ thứ Sáu này, các nhà xuất xuất khẩu rượu Cognac ở châu Âu sẽ phải nộp một khoản « đặt cọc » trị giá khoảng 35 % giá trị các chai rượu xuất khẩu sang Trung Quốc cho hải quan Trung Quốc. Theo Bắc Kinh, quyết định này là để chống tình trạng bán phá giá, được xem như biện pháp trả đũa về việc Bruxelles tăng thuế đối với các xe điện do Trung Quốc sản xuất được nhập vào khối.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm thông tin :
« Khoản đặt cọc tại hải quan Trung Quốc là để bù vào các khoản phụ phí có thể tăng trong tương lai. Đối với châu Âu, điều này làm phức tạp việc xuất khẩu sang Trung Quốc, bởi vì các nhà xuất khẩu rượu cognac có nguy cơ phải tăng giá, và có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và giá trên thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Yuan, làm việc cho doanh nghiệp Tai De, nhập khẩu rượu mạnh, quyết định này tác động không đáng kể đến hoạt động của mình. Ông nói : « Thật may là chúng tôi không bị ảnh hưởng. Chúng tôi xử lý rượu mạnh với số lượng lớn, hơn 200 lít, và chúng tôi nhập khẩu theo lô. Từ năm ngoái, thị trường đã không suôn sẻ, nhưng hiện đã cải thiện hơn. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất chắc chắn là các nhà nhập khẩu các loại rượu thương hiệu lớn.
Một nhà kinh doanh khác thì giải thích rằng hiện nay hàng hóa trong kho đủ để bán cho người tiêu dùng Trung Quốc trong 3 năm tới, do vậy quy định mới này không tạo thành vấn đề trong ngắn hạn.
Một cuộc chiến tranh thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng không phải là không tránh được.
Các căng thẳng về thuế liên quan đến xe điện và các sản phẩm như Cognac chỉ ra rằng tình hình có thể nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, hai bên đều có các lợi ích kinh tế chung, nếu cuộc xung đột kéo dài thì sẽ gây hại cho cả hai. »
Sat, 12 Oct 2024 - 131 - Trung Quốc - Nga, hai điểm tựa của Iran trong xung đột ở Trung Đông
Nếu thực sự lao vào một cuộc đọ sức trực tiếp với Israel và phía sau lưng Nhà nước Do Thái là Hoa Kỳ, thì Iran có thể trông cậy vào ai ? Câu trả lời hiển nhiên nhất là Nga và Trung Quốc.
Ngọn lửa chiến tranh lan rộng tại Trung Đông khi hai đối thủ chính trọng khu vực là Israel và Iran trực tiếp lao vào cuộc đọ sức. Trên chiến trường Ukraina, Kiev rút quân khỏi Vouhledar, liên tục lùi bước trước sức mạnh của quân Nga. Tại lễ khai mạc thượng đỉnh Khối Pháp Ngữ lần thứ 19 tại Villers-Cotterêts, vùng Hauts de France, trong số các nguyên thủ quốc gia tham dự có chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam, Tô Lâm. Tân thủ tướng Pháp Michel Barnier phát biểu trước Quốc Hội về chương trình hành động trước khi nội các cánh hữu này bị 192 dân biểu cánh tả kiến nghị « bất tín nhiệm ».
Thưa quý thính giả, thời sự trong tuần nổi bật với những sự kiện vừa nêu. Tuy nhiên, tạp chí hôm nay xin tập trung vào hai điểm nóng trên thế giới : Trung Đông và Ukraina.
*****
Trong một chục ngày, quân đội Israel phối hợp với bên tình báo tiêu giệt thủ lĩnh và các chỉ huy cấp cao nhất của Hezbollah, lực lượng vũ trang Hồi Giáo theo hệ phái Shia được Iran yểm trợ. Tại Liban và vùng Cisjordanie, Israel dồn dập oanh kích những khu vực bị coi là sào huyệt khủng bố của Hezbollah và của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, cũng được Teheran bảo trợ.
Liên tiếp lãnh đòn, Cộng Hòa Hồi Giáo Iran bắt buộc phải trả đũa để bảo toàn ảnh hưởng trong khu vực. Trong đêm 01/10/2024; Teheran bắn 200 tên lửa về phía Israel. Cho dù không gây nhiều thiệt hại cho đối phương, nhưng đây là lần thứ nhì trong vòng nửa năm, Iran trực tiếp thách thức an ninh của Nhà nước Do Thái, một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Ở Tel Aviv, uy tín của thủ tướng Benjamin Netanyahu với công luận trong nước lên như diều gặp gió. Không còn thấy bất kỳ một cuộc xuống đường nào đòi ông từ chức vì đã một năm nay vẫn chưa đưa được 101 con tin Israel, còn bị Hamas bắt giữ tại Gaza từ sau loạt khủng bố ngày 07/10/2023, về lại với gia đình.
Tại Washington, một tháng trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, chính quyền Biden vừa khẳng định « Israel có quyền tự vệ », vừa tuyên bố « không cho phép Israel vượt lằn ranh đỏ, tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran ».
Tehran - Matxcơva : Đổi tên lửa đạn đạo lấy bí quyết chế tạo vũ khí nguyên tử
Trước tình hình dầu sôi lửa bỏng này Trung Quốc và Nga khá kín tiếng. Matxcơva kêu gọi các bên « kềm chế ». Bắc Kinh tỏ thái độ « có trách nhiệm » với chủ trương các bên cần « xuống thang ». Trên đài RFI hôm 02/10/2024, chuyên gia về địa chính trị Dominique Moïsi thuộc Viện nghiên cứu Montaigne, Paris nhấn mạnh : xung đột ở Trung Đông hoàn toàn có lợi cho Nga.
« Về phía Nga, đâu đó, Matxcơva là bên hưởng lợi hơn cả từ sau loạt khủng bố hôm 07/10/2023. Có thể nói là Nga đã thắng lớn từ khi nổ ra chiến tranh ở Gaza và cuộc xung đột này giờ đây đã lan rộng tới Liban, mà có thể là còn đang lan tiếp tới toàn khu vực ở Trung Đông. Chiến sự tại đây chi phối cộng đồng quốc tế. Phương Tây giảm chú ý và viện trợ cho Ukraina. Tóm lại, chiến tranh Gaza hoàn toàn có lợi cho nước Nga ».
Drone do Iran chế tạo đã được phát hiện tại Ukraina ngay từ 2022 khi Nga bắt đầu « chiến dịch quân sự đặc biệt » đánh chiếm nước láng giềng sát cạnh. Điều phương Tây lo ngại hơn cả là hợp tác giữa Matxcơva với Teheran trong lĩnh vực hạt nhân. Trong những báo cáo gần đây, Âu Mỹ khẳng định « Iran đã cấp hơn 200 tên lửa đạn đạo Fath-360 » cho Nga. Washington và Luân Đôn thậm chí còn cho rằng để đổi lấy tên lửa có tầm bắn tối đa 120 km và có khả năng mang theo đầu đạn 150 kg này, Matxcơva « dường như đã chia sẻ bí quyết hạt nhân với Iran ».
Teheran chuẩn bị triển hạn thỏa thuận « đối tác chiến lược toàn diện » với Nga nhân thượng đỉnh khối BRICS được tổ chức tại Kazan trong tháng này. Đây là bước kế tiếp vào lúc « đối tác song phương không ngừng được mở rộng đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự », như nhiều nhà quan sát ghi nhận (Báo Le Figaro ngày 03/10/2024).
Bắc Kinh : Iran, « một yếu tố trong cuộc đọ sức với Mỹ »
Nhìn từ phía Trung Quốc, chảo lửa ở Trung Đông trước hết là một hiểm họa đối với kinh tế toàn cầu, như chuyên gia về địa chính trị Viện Montaigne, Dominique Moïsi phân tích :
« Bắc Kinh không có lợi ích gì và cũng hoàn toàn không có ý định can thiệp vào tình hình rất phức tạp tại Trung Đông. Trung Quốc tuy nhiên không muốn tình trạng tại khu vực này bị xấu đi hay xung đột gia tăng cường độ, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và trực tiếp tác động đến tăng trưởng của Trung Quốc vốn đã không mấy khả quan. Kịch bản tốt nhất đối với Trung Quốc là tình hình ở Trung Đông được hạ nhiệt, nhưng Bắc Kinh không lên tuyến đầu trên hồ sơ này và đây không phải là thời điểm, mà thực ra thì Trung Quốc cũng không sẵn sàng để can thiệp vào xung đột ở Trung Đông ».
Bất chấp lệnh cấm vận, từ năm 2020 đến 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu dầu hỏa của Iran sang Trung Quốc đã được nhân lên gấp ba. Theo các số liệu của Hạ Viện Mỹ, « 80 % xuất khẩu dầu hỏa của Iran là để cung cấp cho thị trường Trung Quốc » và Bắc Kinh chấp nhận rủi ro, bởi « dầu của Iran vừa rẻ, vừa có chất lượng cao ».
Nghiên cứu của hãng tin Anh Reuters hồi tháng 10/2023 cho thấy « nhờ dầu hỏa của Iran, Trung Quốc tiết kiệm được 10 tỷ đô la trong 9 tháng đầu năm 2023 ». Cơ quan tư vấn chuyên về năng lượng Kpler, được Reuters trích dẫn, thẩm định : Iran bán dầu hỏa cho Trung Quốc với giá thấp hơn từ 5 đến 13 đô la một thùng dầu, và « trên bàn cờ địa chính trị, Iran là một yếu tố trong mắt Bắc Kinh để đối phó với Hoa Kỳ ». Hỗ trợ kinh tế Iran, Trung Quốc tạo sức mạnh cho một quốc gia đang trở thành một mối thách thức quân sự và địa chiến lược đối với Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng với Israel hiện tại ».
Israel « tuyên chiến » với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký định chế đa quốc gia này bị một thành viên « Cấm cửa ». Ngoại trưởng Israel hôm 02/10/2024 tuyên bố Antonio Guterres là một « nhân vật không được hoan nghênh » do ông đã không trực tiếp lên án Iran tấn công Israel đêm hôm trước. Đây là dấu hiệu mới cho thấy quan hệ rất căng thẳng giữa Nhà nước Do Thái với Liên Hiệp Quốc từ sau loạt tấn công đẫm máu trên lãnh thổ Israel hôm 07/10/2023, và cũng thể hiện người đứng đầu Liên Hiệp Quốc bị lép vế so với thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Trên đài RFI, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc Romual Scriora phân tích :
« Israel nhắm vào Liên Hiệp Quốc bởi đây là một mục tiêu dễ tấn công. Dễ chỉ trích tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tuyên bố Israel không hoan nghênh đón tiếp ông Antonio Guterres dễ làm hơn là chĩa mũi dùi vào tổng thống Hoa Kỳ chẳng hạn. Do vậy, tấn công vào tổng thư ký Liên Hiệp Quốc tức là thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhắm vào cộng đồng quốc tế. Hơn thế nữa, điều này cho phép ông chứng minh với công luận trong nước về tính chính đáng của các cuộc xung đột. Netanyahu đặt Israel trong thế là nạn nhân của cộng đồng quốc tế, của nạn bài Do Thái mà theo ông là khá phổ biến ».
Vouhledar, một khúc quanh trong cuộc chiến Ukraina có lợi cho Putin
Về cuộc xung đột kéo dài trên lãnh thổ Châu Âu : Ukraina chính thức thông báo rút quân khỏi thành phố Vouhledar, vùng Donbass ở miền Đông. Hôm 02/10/2024, quân đội Ukraina đã để mất thành phố có vị trí chiến lược, nằm giữa Mariupol và Donestk : thêm một dấu hiệu về những khó khăn ngày càng tăng mà lực lượng của Kiev đang phải đối mặt.
Đối với Nga, đây là một « cột mốc quan trọng » trong cuộc chiến Matxcơva đã khai mào từ tháng 2/2022. Chuyên gia về quân sự Ulrich Bounat, giải thích với nhà báo Julien Chavanne của RFI :
« Sự mất mát này trước hết là cả một biểu tượng, bởi vì từ hơn hai năm rưỡi nay, Ukraina đã trường kỳ kháng chiến, và tương tự như ở một số nơi, sau một thời gian cố thủ, rốt cuộc đã phải lùi bước trước đà tiến và sức mạnh của quân Nga. Từng bước, khả năng của Nga chiếm đóng một vài khu vực mang tính chiến lược rồi họ cứ tiến thêm, chiếm thêm đất của Ukraina. Một trong những điểm được ghi nhận tới nay, và chúng ta có thể kiểm chứng trong trường hợp của thành phố Vouhledar, là tại nhiều nơi Ukraina đã không xây dựng được một đường chiến tuyến vững chắc chung quanh những thành trì quan trọng này. Điều đó cho phép quân Nga dễ dàng chiếm được những địa danh này như điều đã từng xảy ra ở Aviivka nơi họ đã tiến được từ 10 đến 15 km trong vỏn vẹn vài tuần lễ, bởi vì phía Ukraina thiếu một sự chuẩn bị ».
Gaza, Ukrain : Tâm điểm giải thưởng Bayeux giành cho phóng viên chiến trường
Tình hình ở Gaza sau một năm xung đột và chiến tranh Ukraina là tâm điểm chương trình triển lãm, hội thảo và giới thiệu phim và sách dành cho các phóng viên chiến trường tổ chức tại thành phố Bayeux, vùng Normandie tây bắc nước Pháp. Sự kiện mở ra từ ngày đến ngày 13/10/2024. 350 phóng viên chiến trường được mời tham dự sự kiện. Trong năm vừa qua, 58 nhà báo đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Trong số các nạn nhân tại Gaza, một nhà báo của hãng tin Anh Reuters thiệt mạng hôm 13/10/2023 và cùng ngày, 6 phóng viên quốc tế bị thương. Văn phòng đại diện của hãng tin Pháp AFP tại Gaza bị hư hại nặng nề hôm 02/11/2023.
Canada cam kết ngừng « hút nhân viên y tế của châu Phi »
Xin khép lại tạp chí hôm nay bằng một tin mang tính xã hội : tỉnh Québec của Canada trong tuần đã chính thức thông báo ngừng tuyển dụng y tá tại một số quốc gia châu Phi, như trường hợp của Maroc. Người lao động ở các nước chậm phát triển ước mong sang Âu - Mỹ hành nghề để được trả lương cao, nhưng lại tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế ngay trên nước họ, nơi mà hệ thống y tế vốn đã rất tệ.
Như nhiều nước phát triển phương Tây, Canada thiếu y tá, hộ lý phục vụ trong bệnh viện. Quốc gia Bắc Mỹ này đã tạm thời tìm ra giải pháp tuyển dụng nhân viên y tế nước ngoài, qua đó làm suy yếu thêm mạng lưới y tế và bệnh viện tại các nước chậm phát triển. Từ Quebec thông tín viên Pascale Guéricolas giải thích :
« 'Đây là một quyết định đã được suy nghĩ chín chắn, được cân nhắc và công bằng'. Đại sứ Macoc tại Canada Souriya Otmani đã hoan nghênh quyết định của vùng Québec ngừng tuyển dụng thêm y tế của Maroc đến làm việc tại các bệnh viện ở Québec. Cách nay vài tháng, nhà ngoại giao này từng công khai nói đến hiện tượng Maroc bị thất thoát nguồn nhân lực do các y tá sang làm việc tại Québec.
Trong hai năm, hơn một ngàn y tá bỏ đi khỏi châu Phi, nhất là những người từ Cameroune, hay Côte d’Ivoire. Tại châu Phi, 37 quốc gia có số lượng nhân viên y tế thấp hơn so với mức trung bình trên thế giới, theo như báo cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Rõ ràng là chính quyền của vùng Québec đã hưởng ứng kêu gọi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới trước hiện tượng hệ thống y tế tại một số quốc gia đang yếu kém.
Thiếu y tá là một nguyên nhân dẫn đến nguy cơ về sức khỏe cộng đồng. Theo đài phát thanh Radio Canada, hệ thống bệnh viện tại nước này tiếp tục tuyển dụng nhân viên ở các nước trong vùng Vịnh và từ Tunisia ».
Sat, 05 Oct 2024 - 130 - Ukraina hủy diệt kho đạn sâu trong đất Nga: Nhờ tên lửa phương Tây hay do drone tự chế?
Tổng thống Ukraina đến Mỹ tham dự Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc và để thuyết phục đồng minh Hoa Kỳ về một ‘‘kế hoạch giành chiến thắng’’. Chuyến đi diễn ra sau hàng loạt cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào nhiều kho vũ khí lớn nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong đó có vụ hủy diệt hoàn toàn kho vũ khí lớn bậc bậc nhất của Nga Toropets.
Trung Quốc cử một chỉ huy cấp quân khu đi Mỹ lần đầu tiên kể từ hai năm nay. Đại Hội Đồng khai mạc vào lúc xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah Liban có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh toàn diện, Hội Đồng Bảo An càng lúc càng thể hiện rõ sự bất lực. Việc cải tổ Hội Đồng Bảo An ngày càng trở thành điều nhãn tiền.
Tại Pháp, tân chính phủ liên hiệp cánh hữu với phe tổng thống, ra mắt hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử Quốc Hội, ngay lập tức gây thất vọng lớn trong xã hội. Một nửa cử tri của phe tổng thống Macron không ủng hộ tân chính phủ. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Bốn điểm chính của ‘‘Kế hoạch giành chiến thắng’’
‘‘Kế hoạch giành chiến thắng’’ của tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, đưa ra từ một tháng nay sau cuộc phản công chiếm hơn 1.000 km² tỉnh biên giới Kursk của Nga hồi đầu tháng 8/2024, vừa được thông báo chính thức với giới lãnh đạo Mỹ. Theo báo Anh Times, ngày 22/09, ‘‘kế hoạch của tổng thống Zelenskyy có 4 điểm chính. Thứ nhất là yêu cầu đảm bảo an ninh của phương Tây cho Ukraina tương tự như với thành viên NATO trong Hiệp ước phòng thủ chung, thứ hai là tiếp tục cuộc chiến tại khu vực tỉnh Kursk của Nga để có lá bài mặc cả về lãnh thổ, thứ ba là yêu cầu thêm các vũ khí tối tân, và thứ tư là tăng cường viện trợ tài chính quốc tế cho nền kinh tế đang bị tàn phá của Ukraina.’’
Báo chí Mỹ cho hay, vấn đề cho phép sử dụng các tên lửa của Mỹ (như ATACMS) hay tên lửa của Pháp-Anh Storm Shadow/Scalps có thiết bị của Mỹ, tấn công sâu vào lãnh thổ của Nga có thể là một nội dung căn bản trong ‘‘Kế hoạch’’ nói trên. Về mặt chính thức, cho phép dùng vũ khí tầm xa của phương Tây tấn công vào đất Nga vẫn được điện Kremlin coi là một ‘‘lằn ranh đỏ’’ : việc Mỹ và phương Tây cho phép đồng nghĩa với việc phương Tây trở thành một bên tham chiến. Ngay sau khi Putin nhắc lại cảnh báo, tổng thống Mỹ và thủ tướng Anh, ngày 13/09, đã tạm hoãn quyết định.
Mỹ tạm hoãn cho phép, kho vũ khí lớn bậc nhất của Nga nổ tung
Điểm đáng chú ý là sau thông báo tạm hoãn, ngay trước thềm chuyến công du Mỹ của tổng thống Zelensky, quân đội Ukraina đã liên tục tấn công nhiều kho vũ khí lớn nằm sâu trong lãnh thổ Nga, trong đó có kho vũ khí Toropets, tỉnh miền tây Tver, cách biên giới Ukraina khoảng 500 km (hai kho khác gồm một kho cùng tỉnh Tver, cách Toropets khoảng 16km về phía nam, và một kho ở Tikhoretsk thuộc tỉnh miền nam Krasnodar). Kho có thể chứa nhiều tên lửa tầm xa, bom lượn, bom điều khiển từ xa.
Ngày 18/09, thông tin của NASA cho thấy toàn bộ kho vũ khí Toropets, rộng 5km², chu vi từ 12km đến 14km, đã nổ tung. Một trận động đất nhỏ được ghi nhận với 2,7 độ richter. Theo cơ quan tình báo Estonia, khoảng 30.000 tấn đạn dược phát nổ, tương đương với 750.000 trái đạn, đủ dùng cho cuộc chiến xâm lăng Ukraina trong nhiều tháng (thẩm định của Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ - ISW). Kho Toropets, được trực tiếp sử dụng cho cuộc chiến tranh chống Ukraina, là một trong những kho vũ khí lớn nhất của Nga, theo bộ Quốc Phòng Anh.
Kho có thể kháng cự ‘‘bom hạt nhân’’ bị tiêu hủy chỉ do drone ?
Nguồn tin từ Kiev cho biết khoảng 100 drone Ukraina đã tham gia cuộc tấn công. Phía Nga giảm nhẹ tầm mức cuộc oanh kích, đồng thời cho biết đã bắn hạ nhiều drone Ukraina. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, hiện tại khó có thể giải thích được vì sao một kho vũ khí kiên cố - mà Nga quảng bá là có thể chống được một cuộc tấn công bằng ‘‘vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ’’ (theo cựu thứ trưởng Quốc Phòng Nga Dmitry Bulgakov, trang Euronews ngày 18/09/2024 trích dẫn) - lại có thể bị phá hủy hoàn toàn chỉ bởi một số drone, mà mỗi chiếc chỉ có thể mang theo vài chục kilogram thuốc nổ.
Không loại trừ khả năng Ukraina đã dùng vũ khí tầm xa của phương Tây, cụ thể là tên lửa Storm Shadow Anh viện trợ. Vẫn theo báo Times, có thể Anh và Mỹ đã ngầm cho phép Ukraina trong chuyến công du của hai ngoại trưởng Mỹ Anh đến Kiev giữa tháng 9/2024. Đài Mỹ CNN nhắc lại diễn biến cách nay gần một năm, các tên lửa do Mỹ và Anh cung cấp đã được dùng để tấn công mục tiêu của Nga tại các vùng chiếm đóng ở Ukraina trước khi được chính thức thông báo. Vào thời điểm đó đối với Matxcơva, đấy cũng từng là một lằn ranh đỏ.
Dù là do vũ khí tự chế hay do phương Tây cung cấp, với cuộc tấn công chiếm một phần tỉnh Kursk của Nga và các cuộc tấn công quy mô lớn nhắm vào các căn cứ sâu trong lãnh thổ Nga, quân đội Ukraina đã vượt qua ‘‘nhiều lằn ranh đỏ’’. Phá bung ‘‘các lằn ranh đỏ’’ hù dọa của Putin cùng lúc với các nỗ lực ngoại giao để chứng minh với quốc tế tính phi pháp và phi đạo lý của cuộc chiến xâm lược phải chăng chính là một phần căn bản trong ‘‘kế hoạch giành chiến thắng’’ của tổng thống Zelensky?
Chỉ huy quân sự Trung Quốc phụ trách Biển Đông đi Mỹ
Bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm thứ Hai, 23/09, xác nhận tướng Ngô Á Nam (Wu Yanan), đứng đầu Chiến khu Nam Bộ của Quân đội Trung Quốc đã có cuộc họp với chỉ huy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Paparo, tại hội nghị các chỉ huy Quân đội vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Hawaii, Mỹ, vào tuần trước. Bộ Quốc Phòng Trung Quốc ra một thông cáo cho biết trong cuộc họp tuần trước, ‘‘cả hai bên đã có cuộc trao đổi quan điểm thẳng thắn và sâu sắc về các vấn đề cùng quan tâm, tập trung vào việc thực hiện đồng thuận mà nguyên thủ quốc gia hai bên đã đạt được’’. Bắc Kinh đã dừng các kênh liên lạc quân sự quan trọng, bao gồm cả ở cấp chỉ huy tác chiến, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8/2022.
Về phần mình, đô đốc Paparo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương cho biết đã ‘‘nhấn mạnh tầm quan trọng của các kênh liên lạc liên tục giữa Quân đội Mỹ và Quân đội Trung Quốc để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm’’. Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, trong cuộc đối thoại với chỉ huy Chiến khu Nam Bộ Trung Quốc, phía Mỹ đã nêu lên những lo ngại về ‘‘hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và tác động của sự hỗ trợ đó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương’’, cũng như ‘‘hành vi quấy rối hung hăng liên tục của Trung Quốc đối với các tàu Philippines hoạt động hợp pháp ở Biển Đông’’.
Tướng Ngô Á Nam dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến Hawaii tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 26 các chỉ huy quân đội vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương diễn ra từ ngày 19 đến 21/09. Tham gia Hội nghị lần này có hơn 28 nước và tổ chức (trong đó có NATO). Việt Nam cũng tham dự diễn đàn này. Theo báo chí nhà nước Trung Quốc, trong dịp này, ngoài Mỹ, đại diện quân đội Trung Quốc đã có các cuộc hội đàm song phương với Thái Lan, Singapore, Philippines, Anh và Pháp.
Hội đồng Bảo An lộ rõ bất lực: Cải tổ ngày càng là việc cấp bách
Ngày 23/09/2024 tại New York, bên lề hội nghị thường niên của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Joseph Borell một lần nữa nhắc lại là cần thực thi nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an thông qua hồi 2006 nhằm giải quyết xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah, nhằm tái lập hòa bình ở Liban.
Theo nghị quyết 1701, lực lượng Hezbollah phải rút khỏi khu vực biên giới,lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc và quân đội Liban sẽ được bố trí tại vùng đệm dọc theo biên giới. Phía Israel có nghĩa vụ tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Liban. Tất cả những nội dung này gần 20 năm sau vẫn chưa được áp dụng, trong lúc xung đột giữa Israel và Hezbollah đang ngày càng dữ dội.
Đây là một trong các dấu hiệu cho thấy việc cải cách Hội đồng Bảo an là điều không thể tránh khỏi. Đây là một nội dung trọng tâm được thảo luận tại Đại Hội Đồng lần này. Tường trình của thông tín viên Carrie Nooten gửi về từ New York ngày 24/04:
‘‘Các quy định trừng phạt bị phá hoại, nhiềuxung đột mang tính khu vựcđã nổ ra,như chiến tranh ở Ukrainahay Gaza,viện trợ nhân đạotạiSyria hay Gazavẫnliên tụcbịngăn chặn… Nhữnghồ sơnói trên làtriệu chứngcho thấysự tê liệt của Hội đồng Bảo an trongnhững nămgần đây năm. Những điều nàylàmxói mòn uy tín của Hội đồngBảo an, vàthúc đẩy các quốc gia thành viên lên tiếng nhiều hơnnữatrong việcđòi hỏicải cáchđịnh chế này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói : ‘‘Khi tôi bắt đầu làm tổng thư ký, việc nói về cải cách Hội đồng Bảo an là điều cấm kỵ, định chế là hoàn toàn không thể chạm tới. Tình hình đã thay đổi hoàn toàn: giờ đây mọi người đều nhận ra rằng cải cách là cần thiết, và tất cả các thành viên của Hội đồng, bao gồm cả 5 thành viên thường trực, đều nhận thấy cần thiết phải có đại diện châu Phi ở cấp thành viên thường trực, cũng như cần gia tăng số lượng các thành viên không phải là thành viên thường trực.’’
Việc cải cách Hội đồng Bảo an là một kêu gọi trong ‘‘Hiệp ước Tương lai’’, và tổng thống Joe Biden sẽ phải ủng hộ điều này một lần nữa trong bài phát biểu sáng nay. Tuy nhiên, nếu cho rằng việc mở cửa Hội đồng cho các thành viên mới là việc khả thi, người đứng đầu Liên Hiệp Quốc tỏ ra bi quan về khả năng bãi bỏ quyền phủ quyết, mà 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an hiện đang kiên quyết bảo vệ’’.
Tân chính phủ Pháp: Một nửa cử tri phe tổng thống bất bình
Phải hai tháng sau cuộc bầu cử, tổng thống Pháp mới chọn được tân thủ tướng, và phải hơn hai tuần sau khi có thủ tướng, ngày 21/09 vừa qua, nước Pháp mới biết được thành phần chính phủ mới. Thời gian được coi là kỷ lục đối với việc lập chính phủ của nền đệ ngũ cộng hòa Pháp. Tuy nhiên, thành phần chính phủ sau khi được công bố đã ngay lập tức gây hoài nghi trong xã hội Pháp.
Theo một khảo sát do viện thăm dò dư luận Anh YouGov, thực hiện theo đặt hàng của báo HuffPost, 70% dân Pháp cho rằng thành phần của tân chính phủ Barnier ‘‘không phản ánh được nguyện vọng của cử tri’’ qua cuộc bầu cử Quốc Hội vòng hai đầu tháng 7/2024, được đánh dấu với chiến thắng sít sao của Mặt trận Bình dân Mới, liên minh bốn đảng phái cánh tả và cực tả về đầu với 193 ghế. Ứng cử viên thủ tướng của liên đảng cánh tả đã không được tổng thống lựa chọn. Ngược lại, người được chọn là một chính trị gia cánh hữu, đảng LR, đứng thứ 5 trong số các đảng phái tại Hạ Viện về số dân biểu.
Thành phần chính phủ mới bao gồm chủ yếu là các bộ trưởng xuất thân từ phe của tổng thống và cánh hữu, và chỉ có một bộ trưởng xuất thân từ cánh tả. Thành phần tân chính phủ không chỉ gây bất bình trong cử tri cánh tả, mà có đến 51% cử tri vốn ủng hộ phe tổng thống cũng coi là không phù hợp với kết quả bầu cử. Mục tiêu làm tình hình trở nên ‘‘sáng tỏ hơn’’ của tổng thống Pháp, được đưa ra để biện minh cho quyết định bất ngờ giải tán Quốc Hội để bầu cử trước thời hạn, dường như bất thành.
Sat, 28 Sep 2024 - 129 - Nếu Israel kích nổ thiết bị thông tin của Hezbollah, thông điệp của Tel Aviv là gì ?
Liên tiếp trong hai ngày 17 và 18/09/2024, tại Liban, hai loạt vụ nổ hàng ngàn máy nhắn tin và máy bộ đàm đã giết chết tổng cộng 30 người của Hezbollah và làm bị thương hơn 3000 người, không chỉ gây xáo trộn hàng ngũ Hezbollah mà còn gây hoảng loạn trong dân chúng Liban.
Từ Beyruth, thông tín viên Sophie Guignon gửi về bài phóng sự :
« Đây quả là một cơn ác mộng, một câu chuyện gián điệp khủng khiếp. Khi tin đồn về loạt vụ nổ thứ hai lan khắp Liban, mối lo ngại và nỗi ngờ vực đã xâm chiếm bà Hoda, một người sống ở Beyruth và là một bà mẹ có 2 đứa con. Bà Hoda nói : « Tôi rất sợ, thật khó có thể trấn an con cái khi bản thân mình cũng sợ hãi. Chúng tôi sợ nhưng không biết sợ cái gì, chúng tôi sợ tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ xung quanh chúng tôi đều đáng sợ. Chúng tôi về nhà và thấy sợ hãi, chúng tôi đi ra ngoài và cũng thấy sợ. Không ở đâu an toàn cả ».
Bà Mona là người quản lý một quán cà phê gần một trong những bệnh viện của thủ đô Beyruth, nơi tiếp nhận những người bị thương trong các vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm. Bà căng thẳng, vừa hút shisha vừa nhìn vào điện thoại với vẻ bối rối. Bà Mona chia sẻ : « Tôi không còn dám cầm điện thoại trên tay, trước đây khi ngủ tôi vẫn đặt điện thoại bên cạnh mình, nhưng bây giờ thì tôi không còn dám làm thế nữa. Tôi cũng đã mua vé máy bay. Tôi muốn rời khỏi đây. Tôi sẽ không ở đây nữa đâu. Bây giờ tôi sợ đủ mọi thứ ». Nếu như các chuyến bay không bị hủy, bà Mona sẽ bay sang Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước nguy cơ căng thẳng leo thang, bộ Ngoại Giao Pháp đã yêu cầu công dân Pháp không đến Liban ».
Thông điệp của Israel ?
Dù chính phủ của thủ tướng Netanyahu không thừa nhận trách nhiệm của Tel Aviv, mọi nghi ngờ ở cả Liban và trên trường quốc tế dường như đều hướng đến Israel, họ cho rằng chỉ có Tel Aviv mới có đủ khả năng gián điệp và trình độ công nghệ thực hiện một vụ kích nổ chưa từng có và quy mô lớn đến như vậy.
Ngay tại Israel, theo ghi nhận của thông tín viên Fanny Crouzet ngày 19/09, nhiều người dân Jerusalem cũng tin chắc rằng chính lực lượng của Israel đã làm điều này. Theo nghiên cứu gia Yohoshua Kalisky của INSS, Viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel, vụ kích nổ rõ ràng mang dấu ấn của Israel và là một thông điệp rõ rệt mà Tel Aviv gửi đến lực lượng Hezbollah Liban.
Trả lời thông tín viên RFI tại Jerusalem, Sami Boukhelifa, nhà nghiên cứu Yohoshua Kalisky giải thích :
« Điều gây ấn tượng ở đây là việc sử dụng công nghệ để tiếp cận kẻ thù của chúng tôi một cách khác lạ. Và thông điệp được gửi đi là : Chúng tôi biết các người là ai. Chúng tôi biết các người đang ở đâu. Chúng tôi sẽ tiếp cận và tiêu diệt các người, dù các người ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này. Cho dù các người đang ở vùng ngoại ô phía nam của Beyruth, hay các người đang ở Bekka tại Liban hay là ở Syria, hay là ở bất cứ nơi đâu tại Trung Đông hoặc là nơi nào khác trên thế giới đi chăng nữa, thì chúng tôi cũng sẽ truy lùng và tiêu diệt các người. Đơn giản là như vậy thôi.
Chúng tôi sẽ hủy diệt các người, bởi vì chính các người muốn hủy diệt Nhà nước duy nhất của người Do Thái ».
Theo báo Le Figaro ngày 18/09, nhiều chuyên gia cho rằng đây cũng là 1 lời nhắn nhủ của Israel gửi đến Teheran, vốn lâu nay bị xem như « kẻ thù không đội trời chung » của Tel Aviv. Israel đã cho Iran thấy chế độ Teheran cũng sẽ không có khả năng bảo vệ toàn bệ hệ thống của mình. Frédérique Schillo, chuyên gia về Israel và quan hệ quốc tế, thì cho rằng có thể vụ tấn công này cũng là thông điệp gửi đến chính người dân Israel : « Cơ quan tình báo Mossad đã trở lại sau thất bại ngày 07/10 » năm ngoái, ý nói đến vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Hamas.
Ủy Ban Châu Âu kích hoạt thủ tục đặc biệt để thu hồi tiền phạt Hungary
Ngày 18/09, Ủy Ban Châu Âu thông báo 200 triệu euro trong khoản tiền quỹ của Liên Âu dành cho Hungary sẽ bị Bruxelles giữ lại do Budapest không chịu nộp phạt đúng hạn. Hồi tháng 06, Hungary đã bị Tòa án Công lý Châu Âu phạt 200 triệu euro, hạn chót là ngày 17/09, do vi phạm quy định về đối xử với người xin tị nạn. Nếu quá hạn, ngoài số tiền nói trên, Budapest còn phải trả cho Liên Âu thêm 1 triệu euro/mỗi ngày.
Di dân là một trong những hồ sơ lớn gây bất đồng giữa Liên Âu và Hungary. Thủ tướng Victor Orban xem phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu là một vụ « tai tiếng và không thể chấp nhận được », biện minh rằng chính Hungary đã « bảo vệ biên giới của Liên Âu »trước làn sóng di dân quốc tế.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet ngày 19/09 gửi về bài tường trình :
« Các cơ quan tài chính và pháp lý của Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Hai (16/09) đã bắt đầu sàng lọc tất cả các khoản thanh toán mà Hungary phải trả cho Bruxelles. Hungary vẫn nhận được phần lớn tiền từ các quỹ và trợ cấp của Liên Hiệp Châu Âu cho dù bị phong tỏa gần 20 tỉ eurou euro vì không tuân trọng Nhà nước pháp quyền. Các khoản thanh toán tới đây của Liên Âu cho Budapest sẽ được xem xét kỹ lưỡng, Ủy Ban Châu Âu sẽ trực tiếp giữ lại 200 triệu euro và Hungary sẽ chỉ có thể nhận được phần tiền còn lại.
Thủ tục thu hồi các khoản tiền Hungary nộp phạt muộn cho Bruxelles sẽ được áp dụng, mỗi ngày chậm nộp phạt Hungary phải chi thêm 1 triệu euro. Hungary đã bị xử phạt như trên hồi tháng 06 do không tuân thủ quyết định của tòa án.
Hungary đã đóng cửa các trại trung chuyển dành cho người di cư (ở Röszke và Tompa, ở biên giới với Serbia), không những vậy, Hungary còn « cố tình » tránh áp dụng luật của Liên Âu về người nhập cư. Budapest cản trở di dân nộp hồ sơ xin tị nạn, ngăn cản người xin tị nạn lưu lại tại Hungary trong khi chờ đợi quyết định cuối cùng của nhà chức trách về đơn xin tị nạn của họ. Budapest còn « đẩy ngược » những di dân từ nước thứ ba (ngoài Liên Âu) cư trú bất hợp pháp về đất nước nguyên quán của họ theo cách không tôn trọng quyền của người nhập cư ».
Khởi động thủ tục truất phế tổng thống, uy tín của Macron có bị ảnh hưởng ?
Về thời sự nước Pháp, nổi bật nhất tuần này là sự kiện Văn Phòng Quốc Hội Pháp hôm 17/09 bật đèn xanh khởi động thủ tục truất phế tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo điều 68 của Hiến Pháp, thời hạn muộn nhất để Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện bỏ phiếu thông qua văn bản là 15 ngày sau khi nhận được văn bản từ Văn Phòng Quốc Hội. Nhưng theo dự báo, sẽ ít có khả năng thủ tục này, xuất phát từ đề xuất của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất, được thông qua ở Ủy ban Pháp Luật của Hạ Viện, bởi phe cánh tả chỉ chiếm thiểu số.
Mặt khác, theo nhận định của Guillaume Tusseau, giáo sư luật công tại trường Sciences Po, chuyên về gia về luật bảo hiến và các định chế chính trị, với RFI ban Pháp ngữ, cho dù về mặt chính trị, có nhiều dân biểu không tán thành quyết định giải thể Quốc Hội của tổng thống hồi tháng 06, không tán thành việc ông Macron bổ nhiệm chính trị gia cánh hữu Michel Barnier làm thủ tướng, hay không tán thành việc tổng thống chờ đợi quá lâu mới bổ nhiệm thủ tướng, nhưng không chắc là các dân biểu sẽ thống nhất xem là tổng thống Macron đã phạm lỗi không thực thi nhiệm vụ để có thể truất phế ông.
Cũng theo chuyên gia Guillaume Tusseau, vì tính toán chính trị, các đảng phái sẽ không dễ dàng ủng hộ đề xuất của đảng LFI. Chẳng hạn, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) dẫu có hài lòng về việc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) gây bất ổn cho tổng thống và các định chế, nhưng đây cũng là cơ hội để đảng cực hữu cho thấy họ có thái độ ôn hòa hơn đối thủ cực tả. Nói tóm lại, thủ tục phế truất tổng thống dẫu có được khởi động cũng khó có cơ hội có được lá phiếu ủng hộ của 2/3 tổng số dân biểu Hạ Viện để được chuyển sang xem xét tiếp ở Thượng Viện.
Đây là lần đầu tiên dưới nền Đệ ngũ Cộng hòa (từ năm 1958), thủ tục truất phế tổng thống được Quốc Hội khởi động, nhưng theo chuyên gia Tusseau, không vì thế mà uy tín của tổng thống sút giảm, trái lại tổng thống Macron cũng không thể củng cố danh tiếng bằng cách nói rằng ông ấy đã bị các đảng đối lập như LFI đối xử tệ như thế nào.
Brazil: cháy rừng hoành hành do hạn hán và cố ý phóng hỏa
Thế giới những ngày qua đã trải qua nhiều tổn thất nhân mạng và thiệt hại vật chất vì thiên tai. Siêu bão Yagi càn quét Đông Nam Á, kéo theo đó là lũ lụt, sạt lở đất, đã làm hơn 500 người chết, nhất là ở Việt Nam, Lào, Thái Lan và Miến Điện (theo các số liệu chính thức).
Châu Âu ghi nhận ít nhất 23 người chết ở Trung - Đông Âu, nhất là Ba Lan, CH Séc, Rumani và Áo, do bão Boris. Trong khi đó, tại Nam Âu, Bồ Đào Nha đã phải vất vả đối phó với cháy rừng. Hơn 50 vụ cháy rừng ở miền bắc và trung đất nước đã cướp đi mạng sống của 7 người, trong đó có 3 lính cứu hỏa, làm bị thương ít nhất 59 người và tàn phá gần 100.000 ha cây trồng. Theo AFP, 4.500 lính cứu hỏa trên toàn quốc đã được huy động tham gia chữa cháy cùng với hơn 1000 xe cứu hỏa, 30 máy bay và trực thăng dập lửa. Tầm mức cháy rừng ở Bồ Đào Nha nghiêm trọng đến mức chính quyền đã phải đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tiếp viện.
Nhìn sang châu Mỹ, Brazil cũng đang bị mồi lửa tấn công do đang là mùa hạn hán. Bên cạnh đó, Brazil còn phải đối phó với tội phạm cố ý đốt rừng. Từ Sao Paolo, thông tín viên Bernard Martin ngày 17/09 gửi về bài tường trình :
« Đã gần 6 tháng nay Brasilia không có nổi một giọt nước mưa nào. Tại công viên quốc gia ở thủ đô đã xảy ra đám cháy, khói bốc lên làm ô nhiễm một phần lớn thủ đô. Kịch bản tương tự cũng đã lặp lại ở Sao Paulo trong những ngày qua. Ở đó, hồi tuần trước đã có những đồn điền trồng mía và cây cà phê bị hỏa hoạn.
Các đám cháy đã phá hủy một phần lớn Pantanal, vốn là một khu sinh thái vô cùng quan trọng. Ngọn lửa cũng đã tàn phá thảo nguyên Cerrado, và tất nhiên là cả vùng Amazon. Nơi đây, hạn hán đã khiến mực nước giảm mạnh. Hậu quả là tàu thuyền không còn có thể đi lại trên sông, người dân địa phương như vậy là bị cô lập.
Các chuyên gia báo động rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự báo. Chính phủ đổ lỗi cho hành động cố ý châm lửa đốt rừng. Các nhà bảo vệ môi trường cáo buộc các chủ đồn điền lớn và những người ủng hộ cựu tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã « đổ thêm dầu vào lửa », để đẩy nhanh nạn phá rừng ».
Sat, 21 Sep 2024 - 128 - Ủng hộ châu Phi có ghế thường trực ở Hội Đồng Bảo An: Cuộc đấu mới giữa Mỹ và Nga
Hai tuần lễ trước kỳ họp của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 12/09/2024, Mỹ chính thức thông báo ủng hộ châu Phi có hai ghế thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An (HĐBA). Mỹ lần đầu tiên cáo buộc Trung Quốc trực tiếp hỗ trợ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina để đổi lấy công nghệ vũ khí tối tân.
Chính quyền Nga tỏ ra thờ ơ với cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ. Kỳ Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật Paris 2024 khép lại với lễ bế mạc để lại nhiều ấn tượng ngay sau khi Pháp có thủ tướng mới gần hai tháng sau bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
***
Từ hàng chục năm nay cải tổ Hội Đồng Bảo An luôn được coi là húy kỵ, bất chấp việc định chế đầy quyền lực có sứ mạng duy trì hòa bình, được lập ra sau Thế chiến Hai, ngày càng bị chỉ trích là không còn đủ năng lực thực thi sứ mạng này. Những tháng gần đây, vấn đề cải tổ lại được đặt ra khẩn thiết. Theo giới quan sát, hơn một nửa quyết định của Hội Đồng Bảo An liên quan đến các vấn đề an ninh của châu Phi, và hơn một phần ba cuộc họp của Hội Đồng, trong năm 2023, liên quan đến lục địa một tỷ rưỡi dân, nhưng mới chỉ có ba ghế không thường trực.
Đọc thêm : Liên Hiệp Quốc 75 tuổi và sự bất khả cải tổ Hội Đồng Bảo AnTừ New York, thông tín viên Carrie Nooten cho biết cụ thể:
‘‘Hiện tại, các nước châu Phicóba ghế không thường trực tạiHội đồng Bảo an, được phân bổ luân phiên,vớinhiệm kỳ 2 năm.Tuy nhiên, theo đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield, số ghế này là không đủ. Đại sứ Mỹ giải thích: “Vấn đề là những ghế được bầu này không cho phép các nước châu Phi được hưởng lợi đầy đủ từ những hiểu biết và tiếng nói của họ trong hoạt động của Hội đồng. Đây là lý do tại sao mà ngoài việc trao quyền thành viên không thường trực cho các nước châu Phi, Hoa Kỳ cũng ủng hộ việc lập ra hai ghế thường trực cho châu Phi trong Hội đồng Bảo An. Đây là điều mà các đối tác châu Phi đang tìm kiếm và chúng tôi tin làm như thế là đúng.’’
Tuy nhiên, trong hiện tại mong muốn hàn gắn quan hệ với châu Phi của Washington khó thành hiện thực. Trước hết bởi vì bản thân các nước châu Phi vẫn chưa quyết định xem nước nào có thể làm thành viên thường trực. Đứng đầu trong số các ứng cử viên là Niger và Nam Phi, nhưng cũng có bốn nước khác sẵn sàng.
Tiếp theo đó là câu hỏi nhạy cảm về quyền phủ quyết. Theo kế hoạch của Mỹ, chỉ có 5 thành viên thường trực “lịch sử” (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh) mới giữ được quyền này. Và cuối cùng, để được thông qua, dự thảo nghị quyết trước tiên phải được Thượng Viện Mỹ phê chuẩn, và sau đó phải được 4 thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an chấp thuận và được hai phần ba Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ủng hộ.’’
Thủ đoạn ''đánh bóng hình ảnh'' của Mỹ ?
Thông báo của Mỹ có thể mang lại một số hy vọng nhưng giới quan sát tỏ ra hoài nghi. Trả lời RFI, chuyên gia về Liên Hiệp Quốc Romuald Sciora, giám đốc Trung tâm quan sát Chính trị và Địa chiến lược Mỹ, nhận định tuyên bố của Washington thiên về ‘‘đánh bóng hình ảnh’’ của Mỹ với châu Phi, và đây là một động thái mới trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng với Nga và Trung Quốc tại châu Phi. Afrika.new, trang mạng Pháp ngữ hàng đầu về chính trị châu Phi, cũng dẫn lời ông Sciora, nhấn mạnh đề xuất này là công cụ tranh đấu địa – chính trị ‘‘hơn là quyết tâm thay đổi thực sự cơ chế của Liên Hiệp Quốc’’.
Tuyên truyền đả kích phương Tây ‘‘thống trị thế giới’’ của Nga…
Không chỉ Mỹ mà Nga cũng chủ trương để Ấn Độ, Brazil, đại diện của khối Ả Rập và châu Phi có tư cách ‘‘thành viên thường trực đầy đủ’’ tại Hội Đồng Bảo An, theo tư tưởng gia Nga Serguei Karaganov, lãnh đạo Hội đồng về Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng Nga, thường được coi là kiến trúc sư hàng đầu của chính sách đối ngoại Nga. Về việc để châu Phi có ghế thành viên thường trực, Trung Quốc tỏ ra kín tiếng. Riêng về châu Á, Bắc Kinh không muốn có thêm thành viên thường trực nào ngoài Trung Quốc.
Theo điện Kremlin, Hội đồng Bảo an là điển hình cho sự thống trị của phương Tây, với việc ba trong số năm thành viên thường trực là nước phương Tây. Cuộc đấu giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga với các nước châu Phi nói riêng và ‘‘các nước phương Nam’’ nói chung đang ngày càng trở nên quyết liệt hơn kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina (‘‘các nước phương Nam / South Global’’ là tên gọi để chỉ các nước nằm ngoài khối phương Tây và các đồng minh của phương Tây).
Đọc thêm : Địa chính trị - Thế giới 2024 trong nhãn quan của Matxcơva… và sáng kiến của Pháp giúp HĐBA tăng cường năng lực bảo vệ hòa bình
Trên thực tế, cho dù đa số các nước phương Nam không tham gia các trừng phạt của phương Tây chống điện Kremlin, đa số các nước phương Nam đã bỏ phiếu lên án Nga xâm lược Ukraina trong tất cả các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Trái ngược với luận điệu tuyên truyền của Matxcơva, Pháp – nước phương Tây thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An – đang nỗ lực vận động không chỉ cho việc mở rộng ghế thành viên thường trực cho các nước ngoài phương Tây, mà còn chủ trương giới hạn chặt quyền phủ quyết của các thành viên thường trực để sao cho các nghị quyết của Hội Đồng ngăn ngừa các cuộc chiến tranh, thảm sát, không bị lá phiếu của một nước duy nhất chặn đứng.
Đọc thêm : Cải cách Hội Đồng Bảo An: 5 thành viên thường trực phải giải trình vì sao phủ quyếtSáng kiến do Pháp và Mêhicô đồng chủ trì hiện nhận được sự ủng hộ của hơn 100 thành viên Liên Hiệp Quốc. Theo chính quyền Pháp, sáng kiến cải tổ này cần phải được cấp tốc thực thi ngay trong dịp Đại Hội Đồng tháng 9/2024, để Hội Đồng Bảo An thực hiện được ‘‘trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế’’, theo đúng Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Mỹ lần đầu tiên tố cáo Trung Quốc hỗ trợ Nga vũ khí chống Ukraina
Hôm 10/09 vừa qua, thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ Kurt Campbell khẳng định Bắc Kinh đang cung cấp cho Matxcơva ‘‘các hỗ trợ rất lớn’’’ để tăng cường cỗ máy chiến tranh, và đổi lại Nga chuyển giao cho Trung Quốc nhiều công nghệ quân sự về tàu ngầm và tên lửa, vốn được kiểm soát chặt chẽ. Theo trang mạng Politico.com, với tuyên bố nói trên, Washington đã nâng mức độ chỉ trích nhắm vào Trung Quốc.
Trước phát biểu của thứ trưởng Kurt Campbell, Hoa Kỳ thường chỉ tập trung lên án việc Bắc Kinh cung cấp cho Matxcơva ‘’các mặt hàng lưỡng dụng’’, có thể được dùng cho quân sự. Phát biểu được thứ trưởng Kurt Campbell đưa ra với báo giới sau cuộc họp với các đối tác Liên Hiệp Châu Âu và NATO tại Bruxelles. Thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh vấn đề này hoàn toàn không liên quan đến các mặt hàng lưỡng dụng, và cho biết thêm : ‘‘Chúng tôi đang chứng kiến những nỗ lực ở cấp cao nhất của chính phủ hai nước nhằm cố gắng che giấu hợp tác đáng lo ngại này…’’.
Theo ông Campbell, các công nghệ mới mà Bắc Kinh đang tiếp nhận sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho Mỹ, mà còn cho Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Báo Anh The Financial Times dẫn lại nguồn tin của giới nghiên cứu Hải Quân Mỹ, theo đó tàu ngầm Type 096 đời mới trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân của Trung Quốc đang được phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ Nga, đặc biệt khiến động cơ ít gây tiếng ồn hơn, một công nghệ tiên tiến mà Nga không muốn chia sẻ với Trung Quốc.
Tiết lộ mới của thứ trưởng Ngoại Giao Mỹ được đưa ra chỉ hai tuần sau khi cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan có chuyến đi đầu tiên tới Bắc Kinh kể từ năm 2020, nhằm tìm cách nối lại đối thoại về hàng loạt hồ sơ bất đồng, đặc biệt về cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.
Hai ứng viên tổng thống Mỹ tranh luận, điện Kremlin tỏ vẻ thờ ơ
Ngày 10/09 vừa qua, hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ có cuộc tranh luận đầu tiên và duy nhất trên truyền hình. Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina là một chủ đề trọng tâm. Điện Kremlin phản ứng ra sao. Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa el-Jabri cho biết ẩn đằng sau thái độ thờ ơ của nhà cầm quyền Nga, Matxcơva dường như vẫn nghiêng hẳn với về phía cựu tổng thống Trump:
‘‘Bình luận đầu tiên thể hiện sự thờ ơ được đưa ra vào sáng thứ Tư 11/09. Trên đài Sputnik, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói: “Hãy tưởng tượng một trận đấu giữa hai võ sĩ trên tàu Titanic. Sau trận đấu, mọi người tranh luận về việc ai thắng, ai thua, nhưng chuyện này có tạo ra khác biệt gì đâu. Chỉ 15 phút sau, con tàu Titanic sẽ đâm vào tảng băng trôi mà thôi’’.
Bất chấp việc thái độ thờ ơ đã được thể hiện rõ bởi một quan chức cao cấp, đến giữa trưa phát ngôn viên điện Kremlin Dimitri Peskov tiếp tục nhấn mạnh: “Thật không may, chúng tôi không thể theo dõi cuộc tranh luận vì diễn ra vào lúc nửa đêm theo giờ Matxcơva. Nhưng sáng nay chúng tôi đã xem và đọc các báo cáo. Rõ ràng, chúng tôi nhận thấy cả hai ứng cử viên đều đề cập đến tổng thống và đất nước của chúng tôi. Và rõ ràng là nước Mỹ nói chung, bất kể ứng cử viên nào, vẫn duy trì thái độ thù địch và tiêu cực đối với đất nước chúng tôi.’’
Trên thực tế, đằng sau các lời lẽ khẳng định hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là như nhau, quan điểm thực sự của điện Kremlin có thể được thể hiện qua phát biểu của một nhà bình luận chính trị, được phát đi vào khung giờ vàng của truyền hình.
Điện Kremlin dường như nghiêng hẳn về phía ứng cử viên đảng Cộng Hòa: “Lập trường của Donald Trump có vẻ mang tính xây dựng hơn. Ông ấy hiểu rằng chiến dịch quân sự đặc biệt không phải tự nhiên mà được tiến hành. Ông Trump cho biết Nga có lý do riêng để bắt buộc phải áp dụng các biện pháp cực đoan này. Hãy xem xem mọi chuyện sẽ như thế nào nếu Trump trở thành tổng thống’’.
Bế mạc Paralympic: Vũ trường Stade de France và thông điệp Tình yêu
Trong tuần qua, sự kiện không thể bỏ qua là Lễ bế mạc Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật khép lại tại sân vận động Stade de France, Paris. Đây cũng là sự kiện cuối cùng khép lại hai kỳ Thế Vận Hội mà nước Pháp lần đầu tiên đăng cai.
Sau khi ngọn lửa Thế Vận được thổi tắt, Stade de France biến thành một vũ trường khổng lồ. 5.000 vận động viên khuyết tật có mặt cùng 65 nghìn khán giả tiếp tục sống trong không khí ‘‘Paris est une fête’’, Paris là một ngày hội (như tên tác phẩm tự thuật của văn hào Mỹ Hemingway), với các tiết mục âm nhạc điện tử do cây đại thụ Jean-Michel Jarre, 76 tuổi, người mở đường cho nhạc electro Pháp, chủ trì.
Đọc thêm : Paralympic Paris - Nghệ thuật hòa quyện thể thao, người ‘‘khuyết’’ người ‘‘lành’’ hòa hợpTất cả hòa cùng một nhịp với những những giai điệu đã trở thành kinh điển của dòng nhạc điện tử « Paris Stadium », « Industrial Revolution P2 Stadium » et « Time Machine Stadium »… Việc khép lại hai kỳ Thế Vận hội, nơi âm nhạc và thể thao, công chúng và vận động viên hòa quyện mang lại một thông điệp rõ ràng, bởi đây là ‘‘hai yếu tố biểu tượng cho sự mở rộng vòng tay đoàn kết, cho tình huynh đệ - lòng bác ái’’, như tâm sự của ông hoàng của âm nhạc điện tử Pháp Jean-Michel Jarre.
Những người hâm mộ cũng khó lòng quên được ca khúc, đối với nhiều người đã trở thành huyền thoại Vivre pour le meilleur(tạm dịch là Hãy sống cho điều cao đẹp nhất), của Johnny Hallyday. Tác phẩm ra đời 25 năm trước được nữ ca sĩ Pháp Santa làm sống lại trong màn trình diễn đầy biểu cảm.
‘‘… Des gens qui cherchent la lumière
En pleine nuit
Des gens qui courent après l'amour
Et qui le fuient
Des bras qui se lèvent pour un dieu
Qu'ils ne voient pas
Moi, j'ai ta chair contre ma chair
En ça je crois
Vivre pour le meilleur
Se vouloir pour tout se donner
Plus riche de ne rien garder
Que l'amour ... ’’ (*)
Metro thuận tiện cho người khuyết tật…, những thách thức với tân chính phủ…
Ca khúc Vivre pour le meilleur nói đến sức mạnh vô song của tình yêu. Khép lại kỳ Paralympic, chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Quốc tế cho người khuyết tật, Andrew Parsons, nhắc nhở cam kết của chính quyền vùng Ille-de-France và thủ đô Paris về việc tạo điều kiện để toàn bộ 13 tuyến xe điện ngầm của thủ đô có thể trở nên thuận tiện cho người khuyết tật, một thách thức rất lớn.
Hai ngày trước khi Paralympic bế mạc, tổng thống Pháp chính thức bổ nhiệm thủ tướng hai tháng sau cuộc bầu cử. Thách thức để chính phủ mới có thể trụ lại được, có thể đưa ra được các chính sách đúng hướng, hợp lòng dân là ghê gớm. Nhiều người tin tưởng lực đẩy tinh thần Thế Vận Hội Olympic và Paralymic, vừa được khơi lên tại Pháp, sẽ giúp cho xã hội Pháp có thêm sức mạnh vượt qua.
Sat, 14 Sep 2024 - 127 - Pháp : Tổng thống Macron chọn nhà chính trị lão thành làm thủ tướng để dung hòa tả-hữu
Pháp cuối cùng cũng có thủ tướng sau hơn 50 ngày chờ đợi ; Trung Quốc điều chỉnh lợi ích ở châu Phi khi thông báo đầu tư hơn 50 tỉ đô la trong vòng 3 năm ; Bất chấp chỉ trích, Mông Cổ đón tổng thống Nga để cân bằng chính sách láng giềng ; Giáo hoàng Phanxicô và chuyến tông du “đối thoại liên tôn giáo” ở Indonesia. Trên đây là một số chủ đề thời sự trong tuần của Tạp chí Thế giới Đó đây.
Pháp : Tổng thống Macron chọn nhà chính trị lão thành làm thủ tướng
Mãi 51 ngày sau cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn, nước Pháp thở phào vì có thủ tướng mới. Michel Barnier, 73 tuổi, nguyên ủy viên châu Âu phụ trách đàm phán Brexit cho phía Liên Hiệp Châu Âu năm 2016. Chức vụ thủ tướng như một cách tưởng thưởng đối với chính trị gia đã tham gia chính trường từ 50 năm, kinh qua nhiều vị trí, chức vụ, như bộ trưởng Ngoại Giao, Nông Nghiệp, dân biểu, thượng nghị sĩ, ủy viên châu Âu, nhà đàm phán… nhưng chưa bao giờ làm thủ tướng.
Ông Michel Barnier là giải pháp cuối cùng của tổng thống Macron sau khi đã phải gạt bỏ ba ứng viên tiềm năng chỉ trong ba ngày đầu tuần (Bernard Cazeneuve, Xavier Bertrand, Thierry Beaudet) vì nguy cơ chính phủ sẽ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ông Barnier cũng đáp ứng được những tiêu chí chính của tổng thống : không có tham vọng ra tranh cử tổng thống, như vậy sẽ bớt đe dọa cho tham vọng của phe tổng thống. Ông Barnier là người ủng hộ châu Âu, bảo thủ, nên có lẽ không thiên về cánh tả trong phe tổng thống, cũng không ngả về đảng Những Người Cộng Hòa (LR) hoặc đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN).
Trong lễ chuyển giao quyền lực ngày 05/09 với người tiền nhiệm Gabriel Attal, tân thủ tướng Michel Barnier hứa “nhiều thay đổi và đoạn tuyệt”, tỏ quyết tâm “hành động nhiều hơn nói”và “nói thật” về “khoản nợ tài chính và môi trường”. Ông cũng cam kết với người tiền nhiệm tiếp tục đặt “trường học” làm ưu tiên, cũng như những chủ đề khác : an ninh, di dân, việc làm và sức mua... Thách thức đầu tiên của tân thủ tướng là thành lập nội các, tiếp theo là đưa ngân sách 2025 ra thông qua ở Quốc Hội.
Cánh hữu và cực hữu Pháp chúc mừng tân thủ tướng. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới (NFP) tiếp tục bày tỏ phẫn nộ vì họ nhận được nhiều số phiếu nhất trong cuộc bầu cử Quốc Hội. Tuy nhiên, Lucie Castets, ứng viên được NFP đề cử đã bị tổng thống Macron gạt vì hai đảng LR và RN khẳng định sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Jean-Claude Juncker : Barnier là người thích hợp nhất cho vai trò thủ tướng
Trả lời phỏng vấn AFP, cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker xúc động sau khi được biết ông Michel Barnier trở thành thủ tướng Pháp. Ông ca ngợi “người bạn”, cũng từng là đối thủ, “có khả năng lắng nghe hơn hẳn những người khác và ông biết cách nói với người khác để thuyết phục họ. Phải nói rằng đó là người được chuẩn bị “tối ưu” cho vai trò thủ tướng”.
Cựu thủ tướng Luxembourg khẳng định Michel Barnier là “một người trung hữu”, chứ “không phải là thuần cánh hữu và cứng rắn” như một số bình luận. Ông cũng ca ngợi Michel Barnier “biết mọi vấn đề, mọi ẩn khuất, biết tất cả các nhân vậtchủ chốt, những tác nhân quan trọng ở châu Âu”. Trước những thách thức đang chờ tân thủ tướng trong thời gian tới, có lẽ tân thủ tướng Pháp sẽ cần tới lời khuyên “giữbình tĩnh !” của cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Trung Quốc điều chỉnh lợi ích ở châu Phi
Cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày 05-06/09 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Châu Phi (FOCAC) là cơ hội để Bắc Kinh nối lại quan hệ với châu Phi, phần nào bị sao nhãng trong lúc Trung Quốc đóng cửa chống dịch Covid-19. Để gây ấn tượng với các đối tác, chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Bắc Kinh sẽ đầu tư 50,7 tỉ đô la trong ba năm tới.
Trả lời chương trình Afrique Midi đài RFI ngày 05/09, nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan tại viện Asia Centre Paris, phân tích chi tiết số tiền này :
“Tôi cho rằng Trung Quốc muốn cho thấy là họ vẫn cam kết ở châu Phi. Và khoản tiền 50 tỉ đô la, nằm ở giữa số tiền 40 tỉ đô la được hứa tại diễn đàn ở Dakar năm 2021 và 60 tỉ ở diễn đàn được tổ chức tại Trung Quốc cách đây6 năm. Bây giờ phải nhìn một chút vào chi tiết ngân sách đó, bởi vì phần lớn số tiền đó, 30 tỉ trên 50 tỉ đô la được cấp dưới dạng vay. Đó vẫn là cách chủ yếu để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng ở châu Phi : chủ yếu cấp vốn cho các dự án công trình cơ sở hạ tầng. Phần còn lại - 10 tỉ đô la đầu tư cho các doanh nghiệp Trung Quốc và 10 tỉ hỗ trợ cho phát triển -có phầntăng so với những năm trước. Nhưng phải rải cho ba năm, tương đương với hơn ba tỉ đô la mỗi năm, vẫn thấp hơn con số mà các nhà viện trợ lớn như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OCDE, Hoa Kỳ, Pháp hoặc Đức, cung cấp cho các nước phương Nam”.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đến ưu tiên những dự án đầu tư bền vững hơn, “xanh” hơn, có lợi cho cộng đồng địa phương. Sena von Kujovi, nhà phân tích chính trị Châu Phi-Trung Quốc cho văn phòng tư vấn về phát triển quốc tế Developments Reimagined, nhận định với RFI rằng không nên chỉ coi là mỗi Trung Quốc có lợi :
“Tôi nghĩ rằng không có bữa ăn nào là miễn phí cả, không có đối tác phát triển nào cam kết với châu lục mà lại không có lợi ích riêng. Kể cả Nhật Bản hoặc thượng đỉnh Hoa Kỳ-Châu Phi hoặc thượng đỉnh gần đây với Hàn Quốc luôn có lợi cho tất cả các bên và châu Phi cũng có lợi khi cam kết với Trung Quốc.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là lợi ích và những ưu tiên của châu Phi phải nằm trong trọng tâm các cuộc thảo luận này và theo phân tích của chúng tôi về FOCAC so với những thượng đỉnh châu Phi+1(cùng với một đối tác)khác, chúng tôi thấy rằng FOCAC đúng là một trong những thượng đỉnh tham vấn tốt nhất, nơi mà những đề xuất của châu Phi thực sự được lắng nghe. Và bản thân FOCAC không được thành lập theo yêu cầu từ Trung Quốc, mà theo yêu cầu của các chính phủ châu Phi muốn có lập trường phối hợp hơn đối với Trung Quốc”.
Bất chấp chỉ trích, Mông Cổ đón tổng thống Nga để cân bằng chính sách láng giềng
Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ nán lại Mông Cổ một ngày 03/09 nhưng chuyến công du của ông khiến báo chí, công luận tốn nhiều giấy mực. Mông Cổ là nước tham gia Công ước Roma thành lập Tòa Hình Sự Quốc Tế - CPI. Ông Putin bị tòa án này truy nã vì bị cáo buộc bắt trẻ em Ukraina sang lãnh thổ Nga hoặc khu vực do Nga kiểm soát sau khi sáp nhập từ Ukraina.
Dù được yêu cầu, bị chỉ trích, Mông Cổ không thực thi lệnh bắt giữ “vị thượng khách”. Lý do được người phát ngôn chính phủ Mông Cổ giải thích với trang Politico ngày 03/09 là chính quyền Ulan Bator “luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao”. Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Antoine Maire, chuyên về Mông Cổ và là chủ tịch cơ quan Seldon Conseil, giải thích :
“Từ khi quá độ sang nền dân chủ vào thập niên 1990, chính quyền Mông Cổ phát triển một chính sách đa diện, thường được gọi là chính sách láng giềng thứ 3. Vì vậy, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mông Cổ vẫn là phát triển mối quan hệ tốt đẹp với Nga, với Trung Quốc. Vì vậy, chuyến thăm Mông Cổ của tổng thống Nga nằm trong khuôn khổ cách tiếp cận trấn an này. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng họ sẽ có thể tìm thêm không gian hành động và có thể thiết lập các mối quan hệ đối tác đặc quyền với các nước khác, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật Bản nhằm cố gắng đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại và có thêm phạm vi hành động trên trường quốc tế”.
Trước chuyến công du của tổng thống Nga, người phát ngôn điện Kremlin khẳng định “không lo” về lệnh bắt giữ. Còn Mông Cổ, ngoài những lời chỉ trích ảnh hưởng đến uy tín, cũng không quá lo lắng vì không thực thi nghĩa vụ với Tòa CPI, theo giải thích của luật sư Johann Soufi, chuyên về luật hình sự quốc tế :
“Về lý thuyết, Mông Cổ có nguy cơ bị trừng phạt từ các quốc gia tham gia Quy chế Roma, có nghĩa là toàn bộ các nước thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế - CPI. Vấn đề ở chỗ là trong lịch sử của Tòa, dù đã có nhiều vụ vi phạm, ví dụ trường hợp Nam Phi và Jordanie với tổng thống Sudan lúc đó là Al-Bachir bị CPI truy nã, nhưng cuối cùng đã không có trừng phạt nào nhắm vào những nước đó.
Về thực tiễn thì sẽ không có chuyện gì lớn từ phía các nước thành viên của Tòa CPI. Có thể có một vài nước riêng lẻ trừng phạt Mông Cổ về chính trị vì đã trao cơ hội như vậy cho tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Giáo hoàng và chuyến tông du “đối thoại liên tôn giáo” ở Indonesia
Đông Nam Á-Thái Bình Dương là vòng tông du thứ 45 của giáo hoàng 87 tuổi. Tại Indonesia, chặng dừng chân thứ nhất, giáo hoàng Phanxicô đề cao đối thoại giữa các tôn giáo, đặc biệt là đối thoại Hồi Giáo-Công Giáo. Sự kiện đặc biệt là “Tuyên bố chung Istiqlal” được giáo hoàng Phanxicô và đại giáo sĩ Nasaruddin Umar ký ngày 05/09 tại Jakarta để kêu gọi chống việc “lợi dụng tôn giáo” kích động xung đột và kiên quyết bảo vệ môi trường thiên nhiên.
Trả lời RFI ngày 04/09, nhà nghiên cứu François Mabille, tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp - CNRS và Trường Cao đẳng thực hành - EPHE, kiêm giám đốc Viện quan sát Địa chính trị các tôn giáo tại Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược - IRIS, nhận định :
“Giáo hoàng đã đến rất nhiều nước Hồi Giáo, trên mọi châu lục, từ Maroc đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Irak hay Albani. Đó là những nước có phần lớn dân cư theo đạo Hồi, chủ yếu theo hệ pháiSunni, nhưng cũng có cả hệ pháiShia. Người đứng đầu Tòa Thánh đã khởi xướng một cuộc đối thoại đặc biệt với các nhà chức trách chính trị và tôn giáo. Năm 2019, giáo hoàng Phanxicô đã ký văn kiện về tình huynh đệ nhân loại, do đó đối với ngài, đối thoại với Hồi giáo là một vấn đề vô cùng quan trọng, với mục tiêu làcác tác nhân tôn giáo phải bao dung nhau.
Tại sao là Indonesia ? Bởi vì đa số dân cưở quốc gia nàytheo đạo Hồi, đây là quốc gia Hồi Giáo lớn nhất thế giới và theo chủ nghĩa ôn hòa. Tuy nhiênvẫn có những căng thẳng tôn giáo ở một số khu vực tại Indonesia, đất nước vốnkhông đồng nhất về mặt văn hóa và tôn giáo. Điều này giải thích cho mong muốn bằng cách nào đó tăng cường lòng khoan dung giữa Hồi Giáo chiếm đạiđa số dân cưvà cộng đồng thiểu sốCông Giáo”.
Sat, 07 Sep 2024 - 126 - Paralympic Paris: Nghệ thuật hòa quyện thể thao, người ‘‘khuyết’’ người ‘‘lành’’ hòa hợp
Mười bảy ngày sau Olympic 2024, Paris một lần nữa trở thành ngày hội thể thao thế giới, với Paralympic - Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật. Ban tổ chức Paralympic Paris đã biến lễ khai mạc Paralympic (lần đầu tiên ngoài sân vận động) thành cơ hội có một không hai để cổ vũ cho một cái nhìn rất khác về thể thao với người khuyết tật, trái ngược hoàn toàn với hình ảnh về Paralympic chỉ như một ngày hội thể thao hạng hai trong con mắt của không ít người.
Tôn vinh thể thao người khuyết tật giúp nhân loại siết chặt đoàn kết là thông điệp chính toát lên từ cuộc trình diễn nghệ thuật của lễ khai mạc Paralympic, tại ‘‘xứ sở của Tình yêu và Cách mạng’’ (diễn đạt của chủ tịch ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris).
Quảng trường Concorde : Từ ‘‘Bất Hòa’’ đến ‘‘Hòa Hợp’’
Lễ khai mạc Paralympic ngày 28/08/2024 diễn ra tại quảng trường Concorde lớn nhất thủ đô, tọa lạc trên đại lộ Champs-Elysées, tâm điểm của ‘‘trục đường lịch sử’’ của thủ đô Paris nối liền Khải Hoàn Môn với bảo tàng Louvre. Quảng trường Concorde - thấm đẫm dấu ấn của những thăng trầm, biến chuyển dữ dội của xã hội Pháp thời cận hiện đại, với trung tâm là cột đá Obélisque, một biểu tượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại, đã trở thành khán đài và sân khấu cho gần như toàn bộ các tiết mục trong đêm khai mạc Paralympic.
Quảng trường lịch sử từng mang tên vua Louis XV, rồi được đổi thành ‘‘Quảng trường Cách mạng’’, trước khi được đặt tên Place de la Concorde, tên gọi hàm nghĩa Hòa Hợp. Vua Lous XVI lên đoạn đầu đài tại quảng trường này trong cuộc Cách mạng. Nhưng quảng trường này giờ đây cũng trở thành khán đài chính của các cuộc duyệt binh truyền thống ngày Quốc khánh Pháp hàng năm.
Khát vọng hướng đến ‘‘một cuộc cách mạng paralympic’’
Cuộc trình diễn nghệ thuật của lễ khai mạc Paralympic mang tên ‘‘Paradoxe’’ (tạm dịch là nghịch lý) đưa công chúng đi từ Discorde (Bất Hòa) - hồi thứ nhất của cuộc trình diễn, đến Concorde (Hòa Hợp) - hồi thứ tư. Từ ‘‘Bất Hòa’’ đến ‘‘Hòa Hợp’’ là một thay đổi mang tính cách mạng. Trong diễn văn khai mạc, chủ tịch ban tổ chức Olympic và Paralympic Paris, Tony Estanguet đã chào mừng công chúng đến với ‘‘xứ sở của Tình yêu và Cách mạng’’, với cuộc ‘‘cách mạng Paralympic’’, cuộc cách mạng làm thay đổi triệt để cách nhìn về thể thao người khuyết tật, về người khuyết tật trong xã hội, về ứng xử của xã hội chúng ta với người khuyết tật.
Đọc thêm : Paralympic Paris 2024 - Hơn cả thành tích thể thao là cơ hội thay đổi định kiến xã hộiMột thông điệp chủ yếu toát lên qua toàn bộ cuộc trình diễn, mà các tác giả muốn chuyển đến công chúng, là khát vọng hướng đến sự Hòa Hợp, hướng đến một xã hội mà những người ‘‘trong tình trạng khuyết tật’’ (en situation de handicap) không còn bị kỳ thị, bị gạt ra bên lề. Trả lời truyền thông, tổng đạo diễn nghệ thuật Thomas Jolly nhắc đến tình hình chung của nhân loại, khi ‘‘khoảng 15% dân cư thế giới bị khuyết tật, về hình thể, về tâm trí, tâm lý hay giác quan’’. Số lượng người khuyết tật thậm chí có thể còn cao hơn rất nhiều trong các xã hội là nạn nhân của chiến tranh, nghèo khó, thiên tai…
Hồi 1 : Xã hội ‘‘những người lành lặn’’ và những thiểu số khuyết tật bên lề
Nhảy múa là một nội dung chủ yếu của cuộc trình diễn nghệ thuật trong lễ khai mạc Paralympic. Trong hồi thứ nhất của chương trình, mang tên Discorde - Bất Hòa, khoảng một trăm nam vũ công trang phục màu đen đối diện với khoảng hai chục người ngồi xe lăn, biểu tượng cho cộng đồng những người khuyết tật. Sự đối lập và tương phản hiện rõ giữa một bên là xã hội của ‘‘những người lành lặn’’, đoàn kết với nhau, chuyển động mạnh mẽ theo cùng một nhịp, theo cùng khuôn khổ, dưới sự chỉ đạo thống nhất…, và bên kia là xã hội của những người khuyết tật, di chuyển khó khăn, ở vùng ngoại vi...
Hồi hai ‘‘My Ability’’ của chương trình mở ra với ca khúc cùng tên của Lucky Love gây xúc động mạnh. Nam ca sĩ Pháp 31 tuổi, một người bẩm sinh không có tay trái, trình diễn với một dàn vũ công, tất cả đều trên xe lăn. Lucky Love, một người thiên về nữ tính, và có quan hệ đồng tính, cũng thường được mệnh danh trong giới nghệ sĩ là ‘‘Thần Vệ nữ của giới đàn ông’’, để nhắc gợi đến bức tượng nữ thần Hy Lạp nổi tiếng bị mất một tay.
Đọc thêm : Khai mạc Olympic Paris - Phá bung húy kỵ che phủ nạn kỳ thị người LGBT+Hồi 2 : Cơ thể người khuyết tật, cảm hứng mới về cái đẹp
‘‘My Ability’’ của Lucky Love tôn vinh sự hòa hợp, hướng đến một xã hội nơi những người ‘‘trong tình trạng khuyết tật’’ cũng được hưởng sự tôn trọng như tất cả những người khác. Để hướng đến một xã hội tôn trọng và hòa hợp như vậy, bày tỏ và thể hiện là điều thiết yếu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio France, tổng đạo diễn nghệ thuật Thomas Jolly vạch ra tương đồng giữa thể thao và nghệ thuật, nơi con người có quyền năng tạo nên thay đổi, vượt lên những giới hạn của cơ thể, cũng như tạo nên những chuẩn mực về cái đẹp:
‘‘Sân khấu, sàn múa không phải là một nơimà mọi thứ diễn ra theo cácchuẩnmực có sẵn. Thể thao cũng tương tự như thế, bởi bạn luôn phải vượt lên, phải tranh đấu, phải phá các kỷ lục... Thể thao và nghệ thuật là những nơi mà cơ thể là trung tâm, bởi cơ thể là những môi trường tự do. Mọi người nhìn thấy có một điều gì thật tuyệt vời ở đây, nhưng điều mà Lucky Love làm cũng khá là giản dị : anh cởi áo ra, ta thấy một cánh tay thiếu vắng.’’
Cao trào của ca khúc ‘‘My Ability’’ là lúc Lucky Love cởi áo để lộ ra toàn thân, với phần tay trái nho nhỏ. Cơ thể người khuyết tật rõ ràng là có sự ‘‘thiếu vắng’’. Nhưng đây không những không phải là điều xấu xa đáng hổ thẹn cần che đậy, mà ngược lại có thể là cội nguồn cho những thụ cảm mới về cái đẹp, như ghi nhận của tổng đạo diễn Thomas Jolly. ‘‘Cơ thể ai cũng đẹp’’ và công việc của người nghệ sĩ là tìm cách thể hiện được điều này (mời xem thêm phần trình diễn qua France TV : https://www.youtube.com/watch?v=dab-fO7QiBY).
Hồi 3: Nghệ thuật hòa nhịp với thể thao
Màn trình diễn My Ability ‘‘tráng lệ, làm thức tỉnh’’, như mô tả của báo Le Figaro. Ca sĩ, sinh ra với chỉ một cánh tay, hòa nhịp với một khối đông vũ công, người trên xe lăn, người di chuyển bằng chân. Tất cả, người ‘‘lành’’ và người ‘‘khuyết’’, mỗi người - theo một cách khác nhau – hướng đến hòa hợp… Những chiếc áo đen – biểu tượng của một xã hội khuôn mẫu, trọng người lành khinh người khuyết tật - được lột bỏ, tất cả cùng hướng về những nỗ lực chung, trong các đội hình, đội ngũ thể thao.
Đọc thêm: Paralympic - Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật và những dấu mốc lịch sửNhảy múa là phương tiện giao tiếp cổ xưa bậc nhất của nhân loại. Nhảy múa truyền đi cảm xúc cộng đồng, tình bạn, tình yêu... Nhảy múa giúp con người vượt qua những ranh giới của ngôn ngữ, của sắc tộc, của văn hóa... Trong hồi thứ ba của chương trình, mang tiêu đề ‘‘Sportographie’’, người lành, người khuyết cùng chung tay sáng tạo ra những môn thể thao mới, để sao cho rất nhiều người, khuyết tật hay không, đều có thể tham gia.
Tâm điểm của hồi thứ ba là màn trình diễn mang nạng của nghệ sĩ múa Musa Motha, 28 tuổi, bị mất một chân từ năm 11 tuổi. Với sự chỉ đạo nghệ thuật của biên đạo múa người Thụy Điển Alexander Ekman, điệu múa mang nạng cá nhâncủa Musa Motha, như một biểu tượng cho sự vượt lên những giới hạn của người khuyết tật, trở thành điệu múa mang nạng tập thể, mà Musa Motha là người dẫn dắt.
Lòng người hòa hợp, trời đất giao hòa
Cả người lành, người khuyết đều mang nạng. ‘‘Nạng hướng lên trời như kéo dài thân thể, nạng chỉ xuống đất biến hóa thành những bức tranh’’, những chuyển động kỳ ảo, con người như hòa với vũ trụ. Nạng là phương tiện giúp vận chuyển tự do trên mặt đất, nạng biến thành mái chèo trên sông nước… Điệu múa mang nạng tập thể, như biểu tượng cho khát vọng ‘‘siêu việt’’ (transcender) khỏi những giới hạn của con người, đã hút hồn công chúng tại quảng trường Concorde, theo ghi nhận của Le Figaro.
Hồi thứ tư ‘‘Concorde’’ với cảnh 150 vũ công mang ngọn lửa Thế Vận Hội, trải ra trên nền Bolero của Ravel, nhạc phẩm đã trở thành một biểu tượng của đoàn kết. Lịch sử hơn một thế kỷ của phong trào Thế Vận Hội quốc tế hiện đại đã lấy‘‘Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn’’ (Citius, Altius, Fortius), làm ba tiêu ngữ chính. Tuy nhiên, kể từ năm 2021, Ủy Ban Thế Vận Hội quốc tế đã chính thức bổ sung thêm tiêu ngữ thứ tư Communiter (với Cộng đồng, vì Cộng đồng). Chủ trương Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh hơn - vì Cộng đồng mang lại một lực đẩy mới cho phong trào.
Đọc thêm : Paris 2024 - Thế Vận Hội phát khí thải ‘‘thấp nhất’’ trong lịch sử ?Hướng đến một Thế Vận Hội cho cả người lành, người khuyết
Olympic và Paralympic Paris là Thế Vận Hội đầu tiên mà tinh thần vì Cộng đồng được triển khai rõ rệt nhất. Lễ khai mạc Paralympic dường như cho thấy một cuộc cách mạng trong quan niệm về thể thao người tàn tật đang diễn ra. Trao đổi với báo chí Pháp, tổng đạo diễn Thomas Jolly tâm sự ông tin tưởng sẽ đến thời của một Thế Vận Hội nơi có những cuộc thi cho tất cả - không phân biệt người lành, người khuyết. Cái khát vọng mở rộng vòng tay, siết chặt đoàn kết cộng đồng ấy tương phản rõ rệt với chủ trương độc quyền, cứng rắn của một số liên đoàn thể thao, ví dụ như trong việc loại trừ các nữ vận động viên, bị coi là có lượng hormon nam tính vượt quá mức cho phép.
Kỳ Thế Vận Hội Paralympic không chỉ giúp người dân sở tại có thêm niềm lạc quan vui sống, với không khí hội hè hiếm có, trong bối cảnh căng thẳng chồng chất hiện tại, như ghi nhận của một số nhà quan sát. Lễ khai mạc Paralympic, kết quả của lao động nghệ thuật nhiều năm trời, còn ẩn chứa bao điều kỳ diệu cần khám phá.
Sat, 31 Aug 2024 - 125 - Tranh cử TT Mỹ : Xung đột Israel - Palestine, bài toán khó cho ứng viên Kamala Harris
Xung đột Israel - Palestine, bài toán khó cho ứng viên Kamala Harris trong kỳ tranh cử TT Mỹ ; Cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraina : Berlin bị công luận Đức chỉ trích gay gắt ; Khủng hoảng dân số, Hàn Quốc muốn thu hút thêm lao động nước ngoài nhưng bị chỉ trích ngay trong nước, Paralympic Paris 2024 : Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật hứa hẹn ghi dấu ấn với nhiều cảm xúc tuyệt vời. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Chủ đề thời sự Mỹ nổi bật nhất tuần này là đại hội đảng Dân Chủ tại Chicago, chính thức đề cử phó tổng thống Kamala Harris ra tranh cử tổng thống thay ông Biden đã rút lui vì « tuổi cao, sức yếu ». Bên lề đại hội, hàng ngàn người Mỹ đã biểu tình tại Chicago đòi triển khai lệnh ngừng bắn ở Gaza. Giữa một bên là cử tri người Do Thái và bên kia là cử tri người Ả Rập, Hồi giáo, bà Kamala Harris cần lá phiếu của nhóm cử tri nào hơn ? Đây quả là một bài toán khó cho ứng viên đảng Dân Chủ.
Chiến tranh Gaza đặt ra thách thức về khả năng giữ thế cân bằng của ứng viên Kamala Harris trong chiến dịch tranh cử. Những phát biểu, tuyên bố mạnh mẽ về quan hệ Israel - Palestine nếu làm hài lòng bên này thì lại dễ gây mất lòng bên kia.
Từ trước tới nay, cuộc xung đột Israel - Palestine thường không chiếm nhiều sự quan tâm trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, thế nhưng lần này, xung đột Israel - Palestine lại được đề cập đến nhiều. Theo sử gia Mỹ Sara Yael Hirschhorn, giảng viên tại Đại học Haifa của Israel, được trang mạng đài France 24 trích dẫn hôm 20/08, tình hình như hiện nay là « chưa từng có trong lịch sử » Mỹ.
Nhìn từ Trung Đông, kỳ tranh cử tổng thống Mỹ cũng đặc biệt được người dân Israel quan tâm. Đặc phái viên RFI Nicolas Falez ngày 21/08 gửi về bài phóng sự từ Jerusalem :
« Laura Wharton là một trong những dân biểu cánh tả hiếm hoi ở hội đồng thành phố Jerusalem. Sinh ra ở New Jersey, bà mang hai quốc tịch, Israel và Mỹ. Laura Wharton theo dõi sát sao đời sống chính trị của cả hai đất nước. Bà nói : « Tôi nghĩ và tôi hy vọng rằng Kamala Harris sẽ thắng cử. Tôi hy vọng rằng bà ấy sẽ tiếp tục muốn bảo vệ Israel, nhưng điều này không có nghĩa là bảo vệ mọi điều mà Israel thực hiện ».
Laura Wharton đặc biệt hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào những khu định cư của Israel đã gây bạo lực ở Bờ Tây Jordanie (Cisjordanie).
Erin cũng sinh ra ở Hoa Kỳ. Anh đội mũ kippa với kiểu tóc truyền thống của người theo đạo Do Thái. Giữa ứng viên của đảng Dân Chủ, bà Kamala Harris, và ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump, thanh niên này đã có sự lựa chọn của mình. Erin cho biết : « Một trong hai đảng ít rõ ràng hơn đảng kia trong việc ủng hộ quyền tự vệ của Israel. Nhìn lại lịch sử, nếu so sánh chính sách thời chính quyền Donald Trump với chính sách thời Biden hoặc Obama, thì có thể thấy là khi Donald Trump làm tổng thống Mỹ, Israel rõ ràng đã có nhiều thuận lợi hơn ».
Đối với thanh niên Mỹ gốc Israel này, những năm Donald Trump lãnh đạo ghi dấu ấn là thời kỳ đại sứ quán Mỹ đã được chuyển đến Jerusalem và Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran ».
Cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraina : Chính quyền Đức bị công luận trong nước chỉ trích gay gắt
Một chủ đề thời sự quốc tế nóng khác trong tuần này vẫn là chiến tranh Ukraina, với cuộc tập kích ngày càng sâu của quân Ukraina vào vùng biên Kursk của Nga. Hôm 22/08, Kiev xác nhận là không quân Ukraina đã dùng bom bay GBU-39 của Mỹ, oanh kích một căn cứ quân sự Nga trong vùng Kursk. Không quân Ukraina đã nhắm trúng một sở chỉ huy drone và một đơn vị chiến tranh điện tử của đối phương, phá hủy nhiều trang thiết bị, vũ khí và gây thương vong cho khoảng 40 quân Nga.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, chiến dịch tập kích của quân Ukraina vào vùng Kursk của Nga là một thắng lợi biểu tượng nhiều hơn là ý nghĩa về mặt quân sự, bởi các lực lượng Nga vẫn tiếp tục đà tiến quân ở vùng Donbass, miền đông Ukraina. Kiev đang đứng trước nguy cơ bị Nga chiếm mất Pokrovsk, một trung tâm hậu cần chiến lược của quân đội Ukraina ở miền đông.
Về viện trợ quân sự của nước ngoài, Ukraina cũng đang lo ngại về khả năng Đức,nước viện trợ quân sự nhiều thứ hai thế giới cho Ukraina, chỉ sau Mỹ, cắt giảm viện trợ.
Nhìn sang Berlin, cuối tuần trước, truyền thông loan tải thông tin chính phủ Đức dự trù cắt giảm một nửa ngân sách tài chính viện trợ quân sự cho Kiev trong năm 2025 : từ 8 tỉ euro xuống còn 4 tỉ euro.
Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi nổ ra ở Berlin, khiến cả thủ tướng và chính phủ Đức phải lên tiếng trấn an công luận trong nước và quốc tế, là sẽ tiếp tục ủng hộ Kiev cho đến khi nào Ukraina còn cần, và rằng đừng ai, nhất là tổng thống Nga Vladimir Putin, hy vọng Berlin sẽ « buông tay ». Thậm chí, phát ngôn viên chính phủ Đức, Wolfgang Buchner, khẳng định là thông tin Berlin lên kế hoạch cắt giảm viện trợ quân sự cho đồng minh Kiev là « không chính xác ».
Thực hư thông tin này ra sao, từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut ngày 19/08 cho biết thêm:
« Không còn liên minh lãnh đạo », « một vụ chìm tàu », « một tình huống không xứng tầm » : đó là những bình luận chua cay trên các phương tiện truyền thông. Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa bị chỉ trích vì sự im lặng và cách xử lý các vấn đề. Hôm qua, thủ tướng Đức đã cam kết và bảo vệ quan điểm trước công chúng và nhấn mạnh : « Nước Đức đang và vẫn là nước châu Âu ủng hộ Ukraina nhiều nhất ».
Đúng là khoản hỗ trợ 7,5 tỷ euro của Đức cho Kiev năm nay nhiều hơn khoản viện trợ của các quốc gia khác, ngoại trừ Hoa Kỳ. Và cũng đúng là việc cắt giảm viện trợ từ năm 2025 trở đi đã được dự kiến từ trước. Một khoản cho Ukraina vay nhờ số tiền lãi trong tương lai thu được từ tài sản của Nga bị phong tỏa ở châu Âu sẽ bù đắp cho việc Đức giảm viện trợ. Thế nhưng, thông báo của truyền thông Đức, theo đó nếu cần thì bộ Tài Chính sẽ từ chối gia hạn ngân sách cho năm nay, đã gây ra những chỉ trích gay gắt từ phía cánh hữu và đảng Xanh, cũng như một số thành viên đảng Dân Chủ - Xã Hội, vốn thuộc liên đảng cầm quyền.
Bộ Tài Chính Đức hôm qua (18/08) ít nhiều đã phải lui bước một cách khéo léo. Những tranh cãi này xảy ra vào lúc viện trợ cho Ukraina đóng vai trò trung tâm trong các chiến dịch tranh cử đang diễn ra tại ba vùng miền đông Đức, nơi một bộ phận đáng kể cử tri, cũng như đảng cực hữu AfD và phong trào cánh tả cấp tiến mới, BSW, phản đối việc Đức viện trợ quân sự cho Kiev ».
Hàn Quốc : Khủng hoảng dân số, Seoul muốn thu hút thêm lao động nước ngoài
Về mặt xã hội, nhìn sang châu Á, Hàn Quốc đang lâm vào cuộc khủng hoảng dân số chưa từng có. Tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Dân số ngày càng lão hóa. Theo dự báo, từ nay đến năm 20270, dân số Hàn Quốc có thể giảm đi 20 triệu người. Để đối phó với tình trạng thiếu nhân công, chính phủ Hàn Quốc đang phải hướng tới việc thu hút thêm lao động nước ngoài, nhưng lại gây tranh cãi trong nước.
Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti ngày 21/08 gửi về bài tường trình :
« Với dân số lão hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ 0,7 con/phụ nữ, Hàn Quốc đang phải đối mặt với kịch bản đáng báo động. Bộ trưởng Dân Số, You Hye Mi, thông báo rằng Hàn Quốc rất có thể sẽ phải kêu gọi thêm lao động nước ngoài để bảo đảm cho nền kinh tế tiếp tục vận hành.
Thế nhưng, đây không phải một quyết định được lòng dân. Hàn Quốc vốn nổi tiếng về chính sách khắt khe, hạn chế nhập cư, điều kiện làm việc dành cho lao động nước ngoài thì có tiếng là rất tồi tệ.
Gần đây, chương trình thị thực nhằm đưa 100 người giúp việc gia đình từ Philippines đến Hàn Quốc đã gây ra tranh cãi dữ dội. Chính phủ dự định trả cho họ mức lương dưới ngưỡng tối thiểu hợp pháp, gây ra một làn sóng chỉ trích. Ngoại trưởng Hàn Quốc biện minh là tổng chi cho lao động nước ngoài là quá cao, do quy định về mức lương tối thiểu ở Hàn Quốc, và gợi ý là cần có biện pháp để giảm chi phí này ».
Paralympic Paris 2024 : Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật hứa hẹn ghi dấu ấn với nhiều cảm xúc tuyệt vời
Sau một Thế Vận Hội được đánh giá là thành công ngoài sức tưởng tượng, « có một không hai » trong lịch sử Olympic hiện đại, nước Pháp đang chuẩn bị đón Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật (Paralympic). Làng Thế Vận tại ngoại ô Paris tuần này đã bắt đầu mở cửa đón 9.000 người đến từ 180 quốc gia, trong đó có 4.400 vận động viên.
Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật có quy mô nhỏ hơn Thế Vận Hội, quy tụ ít người hơn, nhưng Tony Estanguet, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 hứa hẹn Paralympic sẽ mang lại nhiều cảm xúc tuyệt vời và sẽ gây ấn tượng trên khắp thế giới, cũng như Olympic.
Trên đài RFI Pháp ngữ, chủ tịch Ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 bày tỏ :
« Chúng ta cũng sẽ lại thấy sự hào hứng, phấn khởi như vậy, tôi tin là thế. Cũng chính vì thế mà chúng tôi vẫn giữ nguyên tham vọng cho Thế Vận Hội Cho Người Khuyết Tật. Chúng ta có một khung cảnh đẹp như trong mơ, giống như ở Thế Vận Hội Olympic, và cũng có những cuộc tranh tài tại cung điện Versailles, Cung Điện Lớn Grand Palais, điện Invalides, với một lễ khai mạc ngay trong thành phố, tại quảng trường Concorde, với những vận động viên vĩ đại nhất hành tinh. 4.400 vận động viên là người khuyết tật sẽ cho chúng ta thưởng thức các cuộc tranh tài ở 22 môn thể thao. Đối với một số người, có những môn thể thao ít được biết đến hơn so với ở Thế Vận Hội. Nhưng chính vì thế mà thật đáng để thưởng thức Paralympic. Chúng tôi rất nóng lòng đón nhận lòng nhiệt tình của công chúng. Vẫn còn những cơ hội để quý vị mua vé xem thi đấu. Quý vị thực sự nên nắm bắt cơ hội này.
(…) Xin hẹn gặp lại quý vị vào ngày 28/08, ở phía cuối đại lộ Champs-Élysées, tại quảng trường Concorde, trong lễ khai mạc Paralympic đầu tiên được tổ chức bên ngoài sân vận động. Giống như những gì chúng tôi đã làm cho Thế Vận Hội Olympic, chúng tôi muốn tổ chức lễ khai mạc Paralympic vô cùng hoành tráng, cũng với các đạo diễn Thomas Jolly và Thierry Reboul. Tôi có thể nói với quý vị rằng chúng ta sẽ có những cảm xúc rất đẹp. Các nghệ sĩ Pháp của chúng ta sẽ được vinh danh và tôi chắc chắn rằng sẽ có những hình ảnh đẹp lan tỏa khắp thế giới ».
Sat, 24 Aug 2024 - 124 - Châu Âu : Nhiều nước lo đối phó với tình trạng du lịch quá tải
Châu Âu lo đối phó với tình trạng du lịch quá tải trong khi Bắc Triều Tiên dè dặt mở cửa đón khách nước ngoài trở lại ; Sinh viên Bangladesh xuống đường ở Dacca ngăn người ủng hộ cựu thủ tướng Hasina phá hỏng « cuộc cách mạng » ; Hàn Quốc dè chừng với ô tô điện sau hàng loạt vụ cháy pin xe ; Pháp muốn tinh thần Olympic thành « di sản ». Trên đây là một số chủ đề của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
Liệu châu Âu đang trở thành « nạn nhân » của chính thành công du lịch ? Nhiều thành phố nổi tiếng đã ban hành các biện pháp hạn chế số lượng khách : Venice ở Ý giới hạn số lượng khách hàng ngày, người dân Tây Ban Nha ở Barcelona biểu tình phản đối du lịch đại trà, một số thành phố tính đến việc làm du khách « nản lòng » vì phải trả phí tham quan những công trình quá nổi tiếng, trước đó vẫn được miễn phí.
Du lịch mang lại thu nhập cho nền kinh tế nhưng tình trạng du lịch quá tải gây khá nhiều phiền nhiễu cho người dân địa phương. Bồ Đào Nha, nơi ngành du lịch liên tiếp lập những kỷ lục mới, là một ví dụ điển hình, theo phản ánh của thông tín viên RFI Marie-Line Darcy tại Lisboa :
« Năm 2023, khoảng 30 triệu người đã được tiếp đón tại các cơ sở du lịch với tổng số 77 triệu đêm lưu trú. Lĩnh vực này đã mang lại 3 tỉ euro trong 6 tháng đầu năm 2024. Thế nhưng hiện giờ lĩnh vực du lịch bị quá tải, đặc biệt là ở Lisboa và vùng Algarve, nơi thu hút đến 40% du lịch Bồ Đào Nha.
Ở thủ đô Lisboa, cứ 1 người dân thì có 12 người khách, cao hơn cả tỉ lệ ở Amsterdam(Hà Lan)là 1/10 và Barcelona(Tây Ban Nha)là 1/9. Chính quyền không tìm cách hạn chế vì du lịch chiếm đến 12,7% GDP. Đây là nguồn thu giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế cách đây 16 năm. Hiện giờ, giá cả tăng chóng mặt, đến mức vùng Algarve trở thành ngoài tầm với đối với người Bồ Đào Nha trong khi trước đây họ vẫn thường xuyên đi nghỉ ở vùng này.
Ở Lisboa, thị trưởng muốn tăng thuế du lịch lên thành 4 euro/ngày để giải quyết trình trạng dơ bẩn trong thành phố. Nhiều vụ phản đối đã diễn ra, như cuộc biểu tình gần đây ở Sintra - viên ngọc di sản bị đông nghẹt du khách. Trong khi đó, một cuộc trưng cầu dân ý để phản đối cơ sở lưu trú du lịch đang được chuẩn bị ».
Pháp chuẩn bị đón « hiệu ứng » Olympic
Hơn 11 triệu du khách đã đến Paris trong kỳ Thế Vận Hội 2024. Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao cho rằng hiệu ứng Thế Vận Hội có thể sẽ mang tới 1,8 tỉ euro trong vòng 10 năm. Như vậy, Kinh đô Ánh sáng, vốn đã nổi tiếng, sẽ còn đón số lượng du khách nhiều hơn nữa. Trả lời RFI ngày 12/08, ông David Zénouda, phó chủ tịch Liên hiệp các ngành nghề và công nghiệp du lịch vùng Paris-Ile de France (UMIH Paris IDF), cho rằng cần phải chuẩn bị cho hiệu ứng từ « danh tiếng » này.
« Về lâu dài, danh tiếng đó có thể sẽ gây tác động và phải quản lý được tác động đó. Tôi muốn nói đến tình trạng du lịch quá tải. Tôi cho rằng các bảo tàng sẽ phải lập khung giờ tham quan. Hoặc những khu phố vốn « nổi tiếng trên Instagram » hoặc những khu vực vẫn được tham quan nhiều nhất Paris sẽ phải quản lý lượng khách du lịch liên tục. Chúng ta thấy tình trạng đó ở Barcelona. Tôi nghĩ rằng Paris từng là thành phố được tham quan nhiều nhất thế giới, sau Thế Vận Hội sẽ có rất nhiều người đến đây. Đó là còn phải nói đến việc nhà thờ Đức Bà Paris - Notre-Dame de Paris sẽ mở cửa trở lại vào cuối năm, đúng dịp lễ Giáng Sinh. Đó sẽ là những kỳ nghỉ đặc biệt và có tác động cho ngành du lịch. Nhưng mặt trái của tấm huy chương có thể sẽ là tình trạng quá tải du lịch và sau đó, sẽ phải quản lý vấn đề này ».
Bắc Triều Tiên dè dặt mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài
Sau gần 5 năm đóng cửa chống dịch Covid-19, Bắc Triều Tiên sẽ mở cửa toàn bộ biên giới đón du khách nước ngoài vào tháng 12/2024. Bình Nhưỡng chưa khẳng định thông tin nhưng ngày 14/08, hai hãng lữ hành, trong đó có Koryo Tours tại Bắc Kinh chuyên về du lịch Bắc Triều Tiên, cho biết đã được đối tác Bắc Tiều Tiên ở Samjiyon xác nhận. Ông Simon Cockerell, giám đốc Koryo Tours, cũng xác nhận thông tin này với RFI ngày 15/08 :
« Đó là một tin tốt. Rất tích cực dù tôi hy vọng là Bắc Triều Tiên mở cửa toàn bộ, thay vì chỉ một phần. Họ thông báo mở cửa thành phố Samjiyon, gần núi Baektu (Bạch Đầu), ở miền bắc Bắc Triều Tiên. Đây là một vùng rất hẻo lánh. Lịch sử Bắc Triều Tiên kể lại rằng cố lãnh đạo Kim Nhật Thành đã được sinh ra ở đó. Đó cũng là nơi quân du kích đánh đuổi quân chiếm đóng Nhật Bản và cũng được coi là cái nôi của Nhà nước Bắc Triều Tiên. Đúng là có rất nhiều huyền thoại và truyền thuyết về núi Baektu này. Đây cũng là khu vực nằm gần biên giới với Trung Quốc.
Tại sao Bắc Triều Tiên lại chỉ chọn mở khu vực này ? Và lại vào mùa đông ? Rất khó giải thích. Đúng là họ có thể kiếm soát làn sóng du khách ra vào khu vực này, nhưng họ cũng có thể kiểm soát toàn bộ du khách trên cả nước. Dĩ nhiên là nếu đất nước mở cửa hơn thì sẽ tốt hơn cho mọi người. Nhưng chúng tôi nắm bắt những gì họ đề xuất, cơ hội sẽ luôn mang lại lợi ích hơn. Và đó mới chỉ là bước đầu ».
Ngay cả người Trung Quốc, những người đến Bắc Triều Tiên đông nhất trước năm 2020, cũng không được « ưu tiên » trong giai đoạn này. Bình Nhưỡng có bạn mới là Nga. Tháng 02/2024, du khách Nga là những người đầu tiên đến Bắc Triều Tiên kể từ khi hết dịch. Theo AFP, trước Covid-19, có khoảng 5.000 người phương Tây đến Bắc Triều Tiên hàng năm, trong đó có 20% là người Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã cấm công dân du lịch Bắc Triều Tiên sau vụ sinh viên Otto Warmbier bị bắt giam 18 tháng ở Bắc Triều Tiên vì có « hành vi thù địch », sau đó được thả và qua đời trong tình trạng hôn mê ở Mỹ.
Bangladesh : Sinh viên xuống đường ngănngườiủng hộ cựu thủ tướng Hasinaphá hỏng « cuộc cách mạng »
Ngày 15/08, hàng trăm sinh viên Bangladesh, tay cầm gậy tre, đi tuần ở Dacca để ngăn người ủng hộ cựu thủ tướng Sheikh Hasina lợi dụng cuộc tập hợp tưởng nhớ 49 năm ngày nhà lập quốc Sheikh Mujibur Rahman bị ám sát để « gây hỗn loạn ». Họ không muốn thành quả đấu tranh đường phố bị phá hoại. Và để đi được đến mục tiêu đó, là cả một quá trình đấu tranh đẫm máu, hơn 400 người thiệt mạng chỉ trong hơn một tháng. Tất cả bắt đầu từ một cuộc biểu tình phản đối nhỏ tại Đại học Dacca. Ngày 12/08, đặc phái viên RFI Nicolas Rocca gặp một trong những sinh viên đứng đầu cuộc nổi dậy này :
« Các giáo sư đang nói chuyện, sinh viên ngồi ăn trên bãicỏ. Nếu không có những cửa sổ bị vỡ và những hình vẽ chằng chịt trên chân dung người cha của cựu thủ tướng Sheikh Hasina, thì không thể hình dung được rằng chính tại dưới chân một tòa nhà bị rào chắn như vậy màmột cuộc cách mạng đã nổ ra.
Rifat Sahid, một trong những nhà điều phối phong trào nổi dậy ở Bangladesh, có mặt ngay trong cuộc họp đầu tiên. Anh kể lại : « Chính nơi đó bắt đầu phong trào. Mọi chuyện bắt đầu một cách bình thường, khi Tòa Án Tối Cao hủy bỏcải cách về hạn ngạch công chức, chúngtôi bắt đầu biểu tình từ đây, từ thư viện trung tâm. Lúc đầu, chỉ có 5 người chúng tôi và sau đó ngày càng đông hơn ».
Có khoảng 10 sinh viên đứng quanh Rifat Sahid, một trong những gương mặt biểu tượngcủa phong trào phản kháng. Abdullah Mohammed Ruhel nhớ lại : « Khi cựu thủ tướng gọi sinh viên chúng tôi là con của những kẻ cộng tác với kẻ thùchống nềnđộc lập, rất nhiều người đã phá phách các hàng lang và xuống đường ».
Đến giữa tháng 07, phòng trào lan rộng, gia tăng cường độ và thế là trấn áp với « lệnh giới nghiêm, cho phép bắn thẳng ». Rifat Rashid bị bắt cóc, bịchuốc ma túy và được thả 5 ngày sau. Điều đáng nói, theo sinh viên này, chính cách đáp trả bạo lực của chính quyền đã củng cố thêm phong trào phản đối.
Rifat Sahid kể tiếp : « Khi chúng tôi bắt đầu ở đây, chúng tôi không nghĩ sẽ tiến xa đến vậy, thậm chí đó còn không phải là ý định của chúng tôi. Nhưng khi chính phủ bắt đầu tiến hành một cuộc thảm sát tàn bạo, rất nhiều người đã tham gia cùng chúng tôi. Thực sự có thể gọi những gì chúng tôi trải qua là tiến trình xây dựngmột nềnđộc lập mới ».
Hai sinh viên trở thành thành viên của chính phủ lâm thời cũng chính là những người đã khởi xướng cuộc phản đối từ thư viện của đại học này ».
Hàn Quốc : Người dân dè chừng ô tô điện sau hàng loạt vụ cháy pin xe
Xe ô tô điện đang trở thành chủ đề lo lắng ở Hàn Quốc sau hàng loạt vụ cháy pin. Thậm chí, nhiều chủ tòa nhà cấm xe ô tô điện trong bãi đậu xe của họ. Lo lắng nâng lên tầm quốc gia khiến chính phủ và các nhà sản xuất ô tô phải lên tiếng, theo ghi nhận ngày 14/08 của thông tín viên RFI Célio Fioretti tại Seoul :
« Làn gió lo sợ thổi qua Hàn Quốc. Sau hàng loạt vụ cháy pin ô tô, trong đó vụ lớn nhất đã thiêu rụi khoảng 100 ô tô trong một bãi đậu xe ngầm, gây hư hại cho cả tòa nhà, người dân Hàn Quốc không còn hào hứng với ô tô điện. Số lượng xe bán ra tại những trung tâm bán xe đã qua sử dụng tăng 180%.
Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc không chịu được tình hình này vì họ đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực ô tô điện từ hơn 10 năm nay. Để trấn an người tiêu dùng, các nhà công nghiệp và chính quyền đã tìm ra được « vật tế thần ».
Pin gây cháy chủ yếu có liên quan đến Trung Quốc. Các nhà sản xuất ô tô nhấn mạnh đến yếu tố này để chứng minh rằng pin của Hàn Quốc không nguy hiểm. Chính phủ cũng dự kiến bắt buộc các thương hiệu phải nêu rõ xuất xứ của pin được sử dụng để khuyến khích mua hàng Hàn Quốc.
Đây cũng là « chiêu » chính trị để thúc đẩy lĩnh vực pin Hàn Quốc đang phải đối phó với đối thủ lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến hiện giờ, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào khẳng định pin Trung Quốc nguy hiểm hơn những loại pin khác ».
Pháp muốn tinh thần Olympic thành « di sản »
Đoàn Pháp đã đánh bại kỉ lục huy chương vàng ở Olympic Atlanta năm 1996. Để có được thành tích này, Pháp đã đầu tư bài bản cho các vận động viên trong những năm gần đây. Không chỉ về thể chất, trình độ, các vận động viên Pháp còn cho thấy đoàn kết dưới màu áo lam. Đây là di sản mà bà Astrid Guyart, tổng thư ký Ủy ban Thế Vận Hội Quốc gia và Thể thao Pháp (CNOSF), huy chương bạc đấu kiếm tại Olympic Tokyo, mong muốn duy trì, khi trả lời RFI ngày 12/08 :
« Đó có phần giống như chuyện đã đến với đội Anh. Lúc đó, họ được huy động để thi đấu tại Olympic Luân Đôn 2012 nhưng họ đã đạt được thành tích tốt nhất ởThế Vận HộiRiosau đó. Tôi nghĩ rằng chúng tađã xây dựng được một điều gì đó mạnh mẽ, tất cả đã ngồi bàn bạc để chuẩn bị tốt nhất cho vận động viên Pháp trong tất cả các môn thi Olympic. Và việc này cần được tiếp tục. Ủy ban Olympic chúng tôi đã thực sự xây dựng một ngôi làng mang màu sắc đội tuyển Pháp, hoàn toàn theo đề nghị,phù hợp với những nhu cầu về chuẩn bị thể chất, phục hồi và có không giangiải trí. Chỉ cách đó 5 phútcòncó nhà biểu diễn.Thiên chức làm cha mẹ của các vận động viên cũng được tính đến trong quá trình xây dựng làng.Tất cảsẽ được kế thừa.
Cuối cùng,sự gắn kết giữa các vận động viên Olympicmà mọi người đã thấy sẽ đượctiếp tục. Chúng tôi sẽ tiếp tụctạonhững khoảnh khắc chia sẻ, truyền tải, gắn kếttrong khuôn khổ giao lưu cuối tuần Weekend bleu, những buổi tối Soirées bleues(Bleu : màu xanh dương, màu của đội Pháp). Tôi hy vọngđósẽ là một phầnkế thừacủa Ủy ban Olympic Pháp ».
Sat, 17 Aug 2024 - 123 - Thế Vận Hội Paris 2024 : Thành công ngoài mong đợi
Không có gì hoàn hảo, nhưng sau một cuộc chạy đường trường ngót 10 năm với khá nhiều chướng ngại vật ở mỗi chặng, trước giờ bế mạc, có thể nói Thế Vận Hội Paris 2024 thành công. Nước chủ nhà được khen nhiều hơn chê : từ thành tích thể thao đến cách tổ chức, từ không khí lễ hội đến sự hào hứng của cổ động viên … Pháp đoạt huy chương vàng Olympic.
Năm nay, trên sân nhà, các vận động viên Pháp phá kỷ lục của mọi mùa Olympic về thành tích thể thao, về số huy chương đủ loại, về số huy chương vàng … Giới hâm mộ đã điên cuồng vui sướng với hai thần tượng Teddy Riner vô địch Judo và kình ngư Léon Marchand trong bể bơi. Nhưng sẽ mãi đọng lại hình ảnh nữ vận động viên Pháp Triathlon phối hợp ba bộ môn (xe đạp, chạy bộ và bơi lội), Cassandre Beaugrand về đến đích, trên cây cầu Alexandre III, cây cầu đẹp nhất Paris, sau lưng cô là hình ảnh vòm mái điện Invalides lộng lẫy dưới nắng vàng mùa hạ.
Nhưng không chỉ có những chiếc huy chương vàng hay bạc mới đem về hạnh phúc : từng là vô địch Olympic, nhưng ở tuổi 33, chiếc huy chương đồng ở môn bơi tự do 50 mét đối với vận động viên Florent Manaudou đáng giá ngàn vàng : đấy là biểu tượng của một sự hồi sinh sau nhiều năm khổ luyện và những thăng trầm trong sự nghiệp của một vận động viên chuyên nghiệp.
Montmartre đã nổi tiếng với nhà thờ Sacré Cœur, lại càng đi vào lòng người với những hình ảnh khán giá đông kín hai bên đường chào đón đoàn đua xe đạp đường trường : hôm 03/08/2024, nửa triệu người tràn ra đường phố Paris, nhưng không phải là để biểu tình, hay chống đối bất kỳ một điều gì, mà chỉ là để chào đón các tay đua và hòa mình trong không khí của những ngày hội thể thao.
Cả thành phố Paris trở thành sân chơi cho các vận động viên
Nếu là « một cuộc thi sắc đẹp, Olympic Paris về đầu », những công trình kiến trúc của thành phố làm mê hoặc du khách và các phái đoàn quốc tế, trong số này có phóng viên của báo Mỹ Washington Post Jerry Brewer. Đánh bóng lưới trên bãi cát ngay dưới chân tháp Eiffel, thi bắn cung trong khuôn viên của điện Invalides hay đua ngựa trong khuôn viên lâu đài Versailles … là những hình ảnh ghi khắc mãi trong sự nghiệp của nhà báo Mỹ đã 7 lần tham gia và tác nghiệp vào dịp Thế Vận Hội.
Nhật báo Anh The Times hơi ganh tị khi so sánh : « Nếu như Thế Vận Hội Luân Đôn từng là tủ kính của ngành du lịch đối với nước Anh, thì phải nói là ở Paris, những địa điểm thi đấu lần kết hợp một cách siêu đẳng thể thao với lịch sử và văn hóa ». Phóng viên của tờ báo thực sự bị điện Invalides, công trình từ thế kỷ thứ 17 từng là bệnh viện và nơi nghỉ dưỡng cho các quân nhân của nhà vua Louis thứ 14, « đánh cắp con tim ». Tiếp tục so sánh Thế Vận Hội Paris lần này với Luân Đôn 2012, The Times bái phục : « Tổ chức thi đấu Beach Volley ngay chân tháp Eiffel, Pháp quả là một cao thủ mà không ai có thể qua mặt được ».
Một hình ảnh khó quên khác là Cung Grand Palais, điểm hẹn của các nhà đấu kiến và võ sĩ Taekwondo. Đài truyền hình Úc ABC ghi nhận lần đầu tiên cả một thành phố trở thành sân chơi cho các vận động viên Olympic : « Ấn tượng nhất là Grand Palais. Khán giả choáng ngợp trước vẻ đẹp uy nghi tráng lệ của cầu thang đưa các tay kiếm từ phòng nghỉ xuống đến đấu trường ».Washington Post tả tình tả cảnh :« Các tay kiếm xuất hiện ở bao lơn, khẽ nghiêng mình chào khán giả trước khi thi đấu. Chưa bao giờ các vận động viên được nhìn như thể họ đích thực là những nhà quý tộc, là những tay kiếm của những thời xa xưa ».
Tờ báo Dagens Nyheter của Thụy Điển cắt ngang mọi tranh luận với nhận xét : « Ban tổ chức muốn Olympic Paris hoành tráng và đầy những sắc mầu … họ đã thành công ! ». The Times tiếc nuối : « Nếu có thể làm lại từ đầu, Thế Vận Hội Luân Đôn sẽ tổ chức thi leo núi trên cây cầu nổi tiếng Tower Bridge, thi đấu kiếm tại thánh đường Saint Paul, bắn cung ở số 10 Downing Street trong khuôn viên dinh thự của thủ tướng Anh và mượn tạm cung điện của hoàng gia Anh Buckingham Palace cho các tay bắn cung tranh tài » …
Jaume Rielo của đài phát thanh Tây Ban Nha RNE ngạc nhiên về thái độ niềm nở và hiếu khách của công chúng Paris, mà tới nay anh cứ ngỡ dân Paris « chỉ biết càu nhàu ». Phóng viên và cũng là nhà sản xuất chương trình của đài truyền hình Mỹ CNN, bà Saskya Vandoorne, ghi nhận là sau Thế Vận Hội Paris, « áp lực càng lớn đối với Los Angles » cho mùa Olympic 2028. Nhưng đừng quên rằng thành phố Thiên Thần là « mái nhà chung của thế giới điện ảnh Hollywood, là kinh đô trong làng giải trí. Los Angeles sẽ không có Céline Dion như Paris nhưng sẽ được Taylor Swift hay Beyoncé giúp một tay ».
Huy Chương Vàng cho khán giả Paris
Về bầu không khí của Paris trong hai tuần qua, phóng viên Thụy Điển của tờ Dagens Nyheter học được thêm ba chữ « Allez les Bleus ! », vang rền ở bể bơi, trên các sân vận động hay những khu dành cho công chúng đến xem Olympic, trên đường phố Paris, để cổ động « gà nhà ».
Chỉ cần đội bóng rổ, bóng ném của Pháp xuất trận, hay một võ sĩ quyền Anh lên khán đài, trong đoàn đua xe đạp có vài ba chú lính Áo Lam … cũng đủ để các cổ động hò hét trong niềm vui sướng, phất cờ hò reo như ngày hội lớn. Nhưng đến khi ông vua bơi lội « Le Roi Léon - Léon Marchand »phải đương đầu với những địch thủ đáng gờm nhất, thì cả hội trường 15.000 người cùng chung nhịp thở, cổ vũ Léon cho đến khi anh về tới đích và đoạt huy chương vàng từ những kình ngư của Úc, Mỹ hay Hungary, Trung Quốc …
New York Times viết « khán giả cổ vũ Léon vang rền không chỉ ở bên bơi Arena la Défense, nơi anh thi đấu, mà là đã lan rộng ra cả thành phố, len lỏi vào đến tận Cung Grand Palais, làm gián đoạn cuộc thi đấu kiếm, vang dội đến tận điện Invalides, như thể muốn đánh thức luôn cả hoàng đế Napoléon đã yên nghỉ tại đây » từ năm 1861, đúng 40 năm sau ngày ông qua đời. Một phần nhờ khán giả, Léon đã ra về với 4 huy chương vàng và 1 huy chương đồng ở nội dung bơi đồng đội !
Các vận động viên quốc tế thì vô cùng ngạc nhiên thấy khán giả Pháp rất chịu khó thức khuya dậy sớm để đi xem đủ mọi môn thi đấu, kể cả những môn vốn không là sở trường của vận động viên Pháp. Grant Fisher, huy chương đồng Olympic ở môn chạy đường trường 10.000 mét, hay vận động viên môn nhảy sao Thụy Điện vừa phá kỷ lục thế giới, Armand Mondo Duplantis cùng mơ rằng phải chi mỗi lần thi đấu họ đều được cổ vũ như ở Paris !
Một tờ báo lớn của Tây Ban Nha, El Pais hôm 05/08/2024 quả quyết « Bộ mặt của Paris đã thay đổi hoàn toàn », người Pháp nổi tiếng là bi quan, chẳng bao giờ hài lòng, hay chê bai và thậm chí báo trước Thế Vận Hội lần này sẽ thất bại, để rồi thế giới đã trông thấy một thành phố « vui tươi »và dân Pháp « rất chịu chơi ». Paris hiện nguyên hình là « một ngày lễ hội », « Cầu mong rằng hiệu ứng Olympic sẽ còn đọng lại mãi nơi này ».
Paris 2024, « Que Jeux t’aime »
Olympic Paris 2024 không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là một khung trời đặt biệt cho những đôi uyên ương. Huy chương đồng và một chiếc nhẫn đính hôn bằng bạc : Hai nữ vận động viên Thuyền Buồm của Pháp Charline Picon và Sarah Steyaerd Thứ Sáu 02/08/2024 đã nhận được lời cầu hôn khi họ vừa kết thúc cuộc đua với một chiếc huy chương đồng Olympic. Mano và Pierre đợi sẵn trên bãi biển với hai chiếc nhẫn đính hôn. Vậy mà Sarah cữ ngỡ rằng, phải mang về được « vàng hay bạc »về, cô mới được người bạn trai của mình xin cưới !
Cũng trong tuần lễ đầu tiên của Thế Vận Hội, sau khi đoạt chức vô địch cầu lông đôi nam-nữ, vận động viên Trung Quốc Hoàng Nhã Quỳnh (Huang Yaqiong) được bạn trai Lưu Vũ Thần (Liu Yuchen) cũng là một tay vợt của đội tuyển cầu lông quốc gia tặng hoa, nhẫn. Họ Lưu có phần lãng mạn hơn hai anh chàng Pháp Mano và Pierre. Kém kiên nhẫn hơn những anh chàng si tình Pháp và Trung Quốc, nam tuyển thủ môn bóng ném người Achentina, Pablo Simonet, mới vừa đặt chân đến Paris thành phố của tình yêu, hai ngày trước lễ khai mạc, đã trao nhẫn và những nụ hôn thắm thiết cho người tình Maria Pilar Campoy, nữ vận động viên hockey, với nền cảnh là tháp Eiffel và những vòng tròn Olympic. Paris không chỉ là Kinh đô Ánh sáng mà còn là thành phố của tình yêu !
Trên sân vận động Stade de France, ngoại ô Paris, hôm 06/08/2024, Alice Finot, về thứ tư trong cuộc đua vượt chướng ngại vật 3.000 mét - steeplechase. Dù để hụt mất chiếc huy chương đồng, nhưng Alice phá kỷ lục nữ của châu Âu với 8’57’67’’. Về đến đích, cô gỡ tặng phù hiệu Olympic Paris 2024 với hàng chữ« Paris, thành phố của tình yêu », trao tặng cho một anh chàng người Tây Ban Nha. Thích làm chuyện khác người, trước ống kính truyền hình thế giới, Alice mới là người ngỏ lời xin về làm vợ người bạn đã cùng cô đồng hành trên đường đời và trên khắp các sân vận động ở mọi nơi trên thế giới từ 9 năm qua.
Mùa Thế Vận Hội năm nay có ít nhất một cặp vợ chồng cùng có tên trong bảng vàng, đó là câu chuyện đáng ghi nhớ của vô địch Olympic môn xe đạp BMX Racing người Úc, cô Saya Sakakibara và phu quân là vận động viên Pháp Romain Mahieu cũng trong bộ môn này : hôm 02/08/2024, kẻ trước người sau, Romain đoạt huy chương đồng, và chỉ ít phút sau đó ý chung thân của anh đem về một chiếc huy chương vàng sáng chói cho đội tuyển Úc. Khán giả trông thấy một nam vận động viên Pháp rất « lịch sự - galant » với một nữ đồng đội Úc : Romain giữ xe BMX hộ cho Saya, giúp cô cởi mũ và găng tay và họ ôm nhau thắm thiết … Khán giả hơi ngạc nhiên trước khi hiểu ra rằng, ngoài đời Romain và Saya là vợ chồng.
Niềm vui của Romain tối hôm đó thật là trọn vẹn : ba chiếc huy chương đồng BMX nam về tay « ba chàng ngự lâm pháo thủ »Joris Daudet, Sylvain André và Romain Mahieu, trong lúc bạn đời của anh đoạt danh hiệu vô địch Olympic tại Thế Vận Hội Paris !
Sat, 10 Aug 2024 - 122 - Khai mạc Olympic Paris: Phá bung húy kỵ che phủ nạn kỳ thị người LGBT+
Lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris, ngày 26/07/2024, được đại đa số người Pháp ca ngợi như một thành công, nhưng bị chỉ trích dữ dội từ phía nhà cầm quyền Nga, giới chính trị gia cực hữu Ý, Hungary, và nhiều người theo đạo Thiên Chúa. Lý do chính: sự hiện diện nổi bật của giới đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới… (LGBT+) trong một số hoạt cảnh chính của chương trình.
Thông tin bịa đặt về việc một nữ võ sĩ quyền Anh Ý phải bỏ cuộc đấu vì gặp phải một đối thủ chuyển giới, tràn ngập trên các mạng xã hội. Nhưng Thế Vận Hội cũng là một thời điểm cho hòa giải : Bức ảnh chụp chung các vận động viên bóng bàn Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, hai quốc gia đang trong tình trạng đối đầu thù địch, gây nhiều xúc động tại Hàn Quốc.
***
Các trình diễn trong hoạt cảnh thứ 8 của chương trình mang tên ‘‘Festivité’’ (Hoan lạc) trên cây cầu Debilly chỉ chiếm một thời gian không dài, nhưng được nhiều người coi là một tâm điểm của lễ khai mạc. DJ Barbara Butch, một nhà tranh đấu nữ quyền, người đồng tính nữ, được chọn đứng ở trung tâm bàn tiệc, có dáng vẻ giống với bức họa ‘‘Tiệc Ly’’ của Leonardo da Vinci, vốn được coi là thiêng liêng với đạo Thiên Chúa, mà nhiều người cho rằng giống cả với bức ‘‘Bữa tiệc Thần thánh’’ đầu thế kỷ 16 của danh họa Hà Lan Jan Harmensz van Biljart.
Đọc thêm : Lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic 2024 với tầm nhìn táo bạo của ParisĐây là một lý do chính khiến chương trình hứng chịu nhiều chỉ trích dữ dội. Tại Pháp, phát ngôn viên Tập Hợp Dân Tộc - RN, đảng cực hữu lớn nhất nước, ông Julien Odoul, coi lễ khai mạc là sự ‘‘hổ thẹn’’ đối với nước Pháp, ‘‘tàn phá văn hóa Pháp’’. Hội đồng Giám mục Pháp, một mặt khen ngợi chương trình, mặt khác chỉ trích một số dàn dựng ‘‘xúc phạm đạo Thiên Chúa’’, nhưng không nêu chi tiết.
Nga lên án, kênh NBC Mỹ ‘‘kiểm duyệt’’
Phản ứng từ phía nhà cầm quyền Nga là rất rõ. Trên mạng Telegram, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, coi đây là ‘‘một cuộc phô trương thanh thế của giới đồng tính’’ và nhạo báng cảnh ‘‘Tiệc Ly’’ (La Cène) thông qua ‘‘màn trình diễn LGBT+’’. Với giáo hội Chính Thống Giáo Nga, đây là một biểu hiện cho sự khinh thường đạo Thiên Chúa, và cổ vũ cho chủ nghĩa vô thần. Thủ tướng Hung, Victor Orban nổi tiếng với phương thức cầm quyền ‘‘dân chủ phi tự do’’ (démocratie illibérale), coi đây là dấu hiệu của sự ‘‘suy đồi về đạo đức và tan rã của phương Tây’’.
Đọc thêm - Khai mạc Thế Vận Hội: Những màn trình diễn gây tranh luận dữ dội(phần cuối : Cảm hứng từ nữ thần sông Seine và thách thức tồn vong của nhân loại)Trong lúc khoảng 1 tỉ khán giả trên thế giới trực tiếp theo dõi chương trình, một số kênh truyền hình, đặc biệt là Mỹ và Maroc, đã kiểm duyệt đoạn bị chỉ trích. Kênh NBC của Mỹ, liên tục truyền hình các lễ khai mạc Thế Vận Hội từ năm 1988, đã thay thế đoạn này bằng các hình ảnh đoàn thể thao Mỹ và quảng cáo.
Tranh về ‘‘Bữa ăn cuối cùng…’’ từng phải ra Tòa án Dị giáo
Phần trình diễn trong hoạt cảnh Hoan lạc nói trên là một cách xử lý vụng về của chương trình được đánh giá là hết sức công phu này, hay một hành động ‘‘cố tình khiêu khích’’? Trả lời báo giới, nhà chỉ đạo nghệ thuật Thomas Jolly khẳng định ông không lấy cảm hứng từ bức tranh Bữa ăn cuối cùng của chúa Giê Su với 12 tông đồ nổi tiếng của Leonardo da Vinci, và không có mục tiêu xúc phạm ai.
Dù nhà chỉ đạo nghệ thuật có thừa nhận hay không, sự tương đồng giữa màn trình diễn với kiệt tác của Leonardo da Vinci là rõ ràng. Tuy nhiên, điều đó không đủ để khẳng định nhà đạo diễn chủ trương tấn công vào biểu tượng quan trọng của đạo Thiên Chúa. Nhà nghiên cứu lịch sử điện ảnh Luc Vancheri đặt trở lại ‘‘Tiệc Ly’’ cuối thế kỷ 15 trong dòng lịch sử (bài ''JO : de la start-up nation à la queer nation / Thế Vận Hội, từ đất nước của các công ty khởi nghiệp đến cộng đồng các giới tính khác'', Libération). Leonardo da Vinci không phải là người duy nhất vẽ cảnh này. Cuối thế kỷ 16, một danh họa khác từng được đặt hàng vẽ Tiệc Ly (Véronèse) để thay thế cho bức họa của Titien bị phá hủy trong trận hỏa hoạn. Véronèse đã phải ra Tòa án Dị giáo vì bị cáo buộc vẽ sai tinh thần Bữa ăn cuối cùng của Chúa. Theo chuyên gia Luc Vancheri, trong bức tranh này, chính Leonardo da Vinci cũng có những diễn tả riêng không phù hợp với chính thống.
Mô típ ‘‘Tiệc Ly’’ đã được sử dụng rộng rãi từ lâu
Đặc biệt đáng chú ý là cảnh tượng Bữa ăn cuối cùng của Chúa, theo họa phẩm của da Vinci, đã được đạo diễn Tây Ban Nha Buñuel sử dụng trong bộ phim Viridiana (năm 1961), nhằm chỉ trích tâm lý cuồng đạo của nữ nhân vật chính, và châm biếm thói đạo đức giả của giới trưởng giả. Bộ phim, đương thời bị cấm chiếu tại Tây Ban Nha cho đến khi chế độ độc tài Franco sụp đổ, đã được trao giải thưởng điện ảnh Cành Cọ Vàng.
Theo nhiều chuyên gia, không phải đợi đến Lễ khai mạc Thế Vận Hội Paris, mà ít nhất từ hơn nửa thế kỷ nay, kể từ bộ phim của Buñuel, hình ảnh ‘‘Tiệc ly’’ đã được bắt chước, chuyển đổi, sử dụng khắp nơi, trong nhiều lĩnh vực, từ quảng cáo, đến truyện tranh, phim ảnh, hội họa… Vậy vì sao hoạt cảnh ‘‘Hoan lạc’’ trên dòng sông Seine lần này lại gây chấn động ghê gớm như vậy ?
‘‘Thành trì cuối cùng’’ của nạn kỳ thị
Theo nhà phân tâm học Jérôme Batout, sở dĩ hoạt cảnh này gây tác động mạnh vì được đặt vào tâm điểm của sự kiện thể thao cỡ hành tinh, phá bung một húy kỵ lớn trong giới thể thao, vốn được nhiều người coi là ‘‘thành trì cuối cùng’’ của nạn kỳ thị người LGBT+, ‘‘nơi ngự trị quan điểm truyền thống về giới tính, coi nam tính tự thân là phẩm chất’’, không thừa nhận sự đa dạng giới tính (non-binaire).
Chống kỳ thị phụ nữ đã từng là tâm điểm của cuộc chiến bình đẳng giới suốt chiều dài thế kỷ 20 đến nay. Kể từ cuối thế kỷ 20 đến nay, bảo vệ quyền của những người LGBT+ là một mặt trận khác. Một điều tra của IPSOS năm 2022 cho thấy vẫn còn hơn 75% dân thể thao chuyên nghiệp và nghiệp dư kỳ thị người LGBT+. Các môn thể thao đồng đội bị ảnh hưởng nặng nhất bởi thái độ này, nhất là bóng đá. Đa số người Pháp muốn có ‘‘các biện pháp quy mô lớn’’ chống tệ nạn này. Một cuộc điều tra cách đây ít năm tại 5 nước châu Âu (Đức, Ý, Áo, Hung và Scotland) cho thấy 20% người được hỏi không dám tham gia một môn thể thao, do lo ngại bị kỳ thị về giới. Năm 2021, chương trình Bình Đẳng Giới của chính phủ Pháp coi việc chống nạn kỳ thị người LGBT+ trong thể thao là một trong 9 ưu tiên.
Đa dạng giới tính trong thể thao: Thay đổi lớn trong giới trẻ
Trả lời HuffPost (bài ''À la cérémonie d’ouverture des JO, la représentation queer est ''un point de bascule'' pour le monde olympique'' / Lễ khai mạc Olympic, hình ảnh của queer/giới tính khác là một bước ngoặt trong thế giới Olympic), nhà xã hội học thể thao Sylvain Ferez, đại học Montpellier (tác giả cuốn Sociologie du sport gay et lesbien / Xã hội học thể thao của giới đồng tính nam, đồng tính nữ), nhận định màn trình diễn cực kỳ táo bạo này đã tạo nên’’ một bước ngoặt trong giới Thế Vận Hội quốc tế’’, đáp ứng nhu cầu thay đổi đang diễn ra trong thế hệ trẻ. Sylvain Ferez nhấn mạnh : cộng đồng Olympic đang đứng trước lựa chọn : hoặc hưởng ứng, hoặc quay lưng lại đòi hỏi thay đổi này. Với lễ khai mạc, ban tổ chức Thế Vận Hội Paris 2024 đã khẳng định thể thao là ‘‘nơi dung chứa sự đa dạng về giới tính’’ và đã thể hiện điều này ‘‘một cách ấn tượng nhất và với quy mô lớn nhất’’.
Đọc thêm : Tin giả và thù hận chống người LGBTQ gia tăng trong dịp Gay Pride châu ÂuChống kỳ thị về giới tính không có nghĩa là gây hấn với người khác. Bảo vệ quyền của mình không đồng nghĩa là chà đạp lên quyền của người khác. Trên nhật báo Công giáo La Croix(bài ''Truyền thống đương đại chuyển đối ý nghĩa của bức họa Tiệc Ly liệu có phải là báng bổ"), sử gia chuyên về đạo Thiên Chúa, cũng là một tín đồ Công giáo, ông Jean-Pascal Gay, đưa ra một cái nhìn tổng hợp hiếm có về chủ đề này. Ông nhấn mạnh đến thực tế, là từ lâu các giáo hội Thiên Chúa giáo ‘‘đã mất đi độc quyền kiểm duyệt việc giải thích các hình ảnh’’, vốn được coi thuộc về tôn giáo trong nhiều thế kỷ, như bức Tiệc Ly.
‘‘Trách nhiệm’’ của Giáo hội, ‘‘lòng nhân từ’’ của Thiên Chúa
Trong khi đó, việc những người như ‘‘các drag-queen’’ (các nghệ sĩ nam nhưng mang phong cách và ăn mặc nữ tính), thường bị kỳ thị trong xã hội, có mặt trong khung cảnh gợi nhớ đến hình ảnh Chúa Giê Su đặt ra vấn đề ‘‘trách nhiệm của các giáo hội’’ hiện nay trong việc để cho những con người ấy bị loại trừ.
Đọc thêm : Vatican chấp nhận ban phép lành cho các cặp đồng tínhSử gia Jean-Pascal Gay dẫn lại ca khúc ‘‘L’hymne à l’amour’’ của Edith Piaf (được nhiều người dịch là Thánh kinh của tình yêu), mà các tác giả chương trình đã mời ca sĩ Céline Dion, cũng là một người Công giáo, trình bày vào cuối buổi lễ, như một lời mời gọi những ai chỉ trích, lên án ‘‘sự báng bổ’’, hãy nhớ đến phẩm tính lớn nhất của Thiên Chúa : ‘‘lòng nhân từ’’.
Tin giả về nữ võ sĩ phải bỏ đấu vì nam đối thủ chuyển giới, nhiều chính trị gia tiếp tay
Vấn đề giới tính liên quan đến cộng đồng LGBT+ tại Thế Vận Hội Paris tiếp tục là chủ đề gây phản ứng dữ dội. Trên các mạng xã hội lan tràn tin đồn về việc một nữ vận động viên quyền Anh người Ý, hôm 01/08, buộc phải rời trận đấu chỉ sau 45 giây, ‘‘do gặp phải một đối thủ là nam chuyển giới thành nữ’’. Vận động viên Ý Angela Carini đã không bắt tay đối thủ Angérie Imane Khelif sau trận đấu.
Tin vừa tung ra, ngay lập tức nhiều chính trị gia phản ứng dữ dội. Nữ thủ tướng Ý Georgia Meloni lên án ‘‘một cuộc đấu bất bình đẳng’’. Trên mạng Truth Social, ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đang trong cuộc tranh cử, tuyên bố nếu lên cầm quyền ‘‘sẽ loại bỏ tất cả đàn ông ra khỏi các môn thi giành cho phụ nữ’’. Quan điểm của ông Trump được nhiều chính trị gia Cộng Hòa hưởng ứng.
Tỉ phú Elon Musk, đồng minh của cựu tổng thống, trên mạng X, mà ông sở hữu, tranh thủ cơ hội tấn công ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ, Kamala Harris. Theo Elon Musk, phó tổng thống Harris chắc chắn ủng hộ quyết định của Ủy Ban Thế Vận Hội cho phép vận động viên Algérie thi đấu, và ‘‘nếu không phải như vậy thì bà ta đã phải lên tiếng bác bỏ’’.
Phó thủ tướng Ý Matteo Salvini khẳng định vận động viên Algérie là ‘‘người chuyển giới’’. Nhiều thành phần cựu hữu Pháp lên án Ủy Ban Thế Vận, với cáo buộc vận động viên này là người ‘‘lưỡng giới’’ hay ‘‘liên giới tính’’ (intersexe).
Trên thực tế, vận động viên Angérie Imane Khelif là phụ nữ, nhưng hồi năm ngoái một liên đoàn quyền Anh thế giới không cho phép cô thi đấu với lý do lượng testosterone, được coi là hormone nam tính, vượt quá tỉ lệ cho phép. Ngược lại, Ủy Ban Thế Vận Hội Quốc tế chấp nhận cho Imane Khelif tham gia, với giải thích ‘‘nhiều phụ nữ có lượng testosterone ngang bằng nam giới’’.
Tin giả chống Thế Vận Hội, kích động hận thù
Theo báo chí Pháp, vận động viên Ý Angela Carini sau đó đã xin lỗi đối thủ vì hành động từ chối bắt tay khiếm nhã, nhưng cử chỉ hối lỗi được đưa ra quá trễ. Vụ tin giả về nữ vận động viên quyền Anh chuyển giới đã góp phần thổi bùng thêm không khí thù hận đối với Thế Vận Hội Paris, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế và giới LGBT+.
Ngoài tin giả về vận động viên chuyển giới thi đấu bất hợp pháp, Thế Vận Hội Paris cũng là mục tiêu tấn công của nhiều tin giả, như chuyện bịa người Công Giáo biểu tình tại quảng trường Trocardero gần tháp Eiffel sau lễ khai mạc để phản đối, được hàng triệu người truy cập, hay cảnh đường phố Paris bốc cháy sau vụ phá hoại các tuyến đường sắt, hoặc giường của các vận động viên tại làng Olympic làm bằng bìa carton...
Vận động viên Nam - Bắc Hàn chụp chung: Lo ngại bị Bình Nhưỡng trừng phạt
Một hình ảnh đẹp về tình hữu nghị vượt qua vực thẳm ngăn cách tại Thế Vận Hội Paris trong những ngày qua là bức ảnh chụp chung các vận động viên Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Ngày 30/07, trong môn bóng bàn đôi nam nữ, hai vận động viên Bắc Triều Tiên Ri Yong Sik và Kim Kum Yong, huy chương bạc, đã đứng chung trong một bức hình với hai vận động viên Lim Jong-hoon và Shin Yu-bin, huy chương đồng. Nhật báo Hàn Quốc JongAng Ilbo vui mừng nhấn mạnh : ‘‘Tấm hình chụp chung với quốc kỳ Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên với một chiếc điện thoại Sam Sung’’. Hai vận động viên Trung Quốc đoạt huy chương vàng cũng có mặt trong tấm hình.
Các kênh truyền hình Hàn Quốc truyền đi liên tục bức hình selfie này, và coi đây là một thời điểm hiếm có, thể hiện sự đoàn kết của hai miền Triều Tiên. ‘‘Đây thực sự là tinh thần Thế Vận Hội’’, theo một nhà bình luận. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng ghi nhận việc dân mạng Hàn Quốc lo ngại về việc các vận động viên Bắc Triều Tiên có thể phải hứng chịu các trừng phạt do chụp ảnh với dân cư quốc gia thù địch.
Về mặt chính thức, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh từ hơn 70 năm kể từ ngày đình chiến. Kể từ tháng 1/2024, lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố từ bỏ chính sách tái thống nhất, khẳng định Hàn Quốc là kẻ thù chính. Cách nay ít hôm, nhân ngày kỷ niệm chiến tranh bùng nổ, Kim Jong Un đe dọa ‘‘hủy diệt’’ hoàn toàn Hàn Quốc.
Lịch sử nước Pháp gắn bó với thế giới : Câu chuyện ‘‘bốn hồi’’
Cộng tác với Thomas Jolly trong việc biên soạn chương trình Lễ Khai mạc khổng lồ này có sử gia Patrick Boucheron, Collège de France, định chế học thuật hàng đầu của nước Pháp. Giáo sư Boucheron, chủ biên cuốn ‘‘L’histoire mondiale de la France / Lịch sử thế giới của nước Pháp’’(xuất bản năm 2017), được coi là ‘‘đồng tác giả’’ của chương trình. Ông cho biết phương châm của nhóm khi xây dựng chương trình là tránh hoàn toàn cách làm ‘‘ngạo mạn và phô trương’’ của Trung Quốc với Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, phổ biến ‘‘cách nhìn khuôn mẫu cứng nhắc về lịch sử quốc gia’’.
Với Patrick Boucheron, lịch sử nước Pháp và thế giới gắn bó mật thiết. Sức mạnh của nước Pháp chính nằm ở sự cởi mở, đa dạng, phong phú vô cùng tận. Để nước Pháp tìm được động lực tiếp tục tiến lên, điều quan trọng là tôn trọng toàn bộ sự đa dạng đó, và tìm cách ‘‘chung sống’’ (vivre ensemble), không chấp nhận để ‘‘bị co cụm’’, ‘‘bị chia rẽ’’ (Bài trả lời Le Grand Continent : ''Oui, ça ira.../ Vâng, mọi việc sẽ tốt hơn..."). Được sống với chính mình, đoàn kết, tôn trọng sự thật, hóa giải hận thù là phương châm.
Lễ khai mạc Thế Vận Hội vừa qua là một thể nghiệm hướng đến tương lai - một cốt truyện với nhiều cách hiểu. Nhưng đây mới chỉ là màn thứ nhất của một ‘‘câu chuyện bốn hồi’’. Nhà sử học mời công chúng đón xem ba hồi tiếp: lễ bế mạc Thế Vận Hội (11/08), và lễ khai mạc cùng lễ bế mạc Thế Vận Hội của người tàn tật (28/08 - 08/09).
Sat, 03 Aug 2024 - 121 - Lễ khai mạc Thế Vận Hội Olympic 2024 với tầm nhìn táo bạo của Paris
Trăm năm mới trở lại Paris, Thế Vận Hội mùa hè 2024 đã để lại nhiều dấu ấn cho khán giả toàn cầu, lần đầu được tổ chức bên ngoài sân vận động, trên dòng sông Seine tại thủ đô Pháp. Những màn trình diễn sáng tạo, táo bạo, hiện đại, truyền đi những thông điệp về văn hóa cách mạng Pháp về bình đẳng giới, về tôn giáo về những giá trị "woke"- thức tỉnh trước bất công xã hội, tạo ra hình ảnh một nước Pháp đa dạng sắc tộc,"thấu hiểu nhau".
Thủ đô Paris đã có một buổi tối ngập tràn ánh sáng, đúng như tên gọi của mình - Paris, Ville Lumière, với vô vàn những bất ngờ, những bí mật được ban tổ chức giấu kín, chỉ được vén màn cho công chúng trong lễ khai mạc Thế Vận Hội trên sông Seine. Trong khi hàng triệu khán giả từ khắp nơi trên thế giới theo dõi lễ khai mạc qua truyền hình, hàng trăm ngàn người có mặt tại Paris, bên bờ dòng sông Seine, tận mắt thưởng ngoạn những màn diễu hành của 94 con tàu chở 7. 500 vận động viên từ 206 phái đoàn (quốc gia và vùng lãnh thổ) trên lộ trình 6km, từ cầu Austerlitz đến cầu Iéna, trước tháp Eiffel. Cách đây hơn 2 năm, ban tổ chức đưa ra con số tham vọng : 2 triệu khán giả, được bố trí dọc hai bờ sông Seine, nhưng tham vọng này đã nhanh chóng bị điều chỉnh lại, xuống 600 000 và cuối cùng, chỉ còn hơn 300 000 vì bài toán an ninh.
Đọc thêm : Thế vận hội Paris 2024: Nhiều nhà báo Nga bị loại vì lý do an ninh
Những khán giả có vé đã xếp hàng từ đầu giờ chiều, cầm sẵn giấy tờ tuỳ thân trong tay để qua hàng rào kiểm soát an ninh. Đây cũng là lần đầu tiên từ 8 năm qua, du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể đến dự Thế Vận Hội mùa hè, sự kiện tại Tokyo 2020 không chỉ bị hoãn lại vì đại dịch Covid-19, mà còn đóng cửa với khách du lịch.
Ông Ivan Gimenes đến từ Colombia, một người yêu thể thao và gần như không bỏ lỡ Thế Vận Hội nào từ 20 năm, trừ sự kiện tại Tokyo. Ông cùng bạn mình đã đặt vé từ sớm với mức giá 90 euro. Ông cho biết : “Tôi muốn chứng kiến khoảnh khắc cả thế giới cùng nhau hội tụ quanh thể thao, đây là một dịp quan trọng, đối với sự phát triển của thế giới, cho hòa bình và đoàn kết của thế giới, đó là lý do tại sao chúng tôi ở đây. Trong thể thao, mọi người đều bình đẳng, giống nhau, và chỉ có thể tốt hơn nhờ vào tập luyện, nhờ vào sức mạnh… Do vậy tôi rất tự hào khi có mặt tại đây, ngay dưới chân tháp Eiffel”.
Đối với gia đình 4 người nhà bà Stéphanie Hourdin, đến từ Toulouse, thành phố miền nam nước Pháp, sự kiện 100 năm một lần tại Paris là không thể bỏ lỡ.“Để cùng trải qua thời khắc này cùng nhau, cùng những khán giả từ các quốc gia khác nhau, đều quan tâm đến thể thao. Để quên đi những muộn phiền của thế giới trong lúc này và nói rằng chúng tôi đều quan tâm và cùng yêu thích thể thao”, bà Stéphanie chia sẻ.
Buổi lễ chính thức bắt đầu từ 19h30. Theo truyền thống, phái đoàn Hy Lạp – nơi khởi nguồn của Thế vận hội Olympic cổ đại, (từ năm 776 trước Công nguyên), tiến vào đầu tiên, mở ra buổi diễu hành trên sông Seine. Tiếp đó là tàu chở các vận động viên của phái đoàn Những vận động viên tị nạn - Équipe olympique des réfugiés, dưới màu cờ của Olympic, là những người được cấp quy chế tị nạn, không thể tham gia thi đấu vì không thuộc phái đoàn của một quốc gia nào.
Đội tuyển Olympic về Người tị nạn lần đầu được xuất hiện tại Thế Vận Hội Rio 2016 và chính thức được Ủy ban Olympic quốc tế thành lập thành phái đoàn riêng biệt vào tháng Ba năm 2021, tại sự kiện Thế Vận Hội Tokyo. Đội tuyển năm nay gồm 37 vận động viên trong 12 môn thể thao, là những người tị nạn ở nhiều quốc gia khác nhau. Để được gia nhập, vận động viên đó phải đạt được thành tích cao trong môn thể thao của mình, và có quy chế tị nạn, được tiếp đón tại một nước khác theo quy chế tị nạn, được Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công nhận.
206 phái đoàn diễu hành trên sông Seine
Các phái đoàn lần lượt tiến vào, theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Pháp. Sự kiện năm nay chào đón sự trở lại của phái đoàn Bắc Triều Tiên, vắng bóng tại Tokyo năm 2021. Phái đoàn của Palestine cũng được chào đón nồng nhiệt bằng những tràng vỗ tay của khán giả bên hai bờ sông Seine, trái ngược với những tiếng hò reo phản đối trước sự xuất hiện của phái đoàn Israel. Các vận động viên Việt Nam cũng có mặt, gồm 12 vận động viên nữ và 4 vận động viên nam, tham gia thi đấu các môn như xe đạp, bơi lội, bắn súng, cử tạ, bắn cung, hay judo. Cuộc diễu hành kết thúc bằng chiếc tàu chở các vận động viên Pháp.
Tại Trocadéro, dưới chân tháp Eiffel, trước nguyên thủ của 85 quốc gia và nhiều lãnh đạo của các định chế quốc tế, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố chính thức khai mạc Thế Vận Hội Olympic lần thứ 33 của thời hiện đại”.
Sự trở lại của Céline Dion
Buổi lễ khai mạc kéo dài 4 tiếng đã được đánh dấu bởi những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo, biến sông Seine thành sân khấu, dưới sự chỉ đạo của Thomas Jolly, đạo diễn sân khấu và opera. Hầu hết các tiết mục đều được giữ bí mật, ngoại trừ một số lời đồn đoán thành thật. Tiêu biểu như sự xuất hiện của nữ danh ca Lady Gaga, mở màn Thế Vận Hội với bài hát bằng tiếng Pháp “Mon truc en plumes”. Với điệu nhảy cổ điển carabet, trong trang phục lộng lẫy hồng đen, được mượn từ kho của Le Lido, nữ danh ca người Mỹ chia sẻ trên mạng xã hội X : “Dù không phải là một nghệ sĩ Pháp, nhưng tôi luôn có kết nối đặc biệt với Pháp,…, tôi muốn tạo ra màn trình diễn để sưởi ấm trái tim của Pháp, tôn vinh nghệ thuật Pháp và âm nhạc trong một sự kiện đặc biệt này”. Hay màn trình diễn hai bản nhạc nổi tiếng của ca sĩ Pháp được nhiều người nghe nhất thế giới Aya Nakamura, với phần phụ họa từ các vệ binh cộng hòa.
Vào những phút cuối của lễ khai mạc, các khán giả đã có những giây phút xúc động trước sự trở lại của ca sĩ xứ nói tiếng Pháp Québec, Céline Dion, khi cô cất lên tiếng cát “L’hymne à l’amour”do Édith Piaf sáng tác. Đây cũng là lần đầu tiên từ 4 năm qua Céline hát trước công chúng, vì lý do sức khoẻ không cho phép. Trên mạng xã hội X, thủ tướng Canada Justine Trudeau ca ngợi nữ ca sĩ tài năng coi bà “một biểu tượng của Canda”, đã phải vượt qua nhiều trở ngại để hiện diện tại Paris.
Những bất ngờ nối tiếp bất ngờ
Pháp cũng muốn truyền đi thông điệp về một nước Pháp đa dạng sắc tộc qua khúc quốc ca La Marseillaise do nữ danh ca da màu đến từ vùng Guadeloupe Axelle Saint-Cirel thực hiện, cầm quốc kỳ Pháp, đứng trên nóc cung điện Grand Palais, tạo hình tượng về nàng Marianne.
Hay thông điệp về lịch sử“cách mạng” được các nghệ sĩ tái hiện qua bức họa của Delacroix Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân (La Liberté guidant le peuple), tiếp nối hình ảnh hoàng hậu Marie-Antoinette cầm chiếc đầu bị chặt, hát bài “Ah! ça ira”, bài hát phổ biến trong Cách Mạng 1789, được nhìn thấy từ các khung cửa sổ của Cung điện công lý – Palais de Justice, dưới nền nhạc metal của nhóm Gojira.
Buổi lễ cũng đã tạo ra những dấu ấn táo bạo với các điệu nhảy từ những nghệ sĩ đồng giới, đa sắc tộc, màu da, về cuộc tình tay ba, song tính. Đặc biệt là màn biến tấu bức tranh mà ban tổ chức giải thích là Bữa tiệc của các vị thần, nhưng bị hiểu lầm là bức Tiệc Ly (Cène) - bữa ăn cuối cùng của Jésus, của danh họa Leonardo Da Vinci, được tái hiện bởi những nghệ sĩ đủ hình hài màu da, những Drag Queen (những nghệ sĩ biểu diễn thường là nam giới, nhưng có phong cách ăn mặc nữ tính, trang điểm đậm). Trên bàn tiệc đó, ca sĩ người Pháp Philippie Katerine xuất hiện gần như khỏa thân, người phủ sắc xanh như Xì-Trum (Les Schtroumpfs), đóng vai vị thần Hy Lạp Dionysos, vị thần của rượu vang, nhạc kịch và các lễ hội quá đà, thể hiện bài hát “Nu”- khỏa thân. "Người giàu hay nghèo, khi khỏa thân thì đều giống nhau,..", trích lời bài hát. Ban tổ chức khẳng định rằng tiết mục này “khiến mọi người nhận thức về sự vô lý của tình trạng bạo lực giữa con người”.
“Đó là một lễ khai mạc tuyệt vời, thể hiện nhiều cam kết và truyền tải đi nhiều thông điệp về tình đoàn kết, nêu ra nhiều vấn đề về bình đẳng giới, hay tôn giáo, đúng là tạo ra nhiều hy vọng cho tương lai”,như nhận xét của Aurore, một khán giả đến dự buổi lễ. Một khán giả đến từ Mỹ thì khẳng định rằng “đây là buổi lễ khai mạc tuyệt vời nhất mà tôi được thấy, tôi sẽ cảm thấy lo cho ban tổ chức Thế Vận Hội tiếp sau sau sự kiện ở Paris”.
Màn trình diễn nghệ thuật thể hiện sự tự do, hiện đại, đầy tính sáng tạo, được nhiều báo chí quốc tế dành lời có cánh. “Trong bối cảnh đối đầu chính trị hết sức căng thẳng, khiến nước Pháp rơi vào ngõ cụt (ý nói về cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp), lễ khai mạc như một lời mời để suy nghĩ lại về hướng đi của quốc gia và về khả năng thấu hiểu lẫn nhau”, như nhận xét của New York Times.
Nếu như cánh tả Pháp tỏ ra hài lòng về những thông điệp “woke” - tính thức tỉnh với những bất công sai trái trong xã hội, thì những thông điệp tự do tính dục, tôn giáo, thậm chí bị coi là“báng bổ”Công Giáo, được coi là giọt nước tràn lý đối với phe cực hữu, bảo thủ. Nghị viên Châu Âu người Pháp Marion Maréchal khẳng định rằng “khó có thể chấp nhận những hình ảnh bà hoàng hậu bị chặt đầu, đám đông hôn nhau, hay cảnh vệ binh cộng hòa bị sỉ nhục, cùng nhảy theo Aya Nakamura, trang phục vũ đạo xấu xí, chúng ta tuyệt vọng tìm cách tôn vinh các giá trị của thể thao và vẻ đẹp của nước Pháp ở giữa những tuyên truyền thô thiển”. Bà khẳng định rằng đó không phải là nước Pháp mà chỉ là một bộ phận thiểu số cánh tả.
Chính trị gia thuộc đảng cực hữu Reconquete, Damien Rieu thì nhắc lại điều 50-02 của Ủy ban Olympic Quốc tế không cho phép “quảng bá về chính trị, tôn giáo, hay chủng tộc tại bất cứ địa điểm nào của Olympic”.
Song song với các màn trình diễn, diễu hành tàu trên sông Seine là màn rước đuốc của một kị sĩ áo đen bí ẩn, băng qua khắp thủ đô Paris, cho đến khi những người rước đuốc cuối cùng được tiết lộ, từ siêu sao quần vợt Rafael Nadal cho đến các vận động viên khác như Tony Parker hay Allison Pineau. Ngọn đuốc cuối cùng, thắp lên vạc lửa do hai nhà vô địch Pháp Marie-José Pérec (ba lần vô địch điền kinh Olympic) và Teddy Riner (ba lần vô địch Judo Olympic).
45 000 tình nguyện viên hỗ trợ Thế Vận Hội Paris 2024
Để làm lên sự kiện đánh dấu 100 năm lửa Olympic quay lại Paris, là công sức nhiều năm chuẩn bị nước chủ nhà, bên cạnh việc bảo đảm an ninh của 50 000 cảnh sát hiến binh cũng như sự hỗ trợ của 45 000 tình nguyện viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
Bùi Tiến Quốc, du học sinh người Việt là một trong số các tình nguyện viên trong buổi lễ khai mạc dưới mưa, phụ trách phân luồng, hỗ trợ khán giả ổn định chỗ ngồi. “Tôi có ca làm việc từ hai giờ rưỡu chiều, cho đến hiện tại bây giờ là 12 giờ đêm, thì cũng rất là rã rời… Ban đầu tôi thấy rất hào hứng, vì những tiết mục, dàn dựng, cách họ sắp xếp cho các quốc gia xuất hiện rất hoành tráng nhưng, trong cả buổi lễ, tôi thấy là Pháp có chương trình kịch bản với nhịp điệu khá chậm. Ví dụ chi tiết con ngựa chạy trên sông, khá dài, nên những tình nguyện viên như mình đứng chờ lâu khá là mệt. Về âm thanh ánh sáng, tiết mục hát của Céline Dion, chỉ cần cất một câu hát lên thôi là tất cả mọi người đều xúc động”.
Dù trời mưa gần như cả buổi tối lễ khai mạc, nhưng không khí náo nhiệt, hào hứng bao trùm khắp sự kiện. Các nghệ sĩ biểu diễn hết mình dưới mưa, như phần thể hiện bài Imagine (John Lennon), được coi là bài ca hòa bình, của ca sĩ người Pháp Juliette Armanet, dưới tiếng đệm nhạc piano của Sofiane Pamart. Chủ tịch Ủy ban Olympic Paris, Tonytony Estanguet, trả lời trên France 2, khẳng định đã tính đến khả năng trời mưa khi tổ chức ở ngoài trời. Tuy nhiên, với 9 tỷ euro dành cho tổ chức Thế Vận Hội, Paris đã không tính đến khả năng "tạo nắng nhân tạo", ngăn mưa, như Trung Quốc đã làm hồi 2008, có thể là vì lý do sinh thái.
Bên chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì thời tiết có lẽ là LVMH, tập đoàn xa xỉ hàng đầu thế giới của Pháp, một trong những nhà tài trợ chính của sự kiện. LVMH đã thiết kế những mẫu trang phục đặc biệt nhân dịp này cho các vận động viên, nghệ sĩ, và cả tình nguyện viên, nhưng bị che khuất bởi những áo mưa, ô dù.
Sat, 27 Jul 2024 - 120 - Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đắc cử một phần nhờ đảng Xanh, Pháp qua cơn chao đảo vẫn đang chờ thủ tướng
Hai cuộc bỏ phiếu trong cùng một ngày tại Pháp. Ngày 18/07/2024, ở Strasbourg, Nghị Viện Châu Âu bầu lại Ursula von der Leyen vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Tại Paris, Hạ Viện Pháp bầu lại Yaël Braun-Pivet, đảng của tổng thống, làm chủ tịch Quốc Hội. Nếu như với Liên Âu, cuộc bầu cử chủ tịch Ủy Ban cho phép khép lại giai đoạn nhiều bất trắc, thì với Pháp, cơn chao đảo tạm qua nhưng thượng đỉnh quyền lực vẫn tiếp tục căng thẳng, viễn cảnh có được chính phủ mới còn xa vời.
Tại thượng đỉnh liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ở Washington, tuyên bố chung của 32 quốc gia NATO đã dùng những lời lẽ ‘‘chưa từng có’’ để lên án Bắc Kinh tiếp tay Nga chống Ukraina. Trung Quốc và Philippines thiết lập đường dây nóng ở ba cấp để phòng ngừa xung đột ở Biển Đông. Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
***
Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, ngày 09/06/2024, diễn ra trong bối cảnh các đảng phái cực hữu gia tăng ảnh hưởng tại nhiều nước châu Âu. Rút cục liên minh truyền thống giữa ba đảng cánh hữu PPE, cánh tả Xã hội - Dân chủ và đảng cánh trung Renew tiếp tục chiếm đa số tại Nghị Viện. Tuy nhiên, việc tái ứng cử của chính trị gia cánh hữu người Đức Ursula von der Leyen vào chức chủ tịch Ủy Ban Châu Âu – thường được ví như ‘‘thủ tướng’’ của Liên Âu - không hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Căng thẳng kéo dài cho đến trước cuộc bỏ phiếu ngày 18/07.
Von der Leyen bị nhiều phản đối ngay trong nội bộ cánh hữu
Chủ tịch mãn nhiệm cần 361 phiếu (trên 720) để có thể tái đắc cử. Về nguyên tắc, việc liên minh ba đảng nói trên có 399 nghị sĩ cho phép von der Leyen, ứng cử viên duy nhất vào chức vụ này, dễ dàng chiến thắng. Tuy nhiên, hàng chục nghị sĩ trong liên minh, chủ yếu thuộc đảng cánh hữu, cho biết sẽ chống lại chủ tịch mãn nhiệm. Von der Leyen vì vậy cần thêm nhiều phiếu ngoài liên minh ba đảng.
Nhà quan sát Neil Makaroff, giám đốc trung tâm các ý tưởng châu Âu Strategic Perspectives, ghi nhận: ‘‘Ursula von der Leyen đứng trước một thách thức lớn trong việc tìm được một thế cân bằng chính trị mới. Bà buộc phải quay sang một đối tác thứ tư. Đây có thể là đảng cực hữu Fratelli d’Italia của thủ tướng Meloni. Tuy nhiên, đối với đảng Xã hội Dân chủ châu Âu, đồng minh của von der Leyen, điều này không thể chấp nhận được. Von der Leyen có thể chọn hướng về đảng Xanh, nhưng một bộ phận nghị sĩ cánh hữu Đức không chấp nhận điều này’’.
100 ngày nắm quyền đầu tiên: ‘‘Thỏa thuận công nghiệp sạch’’ châu Âu
Trước thềm cuộc bỏ phiếu có nhiều lo ngại Thỏa ước chuyển sang nền kinh tế Xanh có thể bị hy sinh để phục vụ cho các mặc cả chính trị. Nhà quan sát Neil Makaroff nhấn mạnh: số phận của Thỏa ước chuyển sang nền kinh tế Xanh của châu Âu sẽ phụ thuộc vào ‘‘thế cân bằng mới’’, và phát biểu trước Nghị Viện của chủ tịch von der Leyen sẽ mang lại một chỉ dấu quyết định. Nâng cao sức cạnh tranh của nền công nghiệp gắn chặt với chuyển hướng sang kinh tế trung hòa về khí thải là một trong ba chính sách trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu nhiệm kỳ 2024 - 2029, cùng với việc xây dựng châu Âu tự do - dân chủ và tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng. Ba trụ cột này đã được lãnh đạo 27 nước châu Âu phê chuẩn về nguyên tắc tại thượng đỉnh Hội Đồng Châu Âu 27/06, nhưng các mục tiêu cụ thể sẽ do chủ tịch Ủy Ban xác định.
Rút cục trong bài diễn văn tái ứng cử, Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh đến mục tiêu cắt giảm khí thải mang tính cưỡng chế đến 90% vào năm 2040 (so với thập niên 90), điều mà không ít nghị sĩ cùng cánh hữu với bà bất đồng. Với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cuộc chạy đua nâng cao năng lực cạnh tranh của công nghiệp châu Âu phải gắn chặt với công cuộc chuyển sang nền kinh tế giã từ năng lượng hóa thạch.
Đọc thêm : Châu Âu muốn tăng tốc sang kinh tế Xanh: Ba thách thức trước mắtVon der Leyen cam kết 100 ngày cầm quyền đầu tiên sẽ trình ra một ‘‘Thỏa thuận công nghiệp sạch’’ cho phép châu Âu sản xuất được các sản phẩm cần thiết cho công cuộc chuyển đổi năng lượng, giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Biện pháp cấm bán xe chạy xăng dầu từ năm 2035 vẫn được duy trì. Việc khẳng định tiếp tục công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, vốn là một trong các chủ trương chính của nhiệm kỳ trước, cho phép von der Leyen nhận được sự ủng hộ của gần 40 nghị sĩ đảng Xanh. Con số tuy không thật lớn, nhưng nếu thiếu, sẽ gây khó khăn rất nhiều cho việc tái đắc cử.
Nước Pháp tạm qua cơn chao đảo, đảng của tổng thống giành lại chức chủ tịch Quốc Hội
Liên Hiệp Châu Âu và Pháp như đi cùng một nhịp. Vài giờ sau cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, tại Hạ Viện Pháp các dân biểu bước vào cuộc bỏ phiếu căng thẳng bầu tân chủ tịch Quốc Hội. Bầu cử Quốc Hội trước kỳ hạn được tổng thống Macron quyết định ngay sau khi kết quả bầu cử Nghị Viện Châu Âu được công bố hôm 09/06. Quyết định bất ngờ của tổng thống, mặc dù được sự hưởng ứng của khoảng 60% cử tri Pháp vào thời điểm đó, đã gây phản ứng bàng hoàng trong xã hội.
Trong bối cảnh phe cực hữu về đầu trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, với tỉ lệ cử tri ủng hộ gấp đôi liên minh của tổng thống, một cuộc bầu cử tiếp theo chỉ trong ba tuần lễ bị nhiều người lên án là mở đường cho phe cực hữu lên cầm quyền. Nhiều chính trị gia, nhà quan sát nói đến nước Pháp trước ngưỡng cửa ‘‘bất định’’. Một số người thậm chí nói đến nguy cơ xung đột xã hội bùng phát, thậm chí nguy cơ ‘‘nội chiến’’.
Đọc thêm : Giải tán Quốc Hội Pháp : Canh bạc đầy rủi ro của tổng thống MacronCuộc bầu cử ngày 07/07 đã khép lại với kết quả bất ngờ. Đảng cực hữu chỉ về thứ ba, thay vì đứng đầu như một số dự đoán. Hạ Viện Pháp chia thành ba khối, liên minh cánh tả, liên minh của tổng thống và phe cực hữu. Trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch mãn nhiệm thuộc phe tổng thống, bà Yaël Braun-Pivet, rút cục đã tái đắc cử.
Nếu như nỗi sợ cực hữu lên cầm quyền lùi xa hẳn, chính trường nước Pháp chưa có dấu hiệu thoát khỏi thế bế tắc. Việc đề cử tân thủ tướng và lập chính phủ mới vẫn là thách thức chưa có lối ra. Trong lúc liên minh của tổng thống Macron tìm cách mở rộng sang khối dân biểu đối lập Cánh hữu vì nền Cộng Hòa, thì liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới vẫn hoàn toàn bế tắc trong việc đề cử ứng viên thủ tướng chung.
Nhà khí hậu Tubiana: Cơ hội cuối cùng cho hợp tác cánh tả - cánh trung ?
Đầu tuần này, ba đảng phái cánh tả, gồm đảng Xã Hội, đảng Xanh và đảng Cộng Sản (trong số bốn đảng của liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới) đã thống nhất đề cử một nhà hoạt động thuộc xã hội dân sự, kinh tế gia - chuyên gia về khí hậu, bà Laurence Tubiana, 73 tuổi, người được coi là đã góp phần quyết định vào Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015, một thỏa thuận lịch sử giúp cộng đồng quốc tế xác định đúng hướng đi nhằm hóa giải thách thức được coi là sống còn với nhân loại. Bà Taubiana là đồng chủ tịch ‘‘Hội nghị Công dân vì Khí hậu’’ (2019-2020), một cơ chế huy động sáng kiến công dân của chính phủ Pháp.
Đọc thêm - Hội nghị Công dân vì Khí hậu: Một "đột phá" của nền dân chủ PhápLaurence Tubiana nổi tiếng là người vừa tranh đấu đến cùng cho các mục tiêu vì công lý, nhưng giỏi đối thoại và thỏa hiệp. Ngày 18/07, trong cuộc trả lời phỏng vấn AFP, bà Tubiana cho biết sẵn sàng đảm đương chức vụ này, lấy cương lĩnh tranh cử của Mặt Trận Bình Dân Mới làm ‘‘kim chỉ nam’’, nhưng không coi đây là ‘‘cái rốn của vũ trụ’’ (barycentre). Một diễn đạt ngụ ý chỉ trích quan điểm của lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất – LFI của Jean-Luc Mélenchon.
Cho đến nay, đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất cực lực phản đối đề xuất này, cáo buộc chuyên gia về khí hậu Laurence Tubiana gần gũi với phe của tổng thống. Một số dân biểu LFI đã không tha thứ cho Tubiana khi bà ký tên vào một tuyên bố trên Le Monde hôm 11/07, kêu gọi chính Mặt Trận Bình Dân Mới (liên đảng về đầu trong cuộc bầu cử Hạ Viện) ‘‘chìa tay ra với các thành phần khác trong Mặt Trận Cộng Hòa (chống cực hữu) để thảo luận về một cương lĩnh hành động khẩn cấp chung’’.
Theo nhiều chính trị gia, nhà quan sát, để có thể có được thủ tướng mới trong bối cảnh không liên đảng nào đạt được ‘‘đa số rõ ràng’’ tại Hạ Viện, các đảng phái của nước Pháp cần phải học hỏi nhiều nước châu Âu khác, trong việc đối thoại tìm kiếm thỏa hiệp vì các lợi ích chung, vì cộng đồng, thay vì khăng khăng khẳng định lẽ phải duy nhất thuộc về mình. Cuộc bầu cử tại Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg vừa qua ắt để lại nhiều bài học cho nước Pháp.
Đọc thêm : Khi không có đa số tuyệt đối trong Quốc Hội, các nước châu Âu được lãnh đạo như thế nào ?Chuyển sang nền kinh tế không năng lượng hóa thạch tiếp tục là một trụ cột trong chính sách của Liên Âu trong nhiệm kỳ của chủ tịch von der Leyen. Nhưng về phía nước Pháp, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới liệu có đạt đồng thuận chọn người từng góp phần quyết định cho chính sách khí hậu của nhân loại làm ứng cử viên thủ tướng?
Lên án Trung Quốc tiếp tay Nga chống Ukraina: NATOcứng rắnhơn hay chỉ nhìn nhận một thực tế ?
Một diễn biến được chú ý trong dịp thượng đỉnh của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương hồi giữa tuần trước tại Washington là việc tổng thư ký NATO đích danh nhấn mạnh đến « trách nhiệm »của Bắc Kinh trong cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Lập trường được nhiều người đánh giá là ‘‘cứng rắn chưa từng thấy’’ của khối NATO được thể hiện qua phát biểu của tổng thư ký Jens Stoltenberg hôm 10/07 : ‘‘Trung Quốc cung cấp các thiết bị lưỡng dụng, từ vi mạch điện tử đến nhiều công cụ khác để giúp Nga chế tạo tên lửa, bom, máy bay và nhiều loại vũ khí dùng để tấn công Ukraina’’. Tổng thư ký khối NATO nhấn mạnh : ‘‘Trung Quốc không thể tiếp tục hành động như vậy, mà các lợi ích và uy tín của Trung Quốc không bị tổn hại’’. Khối NATO đã ra một thông cáo chung khẳng định ‘‘quan ngại sâu sắc về vai trò của Trung Quốc trong cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraina’’.
Liệu lập trường nói trên có cho thấy NATO đã trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không ? Trả lời đài France 24, chuyên gia Mathieu Droin (chương trình Châu Âu, Nga và khu vực Á – Âu, Center for Strategic and International Studies - CSIS) giải thích: ‘‘Đây không hẳn đã là một bước ngoặt mới với NATO. Lần đầu tiên Liên minh Bắc Đại Tây Dương nói đến Trung Quốc là vào năm 2019. Đến năm 2022, một bước ngoặt quan trọng đã diễn ra, trong văn bản định hướng mang tên Concepts stratégiques (Các khái niệm chiến lược), lần đầu tiên Trung Quốc đã được nêu ra như một thách thức mang tính hệ thống với NATO. Bước chuyển đổi quan trọng chắc chắn đã được Hoa Kỳ thúc đẩy này vốn đã xem Trung Quốc là đối thủ chính. Và lập trường này đã được tổng thư ký Jens Stoltenberg tiếp nối’’.
Đọc thêm - Tập Cận Bình đi Pháp: Cuộc tiếp đón gây tranh cãi của Macron và thông điệp từ nước MỹVề vấn đề này, trên Radio France, nhà quan sát chính trị Pierre Haski đưa ra một nhận xét bổ sung : việc NATO tỏ ra đặc biệt cứng rắn với Trung Quốc trong lần thượng đỉnh này có nhiều khả năng cho thấy nước Pháp, một thành viên chủ chốt của khối, đã từ bỏ lập trường cho rằng có thể thông qua lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thuyết phục Nga có các thỏa hiệp về chiến tranh tại Ukraina.
Đường dây nóng Trung Quốc – Philippines ở Biển Đông: Khoảng khắc hòa hoãn trước giờ xung đột ?
Trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Đông tăng vọt từ nhiều tuần qua, với hàng loạt sự cố giữa tuần duyên Philippines và hải cảnh Trung Quốc tại khu vực cần Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa, nơi một lực lượng Philippines đồn trú trên con tàu mắc cạn bị tàu thuyền Trung Quốc cô lập. Giữa tháng 6, đụng độ dữ dội đã xảy ra khi hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Philippines bằng vũ khí thô sơ khiến nhiều người bị thương. Nhiều nhà quan sát nói đến nguy cơ chiến tranh. Tình hình dường như có vẻ lắng dịu từ đầu tháng 7, với việc hai bên nối lại các đàm phán với đại diện ngoại giao cấp cao.
Theo truyền thông quốc tế và Philippines, hôm 16/07, Manila và Bắc Kinh dự tính lập các đường dây nóng các cấp, đặt biệt là giữa ‘‘văn phòng tổng thống Philippines và phủ chủ tịch Trung Quốc’’ để kịp thời tránh để các cuộc đối đầu vượt tầm kiểm soát. Các đường dây nóng Trung Quốc – Philippines nói trên liệu có thể giúp cho việc giải quyết căn bản các mâu thuẫn đối đầu tại Biển Đông, có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang hay không ?
Đọc thêm - Biển Đông: Philippines tuyên chiến với chiến thuật “vùng xám” của Trung QuốcNgày 17/07, Hoàn cầu thời báo, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lập trường dân tộc chủ nghĩa cứng rắn có bài bình luận về sự kiện này. Với Bắc Kinh, việc thiết lập đường dây nóng cho thấy Trung Quốc và Philippines sẵn sàng giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, nhưng Hoàn Cầu Thời Báo ngay từ đầu đã nhấn mạnh thành công hay không của các đường dây nóng ‘‘phụ thuộc phần lớn vào sự chân thành của Philippines trong việc giải quyết tranh chấp, cũng như kết quả phối hợp giữa các cơ quan khác nhau trong nước Philippnes’’.
Hay nói cách khác, Trung Quốc đã sẵn sàng trong thế đổ lỗi cho Philippines : nếu các xung đột xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc, mà Trung Quốc tìm cách lấn lướt để biến thành khu vực tranh chấp, là do lỗi của Manila.
Sun, 21 Jul 2024 - 119 - Micheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic
Trong lịch sử Thế Vận Hội, nữ vận động viên điền kinh Micheline Ostermeyer là người duy nhất vừa ngự trị trên các sân vận động, vừa là một nghệ sĩ dương cầm chinh phục khán giả khó tính của dòng nhạc cổ điển tại những nhà hát giao hưởng của Pháp và châu Âu.
Ba huy chương Olympic : 2 vàng và 1 đồng
« Trước sự chứng kiến của Quốc Vương và Hoàng Hậu Anh, 82. 000 khán giả và 6.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về Luân Đôn dự lễ khai mạc Thế Vận Hội lần thứ 14 (...) Trong môn thi đấu đầu tiên, môn ném đĩa nữ, nữ vận động viên người Ý Edera Cordiale Gentile đang dẫn đầu (...) về hạng ba, là nữ vận động viên Pháp, Jacqueline Mazéas (...) Nhưng giờ đây nhà vô địch của Pháp Micheline Ostermeyer nhập cuộc! Và thưa quý vị. cô phá kỷ lục của Pháp, đoạt chức vô địch Olympic … Chiến thắng đầu tiên của Pháp » Thế Vận Hội Luân Đôn 1948.
Trên đây là tường thuật trên đài phát thanh Pháp về sự kiện Olympic Luân Đôn. Micheline Ostermeyer tỏa sáng. Bà ra về với hai huy chương vàng và một đồng.
Bốn ngày sau khi đoạt huy chương vàng ở môn ném đĩa, Micheline bất ngờ đoạt luôn chức vô địch ở môn ném tạ và lại rạng rỡ bước lên bục cao nhất để nhận chiếc huy chương vàng. Giới hâm mộ thể thao Pháp lại được tin :
« Micheline Ostermeyer, với thành tích 13 mét 75, đoạt chức vô địch Olympic. Lần thứ nhì bà bước lên bục cao nhất để nhận giải thưởng trong tiếng quốc ca La Marseillaise, cờ Pháp bay cao trên bầu trời Olympic ».
Năm 1948 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic phụ nữ được tham gia bộ môn này và chiếc huy chương đầu tiên đã được trao tặng cho Micheline Ostermeyer.
Một bản giao hưởng ở hậu trường sân vận động Luân Đôn
Trong những giờ phút thư giãn, Micheline Ostermeyer chơi đàn và đã tặng cho các đồng đội một buổi hòa nhạc dương cầm đáng ghi nhớ trước khi Micheline trở lại sân vận động, nhưng lần này là để thi đấu ở môn nhẩy cao …
Ignace Heinrich, nam vận động viên điền kinh cùng dự Olympic Luân Đôn kể lại :
« Tôi còn nhớ khi Micheline bước vào sân vận động : tôi khuyến khích cô ấy cố gắng lên, thi thố tài năng hết mình. Micheline trả lời ngắn gọn : ‘không lo’. Đấy là phong cách của cô ấy. Cô không có gì để mất, không sợ gì cả và quyết chí đi đến cùng ».
Micheline Ostermeyer ra về với một chiếc huy chương đồng. Nhiều năm sau, bà rất hãnh diện với thành tích ba chiếc huy chương Olympic Luân Đôn :
« Tôi rất hạnh phúc đến Luân Đôn tranh tài, tôi đã được tham dự cuộc chơi và may mắn là đã khá thành công. Tôi đã cố gắng hết sức mình, nên không ân hận về điều gì. Ở môn nhảy cao, tôi về hạng ba và tôi biết là không thể nào vượt qua được hai vận động viên đã đoạt huy chương vàng và bạc. Olympic tại Luân Đôn năm 1948 là một kỷ niệm rất đẹp ».
Nữ vận động viên Pháp Paule Laurent rất khâm phục một nhà thể thao đàn chị : « Micheline là người đầy nghị lực để thi đấu. Mục đích của bà là phải thắng, cho nên bà đã chuẩn bị rất kỹ mỗi lần ra sân vận động để thi đấu cũng như trước những buổi hòa nhạc trên sân khấu. Bà luôn tìm đến gần nhất với sự hoàn hảo ».
Âm nhạc, tình yêu ban đầu
Micheline Ostermeyer sinh năm 1922 tại một thành phố nhỏ ở miền bắc nước Pháp. Mẹ là nhạc sĩ dương cầm, âm nhạc là dấu ấn của gia đình bên ngoại còn bên nội đã truyền lại cho bà niềm đam mê thể thao.
Trong Thế Chiến Thứ Hai gia đình bà sang định cư ởTunis. Micheline đỗ thủ khoa tú tài 1và cùng lúc đoạt luôn 5 danh hiệu vô địch điền kinh của Tunisie. Không chỉ có thế, cô con gái trong gia đình Ostermeyer còn đoạt giải nhất Học Viện Âm Nhạc Tunis và đã sớm thành danh trong làng âm nhạc cổ điển. Micheline được mời biểu diễn tại những phòng nhạc uy tín nhất của thủ đô Tunis và đã nhiều lần thu âm các chương trình nhạc cổ điển cho Đài Phát Thanh Quốc Gia.
Kết thúc chiến tranh cùng gia đình trở lại Paris, Micheline ghi danh vào Nhạc Viện Paris rồi cô mon men đến gõ cửa Hiệp Hội Điền Kinh Quốc Gia Pháp. Khi biết Micheline là « nhạc sĩ dương cầm », không ít người trong hội « phì cười » và khiêu khích nhìn vào đôi tay của nhạc sĩ dương cầm này.
Micheline Ostermeyer biết rằng cách trả lời duy nhất là những thành tích của bà trên sân vận động. Chỉ vài tháng sau, Micheline Ostermeyer đoạt chức vô địch toàn quốc môn ném tạ.
Năm 1947 là thời điểm Micheline vừa chuẩn bị đại diện cho nước Pháp ở Thế Vận Hội Luân Đôn, vừa biểu diễn hòa nhạc ở nhà hát nổi tiếng Salle Gaveau Paris…
Sau thành công sáng chói ở Olympic Luân Đôn, Micheline Ostermeyer quay trở về với « tình yêu ban đầu » là âm nhạc. Kể từ năm 1951 bà không còn thi đấu.
Thế nhưng, do cuộc sống gia đình, nhiều lần phải theo chồng ra nước ngoài Micheline phải tạm rời xa ánh sáng đèn màu của những phòng hòa nhạc nổi tiếng ở châu Âu. Bà dạy đàn để kiếm sống. Bà về giảng dạy tại trường nhạc ở thành phố Lorient vùng Bretagne, tây bắc nước Pháp. Micheline Ostermeyer giọng nói đượm buồn tâm sự :
« Về đời sống của mình trong thế giới âm nhạc, tôi không tiếc nuối gì cả. Tôi luôn được sống và vẫn sống cùng với âm nhạc. Tôi dạy đàn để kiếm sống, nên thường đứng bên cạnh chiếc dương cầm nhiều hơn là được ngồi trước nhạc cụ này ».
Ngoài đời, Micheline Ostermeyer gặp nhiều bất hạnh : Chồng bà mất sớm rồi đến lượt con trai bà tử vong. Trong nỗi khổ đau tột cùng, âm nhạc là người bạn trung thành giúp bà đi đến cuối cuộc đời. Micheline Ostermeyer tâm sự :
« Nói đến những bất hạnh, quả thực là tôi đã trải qua nhiều khổ đau, tôi còn sống được là nhờ có âm nhạc. Không hiểu rằng những người khác thì sao và làm sao để sống như thế nào nếu chúng ta không thể thả hồn mình vào âm nhạc. Tôi đã lớn lên cùng với âm nhạc và đây là người bạn đồng hành cho giúp chấp nhận những mất mát, chấp nhận bị chia cách khỏi những người từng cùng tôi sống vì âm nhạc »
Micheline từ bỏ thành phố Lorient, trở về sống và giảng dậy tại học việc âm nhạc ở Saint Germain en Laye, ngoại ô Paris. Tại đây bà đã đào tạo nhiều thế hệ các nhạc sĩ dương cầm chuyên nghiệp, như nữ nghệ sĩ piano Hélène Berger. Khi đã thành danh, Hélène Berger trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhớ về người thầy cũ của mình với những hình ảnh đẹp :
« Cái bóng của Micheline không quá lớn để đè nặng lên đôi vai của những người học trò. Bà có tất cả : nào là nghị lực, nào là chất nhạc trong hơi thở, sự tinh tế khi bà truyền đạt nghệ thuật này cho các thế hệ đi sau. Và bà yêu âm nhạc, yêu những gì cao đẹp trong âm nhạc vô cùng. Theo học với bà, âm nhạc là sợi chỉ kết nối hai trái tim chúng tôi. Tất cả vì âm nhạc và chỉ có âm nhạc mà thôi ».
Micheline Ostermeyer mất năm 2001, đúng 50 năm sau khi bà từ gã các sân vận động. Ngày nay trên toàn quốc hiện có hơn 30 con đường và hàng chục các sân vận động, các cơ sở hạ tầng thể thao mang tên bà.
Fri, 19 Jul 2024 - 118 - Pháp : Chặn thành công cực hữu, rối ren chính trị hậu bầu cử Quốc Hội tiếp tục
Giải bóng đá EURO 2024 diễn ra sôi nổi với đội tuyển Pháp lọt vào đến bán kết, kỳ Thế Vận Hội 2024 - sự kiện quốc tế lớn nhất Pháp từng tổ chức - đang đến gần, kỳ nghỉ hè cũng bắt đầu … nhưng dường như không gì át được những tin tức nóng hổi về kỳ bầu cử Hạ Viện Pháp, với nỗi lo đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN) thân Nga, bài ngoại, kỳ thị chủng tộc … giành đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và chức thủ tướng.
Thế nhưng, nước Pháp nói riêng và Liên Âu cũng như nhiều đồng minh của Pháp đã thở phào trút được gánh nặng, bởi đảng Tập Hợp Dân Tộc cuối cùng chỉ về thứ ba trong vòng hai bầu cử Hạ Viện, không những không đạt được đa số tuyệt đối như họ kỳ vọng và như kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến, mà còn thua cả liên minh cánh trung Ensemble- Đồng Hành, trong đó có đảng của tổng thống Macron.
Do không có đảng hay liên minh nào có đa số tuyệt đối ở Hạ Viện để giành được chức thủ tướng, nên hiện giờ chính trường Pháp vẫn trong cảnh « 9 người 10 ý » về việc chọn thủ tướng. Chưa có nhân vật cụ thể nào hoặc người của đảng/liên minh nào được xem là có thể được cả tổng thống và đa số dân biểu ở Hạ Viện chấp nhận để lãnh đạo chính phủ và lập nội các mới.
Tình hình càng thêm căng thẳng, tổng thống Macron lại bị xem là « đổ thêm dầu vào lửa » : hôm 10/07, tổng thống gửi thư ngỏ đến người dân Pháp, thông qua báo chí địa phương, khẳng định « không ai chiến thắng » trong kỳ bầu cử vừa qua, và kêu gọi các chính đảng « xây dựng một đa số vững chắc » ở Hạ Viện dựa trên « các giá trị Cộng Hòa rõ ràng ». Tổng thống Macron khẳng định không vội bổ nhiệm thủ tướng, mà sẽ đợi đến khi nào các lực lượng chính trị tại Hạ Viện « đạt thỏa hiệp » êm thấm và với tinh thần các bên đều được tôn trọng.
Nhiều người thậm chí còn lo ngại sẽ xảy ra xung đột xã hội liên quan đến việc bổ nhiệm thủ tướng. Chẳng hạn, nhiều nghiệp đoàn, trong đó có CGT, một trong những nghiệp đoàn lớn hàng đầu tại Pháp, kêu gọi biểu tình gần trụ sở Quốc Hội ở Paris vào hôm 18/07, ngày Hạ Viện họp phiên toàn thể đầu tiên để bầu chọn chủ tịch Hạ Viện, 1 trong 4 nhân vật quyền lực nhất nước Pháp, chỉ sau tổng thống, chủ tịch Thượng Viện và thủ tướng. Trên đài LCI ngày 11/07, tổng thư ký nghiệp đoàn CGT, Sophie Binet, muốn huy động « áp lực từ nhân dân » để buộc tổng thống Macron chọn người của liên đảng cánh tả Mặt trận Bình dân Mới, lực lượng về đầu trong kỳ bầu cử Hạ Viện, làm thủ tướng, điều mà nhiều chính trị gia và đảng hay liên minh tại Hạ Viện đã thẳng thừng bác bỏ.
Chọn lựa ứng viên : Một sai lầm khiến đảng Tập Hợp Dân Tộc trả giá đắt
Về phía đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement national - RN), sau những ngỡ ngàng, thất vọng, cay đắng, ban lãnh đạo đảng của bà Marine Le Pen, người đang kỳ vọng sẽ giành chức tổng thống Pháp vào năm 2027, đã có những phát biểu lý giải về kết quả không được như mong muốn.
Ngoài việc « đổ lỗi » cho các đảng hoặc liên minh đối lập về chiến thuật rút lui ở vòng 2 để dồn phiếu bầu cho đối thủ của ứng viên phe cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, chủ tịch đảng Jordan Bardella cũng đã tự kiểm điểm, công khai nhận lỗi vì đã để xảy ra tình trạng một số ứng viên có những phát biểu không khéo léo, dẫn đến phản ứng của các phe đối thủ và trong công luận. Trên thực tế, trong số hơn 400 ứng viên của đảng RN, trang truyền thông độc lập Mediapart phát hiện có hơn 100 người đã có các phát biểu mang tính thù hận, phân biệt đối xử với người đồng tính, kỳ thị sắc tộc, bài Do Thái, bài ngoại, hoặc từng tham gia các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc bạo lực, hoặc đã bị tư pháp xét xử …
Bardella, người vuột mất cơ hội làm thủ tướng Pháp thay Gabriel Attal, thừa nhận, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc đã không thể kiểm tra hết lý lịch của từng ứng viên, nhưng thanh minh là đó chỉ là những trường hợp cá biệt chứ không phải đường hướng chính trị của đảng. Trong khi đó, giám đốc điều hành đảng RN, Gilles Pennelle, thậm chí đã từ chức. Ông là người đã được giao nhiệm vụ tìm kiếm các ứng cử viên đáng tin cậy trong trường hợp có bầu cử lập pháp trước thời hạn. Ngờ đâu, quá khứ của một số ứng viên dân biểu của đảng này đã bị nhiều cư dân mạng và giới báo chí Pháp « soi xét » kỹ càng.
Khác với những chính trị gia của các đảng truyền thống khác, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trước cử tri, báo giới dường như vẫn là khiếm khuyết của nhiều nhà tranh đấu cực hữu được đảng RN tuyển làm ứng viên dân biểu. Nhiều người bị xem là thiếu chuyên nghiệp, thiếu sự chuẩn bị, chưa sẵn sàng cho chức dân biểu. RFI Pháp ngữ ngày 10/07 trích dẫn đài France Bleu cho biết có 21 ứng viên đã từ chối, hoặc nhận lời rồi lại hủy tranh luận trên các kênh truyền hình địa phương của France Bleu. Một số người thậm chí còn bị xem là « ứng viên ma » của đảng Tập Hợp Dân Tộc vì chưa từng hoặc hầu như không vận động tranh cử ở các địa hạt bầu cử.
Thất bại ở Pháp, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc tìm chỗ đứng tại Nghị Viện Châu Âu
Không còn cơ may được bổ nhiệm làm thủ tướng Pháp như từng kỳ vọng trong kỳ bầu cử lập pháp trước thời hạn, Jordan Bardella, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc chuyển hướng sang củng cố vị thế tại Nghị Viện Châu Âu. Chưa đầy một ngày sau khi có kết quả bầu cử Hạ Viện Pháp, theo AFP, một nghị sĩ châu Âu của đảng RN hôm 08/07 cho biết Đảng cực hữu Pháp Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement - RN gia nhập liên minh do thủ tướng Hungary Orban thành lập có tên gọi « Những người yêu nước vì châu Âu »và Jordan Bardella sẽ làm chủ tịch nhóm chính trị mới này tại Nghị Viện Châu Âu.
Quy tụ 84 nghị sĩ của các đảng cực hữu của 12 nước Liên Âu, trong đó có đảng RN của chính trị gia Pháp Marine Le Pen, đảng Fidesz của Viktor Orban, đảng FPO của Áo và đảng dân túy ANO của cựu thủ tướng CH Séc Andrej Babis …, nhóm « Những người yêu nước vì châu Âu »trở thành lực lượng chính trị mạnh thứ ba tại Nghị Viện Châu Âu, trên cả nhóm chính trị Renew mà đảng của tổng thống Pháp tham gia. Tham vọng của phe cực hữu này tại Nghị Viện Châu Âu là mở mang ảnh hưởng để chống viện trợ quân sự cho Ukraina, chống nạn di cư mà họ xem là « bất hợp pháp », bảo vệ mô hình « gia đình truyền thống ».
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet giải thích :
« ‘‘Những người yêu nước vì châu Âu” muốn bảo vệ các giá trị của dân tộc và chủ quyền của các quốc gia trước một châu Âu có tư tưởng liên bang mạnh. Nhóm này muốn sử dụng toàn bộ trọng lượng chính trị của họ để cải tổ các chính sách di dân hoặc Thỏa ước Xanh của Liên Âu. Nhưng để làm được điều này, họ cần các chức chủ tịch hoặc phó chủ tịch của các ủy ban của Nghị Viện Châu Âu. Và cho đến nay, nhóm Bản Sắc Và Dân Chủ (ID) mà họ từng là thành viên thì vẫn bị chặn không cho tham gia bất kỳ đa số chính trị nào.
Nghị sĩ Gerolf Annemans của đảng cực hữu chủ trương đòi độc lập của vùng nói tiếng Hà Lan ở Bỉ, Vlaams Belang, thì cho rằng nhóm này có tính đại diện rất cao, vì quy tụ 84 nghị sĩ thuộc 12 quốc tịch. Ngăn chặn, không cho họ tham gia bất kỳ đa số chính trị nào, có thể bị xem là phủ nhận nền dân chủ và là dấu hiệu coi thường hàng triệu cử tri châu Âu.
Nghị sĩ này nói : “Phân chia số ghế và chức vụ theo số lượng nghị sĩ là một nguyên tắc về dân chủ. Tôi xin nhắc lại đó là nguyên tắc dân chủ. Tôi cũng hy vọng rằng việc đây là nhóm lớn thứ ba có thể tạo ấn tượng. Việc loại trừ chúng tôi ra khỏi các chức trách của Nghi Viện Châu Âu, thậm chí dựa trên việc biểu quyết, cũng sẽ là một vụ tai tiếng về tính dân chủ”.
Hiện tại, phe hữu của cánh hữu đang bị phân tách thành từng nhóm nhỏ tại Nghị Viện Châu Âu, nhưng tình hình có thể thay đổi, nhất là nếu nhóm này thành công trong việc thu hút được đảng cực hữu của thủ tướng Ý Giorgia Meloni hoặc đảng cực hữu Pháp luật và Công lý của Ba Lan ».
Sau 32 năm tồn tại, báo Moscow Times bị cấm hoạt động tại Nga
Danh sách các cơ quan truyền thông Nga không còn được hoạt động tại Nga không ngừng được bổ sung kể từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina : nổi tiếng nhất là « Novaya Gazeta Europe », « Meduza », « The insider », « Radio Free Europe ». Nạn nhân mới nhất là báo Moscow Times (thời báo Matxcơva), ra đời hồi năm 1992 với hai phiên bản tiếng Nga và tiếng Anh. Sau khi bị xem là « tác nhân » nước ngoài, Moscow Times nay lại « không được hoan nghênh » ở Nga, có nghĩa là báo này bị cấm mọi hoạt động trên lãnh thổ Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Anissa El Jabri cho biết thêm :
« Từ năm 2022, đội ngũ của Moscow Times đa phần được đặt ở nước ngoài. Đến năm 2023, tờ báo bị xem là « tác nhân nước ngoài », và nay là « không được hoan nghênh ». Đây là lộ trình quen thuộc thường thấy dành cho các cơ quan truyền thông độc lập ở Nga thời chiến tranh Ukraina.
Hậu quả thì ai cũng biết rõ và cần được xem xét một cách nghiêm túc, bởi vì bị dán nhãn « không được hoan nghênh » là phải gánh những hậu quả nặng nề : hoạt động bị cấm ở Nga và các nhà báo bị kết án tù. Thậm chí những người chia sẻ nội dung của báo đăng trên mạng cũng bị truy tố.
Cũng như các phương tiện truyền thông khác, Moscow Times sẽ tiếp tục duy trì, nhiều nhất có thể, mối liên hệ với các nguồn tin từ bên ngoài. Một trong những nhà báo nắm rõ nhiều thông tin nhất về giới quyền lực khẳng định là việc xếp Moscow Times vào danh sách không được hoan nghênh sẽ không khiến các nhà báo dừng công việc của họ.
Trong thông cáo lý giải quyết định của mình, Văn phòng công tố viên trưởng của Nga chỉ trích tờ báo đưa tin về cuộc chiến ở Ukraina, cáo buộc Moscow Times đăng tải những thông tin không có ý nghĩa xã hội và không đáng tin cậy nhằm làm mất uy tín các hoạt động của chính phủ.
Việc dán nhãn « không được hoan nghênh » bắt đầu từ năm 2015 ở Nga. Việc này cũng được sử dụng để đàn áp các tổ chức phi chính phủ ».
Thăm Nga và Áo, thành viên Liên Âu, thủ tướng Ấn Độ tìm cách « quyến rũ » hai khối đối địch
Trong tuần qua, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm Nga và Áo - một thành viên của Liên Âu. Đây được xem như vòng công du để quyến rũ hai khối đối địch nhau, nhất là về cuộc chiến Ukraina. Thủ tướng Ấn Độ đã khiến phương Tây lo ngại về sự gần gũi với chế độ Putin. Ông Modi còn bị tổng thống Ukraina lên án là « phá hoại hòa bình ».
Từ Bangalore, thông tín viên Côme Bastin ngày 10/07/2024 gửi về bài tường trình :
« Ấn Độ « có chân » trong cả hai phe và thể hiện điều đó. Thủ tướng Narendra Modi đã chọn Nga cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba hồi tháng 06/2024. Ông Modi không để lọt ra bất cứ thông tin quan trọng nào về chuyến thăm này trong bối cảnh thương mại giữa Ấn Độ và Nga đã gia tăng mạnh kể từ khi phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt Matxcơva.
Hôm thứ Hai, Hoa Kỳ đã bày tỏ mối quan ngại về tình hữu nghị mà tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thể hiện. Ông Modi được trao tặng huân chương danh giá nhất của Nga. Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thì coi là khi ôm tên tội phạm khát máu ở Matxcơva, nhà lãnh đạo của nền dân chủ đông dân nhất thế giới đã « tàn phá hòa bình ».
Giới ngoại giao Ấn Độ dường như chưa sẵn sàng « buông » mối quan hệ với Nga, nhưng cũng biết rằng họ như đang đi trên dây. Đến thăm Áo vào thứ Tư tuần nay, chuyến thăm Áo lần đầu tiên của một vị thủ tướng Ấn Độ tính từ 40 năm trở lại đây, Narendra Modi nhắc lại rằng « chiến tranh không phải là giải pháp ». Thủ tướng Áo thì bảo đảm là đã thảo luận về chiến tranh Ukraina với đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi và có hỏi về lập trường của Nga, nhưng không cho biết thêm chi tiết ».
Hàng hóa của Bắc Triều Tiên chuẩn bị được bán ở Nga ?
Các công ty của Bắc Triều Tiên đang hướng tới thị trường Nga. Một thương hiệu xà phòng/xà bông của Bắc Triều Tiên đã nộp hồ sơ xin cấp phép để sản phẩm của họ được bày bán tại các cửa hàng ở Nga.
Từ Seoul, thông tín viên Celio Fioretti ngày 10/07 giải thích :
« Ryongaksan, thương hiệu số một về xà phòng và dầu gội đầu ở Bắc Triều Tiên, có thể sẽ sớm được xuất khẩu. Công ty đã nộp đơn xin cấp phép lên chính quyền Tatarstan, một trong những nước Cộng Hòa của Liên bang Nga. Khi hai nước Nga - Triều đã tăng cường các mối liên hệ, thì giao thương giờ đây có vẻ sẽ thuận lợi hơn.
Ryongaksan không phải là công ty đầu tiên của Bắc Triều Tiên thử thâm nhập thị trường Nga. Một công ty bảo hiểm của Bắc Triều Tiên từng nộp đơn xin cấp phép để đến kinh doanh tại Nga hồi tháng 11/2023, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin hồ sơ đã tiến triển đến đâu.
Một cuộc triển lãm các sản phẩm của Bắc Triều Tiên thậm chí còn được tổ chức ở Vladivostok, miền đông nước Nga. Khoảng 60 sản phẩm đã được trưng bày, trong đó có túi xách làm bằng da đà điểu và đồ chơi hình tên lửa.
Đối với chế độ Kim Jong Un, những hoạt động xuất khẩu hàng hóa kiểu này là một phương tiện để đa dạng hóa nguồn tài chính. Hiện giờ vẫn còn phải chờ xem liệu những sản phẩm này có thể thu hút người tiêu dùng Nga hay không, cả về giá cả và chất lượng. Hàng Bắc Triều Tiên có thể sẽ phải vất vả cạnh tranh với sản phẩm nội địa Nga và những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ».
Sat, 13 Jul 2024 - 117 - Olympic : Marie Marvingt, em gái của Sơn Tinh, Thủy Tinh
Nếu có một sự công bằng trong thế giới thể thao, Marie Marvingt (1875-1963) chắc hẳn là vận động viên duy nhất thu hoạch rất nhiều huy chương Olympic mùa hè và mùa đông : Bà là một vận động viên bơi lội ngoại hạng, là phụ nữ đầu tiên thực hiện cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp, là một nhà leo núi giàu kinh nghiệm và trượt tuyết rất giỏi.
Marie nắm giữ 17 kỷ lục thế giới trong nhiều môn thể thao, trên dưới 20 huy chương vàng ở các môn trượt tuyết, trượt băng nghệ thuật, trượt xe lòng máng - bobsleigh. Ngoài đời, bà là một vị nữ anh hùng trong hai cuộc Đại Chiến Thế Giới thế kỷ 20, là một tên tuổi trong lịch sử quân y của Pháp và trong ngành hàng không quân sự.
Đến nay, « Mademoiselle Marvingt » giữ kỷ lục là phụ nữ được trao tặng nhiều huân chương nhất trong lịch sử nước Pháp, là một nhà sưu tập huy chương vàng. Hơn thế nữa Marie Marvingt là « người thầy » dẫn dắt nhiều thế hệ « trở thành những con người có ích cho xã hội ».
Sinh năm 1875 tại thị trấn Aurillac, vùng Cantal, miền trung nước Pháp, Marie Marvingt sớm được thân phụ khuyến khích chơi thể thao : bơi lội, leo núi, cưỡi ngựa, bắn súng, đua xe đạp ... Cùng với gia đình về định cư ở thành phố Nancy, vùng Alsace, gần biên giới với Đức, Marie có bằng lái xe năm 1899 và bắt đầu tham gia một số cuộc đua xe.
Dù yêu thể thao, Marie Marvingt vẫn không quên chuyện đèn sách. Không chỉ bằng lòng với bằng cử nhân văn chương, bà ghi danh vào đại học y khoa, học thêm ngành luật. Do có tật ít ngủ, Marie dư thừa thời gian để học thêm ngoại ngữ. Bà nói được 5 thứ tiếng trước khi ghi danh với hội Chữ Thập Đỏ để có được chứng chỉ y tá.
Tour de France và người phụ nữ trong bóng tối
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 1958, Marie Marvingt tâm sự bà đã lái xe hơi, tự điều khiển kinh khí cầu, lái máy bay - trực thăng, cộng tác với quân đội Pháp, cùng với các kỹ sự thiết kế máy bay quân sự trong nhiệm vụ sơ tán thương binh … Nhưng đối với con người mộc mạc này thì chiếc xe đạp hai bánh là mối tình đầu, là người bạn chung thủy gắn bó với bà suốt cuộc đời :
« Tôi thích đạp xe hơn tất cả mọi thứ trên đời, vì nhờ vậy chúng ta vận động và có hẳn một cách sinh hoạt hàng ngày. Đấy là chưa kể đến tính tiện và lợi. Tôi không nhiều tiền để đi tắc-xi. Trong thành phố luôn bị kẹt xe, với xe đạp, tôi vượt qua mặt và đi còn nhanh hơn tất cả ».
Năm 29 tuổi, Marie Marvingt tham gia cuộc đua xe đạp nối liền thành phố Nancy với Bordeaux, hành trình gần 900 cây số. Rồi sau đó là những cuộc tranh tài từ Nancy nơi bà cư ngụ đến Milano, của Ý hay đến thành phố màu hồng Toulouse miền tây nam nước Pháp. Phụ nữ thời đó phải mặc váy, rất bất tiện để đạp xe, Marie Marvingt sáng chế ra kiểu quần giả váy - jupe culotte, có hai ống như quần âu nam …
Thấy nam giới được tham dự cuộc đua vòng quanh nước Pháp trên lưng con ngựa sắt hai bánh, Marie đòi nhập cuộc nhưng bà đã bị từ chối. « Mademoiselle Marvingt » lẳng lặng mang xe đạp ra trường đua, đợi đoàn khởi hành và chỉ vài phút sau, người phụ nữ 33 tuổi này cũng rong ruổi đường trường, đúng theo lộ trình của phái nam vòng đua Tour de France năm 1908. Năm ấy, trong số 114 tay đua, chỉ có 36 người về đến đích. Không kèn không trống, Marie Marvingt là người thứ 37 đạt được kỳ công này. Tiếc rằng thành tích ấy của bà không được công nhận. Năm 86 tuổi, bà hoàn thành cuộc đua xe đạp cuối cùng, hành trình từ Nancy đến Paris.
Em gái của Sơn Tinh và Thủy Tinh
Thành tích thể thao của Marie Marvingt ở nhiều môn khác cũng không tệ, nhất là môn bơi lội, như chính bà đã kể :
« Ôi, tôi biết bơi gần như cùng lúc biết đi. Năm 1906 tôi là phụ nữ Pháp đầu tiên thực hiện chương trình La Traversée de Paris, tức là bơi 12 cây số trên sông Seine ».
Năm đó trong số tất cả các vận động viên, nam và nữ, Marie đứng hạng 15 : bà đã vượt 12 cây số trên sông Seine trong 4 tiếng 11 phút và 23 giây. Một năm sau bà chinh phục sông Garonne, đoạt chức vô địch ở cuộc đua La Traversée de Toulouse, về đến đích trước các đối thủ đến hơn 3 phút.
Cũng may mà Marie Marvingt là vua bơi lội : Để thỏa mãn cái thú khám phá trái đất từ trên độ cao, năm 1901 bà có chứng chỉ và từ đó một mình điều khiển khinh khí cầu, sau này lại tự lái máy bay đủ loại vượt biển Bắc, biển Manche … Về già bà kể lại những lần đã vào sinh ra tử :
« 52 lần tôi rơi xuống biển. Như đã biết, với quả khinh khí cầu chúng ta có thể bay xa tùy theo chiều dài của dây chằng giữa quả bóng với cái giỏ ở phía dưới. Có một lần, khởi hành từ Nancy, tôi bay đến gần bờ biển Đan Mạch. Tôi khuyên ông khách đi cùng, nhảy dù để bảo toàn sinh mạng. Tôi không chồng, không con, nên không sợ gì cả … ».
Chắc chắn là Marie Marvingt say mê với những môn thể thao « mạnh » : bà thích leo núi, trượt tuyết. Tiếc rằng ở đầu thế kỷ 20 chưa có Olympic mùa đông, nếu không thì Marie chắc chắn phải là một nhà vô địch.
Trong giai đoạn 1908-1910, bà đoạt 20 huy chương vàng trong các thể loại trượt tuyết, trượt băng nghệ thuật, trượt băng tốc độ và môn bobsleigh - trượt xe lòng máng … Sau này trong thời gian sống tại châu Phi, không có tuyết, Marie đã sáng chế ra những cây trượt … cát phù hợp với địa hình vùng sa mạc Sahara …
« La Fiancée du Ciel »
Năm 1914 Thế Chiến Thứ Nhất khai mào. Marie Marvingt đã tìm mọi cách góp sức bảo vệ nước nhà. Thời đó phụ nữ không được ra trận. Tựa như Hoa Mộc Lan trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Marie giả dạng nam nhi, tham gia 2 đợt oanh kích và đã cầm cự được trên các chiến hào trong 47 ngày trước khi bị lộ.
Nhờ có tiếng nói của thống chế Foch, Marie được tuyển làm y tá chiến trường, một đặc ân mà không phụ nữ nào thời đó có được. Vì trượt tuyết rất giỏi, bà tham gia trên mặt trận khu vực biên giới Pháp - Ý chăm sóc cho các chiến binh bị kẹt trong vùng núi non hiểm trở :
« Thời chiến, tôi đem khả năng lái máy bay của mình ra để phục vụ đất nước. Trong tất cả những môn thể thao tôi tham gia, tôi luôn theo đuổi ý nghĩ, đó phải là một việc làm hữu ích »
Từ kinh nghiệm những năm tháng chiến tranh, Marie Marvingt nảy sinh ý tưởng thiết kế hẳn những chiếc máy bay sử dụng trong quân y, chỉ để di tản thương binh ra khỏi những vùng khói lửa …
Trong Đệ Nhị Thế Chiến, Marie Marvingt lại khoác chiếc áo trắng của y tá, trở lại chiến trường. Tại vùng Dordogne, miền tây nam nước Pháp, bà lập ra một trung tâm nghỉ dưỡng giúp thương binh phục hồi …
Để ghi công chiến sĩ áo trắng này, năm 1955 mừng sinh nhật bà 80 tuổi, chính phủ Mỹ mời Marie vào khoang lái một chiếc máy bay tiêm kích siêu thanh. Bốn năm sau đó, ở tuổi 84, Marie có bằng lái trực thăng và cụ bà ngoài 80 này là nữ phi công đầu tiên trên thế giới một mình lái chiếc trực thăng phản lực Djinn của Pháp.
Bí quyết sống lâu
Được hỏi về bí quyết sống lâu và triết lý trong cuộc sống, Marie trả lời :
« Tôi không cần ngủ nhiều, chỉ khoảng 1 tiếng đến một tiếng rưỡi mỗi ngày là đủ. Nhưng tôi ăn đến 5 hay 6 bữa mỗi ngày, mỗi lần chỉ ăn ít thôi. Hỏi về bí quyết sống lâu, tôi nói thật : ăn, nhưng chỉ ăn chứ không bao giờ uống rượu khai vị, ăn ít nhưng đều đặn và thường xuyên. Quan trọng nhất là tuyệt đối không bao giờ ăn thịt bò hầm : Ôi trời, cái thứ đó là ổ vi trùng cho mấy ông bà già đấy ! (…)
Tôi chưa bao giờ lập gia đình, chưa bao giờ có con nhưng tất cả những đứa trẻ ở khắp nơi trên thế giới, đâu đó cũng là những đứa con tinh thần : tôi luôn dạy chúng biết yêu những gì cao đẹp, dạy chúng điều thiện, về lý tưởng trong cuộc sống … để chúng trở thành những con người có ích cho xã hội. Tôi dẫn dắt cho một số các nhà vô địch và trong hoàn cảnh nào đi nữa, tôi cũng tìm cách cải thiện những điều kiện sinh hoạt cho chúng … Cần phải biết mình muốn gì, là sẽ có sức để vượt qua những thách và rồi sẽ đạt được hết tất cả ».
Cho đến nay, với tổng cộng 34 huân chương của chính phủ Pháp và nhiều nước châu Âu, với 17 kỷ lục thể thao đủ loại, Marie Marvingt là người phụ nữ có nhiều thành tích nhất trên thế giới. Dù vậy những năm cuối đời, tên tuổi của bà hoàn toàn bị chìm vào quên lãng. Marie Marvingt mất năm 1963, thọ 88 tuổi. May mà giờ đây nhiều thành phố đã có những con đường, trường học và nhất là các khu sinh hoạt thể thao mang tên nhà thể thao ngoại hạng Marie Marvingt.
Fri, 12 Jul 2024 - 116 - Hậu bầu cử Quốc Hội Pháp: Nhức đầu với bài toán lập chính phủ mới
Sau vòng hai cuộc bầu cử Quốc Hội Pháp hôm qua, 07/07/2024, không một đảng nào chiếm được đa số tuyệt đối trong Hạ Viện mới. Theo kết quả chính thức, tuy bất ngờ về đầu, liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới chỉ giành được 182 ghế, tức thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng 289 ghế để có thể một mình cầm quyền mà không cần sự tham gia của các đảng khác.
Liên minh mang tên “Đồng hành” ( Ensemble ) của tổng thống Emmanuel Macron về nhì với 168 ghế, kế đến là đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc, về ba với 143 ghế. Trước một Hạ Viện bị phân thành ba khối lớn như vậy, việc thành lập nội các mới là một bài toán cực kỳ nan giải đối với các chính đảng, cũng như đối với tổng thống Macron.
Trả lời ban Pháp ngữ đài RFI tối qua, Arnaud Le Pillouer,giáo sư đại học Paris Nanterre, nhận định về tình hình này:
“Đây là một tình hình chưa từng có so với những gì mà chúng ta đã thấy trước đây. Một vài lần mà đảng của tổng thống hay các đảng ủng hộ ông bị thua trong một cuộc bầu cử và phe đối lập giành chiến thắng áp đảo, tổng thống đã buộc phải bổ nhiệm một thủ tướng đối lập với mình.
Tình hình hiện nay có hơi khác, vì không có một đa số nào thật rõ ràng sau bầu cử: Có một khối dẫn đầu và theo sau là hai khối kia. Đứng về góc độ nghị viện, có một logic không quen thuộc với chính trường nước Pháp, đó là tổng thống trước hết phải đề nghị chức thủ tướng cho khối đông nhất ở Hạ Viện, ở đây là Mặt Trận Bình Dân Mới. Chỉ một khi không thực hiện được thì mới phải chọn một giải pháp khác. Nhưng logic về mặt nghị viện thì phải là như thế.”
Ngay từ tối qua, lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon đã tuyên bố rằng tổng thống Emmanuel Macron không có sự chọn lựa nào ngoài việc bổ nhiệm tân thủ tướng là một nhân vật thuộc liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới. Nhưng ngay cả trong liên minh cánh tả đang có những bất đồng sâu sắc, cho nên dù có muốn, tổng thống Macron cũng khó mà đi theo hướng đó. Ấy là chưa kể trong phe của tổng thống Pháp, rất nhiều người “dị ứng”với cái tên Nước Pháp Bất Khuất, nhất là dứt khoát không chấp nhận ông Mélenchon làm thủ tướng, do những quan điểm của nhân vật này quá cực đoan.
Nhưng đối với ông Nicolas Tenzer, giáo sư đại học Khoa học Chính trị Sciences Po Paris , trả lời RFI Pháp ngữ, trong bối cảnh hiện nay, không có con đường nào khác là lập một chính phủ liên minh:
“Giải pháp đầu tiên cần phải thử nghiệm bằng cách này hay cách khác, bất kể tân thủ tướng là nhân vật như thế nào , đó là thành lập một chính phủ liên minh. Tôi không thấy có giải pháp nào khác. Đơn giản đó là vì không thể nào thông qua được các dự luật với một chính phủ chỉ gồm những bộ trưởng thuộc khối Mặt Trận Bình Dân Mới, hay thuộc khối “Đồng hành”.
Có thể là trước khi xét chọn ai làm thủ tướng, phải tính đến thành phần tân nội các. Nội các này phải bao gồm không chỉ những người thuộc Mặt Trận Bình Dân Mới mà cả những người thuộc các đảng trong khối « Đồng hành » và nếu cần thì thêm một số nhân vật thuộc cánh hữu bảo thủ, chẳng hạn như những nhân vật thuộc đảng Những Người Cộng Hòa.
Cũng có khả năng liên minh “Đồng hành”của tổng thống Macron gạt Mặt Trận Bình Dân Mới ra một bên để lập một chính phủ liên minh với đảng Những Người Cộng Hòa. Tuy nhiên, giải pháp đó không phải là truyền thống trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Nhưng dẫu sao thì chúng ta sẽ buộc phải tìm ra một công thức mới, vì rõ ràng tình hình chính trị nước Pháp hiện nay là chưa từng có. Chúng ta đã thấy ở Đức thường có những đại liên minh, quy tụ những đảng đôi khi đối lập hoàn toàn với nhau. Ông Raphael Glucksmann, nghị sĩ cánh tả của Nghị Viện Châu Âu, đã nhắc lại là trong Nghị Viện Châu Âu, có những khối nghị sĩ đôi khi đối lập với nhau vì là thuộc hai phe tả hữu, nhưng họ vẫn đạt được các thỏa hiệp để cùng bỏ phiếu cho một số văn bản luật.
Chúng ta phải học cách làm như thế, cho dù đúng là rất khác lạ, nếu muốn tránh đi đến một thảm họa để rồi đảng Tập Hợp Dân Tộc sẽ viện cớ để nói “Mọi người thấy chưa: Hỗn loạn quá!”, rồi thuyết phục cử tri nên bầu cho bà Marine Le Pen làm tổng thống năm 2027. Muốn tránh điều đó, những chính đảng có khả năng cầm quyền mà theo xu hướng ôn hòa bên cánh tả cũng như cánh hữu phải tìm ra một giải pháp mới đúng với trách nhiệm của họ. Tôi không thấy có giải pháp nào khác”.
Một giải pháp thứ hai đó là thuyết phục các đảng cánh tả như đảng Cộng Sản, đảng Xã Hội, đảng Sinh Thái “ly khai” với đảng Nước Pháp Bất Khuất, để từ đó hình thành một liên minh mới dễ được chấp nhận hơn, rồi lập một chính phủ chung sống với tổng thống Macron. Nhưng hiện giờ, kịch bản này khó xảy ra vì các đảng nói trên vẫn còn gắn kết chặt chẽ với đảng Nước Pháp Bất Khuất trong một cương lĩnh chung.
Một giải pháp khác mà tổng thống Macron có thể chọn, như giáo sư Tenzer có nói ở trên, đó là dựa trên khối liên minh cánh trung của ông, với sự tham gia của khối nghị sĩ đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa ( khoảng 60 người ), và như vậy sẽ có được một đa số tương đối. Nhưng cũng không dễ gì thu phục được họ, vì đa số thành viên nhóm này hoàn toàn đối lập với tổng thống Pháp.
Dầu sao thì ngay từ hôm nay, các chính đảng đã lao vào những cuộc thương lượng mặc cả để cố lập được một đa số chính trị. Riêng liên minh cảnh tả buộc phải nhanh chóng đề cử một ứng viên cho chức thủ tướng. Lãnh đạo đảng Xã Hội Olivier Faure hôm nay vừa tuyên bố: “Trong tuần này, chúng tôi phải đề nghị được một ứng viên, hoặc là bằng đồng thuận, hoặc là qua bỏ phiếu”.
Nhưng các cuộc mặc cả chắc là sẽ rất gay go, nhất là vì ngay trong đảng Nước Pháp Bất Khuất, nhân vật Mélenchon đang gặp nhiều chống đối. Nữ dân biểu của đảng này Clémentine Autain ngay từ tối qua đã kêu gọi các nghị sĩ của liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới họp lại ngay từ hôm nay để bỏ phiếu bầu chọn một ứng viên thủ tướng “sẽ không phải là Francois Hollande ( cựu tổng thống Xã Hội vừa đắc cử dân biểu ) hay Jean-Luc Mélenchon.”
Tổng thống Macron chưa lên tiếng về kết quả bầu cử vòng hai, nhưng trước đó điện Elysée cho biết ông sẽ chờ cho đến khi cơ cấu của Hạ Viện mới trở nên rõ ràng hơn rồi mới quyết định chọn ai làm tân thủ tướng.
Thật ra thì chiếu theo Hiến pháp của nước Pháp, tổng thống Macron có bắt buộc phải chọn một thủ tướng mới hay không? Giáo sư Arnaud Le Pillouer,đại học Paris Nanterre giải thích:
“ Về mặt pháp lý, ông tuyệt đối không bị bắt buộc, bởi vì điều 8.1 của Hiến pháp trao cho tổng thống toàn quyền chỉ định một nhân vật vào chức thủ tướng. Nhưng về mặt chính trị ông bắt buộc phải làm như thế tùy theo cơ cấu của Hạ Viện mới. Nhìn từ góc độ này, thì tổng thống sẽ khó mà chỉ định một nhân vật thuộc phe của mình sau một thất bại nặng nề như thế. Xét về mặt đại nghị, trước hết ông phải thử giải pháp bổ nhiệm thủ tướng là một người thuộc khối Mặt Trận Bình Dân Mới.
Vấn đề là Hiến Pháp không ghi rõ là trong thời hạn bao lâu ông phải bổ nhiệm tân thủ tướng. Nhưng dĩ nhiên là nếu đợi quá lâu thì ông sẽ bị chỉ trích.
Bản thân tôi không nghĩ giải pháp thành lập đại liên minh là giải pháp khả thi duy nhất để tránh nguy cơ đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc lên nắm quyền sau bầu cử tổng thống năm 2027. Tôi nghĩ là lập chính phủ đại liên minh cũng có thể dẫn đến nguy cơ đó, tức là khi toàn bộ các đảng kia liên minh với nhau để cầm quyền, đảng Tập Hợp Dân Tộc sẽ trở thành là lực lượng đối lập chính và sẽ được xem là một lực lượng có thể thay thế. Thật tình thì chúng ta đang ở trong một tình thế chưa từng có và rất khó mà tháo gỡ bế tắc.”
Trong tình hình hiện nay, cũng không thể loại trừ khả năng tổng thống Macron tạm thời lập một chính phủ “kỹ thuật”, tức một nội các chỉ bao gồm những chuyên viên, đứng đầu là một nhân vật có thể tạo được sự đồng thuận giữa các chính đảng trong Hạ Viện.
Chính phủ “kỹ thuật” này dĩ nhiên chủ yếu chỉ “xử lý thường vụ”, chứ không thể đưa ra những dự luật cải cách quan trọng, theo giải thích của giáo sư Arnaud Le Pillouer,đại học Paris Nanterre:
“Lập một chính phủ kỹ thuật có nghĩa là bổ nhiệm các công chức cao cấp chỉ để điều hành các bộ, chứ không thể đề ra những dự luật mới. Nhưng cũng không nên báo động quá mức với kịch bản đó, vì trên thực tế đất nước vẫn có thể tiếp tục vận hành mà không cần có thêm luật mới. Tôi không tin là cứ phải liên tục đưa ra những cải cách”.
Trước mắt, như đã báo trước từ tối qua, thủ tướng Gabriel Attal sáng nay đã đệ đơn từ chức. Nhưng theo thông báo của điện Elysée, tổng thống Macron đã từ chối để ông từ chức và yêu cầu ông tạm thời tiếp tục lãnh đạo chính phủ « để bảo đảm sự ổn định của đất nước » trong bối cảnh sắp diễn ra Thế Vận Hội Mùa Hè Paris 2024. Hiện giờ chưa biết ông Attal sẽ tạm nắm quyền trong bao lâu.
Tóm lại, cuộc bầu cử Quốc Hội lần này đã đẩy nước Pháp vào tình trạng rối rắm chưa từng có và không ai biết sẽ đi đến đâu. Tất cả tùy thuộc vào sự sắp xếp lại các lực lượng chính trị trong Hạ Viện cho đến khi mọi việc trở nên « rõ ràng » hơn dưới con mắt của tổng thống Macron.
Mon, 08 Jul 2024 - 115 - Biển Đông: Philippines tuyên chiến với chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc
Philippines vừa mở lại đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông, vừa sẵn sàng đáp trả các hành động bạo lực của Hải cảnh Trung Quốc. Các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đề cử nữ thủ tướng Estonia, Kaja Kallas, một người có quan điểm rất cứng rắn với Nga vào cương vị lãnh đạo ngoại giao Liên Âu.
Cuộc bầu cử Quốc Hội trước kỳ tại Pháp được báo chí nhà nước Trung Quốc theo dõi sát. Sức khỏe của tổng thống Mỹ Joe Biden gây lo ngại sau cuộc tranh luận với ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa Donald Trump. Chính quyền Đức mở rộng phạm vi người có hai quốc tịch sang cả các công dân ngoài Liên Hiệp Châu Âu. Trên đây là các chủ đề chính Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.
**********
Giữa tháng 6/2024, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, cụ thể là tại khu vực gần Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines, tăng vọt với việc lần đầu tiên Hải cảnh Trung Quốc xông lên tàu Tuần duyên Philippines hành hung nhân viên, đập phá, tịch thu súng ống, làm bị thương nhiều người, trong đó có một người bị đứt ngón tay. Một số người nói đến nguy cơ chiến tranh, với khả năng Hoa Kỳ can thiệp bảo vệ đồng minh trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ Chung 1951. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Philippines và Mỹ dường như ngay sau đó đã muốn xuống thang căng thẳng với Trung Quốc.
30% vùng biển đã bị lấn lướt: Philippines tiếp tục phải nhân nhượng Trung Quốc?
Ngày 02/07, lần đầu tiên kể từ vụ việc nói trên, hai bên đối thoại ở cấp thứ trưởng Ngoại Giao, trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông (BCM - Bilateral Consultation Mechanism), nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho các bất đồng (đây là cuộc họp BCM lần thứ 9 và là lần thứ hai kể từ đầu năm). Diễn biến này khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng điều này cho thấy Hoa Kỳ bất lực trong việc bảo vệ Philippines và Manila không có cách nào khác hơn là phải nhân nhượng Bắc Kinh tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền của mình?
Đọc thêm - Biển Đông : Manila muốn giảm căng thẳng với Bắc Kinh, độ tin cậy của Mỹ bị lung layMấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ hai đồng minh Philippines và Mỹ đang xoay xở để tìm ra cách ứng phó hiệu quả đối với “chiến thuật vùng xám”, lấn dần từng bước một đã cho phép Trung Quốc kiểm soát đến khoảng 30% diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Philippnes và, nếu không có gì ngăn chặn đủ mạnh, đà bành trướng nói trên sẽ tiếp tục trong những năm tới theo chuyên gia Derek Grossman, khi mà Hiệp định Phòng thủ chung với nội dung hiện tại chưa cho phép Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp, một khi Trung Quốc chưa vượt qua lằn ranh đỏ “tấn công vũ trang” (ngụ ý sử dụng súng) nhằm vào các lực lượng Philippines, gây thiệt hại về người.
Mở đối thoại, nhưng sẵn sàng đáp trả với mức bạo lực tương xứng
Trên thực tế, vào đầu tháng 7/2024 này, dường như Phililippines cùng Hoa Kỳ đang hướng đến một chiến thuật mới. Manila một mặt tiến hành đối thoại ngoại giao với Trung Quốc, mặt khác tỏ ra không ngại đối đầu. Trong một cuộc trả lời báo giới ngày 04/07, chỉ huy quân đội Philippines, tướng Romeo Brawner tuyên bố sẽ tìm cách tránh chiến tranh, theo chỉ thị của tổng thống, nhưng sẵn sàng sử dụng mức độ bạo lực tương ứng để đáp trả: phía Trung Quốc dùng dao, phía Philippines cũng sẽ dùng dao, và Philippines “sẽ không để bị bắt nạt như lần trước”.
Biển Đông: Nguy cơ chiến tranh với ‘‘chiến thuật mới’’ chống tàu Philippines của Trung QuốcTheo chuyên gia Derek Grossman, Philippines có ít nhất ba thế mạnh để đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian tới. Thứ nhất là liên minh quân sự với Mỹ được tăng cường với việc Hoa Kỳ triển khai thêm nhiều vũ khí răn đe tại các căn cứ theo Thỏa thuận hợp tác Quốc phòng tăng cường năm 2014, trong đó có dàn phóng Typhon, với các tên lửa chống hạm tầm bắn 1.500 km. Trong tuần qua, Quân đội Philippines cho biết, các dàn phóng Typhon sẽ được chuyển về Mỹ vào tháng 9, sau các đợt tập trận. Theo nhà Malcolm Davis, nhà nghiên cứu cấp cao Viện Chính sách chiến lược Úc, các loại vũ khí này có thể nhanh chóng được điều động trở lại Philippines, nếu cần.
Thế mạnh thứ hai là các thỏa thuận về an ninh với một số đồng minh trong khu vực như Nhật và Úc, cho phép Manila có thêm lực lượng để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế quốc gia. Thế mạnh thứ ba là chính sách “kiên quyết minh bạch thông tin” (assertive transparency) đối với các hoạt động bành trướng của Trung Quốc, được khởi sự dưới thời tổng thống Ferdinand Marcos.
Phơi bày ‘‘chiến thuật vùng xám’’ của Trung Quốc ra ánh sáng
“Chiến thuật vùng xám” sẽ có hiệu quả nhất khi diễn ra trong bóng tối. Phơi bày các hành động “hung hãn” và “phi pháp” của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên truyền thông là một biện pháp có thể giảm thiểu tác dụng của chiến thuật này. Việc Manila kiên quyết không thừa nhận một “thỏa thuận ngầm” với Bắc Kinh, dàn xếp tạm thời tranh chấp, được coi là có từ thời tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte, có thể là kết quả của chính sách ‘‘kiên quyết minh bạch thông tin’’ này.
Đọc thêm : Trung Quốc gia tăng ‘‘chiến tranh tâm lý’’ để gây phân hóa nội bộ PhillipinesTheo người sáng lập tổ chức tư vấn an ninh Project Sealight, đại tá Không quân Mỹ hưu trí, Raymond Powell, việc minh bạch thông tin là biện pháp hữu hiệu để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung Quốc. Ông ví von: ‘‘nếu bạn bật đèn ở vùng xám, lũ gián sẽ tháo chạy tán loạn’’.
Bắc Kinh điều ‘‘quái thú”, Washington muốn hỗ trợ Manila nhiều hơn
Manila cũng có thể yêu cầu Washington trực tiếp hỗ trợ các hoạt động bảo vệ chủ quyền, cụ thể là trong việc tiếp tế cho đơn vị đồn trú ở Bãi Cỏ Mây. Hôm 05/07/2024, chỉ huy Quân đội Philippnes, tướng Romeo Brawner, cho biết Hoa Kỳ đã đề nghị hỗ trợ trong các hoạt động tiếp tếnói trên, nhưng Manila hiện chưa chấp nhận.
Trung Quốc dường như tỏ ra không kém phần cứng rắn. Hôm nay, theo Tuần duyên Philippines, đúng vào ngày đối thoại cấp thứ trưởng Ngoại Giao hai nước, Bắc Kinh điều tàu tuần duyên lớn nhất thế giới CCG 5901, dài 165 mét, thường được mệnh danh là “Quái thú”, vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
‘‘Người đàn bà thép’’ chống Nga được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu
Ngày 27/06 vừa qua, lãnh đạo 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định đề cử thủ tướng đương nhiệm Estonia làm lãnh đạo ngoại giao tương lai của khối. Lãnh đạo ngoại giao là chức vụ được coi là quan trọng thứ ba của Liên Hiệp Châu Âu, sau chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu.
Nhân sự này sẽ được đưa ra phê chuẩn tại Nghị Viện Châu Âu họp vào giữa tháng này. Kaja Kallas là ai? Vì sao vị thủ tướng của quốc gia hơn một triệu dân này lại được chọn làm lãnh đạo ngoại giao của khối? Chọn lựa này gây phản ứng ra sao tại vùng Baltic?
Thông tín viên Marielle Vituereau từ Vilnius cho biết một số thông tin:
‘‘Kaja Kallas đã quen với những lần đầu tiên.Năm 2019, với việc trở thành thủ tướng Estonia, bà là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này ở đất nước mình.Việc bà được đề cử làm lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng là điều chưa từng có. Theo nhà chính trị học Andres Kasekamp, đây là lần đầu tiên một người thuộc các nước Đông Âu giữ một chức vụ quan trọng như vậy và điều này là một bước tiến bộ đáng kể.
Kaja Kallas đã trở thành nhân vật chủ chốt trên chính trường châu Âu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraina.Đất nước của bà đã đi đầu trong việc ủng hộ Kiev.
Đối với chuyên gia người Litva, Margarita Seselgyte, đứng đầu Viện khoa học chính trị, điều này cho thấy sự thay đổi lập trường trong Liên Hiệp Châu Âu. Vị trí lãnh đạo ngoại giao giờ đây thuộc về đại diện của một quốc gia luôn có lập trường rất cứng rắn đối với Nga.Theo viện trưởngViện khoa học chính trị Litva, đây cũng là một thành công cho khu vực của chúng tôi.Dần dần mọi người bắt đầu lắng nghe chúng tôi.
Việc trở thành lãnh đạo ngoại giao Liên Âu là một lối thoát đáng mừng cho thủ tướng Kaja Kallas trong bối cảnh nền kinh tế Estonia hiện đang hoạt động kém, các biện pháp thắt lưng buộc bụng đang bị chỉ trích.Uy tín chính phủ của bà đang ở mức thấp nhất trong lịch sử’’.
Vị thủ tướng bị Nga truy tố: Ký ức về Liên Xô và hơi thở tự do từ bên kia "bức tường Berlin"
Thủ tướng Estonia có những hồi ức khó quên về thời kỳ toàn trị Liên Xô. Năm 1949, mẹ của bà bị đưa đi Siberi cùng với gia đình từ khi mới sáu tháng tuổi. Với Kaja Kallas, chế độ Putin đối xử với Ukraina hiện nay tương tự như với Estonia, khi bị sát nhập vào Liên Xô năm 1940. Đến khi độc lập năm 1991, 30% dân ở Estonia là người Nga.
Kaja Kallas lên 11 tuổi, khi người cha Siim dẫn bà đến Đông Đức, một năm trước khi bức tường Berlin sụp đổ. Đứng bên này bức tường, ông nói với con gái: ‘‘Hãy hít một hơi thật sâu bầu không khí đến với chúng ta từ bên kia’’. Siim Kallas là cựu thủ tướng Estonia, người sáng lập đảng trung hữu Cải Cách Estonia, mà Kaja Kallas hiện lãnh đạo.
Đầu năm 2024, cảnh sát Nga ra lệnh truy nã thủ tướng Estonia, nhưng không nêu lý do. Một nguồn tin an ninh Nga cho biết, một số bộ trưởng trong chính quyền Estonia bị truy tố về tội ‘‘báng bổ lịch sử’’, liên quan đến việc phá bỏ các tượng đài thời Liên Xô.
Rối ren bầu cử Quốc Hội Pháp: Báo dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc vui mừng
Tại nước Pháp đang có cuộc bầu cử Quốc Hội được đánh giá quan trọng bậc nhất của nền đệ ngũ Cộng Hòa. Cuộc bầu cử này được nhìn nhận ra sao từ phía báo chí nhà nước Trung Quốc ? Tuần san Courrier International có bài điểm lại chủ đề này. Theo Courrier Internationale, một bộ phận báo chí Trung Quốc tỏ ra lo lắng về kết quả cuộc bầu cử lập pháp ở Pháp, có thể dẫn đến “một chính sách thiếu rõ ràng” của Liên Hiệp Châu Âu, đối tác thương mại số một của Bắc Kinh. Nhưng nhiều tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc nhất cũng không che giấu niềm vui trước tình hình “hỗn loạn” như vậy ở phương Tây.
Trang tin tức Người quan sát Thượng Hải (Guanchazhe) đặt câu hỏi làm thế nào mà “cánh cực hữu của Pháp, vốn chưa từng nắm quyền kể từ khi thời chế độ Vichy hợp tác nước Đức Quốc xã, từ năm 1940 đến năm 1944, lại có thể trở lại nắm quyền với những nỗ lực được bà Le Pen triển khai trong hơn một thập niên ?’’. Theo Người quan sát Thượng Hải, quyết định giải tán đột ngột Quốc hội của tổng thống Macron rõ ràng ‘‘đã gây phản tác dụng’’.
Cũng về quyết định giải tán Quốc Hội của Macron, tạp chí kinh tế Tài Kinh (Diyi Caijing) nhấn mạnh “Emmanuel Macron đã giải tán Quốc hội với hy vọng tăng cường ảnh hưởng của đảng mình bằng cách xáo bài làm lại, nhưng quyết định này đã gây ra hỗn loạn và tiêu cực nhiều hơn dự kiến”.
Theo trang Người Quan sát Thượng Hải, theo xu hướng cực kỳ dân tộc chủ nghĩa, “cuộc bầu cử này có thể là cuộc bỏ phiếu để lại những hậu quả tàn khốc nhất kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đối với nước Pháp’’. Nhưng bằng cách làm suy yếu “trật tự thế giới thời hậu chiến, cuộc bầu cử này cũng có thể gây bất ổn cho toàn bộ khối Liên Âu, NATO và phương Tây”. Courrier International nhận xét, câu này cho thấy trong giới cầm quyền Trung Quốc, có một số người vui mừng trước viễn cảnh này.
Vụ hụt hơi trước Trump: Biden nói không còn trẻ nhưng quan trọng là ‘‘không nói dối’’
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ thứ Năm tuần trước, gây thất vọng đặc biệt với những người ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ. Ngay sau đó, tại Raleigh, bang Bắc Carolina, trước những người ủng hộ ông, tổng thống Joe Biden giải thích về lý do phong độ ông đột ngột sụt giảm, đồng thời khẳng định sẽ không lùi bước.
Thông tín viên Loubna Anaki tường trình từ New York :
Đối mặt với những người ủng hộ đến gặp ông ởbangBắc Carolina,tổng thốngJoe Biden dường như đã lấy lại đượcphong độ. Ông tìm thấy giọng nói và mạch nghĩ của mình. Joe Biden nói: “Chúng ta sẽ bảo vệ và giữ vững nền dân chủ !”. Thật khác xa với hình ảnh ứng cử viên bối rối và phờ phạc, khi ông tranh luận với Donald Trump vài giờ trước đó.
Tổng thống đảng Dân Chủ cũng đáp lại nhiều lời chỉ trích sau màn trình diễn yếu kém của mình. Joe Biden giải thích: “Tôi biết là mình không còn trẻ nữa. Tôi không còn đi lại dễ dàng như trước, tôi không còn ăn nói hoạt bát như trước, tôi không còn tranh luận tốt như trước nữa. Nhưng ít nhất tôi biết cách nói sự thật, tôi biết cách phân biệt đúng sai và tôi biết cách hoàn thành phận sự của mình !”
Một lời đả kích trực tiếp nhắm vào đối thủ đảng Cộng Hòa Donald Trump, người đã liên tục tung ra những lời lẽ dối trá trong cuộc tranh luận đầu tiên của chiến dịch tranh cử.
Trong khi thừa nhận màn trình diễn vào tối thứ Năm vừa qua là kém cỏi, Joe Biden nhấn mạnh: “Tôi hứa với các vị rằng tôi sẽ không trở thành ứng cử viên, nếu tôi không thực sự tin tưởng là mình có thể làm được công việc này”.
Tổng thống Biden muốn được ngủ sớm hơn
Điều tra của Reuters/Ipsos cho thấy một phần ba cử tri cánh tả muốn tổng thống rút. Theo một số thăm dư luận, chênh lệch giữa tỉ lệ cử tri ủng hộ đối thủ Donald Trump gia tăng sau cuộc tranh luận này.
Theo CNN và New York Times hôm 04/07, dẫn một số nguồn tin ẩn danh, trong một cuộc họp với các thống đốc bang đảng Dân Chủ, tổng thống Biden cho biết ông sẽ phải nghỉ ngơi nhiều hơn, ngủ nhiều hơn, và sẽ không tham gia các hoạt động sau 20 giờ.
Đức chấp nhận hai quốc tịch
Ngày 27/06, chính phủ Đức vừa thông qua một cuộc cải cách có ý nghĩa lịch sử. Lần đầu tiên, những người có quốc tịch ngoài châu Âu được phép có thêm quốc tịch Đức. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo tuyên bố sẽ đảo ngược lại quyết định này, nếu lên nắm quyền.
Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :
‘‘Đối với phía cánh tả, trước hết với đảng Xanh, đây là một thay đổi cách mạng triệt để, cho phép hiện đại hóa đất nước với việc khiến cho nước Đức trở nên rộng mở hơn với dân nhập cư. Ngược lại, đối với cánh hữu và cực hữu, với quyết định này chính quyền đã hạ giá quốc tịch Đức, và khuyến khích thêm nhiều người nước ngoài đến Đức, trong lúc lẽ ra vào thời điểm hiện nay, cần kiểm soát chặt hơn việc nhập cư.
Như vậy, một trong các cuộc cải cách xã hội chủ chốt của chính phủ đương nhiệm chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay. Cải cách này tạo thuận lợi cho việc cấp quốc tịch Đức với việc rút ngắn thời hạn xét duyệt, từ 8 năm trước đây rút còn 5 năm. Đối với những người hội nhập tốt - hoạt động tích cực về mặt xã hội, thời hạn này có thể rút xuống chỉ còn 3 năm.
Một thay đổi lớn khác, đó là quyền có hai quốc tịch giờ đây trở thành nguyên tắc chung, trong lúc nước Đức cho đến hiện tại, điều này chỉ được phép đối với các công dân thuộc Liên Hiệp Châu Âu và Thụy Sĩ.
Chính quyền Đức dự kiến sẽ có một làn sóng đơn xin nhập quốc tịch, bất chấp việc người nộp đơn sẽ phải xếp hàng chờ rất lâu. Khoảng 200.000 hồ sơ hiện đang chờ xử lý, chỉ tính riêng tại các thành phố lớn, theo một thăm dò. Năm 2023, đã có 200.000 người nhận được quốc tịch Đức, số lượng cao nhất kể từ năm 2000’’.
Sat, 06 Jul 2024 - 114 - Cực hữu trước cửa quyền lực, di dân thành nạn nhân của một nước Pháp bị chia rẽ ?
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị « gậy ông đập lưng ông » khi giải tán Quốc Hội để cử tri « thể hiện trách nhiệm » trước thành tích của cực hữu trong kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu ? Và kết quả ông nhận được là hơn 33% cử tri Pháp đã bầu cho đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN và đồng minh ở vòng 1.
Tự nhận là « giải pháp thay thế », đảng RN công bố chương trình hành động, trong đó ba vấn đề « cấp bách » là sức mua, an ninh, di dân. Trong một nước Pháp bị chia rẽ, di dân có thể trở thành nạn nhân trong cuộc đối đầu thổi bùng làn sóng bài ngoại.
Sau khi kết quả được công bố, thủ tướng Gabriel Attal thừa nhận chính phủ « hiểu được sự thất vọng của cử tri ». Một chính trị gia đối lập cho rằng lẽ ra « tiếng lòng » này phải được lắng nghe từ hai năm trước. Ít nhất hơn 10 triệu cử tri Pháp không còn tin tưởng vào đảng cầm quyền và tìm hy vọng trong đảng cực hữu. Trước viễn cảnh chủ tịch đảng RN Jordan Bardella có thể trở thành thủ tướng nếu (theo tuyên bố trước đây) có được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện (289 ghế), chính sách thắt chặt nhập cư của RN khiến người nước ngoài, di dân cũng như những người mang song tịch không khỏi lo lắng. Trả lời RFI ngày 28/06, ông Alioune Tine, người sáng lập trung tâm AfrikaJom Center, bày tỏ :
« Khi nghe những phát biểu của Bardella, người ta hết sức phẫn nộ, nhất là về những người mang song tịch không được đảm nhiệm một số chức vụ. Thật không tưởng tượng được ! Người ta nghĩ là có hai kiểu người Pháp trong nền Cộng hòa, một kiểu người Pháp gốc, còn một kiểu công dân hạng hai vẫn bị “phân biệt chủng tộc” - phải gọi đúng tên hiện tượng đó. Tôi thấy vô cùng nguy hiểm. Đối với nước Pháp, đó là sẽ sự thụt lùi rất lớn khi kêu gọi bầu cho những người có những phát biểu kiểu này, những phát biểu tấn công vào người châu Phi, Bắc Phi, người Hồi Giáo. Nhìn vào tình hình hiện nay, chúng tôi cho rằng người châu Phi cũng như các nhà lãnh đạo châu Phi phải có trách nhiệm yêu cầu cộng đồng người gốc châu Phi không cho cực hữu Pháp bất kỳ lá phiếu nào ».
Đọc thêm : Đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc muốn loại người Pháp song tịch khỏi các vị trí nhạy cảm, chiến lượcHủy nguyên tắc nhập quốc tịch theo nơi sinh
Ngày 24/06, Jordan Bardella tuyên bố « kiểm soát nhập cư », cả bất hợp pháp lẫn hợp pháp, là chủ đề « cấp bách thứ ba » trong chương trình hành động nếu đảng RN lập được chính phủ (1). Rất nhiều biện pháp thắt chặt, mang tính phân biệt sẽ tác động trực tiếp đến người nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt.
Cụ thể, đảng RN sẽ hủy quyền nơi sinh (được nhập quốc tịch nếu sinh ra trên lãnh thổ Pháp). Thực ra, luật nhập cư được thông qua tháng 01/2024 đã thắt chặt điều kiện này. Thay vì được « tự động » nhập quốc tịch Pháp vào năm 18 tuổi (và phải sống ít nhất 5 năm tại Pháp từ năm 11 tuổi), một trẻ em sinh ra ở Pháp và có bố mẹ là người nước ngoài phải làm thủ tục để xin nhập quốc tịch trong thời gian từ 16 đến 18 tuổi. Nếu chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện, đảng RN sẽ đi xa hơn khi muốn đệ trình « luật khẩn cấp » ngay trong mùa hè để hủy « quyền nơi sinh », đồng thời cho lập một quỹ mới Hỗ trợ sinh mạng khẩn cấp (Aide d’urgence vitale, AUV) thay cho Hỗ trợ Y tế Nhà nước (Aide médicale d’Etat, AME) mà người nước ngoài, thường có thu nhập thấp, được hưởng.
Tuy nhiên, hủy quyền nơi sinh là vấn đề phức tạp về mặt pháp lý và kéo dài. Smaïn Laacher, giám đốc Đài quan sát di trú và tị nạn tại Quỹ Jean Jaurès, lo ngại « điều tệ nhất cho người nhập cư ». Ông giải thích với trang Euractiv : « Hủy quyền nơi sinh sẽ thay đổi triệt để vị trí của di dân trong xã hội Pháp và mối quan hệ giữa xã hội Pháp và di dân. Việc này sẽ dẫn đến một loạt phân biệt đối xử và những vấn đề liên quan đến sự gắn bó với đất nước Pháp, và do đó là với quốc tịch Pháp. Rất nhiều người có thể tự nhủ rằng “Pháp đã chối bỏ chúng tôi nên chúng tôi cũng từ bỏ nước Pháp” ».
Khối Schengen chỉ « dành cho công dân châu Âu »
Xin visa tại một nước nhưng khách nước ngoài có thể tự do đi lại trong toàn khối Schengen. Thế nhưng tự do này có thể sẽ bị chấm dứt nếu đảng RN chiếm đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và giữ chìa khóa điện Matignon. Đảng cực hữu muốn « mở đàm phán với các đối tác châu Âu để duy trì quyền tự do đi lại trong khối Schengen chỉ dành cho công dân châu Âu ». Biện pháp này sẽ đi ngược lại Hiệp ước Tị nạn và Di trú, được Liên Âu thông qua ngày 14/05/2024 nhưng các nghị sĩ châu Âu của đảng RN đã bỏ phiếu chống và có ý định kiện với lý do Liên Âu vượt quá thẩm quyền.
Trên thực tế, một số người nước ngoài cho biết họ cảm thấy bị chú ý hơn, bị kiểm tra nghiêm ngặt hơn khi di chuyển trong khối. Serge Aimé Coulibaly, một nghệ sĩ và biên đạo múa người Burkina Faso, hiện sống ở Úc nhưng thường xuyên biểu diễn ở Pháp và nhiều nước khác trên thế giới, lo ngại về những hệ quả nặng nề đối với các nghệ sĩ châu Phi trong trường hợp cực hữu lên nắm quyền :
« Chắc chắn việc đó tác động vô cùng nặng nề đến công việc, đến di chuyển của chúng tôi. Nhưng tác động sẽ ít hơn những gì người ta nghĩ vì thực ra chúng tôi đang phải hứng chịu rồi. Mọi chuyện lúc nào cũng phức tạp đối với những nghệ sĩ châu Phi như chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ muốn đi lại, cứ như chúng tôi không phải là một phần của thế giới.
Tôi thấy nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp của mình bị chặn lại, không thể biểu diễn trong khi đối với rất nhiều người trong số họ, đó là những dự án cả đời, bỗng bị sụp đổ. Trong những năm gần đây, chúng ta thấy ngày càng có nhiều tác nhân phân biệt chủng tộc, rất nhiều hành động chống người nước ngoài, chủ yếu là chống người châu Phi. Về phần mình, chúng tôi cũng cảm nhận phần nào bị phân biệt trong những buổi trình diễn ở Pháp ».
Đọc thêm : Chống khủng bố, Pháp dự kiến đẩy mạnh trục xuất người nước ngoài nguy hiểm : Giải pháp khả thi ?Thắt chặt nhập cư : Nước Pháp còn tỏa sáng trong giáo dục ?
Về giáo dục, Jordan Bardella cho biết đảng cực hữu chủ trương « chấn hưng học đường » và tạo ra « cú nổ quyền lực » (2) với những biện pháp thắt chặt kỉ cương, như chấn chỉnh cách xưng hô tôn trọng giáo viên nhưng sẽ gây khoảng cách lớn giữa thầy và trò, biến trường học thành « nơi trú ẩn bất khả xâm phạm » để « bảo vệ công chức » trước những sức ép, hăm dọa từ phía phụ huynh, cải thiện kiến thức cơ bản của học sinh… Trong chương trình vận động tranh cử tổng thống năm 2017, bà Marie Le Pen từng muốn hủy quyền « miễn học phí » đối với học sinh là người nước ngoài. Đảng RN cũng từng chủ trương cấm giảng dạy một số ngoại ngữ, như tiếng Ả Rập, trong trường học.
Còn ở cấp đại học và cao học, sự trỗi dậy của đảng Tập Hợp Dân Tộc, về đầu trong cuộc bầu cử Hạ Viện vòng 1 như kết quả thăm dò trước đó, được sinh viên nước ngoài nhìn nhận ra sao ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp, Đại học Sư phạm Paris Saclay, thuộc Đại học Paris Saclay, cho biết :
« Tôi là người trực tiếp quản lý sinh viên quốc tế trong Master Monabiphot quốc tế nên cũng có cơ hội tiếp xúc với nhiều sinh viên đến từ nhiều nước. Có những bạn rất mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về bầu cử ở Pháp. Nhưng cũng có những bạn đến từ những nước, chẳng hạn như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, nơi người ta không có thói quen bày tỏ. Thứ hai, người ta không bày tỏ là do họ bị hạn chế về ngôn ngữ nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra cả, trừ khi họ đọc báo bằng ngôn ngữ của họ. Khi nói chuyện với các bạn ít để ý thông tin hoặc không có thói quen thì họ chỉ biết cười, không hiểu gì cả, người ta còn hỏi lại : Thế thì thế nào hả thầy ? Người ta cũng không sợ sệt chuyện tương lai sẽ xảy ra.
Còn những bạn thường đến từ những nước Bắc Phi, họ nói tiếng Pháp tốt và thực ra họ có nhu cầu sang Pháp nhiều hơn và bằng nhiều con đường, trong đó có con đường « chính thống » tức là đi học, những người này quan tâm đến chính trị ở Pháp hơn thì họ thể hiện những quan ngại nhất định. Nhiều người có khi còn phát biểu rất mạnh, theo kiểu phân biệt chủng tộc. Nhìn chung thì tôi có thể nói như thế. Nhưng phải nói là phần lớn sinh viên quốc tế không thể hiện lắm, trừ khi các thầy hỏi ».
Trong số những nghiên cứu sinh nước ngoài đến Pháp du học, rất nhiều người được chính phủ Pháp cấp học bổng từ bậc thạc sĩ. Đây là một phần trong kế hoạch « Nước Pháp tỏa sáng trên thế giới », có từ năm 2018, nhấn mạnh đến giáo dục-đào tạo tầng lớp tinh hoa cho các nước đối tác, phát triển khối Pháp ngữ… Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều bất cập, theo phó giáo sư Lại Ngọc Điệp :
« Thực ra chương trình « Nước Pháp tỏa sáng », các kế hoạch của chính phủ Macron hiện tại cũng đã được đề cập, nhắc đến nhiều. Nhưng nếu chúng ta đang ở nước Pháp, thì cũng phải thấy rằng từ chuyện nói cho đến chuyện thực hiện rất là khác nhau. Lấy một ví dụ để nói rằng chính phủ của Macron đã muốn nâng cao vị thế của nước Pháp, muốn nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, đặc biệt là sinh viên nước ngoài và thu hút sinh nước ngoài giỏi đến bằng cách là họ tăng học phí đại học, thạc sĩ từ mấy năm nay. Lý do của họ là dùng số tiền tăng học phí để mở các lớp, ví dụ đào tạo thêm tiếng Pháp, hỗ trợ sinh viên… Nhưng trên thực tế thì không khác nhau gì cả bởi vì cách làm không khác nhau, không có lớp tiếng Pháp nào mở ra, sinh viên nước ngoài cũng không có thêm được lợi ích gì và thực ra cũng không thu hút được sinh viên giỏi so với trước đây là bao nhiêu. Tức là trước đây đã thu hút người nước ngoài rồi thì hiện giờ vẫn thế. Từ chuyện chính sách cho đến thực hiện không được đồng bộ lắm ».
Đọc thêm : Pháp : Tiếng Việt, « sinh ngữ hiếm » trong kỳ thi tú tàiVậy kế hoạch này có bị tác động trong trường hợp đảng Tập Hợp Dân Tộc chiếm được đa số tuyệt đối ở Hạ Viện và thành lập được chính phủ ? Phó giáo sư Lại Ngọc Điệp nhận định :
« Thực ra, đối với sinh viên nước ngoài, theo quan sát và suy nghĩ của tôi, chính sách của họ cũng không thể ảnh hưởng quá lớn. Tất nhiên là phải chờ nếu họ lên, họ sẽ làm thế nào bởi vì hiện tại, những chính sách họ đưa ra thì thực ra họ đề cao những điều tốt nhất cho người dân Pháp. Trong các chương trình của họ, họ không nói đến chuyện cấm đoán sinh viên nước ngoài.
Nếu chúng ta là những người có nhu cầu học tập và học tập tốt mà muốn đến nước Pháp để học, sau đó chỉ coi nước Pháp là nơi mình có cơ hội học tập tốt nhất, còn làm việc thì mình có thể làm việc ở Pháp, ở nước ngoài hoặc trở về chính nước mình, nếu trong quan điểm của người đi học, họ nghĩ như thế, thì thực ra tôi nghĩ cực hữu sẽ không phản đối gì. Nhưng nếu trong suy nghĩ của một số người đến nước Pháp với mục đích ở lại, ngoài ra đúng là có một số người nước ngoài không được ở lại hoặc không được thỏa mãn một số thứ thì họ đã phá rối nước Pháp, rõ ràng những người như thế là những người sẽ lo lắng. Còn những người bình thường, tôi nghĩ rằng sẽ không quá ảnh hưởng, mặc dù tất nhiên phải chờ xem nếu cực hữu lên được, họ làm như thế nào nhưng hiện tại tôi, hoặc trong các cuộc trao đổi với đồng nghiệp, thì họ cũng nói là không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không ai dám nói chắc chuyện gì sẽ xảy ra ! »
Mon, 01 Jul 2024
Podcasts ähnlich wie Tạp chí đặc biệt
- El Partidazo de COPE COPE
- Herrera en COPE COPE
- The Dan Bongino Show Cumulus Podcast Network | Dan Bongino
- Es la Mañana de Federico esRadio
- La Noche de Dieter esRadio
- Affaires sensibles France Inter
- La rosa de los vientos OndaCero
- Más de uno OndaCero
- La Zanzara Radio 24
- Espacio en blanco Radio Nacional
- L'Heure Du Crime RTL
- El Larguero SER Podcast
- Nadie Sabe Nada SER Podcast
- SER Historia SER Podcast
- Todo Concostrina SER Podcast
- 安住紳一郎の日曜天国 TBS RADIO
- TED Talks Daily TED
- The Tucker Carlson Show Tucker Carlson Network
- 辛坊治郎 ズーム そこまで言うか! ニッポン放送
- 飯田浩司のOK! Cozy up! Podcast ニッポン放送
- 武田鉄矢・今朝の三枚おろし 文化放送PodcastQR
Andere Nachrichten und Politik Podcasts
- Les Grosses Têtes RTL
- Hondelatte Raconte - Christophe Hondelatte Europe 1
- Entrez dans l'Histoire RTL
- C dans l'air France Télévisions
- Laurent Gerra RTL
- L'œil de Philippe Caverivière RTL
- LEGEND Guillaume Pley
- On marche sur la tête Europe1
- Les récits de Stéphane Bern Europe 1
- Hondelatte Raconte - Cote B Europe 1
- Bercoff dans tous ses états Sud Radio
- L’heure du crime : les archives de Jacques Pradel RTL
- Enquêtes criminelles RTL
- La dernière Radio Nova
- Global News Podcast BBC World Service
- TOCSIN PODCAST TOCSIN MÉDIA
- Culture médias - Thomas Isle Europe 1
- L'Heure des Pros CNEWS
- Pascal Praud et vous Europe 1
- C ce soir France Télévisions