Filtrar por gênero

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

RFI Tiếng Việt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

137 - Chính giới Nga dè dặt về khả năng Trump chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ
0:00 / 0:00
1x
  • 137 - Chính giới Nga dè dặt về khả năng Trump chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ

    Tuần qua, chủ đề thời sự thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế nhất là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 với kết quả là ông Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, ứng viên của đảng Cộng Hòa, tái đắc cử. Tạp chí Thế giới Đó đây của RFI tiếng Việt tuần này tập trung vào phản ứng của chính quyền Đài Bắc, Bắc Kinh, Matxcơva và Vacxava về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

    Đài Loan : Chính giới mong quan hệ với Mỹổn định, doanh nghiệp tính đến các phương án dự phòng

    Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức là một trong những chính trị gia quốc tế sớm chúc mừng ông Donald Trump, tổng thống vừa đắc cử của nước Mỹ trong tuần qua. Đài Bắc mong đợi quan hệ chính trị với Hoa Kỳ ổn định dưới thời tổng thống Donald Trump, nhưng giới doanh nghiệp phải tính đến các phương án dự phòng cho sự bất ổn.

    Từ Đài Bắc, ngày 07/11 thông tín viên Nguyễn Giang gửi về bài tường trình :

    « Đăng lời chúc trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức hy vọng quan hệ Mỹ-Đài tiếp tục là “quan hệ đối tác dựa trên quyền lợi chung, giá trị cùng chia sẻ, tạo nền tảng cho ổn định trong khu vực”.

    Sang ngày thứ Tư (06/11), giờ Đài Loan, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến (DPP) đang cầm quyền ở Đài Loan, bà Hàn Oánh, cũng thay mặt đảng này chúc mừng ông Trump thắng cử. Tuy thế, đảng Dân Tiến cũng cảm ơn tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, và phó tổng thống Kamala Harris đã thúc đẩy quan hệ Mỹ-Đài thời gian qua.

    Bà Hàn Oánh nhấn mạnh rằng sự ủng hộ cho Đài Loan đến từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ và điều đó sẽ không vì bầu cử mà thay đổi.

    "Đài Loan và Hoa Kỳ chia sẻ niềm tin vào các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền và có quyền lợi chung trong việc duy trì ổn định trong khu vực và thúc đẩy kinh tế thịnh vượng”, văn phòng đảng Dân Tiến cho biết.

    Cùng thời gian, hai đảng đối lập Đài Loan cũng chúc mừng ông Trump. Chẳng hạn, chủ tịch Quốc Dân Đảng, Chu Lập Luân (Eric Chu), hy vọng ông Trump sẽ tiếp tục như nhiệm kỳ trước của ông (2016-2020) là làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột, và hỗ trợ hòa bình, ổn định.

    Thế nhưng, ngay khi có tin ông Trump sẽ thắng cử, các doanh nghiệp Đài Loan đã phải đánh giá các rủi ro có thể tới từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung tăng độ nóng tới đây, nếu ông Trump thực hiện các lời hứa tranh cử là đánh thuế nhập khẩu rất cao vào hàng hóa Trung Quốc.

    Chẳng hạn công ty Advantech Co., Ltd., chuyên về tự động hóa phục vụ ngành chế xuất, nói họ đã có cơ sở tại Mỹ, nhưng có thể cần xem xét chấp nhận dán nhãn hàng là “Sản xuất tại Hoa Kỳ” (Made in the USA), chứ không chỉ ghi là “Sản xuất tại Đài Loan, lắp ráp ở Mỹ”. Thậm chí, các nhà máy của họ ở Đài Loan, Trung Quốc và Nhật Bản đang làm ăn tốt nhưng có thể cần phải chuyển sang Mỹ hoặc Mexico, theo trang CNA ở Đài Loan.

    Một công ty khác của Đài Loan là Catcher Technology thì đã tuyên bố mở nhà máy ở Thái Lan. Trước đó, công ty Wistron NeWeb Corporation chuyên làm linh kiện cho Starlinks của tỷ phú Elon Musk, người ủng hộ nhiệt thành cho ông Trump, nói họ đã chuyển thêm sản xuất sang Việt Nam.

    Cùng lúc, nhiều công ty công nghệ Đài Loan tin rằng bám sát thị trường Mỹ sẽ đem lại cho họ cơ hội lớn vì các chính sách của đảng Cộng Hòa thời Trump sẽ tạo điều kiện tốt cho dòng vốn di chuyển.

    Cổ phiếu của đại tập đoàn bán dẫn Đài Loan, TSMC, đã tăng giá cùng cổ phiếu công nghệ Mỹ ngay sau khi có tin Trump thắng cử.

    Bám chặt vào Hoa Kỳ cả về chính trị và kinh tế là cách Đài Loan duy trì vị thế của mình như một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà các quyết định sắp tới của tổng thống Donald Trump có thể gây gián đoạn mậu dịch với Trung Quốc.

    Và để làm vậy, doanh nghiệp Đài Loan sẽ chấp nhận giá thành sản xuất tại Mỹ, chi phí vận tải tăng, thậm chí nếu cần họ sẽ phải bỏ thị trường Trung Quốc, để tồn tại và phát triển thời Trump ».

    Donald Trump thắng cử, động lực thúc đẩy Bắc Kinh phát triển kinh tế mạnh hơn

    Theo Lynn Song, kinh tế gia của ngân hàng ING, được AFP trích dẫn ngày 08/11, dường như kỳ họp Quốc Hội của Trung Quốc ban đầu dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10, đã bị dời lại đến tuần diễn ra bầu cử tổng thống Mỹ 2024 để các nhà ra quyết sách có thể kịp thời phản ứng nếu ông Donald Trump tái đắc cử.

    Kinh tế gia của ngân hàng ING nhận định nếu ứng viên đảng Cộng Hòa Mỹ thắng cử, Bắc Kinh rất có thể phải có một kế hoạch thúc đẩy kinh tế lớn hơn.

    Qi Wang của công ty UOB Kay Hian Wealth Management thì cho rằng việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng « không hẳn là một điều xấu đối với Trung Quốc, vì có thể thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện các biện pháp kích thích lớn hơn ».

    Từ Bắc Kinh, thông tín viên Cléa Broadhurst cho biết thêm về phản ứng của Trung Quốc trước thắng lợi của Donald Trump trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2024 :

    « Mối quan hệ ổn định, lành mạnh và lâu dài giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là lợi ích chung của hai nước và đáp ứng mong đợi của cộng đồng quốc tế.Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, lịch sử đã cho thấy rằng Bắc Kinh và Washington sẽ thua nếu đối đầu trực tiếp.

    Do đó, chủ tịch Trung Quốc kêu gọi đôi bên tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác theo hướng cùng có lợi. Theo ông, đối thoại là điều thiết yếu để giải quyết những bất đồng giữa hai cường quốc.

    Việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ có thể thay đổi quan hệ Trung - Mỹ vốn đã căng thẳng do các chủ đề như Đài Loan, thương mại, nhân quyền cũng như sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.

    Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, Donald Trump đã khởi động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã dọa áp thuế 60% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này có khả năng tác động đến 500 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu.

    Các chính sách này có thể tác động mạnh mẽ đến kinh tế Trung Quốc, hiện giờ đang dễ bị tổn thương.Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã chuẩn bị tốt hơn. Một kế hoạch thúc đẩy kinh tế quy mô lớn, dự kiến ​​được công bố sau kỳ họp Quốc Hội hiện đang diễn ra, có thể thể hiện nhiều tham vọng hơn dự kiến ​​do tác động của kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ».

    Giới bình luận Nga dè dặt trước lời hứa của Donald Trump chấm dứt chiến tranh Ukraina trong vòng 24 giờ

    Cũng như lãnh đạo Trung Quốc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố sẵn sàng đối thoại với tân chủ nhân Nhà Trắng. Ngay từ trước khi chủ nhân điện Kremlin đưa ra tuyên bố nói trên, ông Donald Trump cũng đã khẳng định « hai bên sẽ nói chuyện với nhau ».

    Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ứng viên đảng Cộng Hòa đã tuyên bố nếu ông trở lại Nhà Trắng, ông sẽ khiến chiến tranh Ukraina chấm dứt chỉ trong vòng 20 giờ, làm dấy lên nhiều lo ngại cho những ai ủng hộ Ukraina, nhất là vì ông Trump được cho là vẫn duy trì các cuộc điện đàm với tổng thống Nga Putin sau khi ông đã rời Nhà Trắng hồi năm 2020, thậm chí cả sau khi Putin điều quân xâm lược Ukraina.

    Vậy chính giới Nga tỏ thái độ thế nào khi Donald Trump, vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ trở lại Nhà Trắng trên cương vị tổng thống thứ 47 của Mỹ ?

    Từ Matxcơva, thông tín viên Hoàng Dung gửi về bài tường trình :

    Donald Trump đắc cử, công luận Ba Lan chờ đợi chính sách trên thực tế của tân chính quyền Mỹ

    Ba Lan, một nước chống chính quyền Nga của Putin mạnh mẽ, và ủng hộ cuộc chiến của Ukraina chống quân Nga xâm lăng, những ngày qua cũng hồi hộp ngóng kết quả bầu cử Mỹ bởi chính sách của chính quyền mới của Mỹ sẽ tác động nhiều đến NATO, hay châu Âu, nhưng trên hết là về chiến tranh Ukraina ngay sát cạnh Ba Lan, trong khi Vacxava luôn cảnh giác với chính quyền Putin.

    Từ Vacxava, nhà hoạt động nhân quyền độc lập Tôn Vân Anh cho biết thêm :

    Sat, 09 Nov 2024
  • 136 - Bầu cử Mỹ: Đa số cử tri gốc Việt theo Cộng Hòa, nhưng thế hệ trẻ bầu Dân Chủ

    Một khảo sát năm 2023 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 51% cử tri người Mỹ gốc Việt đã đăng ký có xu hướng nghiêng về đảng Cộng Hòa, trong khi 42% nghiêng về đảng Dân Chủ. Người Mỹ gốc Việt là nhóm cử tri duy nhất của Người Mỹ gốc Á - Thái Bình Dương (AAPI) nghiêng về đảng Cộng Hòa. Họ cũng tích cực tham gia chính trị: 91% cử tri người Mỹ gốc Việt dự kiến đi bỏ phiếu trong năm nay, theo Khảo sát cử tri AAPI năm 2024. 

    Trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ ngày mai, 05/11/2024, cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung cũng vẫn thiên về đảng Cộng Hòa hơn là Dân Chủ, cho nên số người ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump đông đảo hơn số người sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ Kamala Harris. Tuy nhiên, thế hệ trẻ, những người sinh trưởng ở Mỹ thì đa số ủng hộ Dân Chủ.

    Để biết thêm về lá phiếu của cử tri Mỹ gốc Việt trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay, xin mời quý vị nghe tường trình của thông tín viên Hoàng Trọng Thụy từ Orange County, bang California. 

    RFI:Xin chào anh Hoàng Trọng Thụy. Trước hết xin anh cho biết là trước cuộc bầu cử năm nay, tranh cãi giữa phe chống và phe ủng hộ Trump có gay gắt như cách đây 4 năm khi ông Trump thất cử?

    Hoàng Trọng Thụy:Thực ra chuyện tranh cãi giữa phe chống và ủng hộ Trump đã khởi sự từ 2016 kể từ thời điểm ông Trump chính thức được đại hội đảng Cộng Hòa đề cử để giành Tòa Bạch Ốc với bà Hillary Clinton, lúc đó là ngoại trưởng Hoa Kỳ. Đến khi ông Biden chính thức ra tranh cử và được đại hội đảng Dân Chủ đề bạt năm 2020, thì cuộc tranh luận giữa hai phe tiếp tục diễn ra, bao gồm dư luận cử tri Mỹ gốc Việt, mặc dù không gay gắt như thời kỳ 2016.

    Riêng trong năm nay, cử tri Mỹ tiếp tục bị phân hóa. Khi tôi dùng chữ cử tri Mỹ thì cũng bao gồm luôn cử tri Mỹ gốc Việt. Đã có biểu tình giữa hai phe ủng hộ Dân Chủ và Cộng Hòa trên đường Bolsa, ngay trong lòng cộng đồng người Việt tại Quận Cam, mặc dù họ biểu tình để ủng hộ ứng viên Mỹ gốc Việt và một ứng viên Mỹ gốc Hàn, nhưng cũng đồng thời là hai phe đại diện cho thành phần ủng hộ và chống ông Trump.

    Có một điểm nổi bật trong cuộc bầu cử năm nay là Kamala Harris lên thay thế ông Biden. Bà là người phụ nữ gốc da màu. Riêng trong cộng đồng người Việt, văn hóa trọng nam khinh nữ còn tồn đọng, thể hiện rõ nét qua những tuyên bố của những người ủng hộ đảng Cộng Hòa nói chung và phe ủng hộ ông Trump nói riêng. Tôi có nói chuyện với những người nhận họ là cử tri ghi danh đảng Cộng Hòa, họ nói họ không phải là người của MAGA( Make America Great Again - khẩu hiệu của ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump ), không bỏ phiếu cho ông Trump, nhưng họ không chấp nhận tổng thống là phụ nữ và người gốc da màu, nói thẳng với những chữ kỳ thị như gốc da đen. Họ nhắc lại việc bỏ phiếu cho bà Harris cũng không khác gì lá phiếu bỏ cho ông Obama. 

    RFI: Nhìn chung thì số người ủng hộ Trump trong cộng đồng người Việt vẫn đông đảo hay không ? Vì sao những người đó vẫn theo Trump, tuy rằng ông đã có nhiều tai tiếng, thậm chí cách đây gần 4 năm đã kích động những người ủng hộ ông tấn công vào Đồi Capitol, tức là vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ?

    Hoàng Trọng Thụy:Điều này dễ hiểu, một khi đã mê ai rồi thì khó mà giảm bớt sự mê mệt, nhất là nhiều người tôn thờ ông Trump, chưa kể là những người Việt ủng hộ ông Trump vẫn còn cay cú sau sự thất cử của ông năm 2020. Một số người không chấp nhận kết quả bầu cử năm 2020, giờ đây họ càng ủng hộ ông Trump hơn để lấy lại vị thế từng bị mất.

    Có thể nói, chưa khi nào cộng đồng người Việt lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ cho một ứng viên Đảng Cộng Hòa như vậy, không chỉ ở quận Cam, California, mà tại hầu hết các tiểu bang có đông cộng đồng người Việt cư ngụ. Tôi đi nhiều tiểu bang, hầu hết đều gặp những cử tri ghi danh theo Đảng Cộng Hòa, và đa số đều bỏ phiếu cho ông Trump. Họ cho biết tin tưởng ông Trump là người chống Trung Cộng thực sự, là người thực sự đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại và là người thực sự chống chủ nghĩa xã hội và là người chống di dân bất hợp pháp. Còn phía Dân Chủ thì bị xem chỉ là thành phần ủng hộ xã hội chủ nghĩa, ủng hộ phá thai, ủng hộ di dân bất hợp pháp… v.v... Sự ủng hộ Trump được thể hiện ngay cả trong thành phần người Việt hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách xã hội mà Đảng Dân Chủ đã thông qua, từ bảo hiểm Obama cho đến các phúc lợi xã hội.

    RFI: Cuộc bầu cử năm nay không chỉ bầu tân tổng thống mà nhiều nơi cử tri còn bỏ phiếu bầu dân biểu Hạ Viện và Thượng Viện. Cuộc bầu cử Quốc Hội này cũng quan trọng không kém bầu cử tổng thống. Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt tham gia tranh cử, tham gia các hoạt động chính trị và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong chính phủ Mỹ. Cộng đồng người Việt năm nay có một số người ra tranh cử vào Quốc Hội liên bang. Trong cuộc đua này, phe Dân Chủ và phe Cộng Hòa lôi kéo cử tri người Việt như thế nào ?

    Hoàng Trọng Thụy:Lá phiếu của người Việt sống tại các tiểu bang thực sự không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tổng thống, lý do là họ đều sống ở những tiểu bang một là đa số theo Dân Chủ, thí dụ như California, hoặc đa số theo Cộng Hòa, như Texas, hoặc Virginia hoặc Florida. Tại California năm nay có cuộc đua ghế dân biểu liên bang được xem là quan trọng nhất xưa nay trong địa hạt số 45, lại là nơi tập trung người Việt đông đảo nhất, giữa hai ứng viên Derek Trần, đại diện đảng Dân Chủ và đương kim dân biểu liên bang, bà Michelle Steel, đảng Cộng Hòa.

    Riêng ông Derek Trần đã mời được cựu tổng thống Bill Clinton ghé thăm cộng đồng và kêu gọi cộng đồng người Việt bỏ phiếu cho ông. Bà Michelle Steel lại không thấy có nhân vật nổi tiếng nào của đảng Cộng Hòa ghé thăm ủng hộ. Bà đang gặp phải khó khăn liên quan đến một vụ biển thủ công quỹ và hối lộ của cựu giám sát viên Andrew Đỗ, người của đảng Cộng Hòa. Bà là người bạn và cũng là người từng giữ ghế giám sát viên quận Cam chung với ông Andrew Đỗ. Cử tri Việt Nam theo đảng Cộng Hòa hiện đang đứng ở ngã ba đường, vì không biết có nên bỏ phiếu cho người Việt Derek Trần, bỏ qua yếu tố đảng phái, hay vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho bà Michelle Steel, nhưng lại có mối liên hệ trong quá khứ với người của đảng Cộng Hòa đang hầu tòa về tội hối lộ. 

    Còn tại tiểu bang Virginia, cũng có một ứng viên gốc Việt là ông Hùng Cao, đại diện Đảng Cộng Hòa để giành ghế thượng nghị sĩ tiểu bang. Nếu thắng cử, ông sẽ trở thành nhân vật gốc Việt cao cấp nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ trong lịch sử. Đích thân ông Trump đã ghé thăm cộng đồng người Việt ở Virginia để kêu gọi ủng hộ ông Hùng Cao. Cộng đồng người Việt tại đây đa số cũng đang ủng hộ ông.

    RFI: Hoa Kỳ là nơi có cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo nhất. Thế hệ ban đầu là những người sang Mỹ tị nạn sau năm 1975. Tiếp đến là những đợt định cư khác. Tính từ thời điểm 1975 thì đến nay đã gần 50 năm rồi. Ngoài những thế hệ đầu tiên, còn có thế trẻ sinh trưởng bên Mỹ. Có sự khác biệt nào giữa lá phiếu của thế hệ trẻ đó và thế hệ bố mẹ di tản từ Việt Nam ?

    Hoàng Trọng Thụy: Có một điểm chung trong cộng đồng người Việt tại Mỹ khi nói đến vấn đề bầu cử: người Việt tị nạn Cộng Sản từ năm 1975 và theo sau là các cuộc di dân theo diện HO ( Humanitarian Operation - chương trình định cư dành cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa từng bị đi học tập cải tạo ) hay những người từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đa số ủng hộ đảng Cộng Hòa, vì thế các vị trí dân cử theo đảng Cộng Hòa, từ California cho đến Texas, Virginia, khi ra tranh cử đối đầu với người của đảng Dân Chủ thì họ đều thắng, đa số với số phiếu bầu áp đảo từ cộng đồng Người Việt.

    Riêng cuộc bầu cử năm nay tại địa hạt 45 mà tôi có nhắc đến khi nãy sẽ là một thử thách lớn cho ứng viên Dân Chủ Derek Trần. Ông năm nay 43 tuổi và là con của một gia đình người Việt tị nạn. Tương tự như nhiều người trẻ sinh trưởng ở Mỹ, Derek Trần có đầu óc phóng khoáng và tự do hơn và vì thế theo lập trường của đảng Dân Chủ. Đây cũng là khuynh hướng đã hiện hữu từ thập niên qua, nhất là từ lúc kỹ nghệ Internet phát triển và ngày càng làm thay đổi quan điểm và lá phiếu của những người trẻ.

    Gần đây nhất có thể nói đến là thế hệ Swifty, đến từ số khán giả trẻ tuổi ái mộ nữ danh ca Taylor Swift. Cô luôn ủng hộ các ứng viên tổng thống Dân Chủ. Tôi có hỏi một số thành phần trẻ gốc Việt, họ nói tiếng Việt không sành, nhưng đa số đều ủng hộ đảng Dân Chủ, một số cũng không đồng quan điểm của bố mẹ họ, những người di tản từ Việt Nam theo diện tị nạn hay HO 

    Mon, 04 Nov 2024
  • 135 - « Make America Great Again », nỗi hoài niệm khôn nguôi một thời hoàng kim của Mỹ

    Khẩu hiệu vận động tranh cử « Make America Great Again » - « Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại », đã đồng hành cùng Donald Trump từ 8 năm qua. Nếu như khẩu hiệu này đã trở thành một phần không thể tách rời hoạt động chính trị của nhà tỷ phú Mỹ, thì chính Ronald Reagan là người sử dụng câu « thần chú » này lần đầu tiên vào năm 1980. Dấu hiệu này cho thấy, nỗi tiếc nuối một thời huy hoàng của nước Mỹ đã có từ 40 năm trước.

    Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 1980, Ronald Reagan đã dùng đến một khẩu hiệu tương tự « Let’s make America Great again ». Động từ« Make » ở đây nên diễn giải theo nghĩa nào : « Chúng ta hãy làm » hay là « Hãy trả lại » cho nước Mỹ sự vĩ đại, vẫn còn là điều tranh cãi, theo chuyên gia về nước Mỹ, nhà báo Alexandre Mendel trên tạp chí Conflit.

    Ba mươi năm huy hoàng

    Một điều chắc chắn là, ngay từ thời điểm đó, nước Mỹ đã tiếc nuối một thời hoàng kim. Nhưng thời nào mới được ? Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn huy hoàng trong lịch sử kể từ đầu kỷ nguyên công nghiệp nhưng không một thời kỳ nào để lại dấu ấn có thể sánh bằng thời kỳ hậu chiến tranh thế giới.

    Nỗi hoài niệm này phảng phất trong nhiều ca khúc Mỹ nổi tiếng. Bruce Springsteen trong album bán chạy nhất « Born in the USA » phát hành năm 1984, đã quay trở về với Những ngày huy hoàng « Glory Days » thời thơ ấu. Đối với The Boss, biệt danh của Bruce Springsteen, sinh năm 1949, không lâu sau khi kết thúc Đệ Nhị Thế Chiến, đó cũng là « Những ngày hạnh phúc – Happy Days » (1974 -1984) như tựa đề một bộ phim truyền hình nhiều tập cùng thời kỳ, nhớ về Ba mươi năm huy hoàng của nước Mỹ.

    Đây là quãng thời gian kinh tế Mỹ sau chiến tranh đã đạt đến đỉnh cao nhờ động lực của nền công nghiệp quân sự, cũng như là thế mạnh thương mại và khả năng tiếp thị của các doanh nghiệp Mỹ. Hàng hóa sản xuất tại Mỹ như quần jean, kẹo cao su, nước uống Coca-cola, bắt đầu chinh phục thế giới.

    Trả lời trang Conflit (ngày 08/02/2020), nhà báo song tịch Pháp – Mỹ, Gérald Olivier, từng khẳng định khẩu hiệu « Make America Great Again » của Donald Trump chẳng khác gì một nỗi hoài niệm sâu sắc về một nước Mỹ thịnh vượng và hùng cường đã qua.

    « Donald Trump sinh năm 1946, bước sang tuổi 20 vào năm 1966 và do vậy, đã trải qua tuổi thanh xuân trong một thời kỳ mà nước Mỹ rất thịnh vượng. Đó là thời đại của Elvis Presley, thời kỳ dòng nhạc rock’n’roll, đánh dấu sự giải phóng của tuổi trẻ sôi nổi, tràn đầy năng lượng, những người mong muốn và có thể tận hưởng cuộc sống.

    Vào thời kỳ đó, bạn vào đại học năm 18 tuổi, ra trường lúc 22 tuổi, rồi một công ty thuê bạn mà không cần gởi sơ yếu lý lịch, bạn có được một mức lương cho phép mua được một căn nhà sau 6 tháng. Chẳng phải lo lắng cho tương lai bởi vì tiền bạc không phải là một vấn đề. Vào cuối những năm 1960, chúng ta bước vào giai đoạn dư thừa sản xuất và khủng hoảng văn hóa.

    Donald Trump đã chứng kiến tầm ảnh hưởng và sự phong phú của nước Mỹ, và Hoa Kỳ từng là một quốc gia có khả năng áp đặt luật lệ của mình. Hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng kênh đào Suez, ở đó, các cường quốc thuộc địa cũ là Pháp và Anh đã có ý định chiếm giữ kênh đào Suez. Nhưng tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã chấm dứt điều đó. »

    « The day the music died »

    Bài hát Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger năm 1978 có lẽ đã phảng phất chút nuối tiếc về một thời kỳ huy hoàng đó, chí ít là trong âm nhạc. Trong ca từ, Bob Seger cho rằng âm nhạc thời đó đã đánh mất linh hồn so với nền âm nhạc của những người tiên phong trong những năm 1950, 1960.

    Tuy nhiên, biểu tượng thật sự cho sự thay đổi thời đại là bi kịch tai nạn máy bay, cướp đi sinh mạng của ca sĩ Buddy Holly tháng 2/1959 sau một buổi trình diễn tại Clear Lake, bang Iowa. Đối với Don McLean, cái chết của một trong số những thần tượng âm nhạc của ông lúc thuở niên thiếu chẳng khác gì « The day the music died », tạm dịch là « Ngày mà âm nhạc đã chết ».

    « The day the music died », câu hát nổi tiếng này nằm trong ca khúc American Pie, một kiệt tác âm nhạc của Don McLean năm 1971 có thể được xem như là một bức tranh âm nhạc về một nước Mỹ não nùng, một hồi ký về một giấc mơ tan vỡ.

    Theo Julien Grosset, đồng tác giả tập sách « Rock'n'road trip : Les Etats-Unis en 1000 chansons de l'Alabama au Wyoming », Don McLean tóm tắt thành công trong vòng 8 phút những sự kiện quan trọng ở đất nước, từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1970, từ sự lạc quan thoải mái của thời kỳ hậu chiến cho đến những phong trào xã hội vào cuối những năm 1960.

    Trong chương trình « Chiến dịch bầu cử Mỹ 2024 qua âm nhạc », đài RFI, Julien Grosset giải thích :

    « Đối với người thanh niên Don McLean, đó là một thế giới đang sụp đổ. Hồi kết cho một thời đại: Thời đại Glory Days của Bruce Springsteen, thời đại Happy Days của Richie và Fonzie, thời đại Old Time Of Rock’n’Roll của Bob Seger. Với cái chết của Buddy Holly, biểu tượng cho chiếc cầu nối giữa rock’n’roll và nhạc pop sắp đến, một nước Mỹ nào đó, da trắng và truyền thống, đã khép lại một cách biểu tượng một thập niên mà ở đó nước Mỹ đã từng là "vĩ đại", trước khi chuyển qua thời kỳ phản văn hóa, các cuộc ám sát chính trị, các cuộc bạo động sắc tộc và sự trở lại của chiến tranh mà ở đây là Việt Nam trong những năm 1960 ».

    Tháng 9/2024, phim tiểu sử « Reagan » đã ra mắt khán giả Mỹ. Bất chấp nhiều chỉ trích từ giới phê bình, bộ phim tiểu sử của đạo diễn Sean McNamara ngay từ week-end đầu tiên đã thu về 10 triệu đô la. Theo nhà nghiên cứu về Mỹ, Alexandre Mendel, thành công ngoài sự mong đợi của bộ phim, một lần nữa, minh chứng nỗi hoài niệm về một nước Mỹ đã biến mất. Niềm nhung nhớ về sự vĩ đại của nước Mỹ mạnh mẽ đến nỗi đảng Cộng Hòa cũng tổ chức các buổi chiếu phim cho các thành viên của mình. Cứ như là chính bản thân đảng cũng đang hoài niệm !

    Sat, 02 Nov 2024
  • 134 - Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông

    Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông ; Nam Phi được lợi gì với BRICS mở rộng ? Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc ? Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet ; Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela ; Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp. Trên đây là một số chủ đề trong Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

    Nga : Nước gây chiến ở Ukraina muốn làm trung gian cho xung đột ở Trung Đông

    Thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) trở thành diễn đàn kêu gọi hòa bình và mở đàm phán ở Ukraina và Cận Đông. Mọi đề xuất đều được tổng thống Vladimir Putin của Nga, nước gây chiến ở Ukraina, đón nhận “một cách tích cực”, nhưng với một điều kiện được ông nêu trong buổi họp báo ngày 24/10/2024, “đàm phán dựa trên thực tế” chiến trường, nơi Nga chiếm 20% lãnh thổ Ukraina.

    Nước gây chiến ở Ukraina còn cố trở thành trung gian giải quyết xung đột Trung Đông. Moussa Abou Marzouk, cố vấn và nhà đàm phán của Hamas đóng tại Qatar, đến Matxcơva ngày 23/10 để thảo luận với quan chức Nga về “chấm dứtcác cuộc xâm lược vàchiến tranh ở Gaza và trong vùng” cũng như nỗ lực của Matxcơva để thống nhất “các phe phái Palestine”. Còn tổng thống Mahmoud Abbas, trong bài phát biểu tại cuộc họp BRICS mở rộng, đã mạnh mẽ lên án Israel.

    Đặc phái viên RFI Anissa El Jabri tường trình từ Kazan :

    “Những lời kêu gọi hòa bình không ngừng được đưa ra tại diễn đàn thượng đỉnh Kazan. Tuyên bố chung nhắc đến rất nhiều cuộc xung đột nhưng các nước thành viên BRICS lại dành những lời kêu gọi cấp bách nhất để chấm dứt cuộc xung đột ở Trung Đông. Nhân danh chính quyền Palestine, ứng viên gia nhập nhóm BRICS từ ngày 27/08, ông Mahmoud Abbas đã đưa ra lời kêu gọi, theo lời dịch của Nga như sau :

    “Thời điểm đã tới, chúng ta phải chấm dứt bạo lực, bất công và sự bành trướng hoạt động xâm lược của Israel. Israel phải chấm dứt hiện diện bất hợp pháp trên các vùng lãnh thổ Palestine và Đông Jerusalem. Nếu không thực hiện như vậy, chúng ta phải sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại họ. Chúng ta cũng phải làm việc và hợp tác với Liên Hiệp Quốc, với các bên quan tâm đến hội nghị quốc tế vì hòa bình. Vì vậy, chúng tôi cũng trông đợi vào sự ủng hộ của BRICS. Nhóm này có ảnh hưởng thực sự trên trường quốc tế và có thể giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến an ninh”.

    Về phần tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres vẫn giữ vững lập trường của Liên Hiệp Quốc yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động thù nghịch ở dải Gaza và một nền hòa bình công bằng ở Ukraina”.

    Nam Phi được lợi gì với BRICS ?

    BRICS trở thành câu lạc bộ hấp dẫn cho các nước phương Nam. Là nước đầu tiên được 4 thành viên sáng lập (Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga) kết nạp, Nam Phi được hưởng lợi như nào từ năm 2010 ? Thông tín viên Claire Bargelès tại Pretoria giải thích : 

    “Theo quan điểm của chính phủ Nam Phi, diễn đàn BRICS tạo thêm một nền tảng lựa chọn để yêu cầu một trật tự thế giới mới, công bằng hơn. Tổng thống Cyril Ramaphosa cũng muốn thấy trao đổi thương mại được hưởng lợi nhiều hơn từ việc là thành viên của nhóm này.

    Ông phát biểu : “Chúng tôi có một lĩnh vực tài chính hiện đại, cơ sở hạ tầng hạng nhất và tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các nước thành viên khác của BRICS tham gia vào sự phát triển tăng trưởng ở Nam Phi cũng như ở phần còn lại của Châu Phi”.

    Tuy nhiên, cho đến nay, chủ yếu là trao đổi thương mại song phương với Trung Quốc tăng lên đáng kể, như nhận định của nhà nghiên cứu Arina Muresan tại Viện Đối thoại Toàn cầu (IGD) : “Thương mại với Nga và Brazil ít nhiều bị đình trệ và với Ấn Độ thì tăng nhẹ nhưng rất ít so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, xét về những đóng góp hữu hình, về những gì BRICS mang lại cho Nam Phi, chúng ta mới chỉ thu được những lợi ích nhỏ. Nhưng xét về những đóng góp mang tính biểu tượng hơn, đất nước đã được chú ý trên trường quốc tế. Có thể coi chủ yếu nhờ vào việc Nam Phi tham gia BRICS.

    Pretoria cũng có thể hưởng lợi từ các khoản vay từ Ngân hàng Phát triển Mới (NBD) của BRICS kể từ khi thành lập vào năm 2014”.

    Indonesia đang bước vào thời kỳ quyền lực cứng rắn và chính trị gia tộc?

    Ngày 20/10, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Prabowo Subianto, 73 tuổi, đã chính thức nhậm chức tổng thống Indonesia, quốc gia có 280 triệu dân với đa số là người Hồi Giáo. Thắng lợi bầu cử với số phiếu 58,6% của ông Prabowo xác lập tính gia tộc, “truyền ngôi” trong chính trị Indonesia.

    Thông tín viên Nguyễn Giang tường trình từ Đài Bắc :

    “Để lập được một liên minh có sức nặng ra tranh cử, ông Prabowo đã có cú lựa chọn ngoạn mục là nhận ông Gibran Raka, con trai của tổng thống từ nhiệm Joko Widodo (tức Jokowi) làm ứng viên phó tổng thống.

    Tòa Hiến Pháp Indonesia năm ngoái đã hạ tuổi cần thiết để một chính trị gia có thể ra tranh cử phó tổng thống từ 40 xuống 36, giúp cho Gibran đạt tiêu chuẩn. Chánh án phiên tòa, ông Anwar Usman là em rể của tổng thống Jokowi. Bản thân ông Prabowo là con rể của cố tổng thống, nhà độc tài Suharto trước 1989 và nữ chủ tịch Quốc Hội, Puan Maharani, là con gái nữ cựu tổng thống Megawati và là cháu ngoại cố tổng thống Sukarno.

    Điều gây ra lo ngại về di sản “dân chủ thụt lùi” sau 10 năm ông Jokowi cầm quyền còn là xu thế để cho quân đội quay trở lại nắm các chức vụ dân sự và việc nhà nước kiểm soát báo chí mạnh hơn.

    Chính phủ Indonesia đã phục hồi một số luật cũ từ năm 1945 và thời kỳ “Kỷ cương Mới” (New Order) dưới quyền ông Suharto, để cho phép chừng 400 tướng tá được biệt phái sang nắm các chức vụ dân sự gồm cả ngành tòa án. Mới nhất đây, chức tân bộ trưởng ngoại giao được trao cho ông Sugiono, một cựu sĩ quan lực lượng đặc nhiệm Kopassus khét tiếng.

    Một luật khác có hiệu lực từ 2026 hạn chế quyền của bất cứ ai chỉ trích Nhà nước và một luật về truyền thông đang được thảo luận dự kiến sẽ cấm nhà báo mở các phóng sự điều tra.

    Trước khi nhậm chức, ông Prabowo đã sang Matxcơva thăm ông Putin và chọn Nga như một chân của kiềng ba chân, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc và quan hệ an ninh với Hoa Kỳ.Những năm tới Jakarta sẽ ưu tiên quan hệ với các nước lớn, có sức mạnh tài chính hoặc quân sự, chứ không còn giữ vị thế đàn anh trong ASEAN để nâng đỡ các nước nhỏ và yếu như Indonesia đã làm trong Phong trào Không liên kết sau Thế Chiến II”.

    Trung Quốc “thanh lọc” mạng internet

    Trung Quốc muốn làm trong sáng ngôn ngữ trên mạng xã hội, kể cả những ẩn ý, từ mượn để lách kiểm duyệt. Gần đây, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC), hợp tác với bộ Giáo Dục, thông báo triển khai một chiến dịch đặc biệt mang tên “Làm rõ và quản lý việc sử dụng ngôn ngữ trực tuyến”.

    Thông tín viên Cléa Broadhust tường trình từ Bắc Kinh :

    “Chiến dịch khuyến khích việc sử dụng tiếng Quan Thoại chính xác và hạn chế sự phổ biến các phương ngữ và tiếng lóng trên internet, bị coi là có hại cho các chuẩn mực ngôn ngữ. Chiến dịch nhằm mục đích giảm sử dụng cách chơi chữ và những cụm từ mới thường được sử dụng để tránh kiểm duyệt.

    Ví dụ : chế độ độc tài, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng trở thành “chủ nghĩa tập trung dân chủ”, việc cắt giảm tài trợ là “kinh tế và hiệu quả”, thất nghiệp trở thành “việc làm linh hoạt” và khủng hoảng chính trị là “những bước ngoặt thăm dò”.

    Quy chế này chủ yếu là nhằm tìm cách ngăn chặn việc phổ biến các thuật ngữ nhạy cảm về chính trị, liên quan đến những chỉ trích chính phủ, chủ nghĩa xét lại lịch sử hoặc các chủ đề nhạy cảm như Đài Loan, Hồng Kông và nhân quyền.

    Chiến dịch này cũng nhắm đến thanh niên, có nhiều khả năng sử dụng tiếng lóng trực tuyến hơn, điều mà chính phủ coi là mối đe dọa đối với bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Mục tiêu là tạo ra một môi trường trực tuyến “tích cực” và “lành mạnh” hơn.

    Các nền tảng như WeChat, Weibo và Douyin phải giám sát và lọc nội dung để đảm bảo tuân thủ các quy tắc ngôn ngữ này… Và các cơ quan chức năng được khuyến khích tập trung vào việc làm sạch thông tin ngôn ngữ bị coi là bất thường và thiếu văn minh, đồng thời thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ cải chính”.

    Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov cho các nhà đối lập Venezuela

    Hàng năm, Liên Hiệp Châu Âu trao giải Sakharov nhằm vinh danh những cá nhân, các tổ chức và nhóm đã có những đóng góp đặc biệt trong việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng. Giải thưởng được thông báo ngày 25/10/2024 đã dành vinh danh hai nhà đối lập Venezuela Maria Corina Machado và Edmundo Gonzalez Urrutia vì những hoạt động bảo vệ nhân quyền.

    Đặc phái viên RFI Jean-Jacques Héry tường trình từ Strasbourg :

    “Khi chủ tịch Nghị Viện Châu Âu Roberta Metsola thông báo chính thức tên của những người đoạt giải, tất cả nghị sĩ trong hội trường đứng dậy vỗ tay. Maria Corina Machado là thủ lĩnh của các lực lượng dân chủ Venezuela và Edmundo Gonzalez Urrutia, ứng viên đối lập với Nicolas Maduro trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 06 vừa qua. Ông được Liên Hiệp Châu Âu coi là giành chiến thắng, cho nên ông là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.

    Bà Roberta Metsola phát biểu giải thưởng này ghi công “Một cuộc đấu tranh dũng cảm nhằm tái lập tự do và dân chủ ở Venezuela”. Đây cũng là giây phút hân hoan đối với nghị sĩ châu Âu người Bồ Đào Nha Sebastiao Bugalho, thuộc đảng Nhân dân Châu Âu và là một trong những người cổ vũ cho việc hai nhà đối lập Venezuela ra tranh cử tổng thống.

    Ông phát biểu : “Một ứng viên đã thắng trong cuộc bầu cử này, đó là Edmundo Gonzalez. Ở đây(Nghị Viện Châu Âu), người ta đã nói như vậy vào tháng trước khi bỏ phiếu một nghị quyết. Ông ấy đã phải rời bỏ đất nướcvì bị chế độ độc tài truy đuổi. Vì vậy chúng ta nợ Edmundo Gonzalez giải thưởng này và hơn hết chúng ta nợ giải thưởng này với tất cả những người dân Venezuelađã dũng cảm ra khỏi nhà và đi bỏ phiếu”.

    Lễ trao giải sẽ diễn ra vào thứ Tư 18/12 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ở Strasbourg”.

    Bầu cử tổng thống Mỹ : Donald Trump kiện Công Đảng Anh vì can thiệp

    Công Đảng Anh bị kéo vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sau khi bị nhóm hỗ trợ tranh cử của ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang là thế lực “can thiệp nước ngoài trắng trợn”. Đảng cầm quyền ở Anh bị cáo buộc đang cố gắng hỗ trợ bất hợp pháp cho ứng viên đảng Dân Chủ Mỹ. Ngày 23/10, chính phủ Anh bác bỏ cáo buộc này.

    Thông tín viên RFI Emeline Vin tại Luân Đôn giải thích :

    “Ban đầu là thông báo (đã bị xóa) trên mạng xã hội LinkedIn từ người đứng đầu hoạt động của Công Đảng : “Có khoảng một trăm nhân viên Công Đảng sẽ đến Hoa Kỳ, vẫn còn 10 chỗ để vận động ở Bắc Carolina. Chúng tôi lo chỗ ở, hãy liên hệ : Công Đảng vì Kamala”. Trong đơn khiếu nại của mình, Donald Trump cũng đề cập đến “mối liên hệ chặt chẽ” giữa Công Đảng và chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris, đối thủ cạnh tranh chính của ông.

    Những lời cáo buộc được đưa ra khi thủ tướng Keir Starmer đang công du tới quần đảo Samoa... Bộ trưởng Môi Trường Steve Reed là người đã phải giảm thiểu vấn đề trong các chương trình sáng thứ Tư (23/10).

    Ông cho biết : “Các công dân, cá nhân được tự do làm những gì họ muốn với thời gian và tiền bạc của họ. Không có gì lạ khi thấy các nhà hoạt động của một đảng ở nước này đi vận động cho một đảng “anh em” ở nước khác. Điều đó nói lên rằng, không có hoạt động nào trong đó được chính Công Đảng tổ chức hoặc tài trợ : đó là những sáng kiến ​​​​cá nhân, như vẫn được phép làm thế”.

    Thủ tướng Anh đã gặp ông Donald Trump vào tháng 9, hai người được cho là đã tạo dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Luân Đôn bảo đảm rằng “mối quan hệ đặc biệt” gắn kết Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục, bất kể là ai kế nhiệm Joe Biden”.

    Sat, 26 Oct 2024
  • 133 - Quan hệ giữa Trump và Putin được hé lộ trong cuốn sách điều tra của nhà báo Mỹ

    Trong bối cảnh châu Âu muốn siết chặt chính sách nhập cư, nhiều người Maroc, vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào khối 27 nước. Tại Cisjordanie, lực lượng chiếm đóng Israel chặt phá cây oliu của người Palestine bất chấp mùa thu hoạch. Vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Donald Trump và Vladimir Putin được hé lộ trong một cuốn sách. Giải Nobel Văn Học của nữ nhà văn Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.

    Tại Hoa Kỳ, chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, một cuốn sách của nhà báo điều tra Bob Woodward, ra mắt công chúng hôm 15/10 vừa qua đã thu hút sự chú ý của công luận.

    Từng là tác giả tiết lộ vụ bê bối chính trị Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức, nhà báo Bob Woodward lần này hé lộ những mối quan hệ của tổng thống Donald Trump và Joe Biden với các lãnh đạo nước ngoài, trong cuốn sách với tựa đề« War » - « Chiến tranh ». Đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa ông Trump và nguyên thủ Nga, Vladimir Putin.

    Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

    « Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp hành tinh. Các nhân viên y tế bỏ mạng trong bệnh viện. Lúc đó vẫn chưa có vac-xin và có rất ít xét nghiệm để phát hiện bệnh, ngay cả tại Mỹ.

    Là chủ nhân Nhà Trắng thời điểm đó, Donald Trump đã gửi các thiết bị xét nghiệm Covid trực tiếp cho đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin. Trong cuốn sách, nhà báo Bob Woodward cũng trích dẫn một cộng sự của Donald Trump để xác nhận rằng ông Trump có liên hệ trực tiếp với Vladmir Putin sau khi rời Nhà Trắng. Theo nguồn tin này, có ít nhất 7 cuộc điện đàm giữa hai bên từ năm 2021. Kể từ khi thông tin này được tung ra, Donald Trump và đội ngũ của ông đã lên án, coi đó là bịa đặt và gây nghi ngờ danh tiếng của Bob Woodward.

    Ban vận động tranh cử của bà Harris, đối thủ của Donald Trump, thì coi những thông tin này có thể khiến ứng viên đảng Cộng Hòa không đủ tư cách để làm tổng thống. Phe Dân Chủ cũng bị những tiết lộ của nhà báo Bob Woodward, ảnh hưởng đến danh tiếng, đặc biệt là liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng Gaza của Joe Biden và mối quan hệ phức tạp với Benjamin Netanyahu. Cuốn sách xác nhận những thông tin bị rò rỉ trên báo chí cách nay nhiều tháng về việc tổng thống Hoa Kỳ lăng nhục thủ tướng Israel. Nhà Trắng không chính thức bác bỏ thông tin này nhưng nói về một mối quan hệ trung thực và thẳng thắn trước đây».

    Tại Cisjordanie, cây oliu bị chặt phá ngay trước vụ thu hoạch

    Trong tuần vừa qua, cuộc chiến tại Trung Đông vẫn là chủ đề khiến công luận quốc tế quan tâm. Israel tiếp tục thực hiện các cuộc oanh kích thường nhật vào nhiều khu vực tại Gaza, từ bắc chí nam, và vừa tuyên bố đã triệt hạ được thủ lĩnh của Hamas Yahya Sinouar vào hôm qua, 17/10/2024. Đồng thời Israel cũng bị cáo buộc áp dụng chiến lược « bỏ đói », để « giảm dân số Gaza » khi ngăn chặn hàng viện trợ đến dải dất với hơn 2 triệu người Palestine.

    Tại vùng Cisjordanie (Bờ Tây) vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng, vụ thu hoạch quả oliu đã bắt đầu từ khoảng đầu, giữa tháng 10. Đây là thời điểm quan trọng đối với người Palestine, bởi đây là kế sinh nhai của 80 000 đến 100 000 hộ gia đình. Thế nhưng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel, Nhà nước Do Thái đã thắt chặt các biện pháp an ninh đối với người Palestine tại khu vực này. Từ thành phố Qusra, thông tín viên Nicolas Feldmann cho biết thêm thông tin :

    « Ẩn sau các tán cây oliu, ông Ali đập mạnh vào các cành cây để quả oliu rụng xuống một tấm bạt lớn được dải trên đất. Ông cho biết : « Đây là những cây oliu của chúng tôi, là biểu tượng của Palestine, năm nào chúng tôi cũng đến đây. Mùa vụ năm nay khá ổn vì chúng tôi được làm việc trên đất của chúng tôi ».

    Tuy nhiên, có một khu vực mà những người Palestine không thể tiếp cận được nữa. Một người Palestine khác, ông Abdel Azim Wadi chỉ cho chúng tôi về phía một trong những mảnh đất của ông ấy, gần với nơi chiếm đóng Mighdalim do Israel dựng lên. Ông Addel không thể đến đó nữa, vì theo ông ‘những kẻ chiếm đóng sẽ đến và đánh đập ông’. Các cây oliu đã bị chặt phá cách nay vài ngày.

    Ông nói : « Hãy nhìn xem, trong video này, họ đã cắt các cây oliu của chúng tôi. Tổng cộng là 107 cây oliu của tôi và của hàng xóm. Những người định cư Do Thái muốn chiếm đất của chúng tôi. Trước ngày 07/10, chúng tôi đến đây khi chúng tôi buồn, chúng tôi cảm thấy được yên lòng ở đây, nhưng hiện giờ chúng tôi đến cùng với nỗi sợ hãi.

    Tại khu vực này, Israel cũng áp đặt các hạn chế di chuyển. Theo văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kể từ ngày 07/10/2023, một nửa số nông dân Palestine không thể thu hoạch oliu.

    Một nông dân cho biết : « Chúng tôi lo lắng trước hết là vì  không biết khi nào có thể kết thúc vụ thu hoạch, chúng tôi cũng không biết liệu có bán được quả oliu hay không. Họ đã ngừng cấp giấy phép lao động đến Israel, các nhân viên của chính quyền Palestine không có lương. Tôi không thể tính trước được tương lai sẽ ra sao, cuộc sống của chúng tôi hiện rất khổ sở ».

    Theo Abdel Azim, không còn hy vọng gì đối với việc giáo dục con cái hay thấy chúng lập gia đình, mà chỉ mong các con ông có thể sống sót.

    Nhiều người Maroc vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu

    Về thời sự châu Âu, các lãnh đạo châu Âu đã họp tại Bruxelles trong hai ngày, 17-18/10/2024, với trọng tâm là vấn đề nhập cư. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Hội Đồng Châu Âu đã kêu gọi ‘có hành động cụ thể để tạo điều kiện, gia tăng và đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp’ ra khỏi Liên Âu, đồng thời kêu gọi Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đưa ra luật mới để thắt chặt chính sách nhập cư vào khối.

    Đối với công dân tại nhiều nước, đặc biệt là từ các nước châu Phi như Maroc, việc xin visa hợp lệ vào Schengen vốn đã khó, nay càng khó hơn. Từ Casablanca, thông tín viên François Hume-Ferkatadji cho biết thêm thông tin :

     « Ahmed năm nay 14 tuổi. Sau khi tan học tại một ngôi trường ở Tanger, cậu thường đến một trung tâm văn hóa ở khu phố và tham gia diễn kịch. Từ nhiều năm qua, cậu đã chuẩn bị cho hành trình đến Tây Ban Nha hoặc Pháp.

    Cậu nói : « Tôi thực sự muốn rời đi, vì muốn phát triển, muốn cải thiện bản thân, muốn học… mà muốn làm những điều này ở Maroc thực sự là phức tạp vì trình độ không tốt. Tôi sẽ học tốt hơn ở đó, có nhiều cơ hội việc làm hơn. »

    Có hàng ngàn người trẻ muốn làm điều tương tự như Ahmed ở Maroc. Nhưng không phải ai cũng xin được visa để du học, hay làm việc hoặc du lịch ở châu Âu. Maroc là nước thứ hai trên thế giới có nhiều hồ sơ xin visa đến Pháp bị từ chối nhiều nhất. Do vậy, một số đã tìm cách đến Pháp bằng con đường bất hợp pháp.

    Một cư dân ở Fnideq, thành phố miền bắc đất nước, cho biết đã chứng kiến vào tháng trước cảnh người dân cố gắng vượt biên từ Maroc đến vùng Ceuta của Tây Ban Nha. Hơn 3000 thanh niên Maroc đã cố gắng đến vùng lãnh thổ này của châu Âu. Ông nói : ‘Tôi hiểu là những người trẻ này thấy cuộc sống ở đây quá khó khó khăn cho họ, không có khả năng để học tập tốt hay kiếm sống một cách đúng nghĩa. Ở đây, họ gặp rất nhiều khó khăn. Con trai tôi cũng đã vượt biên bất hợp pháp và hiện đang ở Madrid, Tây Ban Nha’.

    Vào năm 2021, Pháp đã quyết định giảm một nửa số visa cấp cho người Maroc, và điều này đã dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Paris đã quyết định bãi bỏ quyết định này một năm sau đó. »

    Giải Nobel văn học của Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách tại Hàn Quốc

    Nhìn sang châu Á, giải Nobel Văn Học được trao cho Han Kang, nhà văn người Hàn Quốc Han Kang vào tuần trước. Một tuần sau, hiệu ứng« Han Kang » vẫn lan rộng tại thủ đô Hàn Quốc, các khách hàng chen chúc nhau trong các hiệu sách, tìm đọc Han Kang. Doanh số của một số chuỗi hiệu sách đã tăng mạnh.

    Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti cho biết tình hình cụ thể :

    « Tại một hiệu sách lớn ở trung tâm thủ đô Seoul, các khách hàng tập trung trước những tấm áp phích in hình nhà văn Han Kang. Một ngày sau khi giải Nobel Văn Học được thông báo, chuỗi hiệu sách lớn của Hàn Quốc đã bán ra hơn 100 000 ấn phẩm, gồm nhiều tác phẩm khác nhau của nhà văn Kang. Đối với những khách hàng mua sách, đây là dịp để khám phá những câu văn đầu tiên của bà. Một người phụ nữ cho biết : « Em trai tôi đã đọc sách của bà và nói rằng rất thú vị. Tôi cũng biết nhiều hơn nhờ theo dõi tin tức, do đó, tôi rất tò mò và đã đến đây để mua sách của bà ».

    Một nữ khách hàng khác thì giải thích : « Tôi nghe tin bà nhận được giải Nobel Văn Học. Tôi không biết nhiều về bà nhưng tôi thích cách mà bà ấy diễn giải và suy nghĩ, có vẻ rất hay, do đó tôi thấy quan tâm và đến đây ».

    Không chỉ trong các hiệu sách, người ta cũng có thể cảm nhận được thành công của Han Kang ngay cả ở bên . Mỗi ngày, những người qua đường dừng lại và chụp ảnh ngôi nhà hay hiệu sách nhỏ của bà, giống như trường hợp của người hướng dẫn viên du lịch này cho các du khách Úc.

    « Trước đó, tôi không biết đây là hiệu sách của nhà văn Han Kang, tôi phát hiện ra khi xem tin tức trên truyền hình, khi thấy bà nhận được giải Nobel. Tôi đi ngang qua và dừng lại chụp ảnh ». Một người đàn ông khác thì nói : « Vậy là Han Kang đã thắng giải Nobel Văn Học và cũng quản lý hiệu sách này, bà làm việc ở đây, trong hiệu sách nhỏ này ».

    Thành công của Han Kang đã tạo một đòn bẩy cho lĩnh vực sách đang gặp khó khăn tại Hàn Quốc. Theo một khảo sát gần đây, cứ 10 người Hàn Quốc thì 6 người không đọc một cuốn sách nào trong năm ».

    Sáng tạo nghệ thuật về sơn mài để gắn kết với di sản truyền thống

    Trong tuần này, Hội chợ Nghệ thuật châu Á Asia Fair Now, diễn ra tại Paris, thủ đô Pháp trong tuần này, từ ngày 17-20/10, với sự hiện diện của nhiều phòng trưng bày nghệ thuật Á Đông, giới thiệu với công chúng tại Paris tác phẩm của các nghệ sĩ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, hay Việt Nam.

    Được mở ra từ năm 2015, sự kiện này được xem là chiếc cầu nối nghệ thuật Đông – Tây. Nghệ sĩ Phi Phi Oanh, người Mỹ gốc Việt, được biết đến với những sáng tạo về sơn mài, cũng có mặt tại đây. Các tác phẩm của cô không chỉ được trưng bày tại hội chợ mà một tác phẩm tên gọi « áo giáp » trong số này, đã được đưa về trưng bày tại không gian triển lãm bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi.

    Dấn thân vào con đường nghệ thuật từ năm 14 tuổi, Phi Phi Oanh bắt đầu với tranh sơn dầu, nhưng dần quan tâm đến sơn mài sau khi theo học tại một trường ở Paris. Vào năm 2004, cô đã nhận được một học bổng từ Fulbright Grant, tài trợ cho các nghiên cứu về tranh sơn mài tại Hà Nội. Kể từ đó, kỹ nghệ truyền thống này trở thành nguồn sáng tạo nghệ thuật của mình. Trả lời RFI Tiếng Việt, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt giải thích :

    « Tôi thấy trong sơn mài có nhiều con đường để đi, chưa khám phá ra, vì mình hay suy nghĩ một chiều về lịch sử sơn mài. Tôi nghĩ rằng có một lý thuyết về sơn mài chưa được viết ra, do đó tôi muốn làm tác phẩm, có thể mở ra con đường đó. Thật ra, tôi làm theo bản năng. Tác phẩm của mình ở trong không gian đương đại đầy thử thách và mở rộng không bị gò bó trong ý tưởng truyền thống. Mình có thể thử thách truyền thống đó, hoặc đặt câu hỏi ngược lại.

    Khi bắt đầu làm một tác phẩm, tôi không nghĩ về chủ đề, và thường bắt đầu một câu hỏi, tùy môi trường mà tôi đang làm việc, hoặc tùy triển lãm mà tôi sẽ có cách làm riêng khác nhau, ví dụ như trong triển lãm này, khi giám tuyển mời tôi làm một tác phẩm liên quan đến triển lãm về 3 họa sĩ Việt, sống và làm việc tại Paris. Khi tôi xem tranh, tôi thấy các họa sĩ vẽ nhiều về phụ nữ Việt Nam, nên tôi tranh thủ làm một tác phẩm về phụ nữ.

    Về Hà Nội lần đầu tiên, làm việc với vật liệu sơn mài thì tôi thấy nó có sức thu hút rất riêng. Nó giống như một cái « practice » của tương lai, trong tương lai sẽ càng ngày có nhiều người, nhiều văn hóa khác nhau, các kỹ nghệ truyền thống có thể giữ quan hệ với một nơi nào đấy, nó nối mình với một địa điểm nào đấy, hay một cột mốc thời gian, địa lý, kéo mình về nơi đó.»

    Theo nữ nghệ sĩ, làm việc với những vật liệu truyền thống và kỹ nghệ xa xưa, giúp kết nối với di sản, với cội nguồn của cô và điều thú vị trong nghệ thuật là có thể cho phép « thể hiện tính cá nhân, cho phép thử nghiệm và sáng tạo ». « Tôi không chỉ học mà còn tham gia vào truyền thống đó », cô khẳng định.

    Sat, 19 Oct 2024
Mostrar mais episódios